Cách viết đoạn văn lớp 5

   TRƯỜNG TH KHÁNH THẠNH TÂN 2

               TỔ KHỐI 5

CHUYÊN ĐỀ

RÈN KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN TẢ CẢNH

CHO HỌC SINH LỚP 5

Bước 1: Chọn chuyên đề và xác định mục tiêu chuyên đề:

1. Lý do lựa chọn chuyên đề:  

- Môn Tiếng Việt chương trình Tiểu học nhằm hình thành và phát triển ở học sinh các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt (nghe - nói - đọc - viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Giúp học sinh có cơ sở để tiếp thu kiến thức ở các lớp trên. môn học khác.

- Ở lớp 5, các thể loại bài làm văn đều gắn với các chủ điểm. Quá trình thực hiện các kỹ năng phân tích đề, tìm ý, quan sát, viết đoạn văn là những cơ hội giúp trẻ mở rộng hiểu biết về cuộc sống theo các chủ điểm đã học. Việc phân tích đề, lập dàn ý, chia đoạn bài văn... góp phần phát triển khả năng phân tích, tổng hợp, phân loại của học sinh. Tư duy hình tượng của trẻ cũng được rèn luyện nhờ vận dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa...khi miêu tả.

        - Trong thời gian vừa qua, việc dạy và học phân môn TLV ở lớp 5 hiện nay còn rất nhiều vấn đề bất cập. Về phía người dạy đây quả là một phân môn khó, đòi hỏi HS phải tổng hợp được kiến thức, phải thể hiện sự rung cảm cá nhân, phải biết thể hiện tiếng mẹ đẻ một cách trong sáng.

  • Phải hiểu rất rõ rằng: phân môn TLV là môn thực hành tổng hợp, là kết quả của các môn học, đồng thời cũng là môn tạo tiền đề để học tốt các môn học khác. Bởi lẽ, bất cứ môn học nào cũng cần biết quan sát, nhận xét, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, sáng sủa.

*Ưu điểm:

Trong những năm vừa qua, việc dạy và học phân môn tập làm văn thể loại văn tả cảnh cũng đạt được một số thành quả nhất định như:

- Đa số học sinh nắm được cấu tạo 3 phần ( mở bài, thân bài, kết bài) của một bài văn tả cảnh.

- Phân tích cấu tạo của một bài văn tả cảnh; biết viết đoạn văn mở bài ( trực tiếp, gián tiếp), đoạn kết bài ( mở rộng, không mở rộng)

- Biết phát hiện những hình ảnh đẹp trong bài văn; biết quan sát và chọn lọc chi tiết trong bài văn tả cảnh, hoàn chỉnh các đoạn văn dựa theo nội dung chính của bài

- Thấy được những ưu điểm, khuyết điểm và cách chữa lỗi đoạn văn, bài văn của mình.

- Học sinh giỏi có thể phát hiện những hình ảnh đẹp trong bài văn, lập được dàn ý chi tiết cho bài văn, quan sát và chọn lọc chi tiết trong bài văn tả cảnh, hoàn chỉnh các đoạn văn dựa theo nội dung chính của bài, lập được dàn ý chi tiết cho bài văn.

*Hạn chế:

- Vốn kiến thức và kinh nghiệm viết văn tả cảnh của học sinh còn hạn chế. Các em chưa có được những kiến thức về kiểu bài, học sinh không phân biệt được kể khác với tả.

- Học sinh chưa có được kĩ năng quan sát thực tế cảnh vật, khả năng quan sát của học sinh không được thường xuyên rèn luyện, quá trình quan sát còn hời hợt thiếu định hướng, thiếu tinh tế chính vì vậy học sinh chưa tìm ra được đặc điểm nổi bật của cảnh để tả.

- Khả năng liên tưởng của học sinh còn hạn hẹp. Các em chưa có được kĩ năng lập dàn ý phát triển ý xây dựng đoạn văn. Học sinh chưa biết liên kết đoạn thành bài.

 - Vốn từ ngữ của học sinh còn nghèo nàn, không hiểu nghĩa từ, dùng sai từ đồng nghĩa. Học sinh chưa biết bộc lộ cảm xúc trong quá trình miêu tả, chưa viết được câu văn có hình ảnh, chưa biết sử dụng biện pháp tu từ đã học vào việc viết văn.

