Trong chiến tranh trong ta đã kết hợp tiến công địch như thế nào

QPTD -Thứ Hai, 19/07/2021, 09:26 [GMT+7]

Kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; trong đó, kết hợp phương thức chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực là bài học điển hình cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng ta đã vận dụng kết hợp thành công phương thức chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là bước phát triển mạnh mẽ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân, góp phần quan trọng đánh bại hoàn toàn quân Mỹ và tay sai trên chiến trường miền Nam và các cuộc tiến công đường không đánh phá miền Bắc của chúng.

Sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực thể hiện rõ nghệ thuật tổ chức toàn dân, cả nước tiến hành chiến tranh với hai lực lượng quân sự và chính trị, hai hình thức đấu tranh vũ trang và chính trị, tác chiến rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược; kết hợp bạo lực cách mạng với khởi nghĩa của quần chúng, tiến công với nổi dậy, tiêu diệt để làm chủ và làm chủ để tiêu diệt. Chiến tranh nhân dân địa phương và tác chiến bằng các binh đoàn chủ lực luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau phát triển; trong đó, chiến tranh nhân dân địa phương do lực lượng vũ trang địa phương, dân quân, du kích tiến hành rộng khắp trên các địa bàn bằng những trận đánh nhỏ lẻ, bí mật, bất ngờ, hoạt động tác chiến bám trụ, cài xen, quần lộn,… nhưng hết sức hiệu quả, nhằm phân tán, căng kéo, kìm chân địch, tạo thế, lực, thời cơ để bộ đội chủ lực giáng những đòn quân sự mạnh bằng các trận đánh, chiến dịch then chốt, then chốt quyết định, quyết chiến chiến lược,… làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo tiền đề thúc đẩy chiến tranh nhân dân địa phương phát triển. Sự kết hợp đó được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, phát triển lực lượng vũ trang địa phương gắn với xây dựng các binh đoàn chủ lực mạnh, đáp ứng yêu cầu chiến tranh. Để đối phó với một đế quốc có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh hơn ta nhiều lần, chưa từng thất bại ở bất cứ đâu trên phạm vi toàn cầu cho đến thời điểm lúc bấy giờ, Đảng ta chủ trương: “Phát huy cao độ tư tưởng toàn dân đánh giặc, tổ chức vũ trang toàn dân, vừa có quân đội cách mạng tinh nhuệ, vừa có cả toàn dân tham gia đánh giặc bằng mọi cách, ở mọi nơi có địch, bằng mọi vũ khí có trong tay”1. Theo đó, toàn miền Nam tập trung xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cách mạng, đẩy mạnh tổ chức động viên xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng dân quân, du kích ở từng xã, ấp, từng địa phương; tổ chức phong trào “Đồng khởi” ở khắp nơi và nhanh chóng phát triển thành chiến tranh cách mạng; lực lượng vũ trang địa phương không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu tác chiến rộng khắp, cài xen, bám trụ, hỗ trợ cho bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt địch trên toàn chiến trường. Về xây dựng các binh đoàn chủ lực, Đảng ta chủ trương thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, kết hợp xây dựng, phát triển chủ lực tại chỗ, gồm các tiểu đoàn, trung đoàn thuộc các quân khu: miền Đông Nam Bộ, miền Trung Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định,… với thành lập, điều động các sư đoàn chủ lực miền Bắc vào tăng cường cho chiến trường miền Nam. Ban đầu lực lượng vũ trang thường trực của ta so với địch thấp hơn rất nhiều [tỷ lệ 01/10], nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã phát triển mạnh mẽ cả số lượng, chất lượng, biên chế vũ khí, trang bị và tinh thần chiến đấu. Tính đến cuối năm 1961, bộ đội địa phương cấp tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực khu có 24.500 người; du kích, tự vệ có khoảng 100.000 người; bộ đội chủ lực thuộc các quân khu có 11 tiểu đoàn, đủ khả năng tổ chức các trận đánh quy mô cấp chiến thuật và từng bước phát triển lên quy mô chiến dịch, chiến lược.

