Làm sao biết xương đang lành

Gãy xương là chấn thương khá thường gặp, có thể do tác động từ lực bên ngoài như té ngã, tai nạn hoặc do các bệnh lý bên trong cơ thể làm tổn thương xương, xương bị yếu dễ gãy như loãng xương, u xương, viêm xương ác tính

Khi xương bị tổn thương như gãy, nứt thì chăm sóc y tế là điều cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tùy theo mức độ gãy xương mà thời gian liền xương hay các biện pháp chăm sóc cũng khác nhau để tránh các biến chứng.

Phân biệt 7 loại gãy xương thường thấy

Trong y khoa, gãy xương được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào độ nặng nhẹ, độ tuổi và sức khỏe của người bị loại chấn thương này. Trong đó có 7 loại gãy xương phổ biến:

  • Gãy xương cành tươi (xương gãy nhỏ): Thường gặp ở trẻ nhỏ do cấu trúc xương đang trong thời kỳ phát triển.
  • Gãy xương nhiều mảnh: Loại gãy xương này thường chậm liền xương hơn mức bình thường.
  • Gãy xương kín: Da ở bên ngoài phần xương bị gãy không bị rách, trầy xước nhưng xương bên trong bị tổn thương.
  • Gãy xương hở: Phần da bên ngoài cũng bị rách, có thể do đầu xương gãy đâm ra da hoặc do lực gây chấn thương. Vì vùng da cũng bị tổn thương nên bên cạnh điều trị gãy xương còn tránh gây nhiễm trùng, viêm loét ở da.
  • Gãy xương do co giật cơ: Thông thường, các khối gân bám chặt vào xương và do một nguyên nhân nào đó khiến cơ co thắt mạnh rồi giật gân ra khỏi xương, một số mảnh xương nhỏ sẽ bị kéo gãy, bám vào gân. Tổn thương này thường xảy ra ở vùng khớp vai và khớp đầu gối.
  • Gãy xương lún: Là khi hai xương va chạm vào nhau làm cho xương gãy bị ép ngắn lại. Ở người cao tuổi, đặc biệt người bệnh bị loãng xương thì có nguy cơ gãy xương lún cao do những xương bị lão hóa không còn khả năng làm trụ, nâng đỡ.
  • Gãy xương do bệnh lý: Khi mắc một số bệnh lý về xương như loãng xương, ung thư xương hay dùng thuốc kháng sinh kéo dài có nguy cơ gãy xương cao. Nhất là đối với những người cao tuổi, nên tránh bị té ngã, tai nạn vì nguy cơ gãy xương cao và thời gian liền xương lâu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, tâm lý.

Thời gian liền xương gãy là bao lâu?

Khi xương bị gãy, chịu tổn thương, điều mà bạn lo lắng và để ý nhất có lẽ là trong bao lâu phần xương bị gãy sẽ liền lại và không còn ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, làm việc. Và việc vận động mạnh sau khi bị xương liền lại có ảnh hưởng gì không hay có thể làm xương bị gãy lại không? Câu trả lời dành cho những thắc mắc trên của bạn là liền xương không phải là quá trình đơn giản và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Đối với những phần xương bị gãy ở những bộ phận nhỏ như ngón tay, ngón chân thì thời gian liền xương thông thường là từ 4-6 tuần. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải mất hơn 3 tháng để xương liền lại. Những tổn thương lớn hơn thì cần can thiệp y khoa mạnh hơn và thời gian lành cũng lâu hơn rất nhiều.

Không chỉ vậy, thời gian liền xương còn phụ thuộc người bị gãy xương có các bệnh lý mãn tính đi kèm không như tiểu đường, phổi, loãng xương vì những bệnh lý này có thể khiến thời gian liền xương lâu hơn.

Việc cố định và bất động xương cũng ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Nếu được cố định tốt thì sau thời gian này xương sẽ liền tốt.

Chưa hết, cách xử lý ban đầu cũng là yếu tố tác động đến việc liền xương nhanh hay chậm. Tùy theo cách xử lý ban đầu sau khi bị chấn thương, có nắn thẳng lại không và vùng gãy có được cố định tốt không mà xương sau khi liền sẽ thẳng hay bị cong vẹo. Do đó, trong giai đoạn đầu, khi nghi ngờ bị gãy xương, bạn phải được sơ cứu và điều trị đúng cách.

Điều quan trọng là khi xương đã liền hoàn toàn thì chỗ xương liền không ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hay làm việc và không yếu hơn những chỗ xương bình thường khác. Sau 6 tháng, người bị gãy xương có thể lao động, làm việc, mang vác được như bình thường mà không cần sợ ảnh hưởng đến các xương đã từng bị gãy.

6 điều bạn cần làm để giúp xương gãy sớm hồi phục

Tuy thời gian liền xương gãy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng với vai trò là người bệnh, nếu chăm sóc bản thân thật tốt, bạn sẽ góp phần rút ngắn thời gian điều trị. Dưới đây là những gì bạn nên làm:

  • Đi khám sớm khi nghi ngờ bị gãy xương và tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định.
  • Dừng hút thuốc vì thuốc lá đã được chứng minh là gây hại cho quá trình liền xương. Gần đây, các nhà khoa học nhận thấy thời gian liền xương của những ai đang hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc thường kéo dài hơn so với người khác.
  • Duy trì một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Nghỉ ngơi nhiều để xương được bất động và cố định tốt.
  • Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu đúng hướng dẫn (về thời gian, cách thức, tần suất) để tăng cường cơ bắp cho vùng xương bị gãy, giúp xương linh hoạt hơn sau một khoảng thời gian bất động.
  • Thông báo ngay cho bác sĩ về những bất thường như vẫn còn đau sau 3-6 tháng điều trị, vùng được cố định chảy máu

Hiện nay, có nhiều người khi bị gãy xương vì mong muốn xương liền nhanh nên tự ý dùng nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc được quảng cáo tràn lan trên mạng. Trong khi đó, theo các bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, không có phương thuốc nào giúp thời gian liền xương ngắn hơn thời gian xương liền sinh lý, nghĩa là khoảng 6-8 tuần.

Do đó, khi bị gãy xương, để xương liền nhanh và an toàn, bạn cần đi thăm khám sớm để được điều trị đúng, đảm bảo máu lưu thông tốt, xương được cố định đúng và vững chắc.

Đọc tiếp 10 thực phẩm giàu canxi tốt cho xương!

Chúc bạn Sống Như Ý cùng GenVita!