- Một số em không lập dàn ý khi quan sát và miêu tả trước khi viết bài văn hoàn chỉnh cho nên các em viết bài văn không theo trật tự, các ý lộn xộn.

 *Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do:

- Bản thân giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp tìm ra cách thức giúp học sinh khắc phục yếu kém. Giáo viên đôi khi chưa đầu tư đúng mức cho các tiết dạy Tập làm văn. Giáo viên chưa linh hoạt, chủ động, sáng tạo khi tổ chức dạy trên lớp, hình thức dạy học còn đơn điệu chưa gây được hứng thú cho học sinh. Giáo viên chưa quan tâm rèn luyện cho học sinh thói quen đọc sách, đọc các bài văn mẫu để học tập các ý văn hay, từ ngữ đẹp, cách tả mới mẻ.

- Một phần là do trình độ nhận thức, năng lực sư phạm của GV, cũng có thể chính ngay trong GV cũng thiếu những tri thức khoa học cũng như vốn sống thực tế. Vấn đề này cho thấy, nhiều GV chưa đánh giá đúng mức vị trí của môn Tiếng Việt trong chương trình Tiểu học và đặc biệt là phân môn TLV.  Xuất phát từ vấn đề trên tổ 5 chúng tôi xin phân tích chọn chuyên đề " Rèn kỹ năng viết đoạn văn tả cảnh cho học sinh lớp 5” để giúp chúng ta dạy tốt môn tập làm văn nói chung và dạy rèn kỹ năng viết đoạn văn tả cảnh cho học sinh lớp 5 nói riêng.

Từ những vấn đề phân tích trên, chúng tôi thấy có hai vấn đề cần đặt ra là:

- Một là: Cần tổ chức dạy học cho học sinh sao cho nhẹ nhàng đạt hiệu quả, nhằm giúp cán bộ giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, biết vận dụng chuyên đề áp dụng vào dạy học.

- Hai là: Qua chuyên đề " Rèn kỹ năng viết đoạn văn tả cảnh cho học sinh lớp 5” làm sao phải nâng cao chất lượng giảng dạy, mà người thừa hưởng chính là học sinh. Học sinh sẽ được học tốt hơn, phát huy tính tích cực chủ động tư duy sáng tạo có kỹ năng viết văn tốt hơn.

2. Mục tiêu của chuyên đề:

Chuyên đề này nhằm rèn luyện và phát triển kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh lớp 5. Từ đó giúp các em học tốt phân môn Tập làm văn nói riêng cũng như học tốt môn Tiếng Việt nói chung.

    a/ Đối với giáo viên và cán bộ quản lý:

- Giúp GV nghiên cứu kĩ hơn về phân môn Tập làm văn, rèn luyện và phát triển cho học sinh kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh trong phân môn Tập làm văn lớp 5

- Giúp GV tự rút ra được kinh nghiệm thông qua việc trải nghiệm thực tế trên lớp học của mình, tiếp tục dạy ngày một tốt hơn các dạng bài Tập làm văn.

- Bồi dưỡng cho GV, CBQL một số kĩ năng về viết chuyên đề và tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại cơ sở nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

b/ Đối với học sinh:

- Giúp HS biết phân tích đề, tìm ý, quan sát, viết đoạn văn các bài Tập văn ở lớp 5.

- Nâng cao kĩ năng viết văn miêu tả cho học sinh.

- Bồi dưỡng cho các em yêu đồ vật, con vật, cây cối, tình yêu quê hương đất nước, con người; bồi dưỡng vốn sống, ngôn ngữ và khả năng giao tiếp cho các em.

Bước 2. Phân tích sư phạm chuyên đề:

    1. Về chương trình dạy học phân môn Tập làm văn trong môn Tiếng Việt 

- Từ lớp 1 học sinh đã được làm quen với văn miêu tả qua hoạt động luyện nói, đó là tập cho học sinh huy động vốn ngôn ngữ sẵn có để diễn đạt theo chủ đề nói về một vấn đề, một bức tranh….Từ đó nói thành câu, đoạn, câu chuyện và chưa gọi là môn tập làm văn.

- Lên lớp 2 các em được phát triển cao hơn với hình thức kể với những đối tượng quan sát gần gũi người kể những hình dáng, tính tình đơn giản hoặc kể về một tấm hình đơn giản. Ví dụ như: ảnh Bác Hồ, kể về biển…..Đó là bước đầu làm quen môn tập làm văn với việc viết đoạn văn.

