Nguyên nhân bệnh ebola

Tìm hiểu chung

Ebola là gì?

Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được gây ra bởi virus Ebola. Virus Ebola tồn tại ở 5 chủng, trong đó có 4 chủng có chứa mầm bệnh lây nhiễm tác động đến con người. Cụ thể là chủng Bundibugyo, Ebola, Sudan và Tai Forest. 

Khi cơ thể bị virus Ebola tấn công, hệ miễn dịch và các cơ quan khác sẽ bị tổn thương làm ảnh hưởng tới khả năng đông máu. Vì vậy, cơ thể sẽ bị xuất huyết nghiêm trọng và không thể kiểm soát được khi bị nhiễm bệnh. 

Bệnh Ebola là một căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên tới 90%.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của Ebola

Ebola thường có biểu hiện như bị cúm thông thường. Những triệu chứng xuất hiện từ 2 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh và thường gặp nhất từ 8-10 ngày.

Các dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã bị Ebola là:

  • Sốt cao;
  • Đau đầu;
  • Đau khớp và cơ;
  • Viêm họng;
  • Đau bụng;
  • Người mệt mỏi;
  • Chán ăn.

Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, sẽ gây xuất huyết bên trong cơ thể, đôi khi mắt, tai hoặc mũi bạn sẽ bị chảy máu. Một vài người sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Nôn mửa;
  • Ho ra máu;
  • Tiêu chảy, máu lẫn trong phân;
  • Phát ban.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Ebola

Hệ thống miễn dịch của mỗi người là khác nhau. Một số người sau khi được điều trị sẽ không để lại biến chứng gì, một vài người khác có thể có một số biến chứng sau:

  • Suy đa tạng;
  • Hôn mê;
  • Xuất huyết nghiêm trọng;
  • Người mệt mỏi và yếu;
  • Rụng tóc;
  • Viêm gan;
  • Vàng da.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến Ebola

Nguyên nhân gây ra Ebola là nhiễm virus Ebola, thuộc họ Filoviridae, chi Ebolavirus.

Khác với những loại virus khác, Ebola không thể truyền bệnh qua đường không khí mà chỉ gây bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch của người bị mắc bệnh. Virus có thể lây nhiễm qua các con đường sau:

  • Máu;
  • Sữa mẹ;
  • Nước bọt;
  • Phân;
  • Tinh dịch;
  • Mồ hôi;
  • Dịch nôn mửa;
  • Nước tiểu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) Ebola?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị Ebola nếu tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) Ebola

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị Ebola: 

  • Tiếp xúc với người hoặc động vật bị Ebola;
  • Đi tới những khu vực đã xảy ra một đợt bùng phát Ebola gần đây;
  • Tiếp xúc với những vật bị có virus Ebola như kim tiêm, vật dụng của người nhiễm bệnh,...
  • Người có sức đề kháng yếu.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Ebola

Những triệu chứng của Ebola thường giống với một số bệnh như: Cảm cúm, sốt rét, thương hàn, dịch tả,... Nếu bạn thấy một số dấu hiệu chứng tỏ bạn đang bị Ebola. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về những triệu chứng đang gặp phải, kiểm tra thăm khám lâm sàng. 

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác xem bạn có bị Ebola không bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm:

  • Xét nghiệm công thức máu: Số lượng bạch cầu và tiểu cầu giảm.
  • Xét nghiệm hóa sinh máu: Tăng men gan như AST, ALT. Trong thời gian tiến triển bệnh Creatinin máu và ure có thể tăng.
  • Xét nghiệm các yếu tố đông máu.
  • Nhuộm soi: Lấy mẫu bệnh phẩm đem đi nhuộm và soi trực tiếp dưới kính hiển vi.
  • Cấy và phân lập virus: Mẫu bệnh phẩm được nuôi cấy trong môi trường thích hợp để phân lập ra virus gây bệnh.
  • Sử dụng kỹ thuật PCR để xác định bệnh.
  • Phản ứng ELISA: Phát hiện kháng thể của virus Ebola.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị Ebola hiệu quả

Hiện nay, vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị Ebola khỏi hoàn toàn. Có hai phương pháp điều trị Ebola bằng thuốc đã được phê duyệt là:

  • Inmazeb: Hỗn hợp của ba kháng thể đơn dòng (atoltivimab, maftivimab và odesivimab-ebgn). 
  • Ansuvimab-zykl (Ebanga) là một kháng thể đơn dòng được dùng dưới dạng tiêm. 

Những thuốc này chỉ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào.

Các bác sĩ chỉ có thể kiểm soát triệu chứng của Ebola bằng cách:

  • Truyền dịch và cung cấp chất điện giải;
  • Thở oxy nếu cần thiết;
  • Chỉ định thuốc để duy trì huyết áp;
  • Truyền máu để bù lượng máu đã bị mất;
  • Điều trị các bệnh nhiễm trùng khác;
  • Cách ly bệnh nhân mắc bệnh Ebola nhằm ngăn chặn lây truyền.

Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Ebola

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Ebola hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng;
  • Tiêm ngừa vaccine phòng chống virus Ebola;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Không sử dụng các thực phẩm từ động vật mắc bệnh;
  • Không nên tiếp xúc với những người hay động vật bị nhiễm bệnh;
  • Tránh tiếp xúc với những động vật hoang dã như dơi, khỉ,...
  • Nếu bạn tiếp xúc với nguồn bệnh, hãy tới gặp bác sĩ ngay lập tức.

  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.