Hiệp thương trong bầu cử là gì năm 2024

Ông Trần Ngọc Nhẫn: Trong nhiệm vụ tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tham gia công tác bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND và trong bầu cử, công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì công tác hiệp thương được xem là hoạt động trung tâm cốt lõi của tất cả các cuộc bầu cử ĐBQH cũng như bầu cử đại biểu HĐND.

QH và HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; còn MTTQ Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân. Do vậy bản chất và ý nghĩa của chế độ hiệp thương trong tất cả các cuộc bầu cử ở nước ta là dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng chính quyền nhân dân, là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

- Ưu điểm lớn nhất trong công tác hiệp thương là giới thiệu được những người ứng cử đủ tiêu chuẩn, thưa ông ?

Ông Trần Ngọc Nhẫn: Trong tất cả các cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND, MTTQ Việt Nam luôn đảm nhận trọng trách là công tác hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử và công tác hiệp thương của Mặt trận đã được luật hoá thành một quy trình với 5 bước khá chặt chẽ như giới thiệu người của các cơ quan đơn vị, tổ chức hiệp thương các lần nhằm thoả thuận về cơ cấu, thành phần, lấy ý kiến cử tri…

Chính vì thế, MTTQ Việt Nam đã lựa chọn giới thiệu được những ứng cử có đủ điều kiện bảo đảm được cơ cấu thành phần đại biểu, bảo đảm được cơ cấu thành phần đại biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cử tri lựa chọn bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND tham gia hoạt động trong cơ quan quyền lực nhà nước.

- Thưa ông, tuy nhiên, công tác hiệp thương cũng không thể tránh khỏi những hạn chế nhất định ?

Ông Trần Ngọc Nhẫn: Theo tôi có 5 tồn tại chủ yếu. Cụ thể là tiêu chuẩn ĐBQH, HĐND còn quá chung chung nên việc hiệp thương lựa chọn người ứng cử thiếu những chuẩn mực cụ thể dẫn đến một số nơi chất lượng người được giới thiệu ứng cử cũng chưa thật tốt; việc lấy ý kiến nhận xét, phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác của người được giới thiệu ứng cử theo quy định của pháp luật về bầu cử chỉ là để tham khảo nên chưa có cơ sở để lựa chọn từ tín nhiệm của cử tri và nhân dân; một số cuộc bầu cử và một số nơi do quá phụ thuộc vào cơ cấu, nhất là cơ cấu kết hợp như nữ, dân tộc, người ngoài đảng, trẻ tuổi… nên ảnh hưởng không tốt đến chất lượng người ứng cử; vấn đề người tự ứng cử luôn là một tồn tại, hạn chế trong tất cả các cuộc bầu cử; có nhiều lý do trong đó có lý do quan trong là pháp luật không quy định tỷ lệ đại biểu được bầu dành cho người tự ứng cử mà phân bổ hết số lượng đại biểu được bầu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cuối cùng là việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử theo quy định của pháp luật thì không được công khai tại hội nghị nhận xét và tín nhiệm nơi công tác nơi cư trú của người ứng cử mà chỉ để lưu hồ sơ ứng cử, khi có đơn tố cáo mới xem xét. Đây là một hạn chế làm ảnh hưởng đến quá trình hiệp thương của MTTQ Việt Nam.

- Vậy ông có gợi ý gì cho nghiên cứu phục vụ kỳ bầu cử sắp tới, nhất là khi việc bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND diễn ra cùng một thời điểm?

Ông Trần Ngọc Nhẫn: Theo quy định của pháp luật về bầu cử hiện hành, mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá 3 đại biểu và số dư rất ít ở mỗi đơn vị bầu cử, như vậy, tổng số đơn vị bầu cử là không nhiều. Việc này có ưu điểm là thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, tuy nhiên, hạn chế đối với việc lựa chọn của cử tri dẫn tới chất lượng đại biểu không cao. Do vậy, cần đổi mới công tác hiệp thương trên cơ sở quy định về việc chia nhỏ các đơn vị bầu cử và số lượng người được bầu cử ở mỗi đơn vị bầu cử. Đặc biệt là số lượng người được bầu nên quy định mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu một đại biểu và số lượng người ứng cử ở đơn vị bầu cử không nên quá hạn chế, người nào có số phiếu bầu hợp lệ cao nhất (không tính quá bán) sẽ là người trúng cử.

Hơn nữa, không nên quy định cứng nhắc về cơ cấu bằng tỷ lệ % mà quy định theo hướng “đổ trần” không quá bao nhiêu %, miễn là có đại biểu đại diện là hợp lý. Đồng thời không nên quy định để UBTVQH (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) và thường trực HĐND (đối với bầu cử đại biểu HĐND) có quyền dự kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu của cơ quan tổ chức đơn vị mà nên quy định cho Hội đồng bầu cử vì thành phần của Hội đồng bầu cử đã có đại diện cấp uỷ Đảng cùng cấp, đại diện cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành pháp và MTTQ. Mặt khác Hội đồng bầu cử chỉ dự kiến một lần, không nên quy định điều chỉnh, vì thành phần hội nghị hiệp thương đã có đại diện của cấp uỷ đảng cùng cấp với tư cách vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo MTTQ Việt Nam. Như vậy công tác hiệp thương của MTTQ Việt Nam sẽ có sự chủ động hơn trong việc lựa chọn trên cơ sở tôn trọng ý kiến của các tầng lớp nhân dân.