- Sang lớp 3 việc dạy tập làm văn được kế thừa và phát triển từ lớp 2. Nếu ở lớp 2 là viết 3-4 câu văn cho 1 đoạn thì ở lớp 3 là 8-10 câu văn cho 1 đoạn và ý miêu tả cũng bắt đầu cho thấy có sự quan sát tinh tế hơn. Với sự phối hợp của nhiều yếu tố kể tả đan xen nhau. Ví dụ tả về người lao động phải có miêu tả đặc điểm ngoại hình và người lao động phù hợp với việc làm đặc trưng của người lao động.

- Lên lớp 4 văn miêu tả chiếm một vị trí quan trọng. Ở lớp 4, các em được học phân môn tập làm văn tăng thời lượng 2 tiết/ tuần. Ở thể loại văn miêu tả được dạy 30 tiết với ba kiểu bài cụ thể: Tả đồ vật, tả cây cối, tả con vật. Các em được học về cấu tạo của văn miêu tả, quan sát, luyện tập xây dựng đoạn văn, mở bài và kết bài.

- Ở cuối cấp Tiểu học chương trình tập làm văn được tiếp tục dạy về văn miêu tả với hai kiểu bài: Tả cảnh – 14 tiết, tả người – 12 tiết. Các em sẽ được học tập, nhận xét một số bài văn miêu tả trong sách giáo khoa. Các em vận dụng tổng hợp kiến thức đã học (luyện từ và câu, kể chuyện,...) và quan sát của mình viết thành bài văn.

   2. Bản chất của vấn đề nghiên cứu:

Dạy tập làm văn miêu tả cho học sinh cần tuân thủ 5 biện pháp sau

        Biện pháp 1: Dạy học sinh nắm vững thể loại và cấu tạo bài

             Giáo viên cần giúp cho học sinh nắm vững bài văn tả cảnh gồm cấu trúc 3 phần. Học sinh dựa vào cấu trúc 3 phần đó để xây dựng nội dung đoạn văn, bài văn.

             Văn tả cảnh ở lớp 5 thường yêu cầu học sinh tả những cảnh nhỏ gần nơi các em đang sống: Ngôi nhà em ở, quang cảnh trường em, con đường đưa em tới trường, dòng sông với rất nhiều kỉ niệm…. Điều quan trọng là giúp học sinh xác định được:Đối tượng miêu tả là gì? Trọng tâm miêu tả của cảnh? Khi xác định được như vậy các em sẽ miêu tả đúng trọng tâm không bị lạc đề khi miêu tả.

            Biện pháp 2: Dạy kĩ năng quan sát

               Một yêu cầu cơ bản để viết tốt bài văn tả cảnh đó là học sinh phải có kĩ năng quan sát. Học sinh phải biết cách quan sát và chọn lọc các chi tiết quan sát được. Mọi kết quả quan sát được thể hiện trong bài văn tả cảnh của các em. Quan sát tinh vi, thấu đáo bài viết sẽ đặc sắc hấp dẫn. Quan sát hời hợt phiến diện bài viết sẽ khô khan. Khi quan sát chúng ta có thể quan sát trực tiếp cảnh vật hoặc hồi tưởng lại những cảnh vật mà mình đã từng quan sát.

              Kĩ năng quan sát chủ yếu được hình thành trên cơ sở luyện tập. Thông thường học sinh đã sử dụng kĩ năng này nhiều lần và thường là không tự giác, sơ lược đơn giản. Điều quan trọng là giáo viên giúp học sinh khi học văn tả cảnh biết tự giác, chủ động có định hướng, mục đích khi quan sát.

             Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh lựa chọn trình tự quan sát. Tốt nhất là mỗi em tự tìm một trình tự quan sát thích hợp. Trường hợp học sinh yếu gặp khó khăn giáo viên có thể gợi ý trình tự quan sát.

             Thông thường có một số trình tự quan sát cảnh vật tương ứng với trình tự miêu tả:

                 + Trình tự không gian: Từ quan sát toàn bộ đến quan sát từng bộ phận hoặc ngược lại, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong...

                 + Trình tự thời gian: Quan sát theo diễn biến thời gian từ bắt đầu đến kết thúc, từ mùa này sang mùa khác, tháng này sang tháng khác, tuần này sang tuần khác…..

