Mẹ cho con bú tiêm vaccine covid được không

Covid-19: Bà mẹ mang thai và cho con bú có nên tiêm vaccine?

Mẹ cho con bú tiêm vaccine covid được không
Mẹ cho con bú tiêm vaccine covid được không

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, người hiện đang trong nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 của Trung tâm nghiên cứu ung thư City of Hope tại California, Hoa Kỳ, hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu trên nhóm đối tượng bà mẹ mang thai và cho con bú - vốn được coi là nhạy cảm này.

Do đó, việc tiêm hay không tiêm vẫn là mối băn khoăn của nhiều bà mẹ mang thai tại Việt Nam. Nhiều câu hỏi được đặt ra là kể cả nếu quyết định tiêm thì nên tiêm ở giai đoạn thai kỳ nào? Chọn loại vaccine nào? Đối tượng nào không nên tiêm?

Mẹ cho con bú tiêm vaccine covid được không
Mẹ cho con bú tiêm vaccine covid được không

Theo TS Vũ, so với các bà mẹ cho con bú, nhóm phụ nữ mang thai cần cẩn trọng hơn vì quá trình phát triển của thai nhi rất phức tạp và nhạy cảm. Liên quan đến các nguy cơ của phụ nữ mang thai, người ta thường quan tâm đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật bẩm sinh, tử vong sơ sinh, v.v…

Nên tiêm giai đoạn nào của thai kỳ?

Theo các chuyên gia, hiện chưa có nghiên cứu hoàn chỉnh nào chứng minh rõ ràng ảnh hưởng của vaccine Covid-19 lên phụ nữ mang thai.

Tuy nhiên, các kết quả cho đến hiện nay dựa trên các thử nghiệm động vật và những dữ liệu thu thập từ người mang thai đã chích ngừa cho thấy việc tiêm vaccine Covid-19 cho bà mẹ mang thai là khá an toàn. Và việc chích ngừa ở giai đoạn sau của thai kỳ (ít nhất sau 3 tháng đầu) thì sẽ an tâm hơn.

Chụp lại video,

Không muốn tiêm vaccine Trung Quốc, từ chối có bị xử phạt?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ California, TS Nguyễn Hồng Vũ nêu ví dụ một nghiên cứu gần đây tại Mỹ trên 3958 bà mẹ mang thai đã chích vaccine Covid-19 cho kết quả như sau: 12.6% bị sẩy thai, 9.4% sinh non, 3.2% sinh con có kích thước nhỏ, 0.1% thai chết lưu.

Kết quả này khá tương tự với kết quả của các khảo sát trước đó đối với các bà mẹ mang thai nói chung. Nghĩa là vẫn nằm trong giới hạn thông thường của các tỷ lệ nguy cơ trong giai đoạn mang thai.

Trong số những phụ nữ sinh con thành công (vẫn thuộc nghiên cứu này), đa số (98,3%) đã chích vaccine Covid-19 trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba.

Chụp lại video,

Covid-19: Bán phở và hát tình ca để vượt qua đại dịch

Trong số những người sinh con có dị tật, không ai đã tiêm vaccine trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất hoặc giai đoạn thai nghén.

TS Vũ nhấn mạnh rằng các nghiên cứu cho tới nay chưa cho phép hiểu rõ liệu có 'nguy cơ nhỏ' nào nếu tiêm vaccine Covid-19 trong giai đoạn mang thai hay không vì hầu hết các nghiên cứu chỉ so sánh dựa trên các nhóm đối chứng sẵn có trước đó chứ không phải nhóm đối chứng trực tiếp được lập ra với các đặc điểm tương đồng như trong một thí nghiệm lâm sàng.

"Tuy nhiên, kết quả của các nghiên cứu này cho thấy rằng lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19 vẫn cao hơn không tiêm rất nhiều," TS Vũ khẳng định.

Ông Vũ giải thích: "Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ thay đổi. Tử cung ngày càng lớn, đẩy lên trên làm giảm dung tích phổi, hệ thống miễn dịch bị ức chế một phần để không gây hại cho em bé. Điều này khiến phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19 sẽ trầm trọng hơn phụ nữ cùng tuổi không mang thai.

