Có nên cho con tiêm quinvaxem

Có nên cho con tiêm quinvaxem
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bà mẹ cần chủ động hỏi tư vấn đầy đủ về cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng - Ảnh: VGP/Thuý Hà

Bộ Y tế tiếp tục giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc lựa chọn vắc xin khi tiêm chủng.

Bà Phạm Hương (Hà Nội): Vừa qua có một số trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem nên gia đình tôi dự định cho con đi tiêm phòng vắc xin dịch vụ Pentaxim. Tuy nhiên, mấy hôm nay, Hà Nội đang hỗn loạn, đặc biệt là bậc phụ huynh phải xếp hàng cả đêm để được tiêm vắc xin này cho con. Gia đình tôi rất hoang mang, xin hỏi mức độ biến chứng của Pentaxim so với Quinvaxem như thế nào?

Bộ Y tế trả lời: Vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib (Quinvaxem) là vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào, khác với vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim) tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ là vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào. Vắc xin ho gà toàn tế bào có tỷ lệ phản ứng nhẹ như sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, sưng đau tại chỗ tiêm… cao hơn so với vắc xin chứa thành phần ho gà vô bào. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì thành phần ho gà toàn tế bào có trong vắc xin Quinvaxem được tiêm chủng miễn phí lại có thể tạo miễn dịch phòng bệnh bền vững và tốt hơn so với vắc xin có thành phần ho gà vô bào.

Vắc xin cũng như thuốc và các sinh phẩm, không có loại vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp phản ứng sốc và phản ứng quá mẫn đều có thể xảy ra với bất kỳ thuốc hoặc vắc xin nào ở một số trẻ có cơ địa nhạy cảm với thành phần có trong vắc xin.

Việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp bảo vệ trẻ phòng bệnh tốt nhất. Trước khi tiêm chủng trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc để quyết định tiêm chủng cho trẻ và tư vấn về loại vắc sẽ tiêm chủng đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Bà Lê Thị Thuý An (Thái Nguyên): Tôi có nghe nói vắc xin Quinvaxem dễ có phản ứng phụ vì nó mạnh hơn vắc xin Pentaxim, nhưng nếu trong môi trường có mầm bệnh, trẻ tiêm Pentaxim sẽ dễ nhiễm hơn trẻ tiêm Quinvaxem. Điều này có đúng không và xin hỏi tôi nên lựa chọn vắc xin nào để tiêm phòng cho con?

Bộ Y tế trả lời: Vắc xin Quinvaxem và vắc xin Pentaxim khác nhau ở thành phần ho gà, với vắc xin Quinvaxem là công nghệ toàn tế bào (vẫn còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) còn vắc xin Pentaxim là công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn). Những trẻ được tiêm chủng vắc xin ho gà toàn tế bào sẽ có miễn dịch bền vững và tốt hơn so với những trẻ sử dụng vắc xin ho gà vô bào.

Việt Nam đã và đang sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hơn 30 năm qua và đã tạo ra được nền miễn dịch cộng đồng vững chắc, tác nhân gây bệnh không lây lan. Hiện nay có khoảng 8% số trẻ tiêm vắc xin ho gà vô bào. Theo thông báo của CDC – Hoa Kỳ và báo cáo tình hình bệnh ho gà tại Úc cho thấy việc triển khai vắc xin ho gà toàn tế bào từ thập kỷ 90 trở về trước đã có hiệu quả làm giảm mạnh số mắc ho gà. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai vắc xin ho gà vô bào thay thế từ những năm 1995 thì số mắc ho gà tăng lên nhiều lần mặc dù bên cạnh lịch tiêm chủng cho trẻ em, các nước này đã áp dụng lịch tiêm bổ sung cho trẻ lớn và phụ nữ có thai. Hiện nay các nước này đang xem xét lại hiệu quả của vắc xin ho gà vô bào.

Miễn dịch cho cộng đồng của vắc xin ho gà vô bào là không mạnh bằng vắc xin công nghệ toàn tế bào. Việc chuyển đổi từ vắc xin toàn tế bào sang vắc xin vô bào có thể liên quan với sự tái bùng phát của bệnh ho gà tại một số nước phát triển, những người đã tiêm vắc xin vô bào nên tiếp tục tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia tiếp tục sử dụng vắc xin ho gà toàn tế bào – hiệu quả trong phòng, chống bệnh ho gà.

Bà Vũ Vân Anh (TP. Hồ Chí Minh): Hiện, chúng tôi đang rất lo lắng vì vắc xin Quinvaxem đã gây ra tai biến cho nhiều trẻ sau tiêm vắc xin. Đây là lý do chính khiến chúng tôi không tin tưởng về chất lượng loại vắc xin này mà buộc phải xếp hàng và trả tiền cao cho vắc xin dịch vụ để tiêm cho con. Phải chăng là chất lượng của Quinvaxem có vấn đề?

Bộ Y tế trả lời: Vắc xin Quinvaxem là vắc xin phối hợp phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib do Hàn Quốc sản xuất. Vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới tiền kiểm định về chất lượng năm 2006. Đã có trên 450 triệu liều vắc xin này đã được sử dụng ở hơn 94 nước trên thế giới, tại Việt Nam đã gần 25 triệu liều đã được sử dụng cho trẻ em từ tháng 6/2010, kết quả đánh giá nguyên nhân phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem trong thời gian qua cho thấy không liên quan đến chất lượng vắc xin.

Tất cả các vắc xin đều được kiểm định chặt chẽ và chỉ được phép sử dụng nếu đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Hơn nữa các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được bảo quản, vận chuyển bởi hệ thống dây chuyền lạnh tốt nhất. Hàng năm số trẻ tiêm chủng vắc xin Quinvaxem lớn hơn gấp rất nhiều là so với số trẻ tiêm chủng vắc xin dịch vụ. Tỷ lệ tiêm vắc xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong những năm vừa qua vẫn đạt trên 95% ở trẻ em dưới 1 tuổi. Điều đó chứng tỏ nhiều người dân vẫn tin tưởng vào tính an toàn và chất lượng của vắc xin này.

Bên cạnh đó cũng cần có sự nhìn nhận đúng đắn, sự ủng hộ của các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng hiểu và tin tưởng vào chất lượng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, hiểu được trách nhiệm đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em. Đồng thời, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bà mẹ cần chủ động hỏi cán bộ y tế để được tư vấn đầy đủ về cách chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Cũng xin lưu ý với các bà mẹ, khác với thuốc chữa bệnh, dùng đơn lẻ cho từng bệnh nhân, thì vắc xin được dùng cho số đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ nhỏ. Theo ước tính của WHO dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại Việt Nam. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường sau tiêm rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, khi tiêm chủng mỗi cơ thể có phản ứng với vắc xin khác nhau nên có người sau tiêm chủng bị đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ, một số rất ít (khoảng 1-20/1 triệu liều vắc xin sử dụng) có thể bị phản ứng nặng hơn như sốc. Thực tế, có trường hợp cùng một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có trẻ có phản ứng nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác cùng tiêm vắc xin bình thường đó là do cơ địa mỗi người khác nhau.

Sau tiêm chủng các bậc phụ huynh cần chăm sóc trẻ, theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện một số dấu hiệu bất thường như khóc dai dẳng, tím tái, khó thở,bú ít, li bì …thì đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.

Chinhphu.vn