             Dù quan sát theo trình tự nào thì học sinh cũng phải biết dừng lại ở bộ phận chủ yếu, trọng tâm của cảnh để quan sát kĩ lưỡng.

            Giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng các giác quan để quan sát. Đây là thao tác quan trọng nhất và có tính chất quyết định. Thông thường các em chỉ dùng mắt để quan sát giáo viên cần hướng dẫn các em dùng mũi để ngửi hương thơm của cây cỏ, dùng tai để nghe âm thanh của sự vật, dùng làn da để cảm nhận hơi thở, cảm nhận làn gió thổi, không khí....

           Khi quan sát học sinh cần phải biết thu nhận đặc điểm đặc sắc hay độc đáo ở cảnh vật do từng giác quan mang lại.

           Học sinh thu nhận các cảm xúc, các liên tưởng, hồi tưởng, so sánh do các đặc điểm của cảnh vật mang lại. Học sinh tìm tòi các từ ngữ thích hợp để diễn đạt các điều thu nhận trên.

Học sinh phải biết quan sát để miêu tả chân thực song phải nhân cách hóa hay biến hóa những chi tiết quan sát được trở thành độc đáo để người đọc dễ dàng cảm nhận, lôi cuốn thu hút hơn.

Biện pháp 3: Dạy kĩ năng lập dàn ý

           Kĩ năng lập dàn ý có vai trò hết sức quan trọng đây là khâu quyết định của việc xây dựng nội dung bài văn. Muốn lập được dàn ý giáo viên phải hướng dẫn học sinh hai công việc chính đó là chọn lọc ý và sắp xếp thành dàn ý. Dựa vào đâu để lựa chọn? Giáo viên cần định hướng cho các em đâu là trọng tâm đâu là thứ yếu.

           Ví dụ: Khi tả hồ sen thì trọng tâm là tả hồ, tả sen còn cảnh bầu trời, cảnh vật quanh hồ là phụ.

           Các em cần biết sắp xếp nội dung theo từng phần dàn ý có thể là theo thứ tự không gian hoặc thứ thự thời gian.

          Với học sinh yếu kém giáo viên có thể cho học sinh lập dàn ý theo mức độ từ dễ đến khó.

Mức độ 1: Lập dàn ý dựa trên kết quả quan sát và câu hỏi định hướng.

Mức độ 2: Lập dàn ý dựa trên kết quả quan sát.

Việc lập dàn ý trước khi viết thành đoạn văn, bài văn là việc làm hết sức quan trọng, bởi vì học sinh cho rằng tốn thời gian. Chính vì lẽ đó mà nhiều học sinh khi làm bài thường cắm đầu viết theo mạch suy nghĩ của mình, không phân chia các ý rõ ràng dẫn đến các ý trong bài văn sắp xếp một cách lộn xộn, không theo đứng trình tự. Bài văn trở nên khô khan và nhàm chán. Bởi vậy, việc lập dàn ý là một bước rất quan trọng mà trong quá trình dạy học. Nó giúp học sinh không bỏ sót ý, bài văn rõ ràng và phát triển trong từng ý logic hơn. Lập một dàn ý chỉ cần có những ý chính đó sẽ không sợ bị lạc đề và trên những ý đó các em sẽ phát triển thành một bài văn hoàn chỉnh.”

        Biện pháp 4: Dạy học sinh kĩ năng dựng đoạn trong bài tả cảnh

          Từ dàn ý đã lập được học sinh sẽ sử dụng ngôn ngữ phát triển ý để dựng thành đoạn và bài. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh viết bài văn tả cảnh thành nhiều đoạn, mỗi đoạn tả một bộ phận của cảnh. Như vậy các đoạn đều có nội dung tập trung miêu tả cảnh định tả. Khi hướng dẫn học sinh viết đoạn, giáo viên phải hướng dẫn các em đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ về ý nghĩa giữa các câu trong đoạn để cùng tả những đối tượng có quan hệ mật thiết với nhau trong cảnh. Sự liên hệ của các câu về mặt ngôn ngữ là nhờ các biện pháp liên kết phép lặp, phép thế, phép nối, phép liên tưởng…. Các đoạn văn trong bài liên kết với nhau thành một bài văn hoàn chỉnh. Có nhiều cách liên kết đoạn văn như dùng từ ngữ thay thế, dùng câu nối…..Trong đoạn văn có câu chủ đề hoặc không có câu chủ đề, có câu kết đoạn hoặc câu kết đoạn. Câu chủ đề thường đứng ở đầu đoạn diễn dịch tóm tắt toàn bộ nội dung đoạn. Câu kết đoạn thường đứng ở cuối đoạn. Khi xây dựng đoạn văn trong bài văn tả cảnh giáo viên cần hướng dẫn học sinh dựa vào nội dung dàn ý phát triển đoạn thì nội dung các đoạn không bị lặp dàn ý, đồng thời nội dung phong phú xúc tích.