Hai là, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương kết hợp tạo lập thế trận các binh đoàn chủ lực, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước, trọng tâm là chiến trường miền Nam. Để đối phó với quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền Nam, ta khẩn trương xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, nòng cốt là thế trận của lực lượng cơ động chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trên toàn chiến trường, thực hiện phương châm: “tạo thế ta, phá thế địch”. Địch muốn phân tuyến, cô lập, chia cắt ta giữa miền núi với đồng bằng, bình định nông thôn thì ta tạo thế bám trụ, cài xen, xây dựng các vành đai diệt Mỹ quanh các căn cứ của chúng, thậm chí ngay trong lòng địch, hình thành các “vùng lõm”, “vùng đệm” ở ven đô; xây dựng hệ thống công sự, trận địa, chông, mìn, cạm bẫy,… theo lối đánh du kích tạo thế cài xen - “thiên la địa võng”, thực hiện bám đất, bám dân, “bám thắt lưng địch mà đánh”, “một tấc không đi, một ly không rời”,… nhằm không chỉ phá thế phân tuyến của địch, mà còn uy hiếp chúng mọi lúc, mọi nơi. Địch càng tăng cường lực lượng, càng muốn giành thế chủ động, ta càng đưa chúng vào thế bị động, sa lầy, làm cho chúng giằng co, đấu tranh mâu thuẫn giữa chiếm đóng với cơ động, giữa phân tán với tập trung, giữa phòng giữ với tiến công, giữa “tìm diệt” với “bình định”,… làm đảo lộn hoàn toàn thế trận chiến lược, buộc chúng phải chuyển từ ý định tập trung quân phản công sang phân tán, lui về phòng ngự đối phó; ngược lại, ta củng cố được thế chủ động tiến công, phản công. Đặc biệt, ta đã xây dựng thế trận đứng chân chiến lược của các binh đoàn cơ động hình thành ba khối chủ lực mạnh trên ba hướng: Trị Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ để uy hiếp thường xuyên quân địch; đồng thời, tạo thế chia cắt chiến lược, ghìm chân địch ở hai đầu [Trị Thiên, Đông Nam Bộ], sẵn sàng đánh khúc giữa [Tây Nguyên].

Cùng với đó, ta chủ động xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vùng trời, vùng biển miền Bắc, kết hợp thế trận phòng không nhân dân địa phương với thế trận phòng không của Quân chủng Phòng không - Không quân hình thành thế trận phòng không vững chắc, nhiều tuyến, nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch từ xa đến gần, từ cao xuống thấp trên nhiều hướng, đập tan các đợt tập kích đường không của Mỹ.

Ba là, kết hợp tác chiến bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược của lực lượng vũ trang địa phương với tác chiến bằng các trận đánh, chiến dịch của bộ đội chủ lực làm thay đổi cục diện chiến trường. Với nghệ thuật tác chiến bằng ba mũi giáp công [chính trị, vũ trang và binh vận], lực lượng vũ trang địa phương đã kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh chính trị ở khắp nơi “không phải chỉ có hàng vạn trận đánh của bộ đội địa phương và dân quân du kích, tự vệ… mà có hàng vạn cuộc đấu tranh chính trị lớn, nhỏ của nhân dân”2; đồng thời, lực lượng binh, địch vận còn tiến công mạnh vào ý chí, tinh thần quân địch, với khẩu hiệu “diệt một làm tan rã mười”, ta vừa đánh địch, vừa vận động binh lính địch làm binh biến, rã ngũ. Trên cả ba vùng chiến lược [rừng núi, đồng bằng nông thôn và đô thị], lực lượng vũ trang địa phương “với quy mô hoạt động nhỏ, lẻ, vừa phân tán, vừa tập trung linh hoạt, có nhân hòa, địa lợi nên lại càng có khả năng tiêu hao, tiêu diệt, thực hiện những trận đánh hay, đánh hiểm diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh quan trọng của địch”3. Đặc biệt, cách đánh du kích “xuất quỷ, nhập thần”, đánh mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi loại vũ khí, đánh cả phía trước, bên sườn, phía sau, trong lòng địch,… làm cho địch khiếp sợ, nản chí.

