Các hình thức làm lộ, mật bí mật nhà nước

Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (điều 337)

Theo điều 337, Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước như sau: 

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật;        

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, đối với tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước thì mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Bình luận

1. Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là làm lộ bí mật Nhà nước, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

2. Điều luật được Bình luận được ghép bởi hai tội danh gần nhau gồm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước. Về cơ bản các yếu tố cấu thành tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước không có nhiều khác biệt.

* Khách thể

Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là tội xâm phạm đến hoạt động quản lý hành chính Nhà nước về những bí mật quốc gia, xâm phạm sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

* Mặt khách quan

-     Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước,chiếm đoạt, mua bán,tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành vi sau:

+ Đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước: Hành vi làm lộ bí mật Nhà nước được biểu hiện ra bên ngoài bằng lời nói, chữ viết hoặc cho người khác xem, nghe, đọc, sao chụp bí mật Nhà nước,…Hậu quả của tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước không phải là yếu tố định tội. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả của hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước là rất cần thiết vì nó là yếu tố định khung hình phạt. Nếu người phạm tội thực hiện hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật, nếu gây ra hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật.

-     Đối với tội chiếm đoạt, mua bán,tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nhà làm luật quy định ba hành vi phạm tội trong cùng một tội danh.

+ Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi dùng các thủ đoạn lén lút, gian dối, uy hiếp thể chất hoặc tinh thần đối với người quản lý tài liệu bí mật nhà nước để lấy các tài liệu đó hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tài liệu bí mật nhà nước để lấy các tài liệu đó.

+ Mua bán tài liệu bí mật nhà nước là hành vi dùng tiền hoặc tài sản để mua tài liệu bí mật nhà nước để cất giữ, để bán lại cho người khác hoặc bán tài liệu bí mật nhà nước mà mình quản lý, cất giữ cho người khác để lấy tiền hoặc tài sản.

+ Tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước là làm cho vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước không còn giá trị sử dụng được nữa.

Cũng như tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, hậu quả của tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước không phải là yếu tố định tội.

Ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định thêm dấu hiệu khách quan khác, đó là: hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự thì mới thuộc trường hợp quy định tại Điều 337 Bộ luật hình sự, nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt,mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước với tội gián điệp.

*Mặt chủ quan

- Lỗi cố ý

-     Mặc dù không quy định nhưng đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nhất thiết phải xác định động cơ, mục đích của người phạm tội, vì nếu người phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước với mục đích để người nước ngoài sử dụng chống lại Nhà nước Việt Nam thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gián điệp quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự, nếu vì động cơ tư lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì mới thuộc trường hợp phạm tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.

-     Đối với tội chiếm đoạt,mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, tuy điều luật không quy định người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt,mua bán, tiêu hủy do cố ý hay vô ý, nhưng bản chất hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước đã chứa đựng sự cố ý của người thực hiện hành vi đó rồi.

* Chủ thể

Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Riêng đối với tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, thì người phạm tội này thường là những người có trách nhiệm giữ bí mật Nhà nước, những người này nếu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

3.Về hình phạt

-     Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt,mua bán, tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật hình sự thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

-     Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

+ Bí mật Nhà nước thuộc độ tối mật;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hoá.

-     Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

+ Có tổ chức;

+ Bí mật Nhà nước thuộc độ tuyệt mật;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4.Hiện nay, do chưa có quy định pháp lý về mức độ tuyệt mật, tối mật hay “mật” nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau và việc xác định tuỳ tiện: không mật lại đóng dấu mật…Nên các văn bản mật hiện chưa được cụ thể hoá và còn nhiều bất cập. Thực tế này cũng sẽ gây khó khăn trong quá trình áp dụng quy định tội phạm này. Do đó, Nhà nước cần nhanh chóng tổng kết pháp lệnh. Bảo vệ bí mật Nhà nước và tiến tới nâng cấp lên thành dự án Luật bảo vệ bí mật Nhà nước. Luật này sẽ quy định những vấn đề quan trọng về phạm vi, biện pháp, thẩm quyền trong bảo vệ bí mật Nhà nước. Việc quy định cụ thể về bảo vệ bí mật nhà nước sẽ góp phần hành chế tình trạng lọt, lộ bí mật Nhà nước và thuận tiện cho việc áp dụng điều 337 Bộ luật hình sự trên thực tế. 

Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước bị xử lý hình sự như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thế nào là vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước?

– Vô ý làm lộ bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi của người có trách nhiệm do cẩu thả hoặc vì quá tự tin làm cho người không có trách nhiệm biết được nội dung được xác định là bí mật Nhà nước.

– Vô ý làm mất tài liệu bí mật Nhà nước, được hiểu là hành vi của người có trách nhiệm do cẩu thả hoặc vì quá tự tin đã làm thất thoát tài liệu được xác định là bí mật Nhà nước (tức làm cho tài liệu đó thoát ra khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm).

Dấu hiệu pháp lý

Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước có những yếu tố cấu thành tội pham cơ bản như sau:

Chủ thể

Người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước là những người có trách nhiệm biết về bí mật Nhà nước. Còn chủ thể của tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước là những người được giao sử dụng, bảo quản hoặc vận chuyển tài liệu bí mật nhà nước. 

Khách thể

Xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước trong việc bảo đảm sự an toàn của những tin tức mà Nhà nước chưa công bố hoặc không công bố.

Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi vô ý.

Người phạm tội chỉ có thể thực hiện hành vi của mình do vô ý, tức là người phạm tội không thấy trước được hành vi của mình có khả năng làm lộ, làm mất vật, tài liệu bí mật Nhà nước mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể làm lộ, làm mất vật, tài liệu bí mật Nhà nước nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra.

Mặt khách quan

Thể hiện ở hành vi vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước.

Hình thức chứa bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Vô ý làm lộ bí mật nhà nước là hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, cất giữ, vận chuyển, bảo vệ,…vật, tài liệu chứa đựng bí mật nhà nước dẫn đến người không có trách nhiệm biết được bí mật nhà nước.

Làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước là hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, cất giữ, vận chuyển, bảo vệ,…vật, tài liệu chứa đựng bí mật nhà nước dẫn đến vật, tài liệu chứa đựng bí mật nhà nước bị mất, không thu hồi lại được.

Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước bị xử lý hình sự như thế nào?

Tại điều 338 Bộ luật hình sự 2015 quy định về “Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước” như sau:

1. Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật, tuyệt mật;

b) Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

>>Xem thêm: Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước

Trên đây là quy định của luật hình sự về Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với LawKey để được Luật sư hỗ trợ nếu bạn cần tư vấn chi tiết hơn hay cần luật sư bảo vệ quyền lợi.