           Biện pháp 5: Dạy kĩ năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong văn tả cảnh

          Ngôn ngữ góp phần làm cho bài văn tả cảnh trở nên sinh động và tạo hình. Khi hướng dẫn học sinh sử dụng ngôn ngữ tả cảnh giáo viên cần hướng dẫn các em sử dụng tính từ chỉ màu sắc, hình khối, tính chất….. các từ tượng thanh và tượng hình, các phép so sánh, nhân hóa, ẩn dụ….. Khi sử dụng hợp lí các biện pháp tu từ sẽ giúp cho hình ảnh trở nên sống động gợi cảm, gợi hình. Thông qua việc sử dụng ngôn từ và hình ảnh học sinh có thể bộc lộ cảm xúc của mình khi viết khiến bài văn chân thực và đặc trưng riêng của cá nhân mỗi học sinh.

        Muốn giúp học sinh biết sử dụng ngôn từ, lựa chọn hình ảnh phù hợp khi tả cảnh giáo viên phải giúp học sinh tích lũy vốn từ thông qua việc học các phân môn khác của tiếng Việt.

Biện pháp 6: Dạy cho học sinh đánh giá và học tập kinh nghiệm

Đây là biện pháp cũng rất quan trọng, nó giúp các em học hỏi những ý tưởng, những cái hay và cũng rèn cho học sinh kĩ năng phát hiện lỗi, tìm hiểu nguyên nhân của sự sai sót và biết cách sửa lỗi trong bài viết của mình. Qua đó có tác dụng nâng cao ý thức của học sinh về việc dùng từ đặt câu, diễn đạt câu, trình bày đoạn, liên kết đoạn thành bài. Mặt khác hoạt động chữa lỗi còn rèn cho các em thói quen phải cân nhắc suy xét cẩn thận khi viết, thói quen đọc lại, kiểm tra lại những điều mình vừa viết ra để điều chỉnh sửa chữa nếu thấy cần thiết, nhờ đó hiệu quả học tập của học sinh được nâng cao.

Biện pháp 7: Dạy cho học sinh sáng tác

Dạy cho học sinh biết sáng tác văn, thơ, kịch....tạo cho các em hứng thú yêu thích tiếng Việt và viết văn mau tiến bộ. Qua đó giúp các em càng thêm yêu thầy cô, bạn bè, yêu quê hương đất nước hơn.

3. Những dự định tiến hành trong dạy thực nghiệm:

Cho HS nhận biết cảm nhận cái hay cái đẹp của của 2 bài rừng trưa và bài chiều tối. Từ đó vận dụng để viết viết được một đoạn văn có nội dung phong phú hơn.

4. Thiết kế các hoạt động dạy học:

 Ví dụ: bài Luyện tập tả cảnh SGK TV 5 tập I trang 21

*Mục tiêu:

- Biết phát hiện những hình ảnh đẹp trong bài rừng trưa và bài chiều tối

- Dựa vào dàn ý một bài văn tả cảnh vào một buổi trong ngày đã lập trong tiết học trước, viết được một đoạn văn có các chi tiết và hình ảnh hợp lý (BT2).

- HS nhận biết cảm nhận cái hay cái đẹp của của 2 bài rừng trưa và bài chiều tối. Từ đó vận dụng để viết viết được một đoạn văn có nội dung phong phú hơn.