Được sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của lực lượng vũ trang địa phương cả về thế, lực, thời cơ, bộ đội chủ lực đã tiến hành hàng loạt trận đánh, chiến dịch, như: Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài,… trong Xuân Hè 1965 với nhiều quy mô, hình thức trên các loại địa hình; kết hợp chặt chẽ tiến công, phản công và phòng ngự, lấy tiến công, phản công là chủ yếu, đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Đồng thời, tổ chức mở các chiến dịch lớn: PlayMe, Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên,… sử dụng lực lượng tập trung, tạo sức mạnh vượt trội so với địch trong từng chiến dịch; chuyển hóa thế trận linh hoạt, tổ chức nghi binh lừa, dụ, điều địch vào thế ta đã chuẩn bị sẵn, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Đây là nghệ thuật đặc sắc mà Mỹ phải thừa nhận: “Đã đánh theo cách đánh mà kẻ thù lựa chọn, chứ không phải theo cách đánh của ta [Mỹ]”4. Nhờ vận dụng sáng tạo, linh hoạt, độc đáo các cách đánh, trọng tâm là kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến bằng các binh đoàn chủ lực mà ta đã bẻ gãy các đợt tiến công, hành quân càn quét, tiêu diệt lớn lực lượng, phương tiện của địch, làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi.

Bốn là, kết hợp đòn tiến công quyết chiến chiến lược của các binh đoàn chủ lực với nổi dậy của quần chúng, giành thắng lợi trên toàn chiến trường, kết thúc chiến tranh. Về tác chiến quy mô chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ có Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tiến công chiến lược năm 1972, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong đó, nổi lên là kết hợp tổ chức một loạt các chiến dịch chiến lược, như: Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch quyết chiến chiến lược Hồ Chí Minh lịch sử với chiến tranh nhân dân địa phương và phong trào nổi dậy của đông đảo quần chúng ở nông thôn, đồng bằng, đô thị, tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã sử dụng quy mô 04 quân đoàn chủ lực [1, 2, 3, 4] và Đoàn 232, Khu 8 đồng loạt tiến công trên 05 hướng, hình thành thế trận bao vây, chia cắt, tiêu diệt toàn bộ sào huyệt cuối cùng của địch. Các đòn tiến công của chủ lực tạo điều kiện, tiền đề thúc đẩy chiến tranh nhân dân địa phương phát triển, mở rộng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và khắp miền Nam, đánh vào hậu phương, căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, giao thông, đô thị,… phát huy tổng hợp sức mạnh quân sự, chính trị, binh, địch vận và nổi dậy của quần chúng, kiên quyết tiến công để tiêu diệt, làm chủ và tiêu diệt, làm chủ để tiến công, đánh tan ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền, giành thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi oanh liệt, đầy tự hào của dân tộc đang lùi xa vào lịch sử, nhưng những bài học nghệ thuật quân sự, nhất là bài học về kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến của các binh đoàn chủ lực vẫn còn nguyên giá trị cần được nghiên cứu, phát triển, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. ĐỖ QUANG VINH, Trường Sĩ quan Lục quân 1
____________________

1 - Bộ Quốc phòng – Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước [1954 - 1975], Nxb QĐND, H. 1996, tr. 161.

2 - Bộ Quốc phòng – Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước [1954 - 1975], Nxb QĐND, H. 1996, tr. 162.

3 - Sđd, tr. 164.

4 - Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị – Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi và bài học, Nxb CTQGST, H. 2015, tr. 180.

Video liên quan

Chủ Đề