Phúc lợi động vật là gì

Phúc lợi động vật là một trong những tiêu chí quan trọng để ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển, hội nhập, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm trong tương lai.

Phúc lợi động vật là gì

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ tại hội thảo phúc lợi động vật. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thời điểm để thay đổi

Tại Hội thảo “Phúc lợi động vật xu hướng, cơ hội và giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam” diễn ra ngày 4/8, Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong những năm trở lại đây, phúc lợi động vật đã được nhắc đến nhiều hơn đặc biệt là trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với châu Âu hoặc những nước khác.

Gần đây, vì sự quan tâm của khách hàng, luật pháp, chính sách phát triển bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm, chính sách phúc lợi động vật được xem là một phần quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, đồng thời người chăn nuôi cũng bắt đầu tiên phong chuyển đổi theo xu hướng này.

“Là cơ quan tham mưu của Bộ NN-PTNT về nâng cao năng lực trong lĩnh vực chăn nuôi, Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia xác định phúc lợi động vật là một trong những chương trình trọng điểm trong những năm trở lại đây và trong thời gian tới. Đây là xu hướng của tương lai, là một trong những nước có ngành chăn nuôi phát triển, cơ quan ban ngành luôn luôn cân nhắc để đón đầu xu hướng”, bà Hạnh cho hay.

Theo Tiến sĩ Caroline Maciel, Cố vấn Chính sách cấp cao luật thương mại quốc tế Tổ chức World Federation for Animals, cộng đồng thế giới đã dần luật hóa việc thừa nhận động vật là các loài có tri giác và quan tâm đến cảm xúc của các loài động vật hơn.

Đơn cử như các quốc gia Liên minh châu Âu cũng thừa nhận động vật là loài có tri giác cảm nhận sự vui mừng, lo lắng, đau đớn… Tương tự, Vương quốc Anh cũng thừa nhận tri giác ở động vật, không chỉ là loài động vật có xương sống mà cả những loài không xương sống như bạch tuộc, tôm hùm, cua. Ngay cả New Zeland, Autraslia cũng đã sửa đổi luật để công nhận động vật là loài sinh vật có tri giác. Chilê cũng đang sửa hiến pháp và có một số điều khoản liên quan đến động vật.

“Dinh dưỡng thức ăn của trứng gà, thịt heo sản xuất từ mô hình phúc lợi động vật không có sự khác biệt nhiều về mặt dinh dưỡng trong sản phẩm thức ăn so với mô hình nuôi nhốt, nhưng nó tùy thuộc vào việc chúng ta cho heo, gà ăn gì. Ví dụ như kể cả nuôi chăn thả, hay mô hình nuôi không lồng nhốt cho ăn những thức ăn tự nhiên như giun quế, được đào bới tự nhiên chất lượng trứng, thịt ngon hơn”, Tiến sĩ Sara Shields nói.

Phúc lợi động vật là gì

Nuôi gà chăn thả tự nhiên đang là xu hướng của các nước phát triển.

Tiến sĩ Caroline Maciel cho biết thêm, năm 2021 Liên minh châu Âu đã đưa ra quyết định hướng đến hệ thống cung cấp lương thực thực phẩm bền vững hơn và sẽ không chấp nhận hình thức chăn nuôi các loại gia súc bằng lồng chuồng.

“Năm 2022, thời điểm mà Việt Nam phải đưa ra hành động trước khi những đề xuất luật pháp mà Liên minh châu Âu đưa ra có hiệu lực năm 2023. Nếu Việt Nam muốn xuất khẩu các loại sản phẩm động vật của mình và được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, đây chính là thời điểm để hành động và cải thiện”, Tiến sĩ Caroline Maciel chia sẻ.

Theo bà Hạ Thuý Hạnh, tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm hoàn toàn mới và không phải ai cũng hiểu được. Phúc lợi động vật là nhân tố cực kỳ quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam, số lượng gà công nghiệp đẻ trứng và lợn nái được nuôi trong các lồng nuôi gà đẻ, cũi nái ngày càng gia tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam có khoảng 81 triệu gà đẻ trứng và lồng phổ biến nhất thường nuôi nhốt khoảng 5-10 con gà với không gian hoạt động của gà chỉ từ 432 – 555cm2. Đối với lợn, có khoảng 2,4 triệu con lợn nái được sử dụng để cung cấp con giống cho ngành  công nghiệp thịt lợn của Việt Nam trong năm 2020. Trong chăn nuôi công nghiệp heo nái mang thai và nuôi con được nuôi trong lồng (cũi nái) bằng kim loại.

Bà Hạnh cho biết, hoạt động về phúc lợi động vật ở Việt Nam được Bộ NN-PTNT triển khai nhiều hoạt động của các hội, nhóm cứu trợ động vật trong nước và quốc tế, bên cạnh đó cũng tổ chức giáo dục, đào tạo về bảo vệ động vật. Ngoài ra, trong Luật Chăn nuôi và luật Thú y ở Việt Nam cũng quy định đối xử với động vật tại Điều 21, 69, 70, 71, 72.

Phúc lợi động vật là gì

Tiến sĩ Sara Shields, Giám đốc Khoa học, Phúc lợi Động vật trang trại Tổ chức Humane Society International (HSI). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhân tố quan trọng phát triển ngành chăn nuôi bền vững

Để đạt được các chứng nhận về phúc lợi động vật, Tiến sĩ Sara Shields, Giám đốc Khoa học, Phúc lợi Động vật trang trại Tổ chức Humane Society International (HSI) cho biết, người chăn nuôi, doanh nghiệp cần chuyển đổi sang mô hình nuôi không lồng chuồng, không cũi, không nuôi nhốt chật hẹp, để gà/heo có thể thể hiện các tập tính tự nhiên của mình (dũi đất, dụi lông, đào bới, tìm ổ đẻ, tắm bụi, đậu trên cành).

Có như vậy heo/gà có thời gian vận động nhiều hơn, gân cơ xương tốt hơn, tư thế nằm thoải mái hơn để cơ thể được ấm. Đồng thời, tận dụng thị trường ngày càng mở rộng, tích cực chủ động làm việc với các nhà bán lẻ đang có nhu cầu về các sản phẩm động vật phúc lợi cao hơn và có thể được chứng nhận.

Tiến sĩ Sara Shields cho biết thêm, khi chuyển đổi sang mô hình nuôi phúc lợi động vật cũng sẽ làm tăng thêm chi phí. Tuy nhiên, HSI sẽ là bên kết nối, giúp người mua hiểu được vì sao họ phải trả thêm tiền khi mua sản phẩm thuộc phúc lợi động vật và vì sao người sản xuất có lợi ích thêm khi sản xuất theo mô hình phúc lợi động vật.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh cho biết, phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Chăn nuôi công nghiệp “hiện đại” đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, trong đó ngoài lợi ích kinh tế của người chăn nuôi còn nhấn mạnh đến lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi.

“Ngành chăn nuôi muốn phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới nhất thiết phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu”, bà Hạnh nói.

Phúc lợi động vật được hiểu một cách đơn giản là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Cho dù đó là con vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất, thú cưng, hay động vật hoang dã bị nuôi nhốt.

5 tiêu chí đảm bảo phúc lợi động vật: Không bị đói, khát; Không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần; Không bị đau đớn, thương tật và bệnh tật; Không bị sợ hãi và lo lắng; Tự do thể hiện các hành vi bản năng.

Nguyễn Thủy

nguồn: nongnghiep.vn