   *Các hoạt động dạy học chủ yếu:

a) KTBC: Em hãy nêu cấu tạo bài văn tả cảnh?

b) Giới thiệu bài:

c) Dạy bài mới:

  Hướng dẫn luyện tập bài tập 1

  • Những sự vật nào được tả trong bài “ Rừng trưa” và “chiều tối”
  • Những đặc điểm nào cho biết đó là cảnh “ Rừng trưa” và “chiều tối”
  • Tác giả quan sát bằng những giác quan nào?
  • Tìm những hình ảnh em thích trong bài “ Rừng trưa” và “chiều tối” và giải thích vì sao?
  • GV kết luận

  Hướng dẫn luyện tập bài tập 2

  • HS đọc và phân tích đề
  • Hỏi HS đã lập dàn ý tả gì?
  • Cho HS xem tranh
  • HS viết bài
  • GV chữa bài

d) Củng cố, dặn dò:

* Các biện pháp được áp dụng trong bài này

Biện pháp 1: Giúp học sinh nắm vững thể loại và cấu tạo bài

Giúp học sinh tái hiện lại cấu tạo của bài văn tả cảnh phải có đủ 3 phần. Cho học sinh thấy đươc việc nắm vững cấu tạo bài giúp các em tả đúng thể loại bài văn miêu tả. Ở ví dụ này được thực hiện trong phần kiểm tra bài cũ.

Biện pháp 2: Kĩ năng quan sát

     Biện pháp 3: Dạy học sinh kĩ năng dựng đoạn trong bài tả cảnh

     Biện pháp 4: Dạy kĩ năng sử dụng từ ngữ, hình ảnh trong văn tả cảnh

     Biện pháp 5: Dạy cho học sinh đánh giá và học tập kinh nghiệm

5. Dự kiến những khó khăn sai lầm có thể mắc:

  HS có thể chưa cảm nhận hết cái hay cái đẹp của của 2 bài rừng trưa và bài chiều tối nên chưa viết được đoạn văn có nội dung phong phú

6. Dự kiến những biểu hiện của HS trong dạy thử nghiệm

- HS thiếu tập trung chú ý trong giờ học.

- Chưa tích cực phát biểu ý kiến.

- HS chưa viết hoàn thành đoạn văn chưa hoàn chỉnh do các em chưa nắm vững cấu trúc đoạn văn.

VD: Không xác định câu mở đoạn, kết đoạn

7. Chuẩn bị điều kiện phương tiện cần thiết:

- Bảng phụ.

- Máy chiếu

8. Từ nghiên cứu đến kết quả dạy thể nghiệm

9. Đánh giá và kết luận những dự định đã nghiên cứu:

10. Kế hoạch thực hiện chuyên đề:

Hoạt động chính

Thời gian

Công việc

Người thực hiện

Sản phẩm

1.Nghiên cứu và phân tích sư phạm

Tuần 4, 5 (tháng 8)

Nghiên cứu, phân tích chương trình SGK TV L5 phân môn Tập làm văn

- Thống nhất phân tích sư phạm và kế hoạch triển khai

- Họp thông qua kế hoạch thực hiện sinh hoạt chuyên đề

Tất cả GV tổ 5

- GV tổ 5

- CBQL và GV K5

- Văn bản báo cáo

2. Soạn bài, dạy thử nghiệm, dự giờ, thảo luận từng tiết

Tuần 1

(tháng 9)

- Tiết 1:Cấu tạo của bài văn tả cảnh

- Tiết 2: Luyện tập tả cảnh T 14

 - Tiết 2: Luyện tập tả cảnh T 21

- C. Ly

- T. Châu

- C. Cương

- Giáo án, phiếu dự giờ

3. Thảo luận chung, kết luận sư phạm

- Tuần 2 (tháng 9)

- Họp thảo luận tổ

- Hoàn chỉnh kết luận và thông qua tổ

- GV tổ 5

- Biên bản, kết luận chuyên đề (dự thảo)

4. Hoàn chỉnh chuyên đề, tổ chức SHCM trường

Tháng 10

- Dạy thể nghiệm cấp trường

- Báo cáo chuyên đề

- Thảo luận cấp trường, viết hoàn chỉnh kết luận chuyên đề sau đợt sinh hoạt

- C. Cương

- TTK5

- Toàn thể GV, TT viết hoàn chỉnh chuyên đề. BGH thống nhất triển khai toàn trường vận dụng trong những năm tiếp sau.

- Giáo án

- Kết luận chuyên đề

Bước 3: Dạy thể nghiệm/ minh họa: Cô Cương thực hiện.

Bước 4: Kết luận sư phạm và hoàn chỉnh báo cáo chuyên đề. (dự thảo)