Tại sao chích vaccine bị đau tay

Tình trạng đau nhức bắp tay sau khi tiêm vaccine có thể thuyên giảm đáng kể chỉ với một số bí quyết giảm đau đơn giản tại nhà.

Vaccine thường được sử dụng phổ biến dưới dạng tiêm bắp tay. Khi tiêm vaccine vào cơ thể, mũi kim sẽ tạo thành một vết thương nhỏ trên cánh tay. Lúc này, tế bào miễn dịch bắt đầu di chuyển đến đây để xem xét các tổn thương. Khi nhận thấy mầm bệnh trong vaccine, tế bào miễn dịch sẽ truyền tín hiệu thông báo giúp cơ thể thư giãn các mạch máu xung quanh cũng như gửi thêm tế bào miễn dịch đến để "chiến đấu" với các yếu tố ngoại lai và chữa lành vết thương. Đây được gọi là phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vaccine. Nó cho phép hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể, giúp cơ thể "làm quen" và học cách chống lại nhiễm trùng trước khi tiếp xúc với vi khuẩn hoặc virus thật sự trong tương lai. Dù mang đến nhiều lợi ích phòng bệnh nhưng quá trình này lại thúc đẩy phản ứng viêm và có thể khiến vị trí tiêm ở bắp tay càng thêm sưng đau.

Tại sao chích vaccine bị đau tay

Thông thường, tình trạng đau bắp tay sau khi tiêm chủng sẽ tự hết mà không cần can thiệp hay điều trị. Ảnh: UPMC MyHealth Matters

Nhìn chung, tình trạng đau nhức bắp tay sau khi tiêm chủng là phản ứng bình thường và chỉ giới hạn xung quanh vị trí tiêm. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện trong vòng 24 giờ và có thể kéo dài khoảng 1 - 2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên, thời gian bị đau bắp tay có thể khác nhau tùy vào loại vaccine và cơ địa của từng người. Ví dụ, vaccine ngừa bệnh zona Shingrix có xu hướng gây đau bắp tay mạnh và kéo dài hơn các loại vaccine khác.

Nếu tình trạng đau bắp tay sau khi tiêm phòng gây ra nhiều cảm giác khó chịu, hãy thử áp dụng các phương pháp giúp giảm đau dưới đây:

Vận động tay thường xuyên

Nhiều người có xu hướng bất động cánh tay sau khi tiêm vaccine vì đau. Tuy nhiên, điều này khiến tình trạng đau bắp tay càng thêm nghiêm trọng hoặc lâu khỏi hơn. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến cáo người mới tiêm vaccine nên vận động cánh tay nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu đến khu vực tiêm, từ đó giúp giảm viêm và cứng cơ. Tuy nhiên, nên lưu ý chỉ vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động như nâng vật nặng hoặc đẩy mạnh.

Chườm lạnh và chườm ấm

Chườm lạnh hay chườm đá thường được áp dụng để giúp làm giảm tình trạng sưng tấy ở vị trí tiêm. Người mới tiêm vaccine nên chườm lạnh trong khoảng 20 phút mỗi lần và nghỉ ít nhất 20 phút trước khi chườm lại. Hãy chườm lạnh trong vài ngày rồi chuyển sang chườm ấm. Việc chườm ấm sẽ thư giãn các cơ ở cánh tay và tăng lưu thông máu đến khu vực này, từ đó giúp giảm viêm và giảm đau hiệu quả.

Dùng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen có thể được dùng để giảm tình trạng đau nhức bắp tay khi tiêm chủng. Tuy nhiên, chỉ nên uống thuốc giảm đau sau khi tiêm.

Tại sao chích vaccine bị đau tay

Các chuyên gia khuyến nghị không nên uống thuốc giảm đau trước khi tiêm vaccine. Ảnh: AP

Một số cách khác có thể được áp dụng để giảm đau bắp tay sau khi tiêm chủng bao gồm: đặt một chiếc gối để hỗ trợ bên dưới cánh tay khi ngủ, tránh nằm nghiêng về phía cánh tay bị đau, uống đủ nước, mặc quần áo thoải mái, tay áo rộng rãi.

Nếu đã áp dụng hết các biện pháp trên mà tình trạng đau vẫn không thuyên giảm, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay. Bởi đôi khi kim được tiêm quá cao có thể dẫn đến các vấn đề ở vai, bao gồm đau dây thần kinh và hạn chế phạm vi cử động vai. Cơn đau do tổn thương vai có xu hướng xuất hiện trong vòng 2 ngày sau khi tiêm vaccine và kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp.

Phương Quỳnh (Theo Verywellhealth, Goodrx)

Không massage hay chà xát vết tiêm, nghỉ ngơi đầy đủ và vận động hợp lý để thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể cũng như giúp vaccine sớm phát huy hiệu quả.

Sau tiêm vaccine, đặc biệt là vaccine ngừa Covid-19, mọi người có thể gặp các phản ứng như chóng mặt, sốt, đau nhức bắp tay, nhức bả vai... Trong đó, đau nhức bắp tay, bả vai là hiện tượng phổ biến.

Bác sĩ Paul D’Alfonso (chuyên gia trị liệu Phòng khám Maple Healthcare) cho biết đau bắp tay sau tiêm vaccine là phản ứng phụ thường gặp, với tên viết tắt là SIRVA. Hiện tượng này xảy ra khi vaccine không được tiêm vào cơ bắp mà tiêm vào vùng gân bao tay dưới cơ, khiến các mô bị kích thích và viêm. Nguyên nhân do người tiêm đưa kim vào quá sâu hoặc gân bao tay của người được tiêm quá nông, nên khi kim tiêm được đưa vào sẽ dễ đâm lấn vào vùng này, gây tổn thương.

Theo bác sĩ Paul, một số nghiên cứu chỉ ra hiện tượng này phổ biến ở những người trong độ tuổi 40-60, đặc biệt là nữ giới, có bệnh nền như tiểu đường type một và rối loạn tuyến giáp.

"Chú ý nếu cơn đau kéo dài kèm theo những triệu chứng nguy hiểm hơn như nổi ban đỏ, phù mí mắt, khó thở, tiêu chảy liên tục, tăng huyết áp... nên liên hệ y tế để được giúp đỡ", bác sĩ khuyến cáo. Một số trường hợp đau bắp tay nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc và cuộc sống.

Để điều trị chứng đau bắp tay sau tiêm vaccine, có thể giảm đau bằng cách thuốc chống viêm không steroid, tiêm cortisone giảm đau tại vùng vai, hoặc giảm đau không dùng thuốc - không xâm lấn bằng vật lý trị liệu, giãn cơ. Trong đó, phương pháp được ưu tiên là dạng điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu như giảm đau viêm bằng sóng siêu âm, chạy điện, kết hợp trị liệu giãn cơ để phục hồi chức năng cơ và nâng tầm vận động.

Lê Phương

Gần đây một số tác giả cho biết sau tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech có thể có một số trường hợp xuất hiện hiện tượng gọi là "cánh tay COVID", vậy, thực chất hiện tượng đó là gì và xử trí như thế nào để nhanh chóng biến mất "cánh tay COVID"?

Biểu hiện của hiện tượng "cánh tay COVID": da vùng tiêm cảm thấy nóng ấm khi chạm vào.

"Cánh tay COVID" là gì?

Đó là phản ứng sau tiên vắc xin Moderna hoặc Pfizer-BioNTech phòng COVID -19 tại cánh tay, là một phản ứng của hệ thống miễn dịch mà một số người gặp phải sau khi tiêm vắc xin Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, vì vậy, người ta gọi là "cánh tay COVID".

Thực ra, đây không phải là chuyện hiếm thấy sau tiêm bất kỳ một loại vaccine nào cho cả trẻ em và ngay cả người trưởng thành, đó là hiện tượng đau và sưng tấy tại chỗ tiêm là những phản ứng thường gặp với người sau tiêm vaccine, được gọi là phản ứng phụ nhẹ hay là phản ứng không mong muốn.

Tại sao xuất hiện triệu chứng "cánh tay COVID"?

Đó là một phản ứng da quá mẫn cảm tốc độ chậm - xảy ra trên hoặc xung quanh vết tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech. Xuất hiện sau vài ngày đến 1 tuần hoặc lâu hơn sau khi tiêm mũi thứ nhất hoặc mũi thứ hai.