"Nếu mắc Covid-19 và phải nhập viện, phụ nữ mang thai có nguy cơ sinh non dao động từ 10% đến 25%, với tỷ lệ cao nhất là 60% khi bệnh trở nặng."

Với bà mẹ có con bú thì sao?

Đối với bà mẹ cho con bú, các số liệu nghiên cứu hiện cũng khá hạn chế, dẫn đến sự lưỡng lự trong thời gian qua của các tổ chức y tế trong việc quyết định có nên chích ngừa vaccine Covid-19 cho nhóm này.

Cũng theo TS Nguyễn Hồng Vũ, trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng pha 3 của các loại vaccine Covid-19 hiện nay, không có nhóm phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, cho đến hiện nay đã có một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ cho con bú nên được chích vaccine Covid-19 vì những lợi ích của nó mang lại.

"Các vaccine Covid-19 đang được sử dụng hiện nay cho thấy khá an toàn với bà mẹ cho con bú. Vaccine sử dụng mRNA như Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho thấy rất an toàn vì mRNA là phân tử không bền, rất dễ bị phân hủy sau khi đưa vào người và trình diện kháng nguyên S cho tế bào miễn dịch," TS Vũ nói.

Chụp lại video,

Mức độ hiệu quả và an toàn của vaccine Sinopharm (Trung Quốc)

TS Vũ đưa ra ví dụ về nghiên cứu của nhóm Golan ở đại học California ở San Francisco, trong đó sử dụng kỹ thuật RT-PCR để kiểm tra lượng mRNA có trong sữa từ người mẹ được chích ngừa vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna (sau khoảng 4-48 giờ). Kết quả là không thấy được bất cứ lượng mRNA nào từ vaccine trong sữa mẹ.

Ngoài ra, những loại vaccine được làm từ Adenovirus như AstraZeneca hoặc Jassen (Johnson & Johnson) cho đến hiện nay cũng cho thấy khá an toàn vì chúng đã được biến đổi gen để không thể sinh sản trong cơ thể người và cũng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có thể truyền qua sữa mẹ qua con bằng đường chích ngừa.

Bên cạnh lợi ích phòng ngừa nhiễm Covid-19 cho bà mẹ thì việc chích ngừa vaccine Covid-19 còn có thể mang lại lợi ích cho em bé đang bú sữa mẹ.

Theo TS Vũ, các nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy kháng thể được tạo ra từ người mẹ sau khi chích vaccine Covid-19 có thể được truyền qua dòng sữa này để đến được đứa con.

Kháng thể trong sữa này có thể ổn định trong suốt thời gian vaccine có hiệu lực và khá tương đồng với lượng kháng thể có trong máu của người được chích ngừa.

"Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học ở đại học Washington ở St. Louis cho thấy những các kháng thể IgG, IgA kháng SARS-COV-2 có thể tìm thấy trong sữa mẹ của những người đã chích vaccine của Pfizer/BioNTech là đến 8 tháng.

"Một nghiên cứu khác ở Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) cũng cho thấy kết quả tương tự trên vaccine mRNA của Moderna.

"Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu đời không sản xuất được các kháng thể để chống lại vi khuẩn và virus có hại một cách hiệu quả cho đến khi chúng đạt 3 hoặc 6 tháng tuổi.

"Do vậy, việc cho con bú sữa mẹ trong giai đoạn này ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn giúp cung cấp các kháng thể để tạo một hệ miễn dịch thụ động cho bé chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn."

"Trong đại dịch Covid-19, dựa trên các số liệu hiện có cho đến nay, chúng ta thấy rằng hều hết trẻ em (dưới 18 tuổi) nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong nhóm này thì trẻ dưới 2 tuổi có tỉ lệ nhập viện cao hơn, có thể do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh.