Theo một số tác giả cho biết, một số nghiên cứu trên những người gặp phải hiện tượng này cho thấy, các triệu chứng "cánh tay COVID" thường xuất hiện khoảng 7 ngày sau mũi tiêm đầu tiên và 2 ngày sau mũi tiêm thứ hai ở một số người. Triệu chứng "cánh tay COVID" được cho là một phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, thể hiện rằng các tế bào miễn dịch của cơ thể đang phản ứng với các tế bào cơ nơi đã hấp thụ vắc xin mRNA.

Tác dụng của vaccine phòng COVID-19 mRNA giúp cơ thể tạo ra một loại protein, gọi là protein S. Trong khi đó, trong một số trường hợp lại khiến hệ thống miễn dịch xác định đó là một tình trạng nhiễm trùng cần được loại bỏ, vì vậy, dẫn đến phản ứng của hệ miễn dịch quá mức, gây nên các dấu hiệu của triệu chứng "cánh tay COVID".

Tuy nhiên, hiện nay vắc xin COVID -19 mRNA vẫn còn rất mới, cho nên chúng ta vẫn chưa biết thật rõ ràng về cơ chế chính xác gây ra các triệu chứng của "cánh tay COVID", vì vậy, các nhà khoa học trên toàn thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về hiện tượng này.

Các triệu chứng của "cánh tay COVID" là gì?

Đó là sau khi tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, sau 7 ngày tiêm mũi 1 và 2 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2, một số trường hợp có thể xuất hiện ngứa, (có thể ngứa dữ dội); phát ban đỏ hoặc đổi màu vùng da quanh chỗ tiêm với các kích thước khác nhau.

Trong một số trường hợp, phát ban có thể lan tới bàn tay hoặc ngón tay. Ngoài ra, có thể thấy sưng tấy; đau; da vùng tiêm cảm thấy nóng ấm khi chạm vào; xuất hiện các cục u cứng dưới da tại vị trí tiêm.

Như vậy, đây là một phản quá mẫn của hệ thống miễn dịch của một số người và không gây nguy hiểm gì, bởi vì, sự tồn tại của " cánh tay COVID" ở một số người chỉ thường kéo dài từ 3 - 5 ngày.

Tình trạng này sẽ không tiến triển nặng nề đến mức đe dọa tính mạng hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng nào và cũng không liên quan đến phản vệ sau tiêm, tức là cơ thể vẫn hình thành kháng thể kháng COVID -19 một cách bình thường. Tìm hiểu và biết được điều này để người được tiêm vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech hoàn toàn yên tâm.

Nếu xảy ra hiện tượng"cánh tay COVID" nên xử trí như thế nào?

Mặc dù không nghiêm trọng, không đáng phải lo ngại nhưng "cánh tay COVID" có thể gây khó chịu và phiền toái cho người gặp phải.

Do vậy, trước hết cần hết sức bình tĩnh vì biết rằng không có gì nguy hiểm và hiện tượng đó không ảnh hưởng đến quá trình sinh kháng thể chống COVID-19.

Đồng thời nên báo cho bộ phận y tế theo dõi việc tiêm chủng để có hướng dẫn hoặc chỉ định điều trị thích hợp tránh gây hiện tượng khó chịu và phiền toái cho người được tiêm vaccine. Trong khi chờ xử trí của y tế có thể chườm mát (không chườm lạnh) tại nhà có thể giúp giảm đau, sưng và ngứa.

Xin lưu ý là điều trị "cánh tay COVID" không làm giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch với vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech đã được tiêm. Mặt khác hiện tượng "cánh tay COVID" kéo dài (nếu có) sau mũi tiêm thứ nhất vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech không phải là lý do để trì hoãn hay chống chỉ định tiêm mũi thứ hai vaccine Moderna hoặc Pfizer-BioNTech, bởi vì, đó là điều cần thiết để có được hiệu quả miễn dịch tốt nhất.

Do đó, để phòng chống COVID-19 thì vaccine là lá chắn tốt nhất không phải bàn cãi, bên cạnh đó mọi người phải thực hiện nghiêm túc "5K" ngay cả khi đã được tiêm đầy đủ vaccine. Những địa phương đang thực hiện giãn cách càng phải thực hiện một cách thật nghiêm túc.

Theo Sức khỏe và đời sống