"Do vậy, các nhà khoa học hy vọng rằng việc truyền kháng thể từ mẹ đã được chích ngừa sang cho con sẽ giúp cải thiện tỉ lệ bệnh nặng ở trẻ sơ sinh"

"Tóm lại, các tổ chức y tế trên thế giới hiện vẫn đang khuyến khích bà mẹ cho con bú nên chích ngừa vaccine Covid-19 và không cần phải dừng cho con bú sữa sau khi chích vaccine."

Ý kiến khác

Bác sỹ Wynn Trần từ Mỹ cũng có những quan điểm tương tự của TS Nguyễn Hồng Vũ.

Trên trang Facebook cá nhân, bác sỹ Wynn Trần viết:

Ngày càng có thêm bằng chứng vaccine Covid-19 an toàn cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú sữa mẹ. Nghiên cứu cũng chỉ ra chích ngừa vaccine Covid-19 giảm rủi ro phát triển bệnh Covid-19.

Phụ nữ mang thai nếu mắc Covid-19 sẽ tăng thêm rủi ro sinh non và các biến chứng khác nặng hơn của bệnh Covid-19. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chích vaccine có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ hay nam giới.

Các hiệp hội chuyên khoa sản như Hôi Y Khoa Sản-Sơ Sinh (SMM) và Hiệp hội BS sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đều khuyến cáo phụ nữ mang thai chích vaccine Covid-19. Cụ thể hơn, phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 sẽ tăng rủi ro nhập viện ICU 3 lần so với người không mang thai.

Các nghiên cứu từ bệnh viện đại học Michigan chỉ ra phụ nữ mang thai khi chích vaccine sẽ tạo ra kháng thể với virus và kháng thể này có truyền qua thai nhi, tăng thêm khả năng bảo vệ bệnh Covid-19 cho trẻ nhỏ sau này.

Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng chỉ ra ngay cả khi phụ nữ mang thai nhiễm bệnh Covid-19 thì rủi ro truyền virus Sars-Cov-2 qua đứa trẻ là thấp. Cho con bú bằng sữa mẹ cũng không dễ lây lan virus Sars-cov-2 cho em bé ngay cả khi người mẹ bị nhiễm Covid-19.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai trên 13 và đang cho con bú tiêm vaccine Covid-19.

Hiện nay, CDC khuyến cáo chích vaccine với tất cả mọi người trên 12, gồm cả phụ nữ mang thai, đang cho con bú, sắp có thai, và tất cả những người khác.

Chích ngừa vaccine Covid-19 được xem là một những biện pháp phòng chống dịch bệnh tốt nhất hiện nay.

Nên tiêm vaccine nào?

TS Nguyễn Hồng Vũ khuyên các bà mẹ nếu có điều kiện chọn lựa vaccine thì nên chọn loại vaccine nào đã có nghiên cứu khoa học cho thấy chúng an toàn đối với sức khỏe và hiệu quả bảo vệ tốt, chẳng hạn như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca.

Đối với vaccine của Trung Quốc và Nga, TS Vũ cho hay ông không thể đưa ra lời khuyên vì ông hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nghiên cứu nào trên hai loại vaccine này liên quan đến bà mẹ mang thai và cho con bú.

Tại Anh quốc, Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn cho chính phủ Anh, khuyến cáo rằng phụ nữ Anh có thai nên được tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna.

Lý do là vì hai loại vaccine này đã được sử dụng cho 130.000 phụ nữ mang thai ở Hoa Kỳ mà không có lo ngại về an toàn.

JCVI nói không có nghĩa là vaccine AstraZeneca không an toàn cho phụ nữ mang thai. Nhưng lý do là hiện chỉ có thống kê an toàn cho Pfizer và Moderna, dựa theo thống kê của Mỹ, vì thế JCVI khuyến nghị phụ nữ ở Anh mang thai nên được tiêm Pfizer hoặc Moderna trong lúc chờ thêm số liệu nghiên cứu về các vaccine khác.

Hiện nay, tại Anh, nếu bạn dưới 40 tuổi, hoặc mang thai, bạn sẽ được yêu cầu cho tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna.