Bà ba thi là ai

Riêng lẻ

Bà Ba Thi. Ảnh chụp lại.

Tên tuổi bà Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là bà Ba Thi nổi lên như cồn khi bà là Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP Hồ Chí Minh vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Bà được coi là người nổ phát súng đầu tiên vào chế độ bao cấp gạo, thực hiện có kết quả bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước, góp phần quyết định lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân của thành phố mang tên Bác. Bà cũng là một trong những người phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động vào thời kỳ đó.

Bà Ba Thi nổi tiếng là vậy nhưng hành trình tìm nhân chứng và tư liệu để dựng lại chân dung về bà thật khó khăn. Bà Ba mất đã gần 6 năm. Tôi tìm đến nhà con gái bà là bác sĩ Nguyễn Hồng Thảo ở 65 Trương Định, quận 3, TP Hồ Chí Minh nhiều lần vẫn không gặp. Đến Công ty Lương thực thành phố ở số 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, rủi cho tôi là cả ban giám đốc đều đi vắng. Anh Võ Việt Triều, Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Công ty cũng không biết nhiều về vị nữ giám đốc anh hùng nổi tiếng một thời của mình. Lục tìm sổ sách và danh bạ điện thoại một hồi, anh Triều chợt nói như reo lên: “Đây rồi! Hai người này có thể giúp anh tìm hiểu về cô Ba nhiều đấy. Chị Kim Anh, phụ trách hành chính của Công ty thời đó và chị Út Hiền, cùng Tổ Thu mua lúa gạo với cô Ba từ những ngày đầu…”.

[more…]

           

              Bà Nguyễn Thị Ráo [tên thường gọi là Chín Ráo, bí danh Ba Thi], sinh ngày 11/8/1922, quê quán tại làng Long Thạnh, Tổng Bình Khánh Thượng, quận Càng Long nay là xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, thân phụ của bà là ông Nguyễn Văn Rớt, tuy là một nông dân nghèo, ít học nhưng giàu lòng nghĩa khí. Ngay từ những năm 1930, ông đã là đảng viên cộng sản hoạt động tại Chi bộ Nhị Long, bị bọn địa chủ điểm chỉ, ông bị thực dân bắt, tra tấn dã man rồi đày đi Bà Rá cùng với hai người con rể của mình.

Truyền thống bất khuất của gia đình đã ảnh hưởng sâu đậm đến suy nghĩ, tình cảm của bà Nguyễn Thị Ráo, năm 1940, lúc chưa tròn 18 tuổi, bà được Chi bộ xã giác ngộ rồi giao nhiệm vụ liên lạc giữa các xã Nhị Long, An Trường, Mỹ Trường trong vai cô hàng xáo [mua bán gạo] trẻ trung, vui tính, sự năng nổ, tháo vát và mưu trí của cô giao liên trẻ đã tạo được niềm tin ở Chi bộ. Năm 1943, bà được giao thêm nhiệm vụ Tổ trưởng Nông hội đỏ xã, để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, bà Chín Ráo được Huyện ủy Càng Long tin tưởng giao nhiệm vụ vận động quần chúng thị trấn và các vùng phụ cận tích cực nổi dậy vùng lên. Khi chính quyền về tay Nhân dân, ngày 20/9/1945 bà Nguyễn Thị Ráo vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương [nay là Đảng Cộng sản Việt Nam]. Tại Hội nghị Phụ nữ toàn huyện, bà Nguyễn Thị Ráo được chị em tín nhiệm bầu giữ chức vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Càng Long, đồng thời còn là Ủy viên của huyện bộ Việt Minh. Năm 1946, để đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Huyện ủy Càng Long được củng cố lại, bà Nguyễn Thị Ráo được đề bạt giữ chức vụ Huyện ủy viên, phụ trách công tác Dân vận kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Phụ nữ cứu quốc huyện. Năm 1948, bà Nguyễn Thị Ráo được điều động về giữ chức vụ Phó Hội trưởng, chỉ ít lâu sau đó, bà được bầu lên Hội trưởng, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Trà Vinh. Năm 1951, tỉnh Vĩnh Trà được thành lập từ sự sáp nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, bà được cử đi học lớp Trường Chinh khóa III, tại Đông Nam Bộ. Tại đây, năm 1953 bà lập gia đình với ông Nguyễn Trọng Tuyển - Tỉnh ủy viên phụ trách Tuyên huấn tỉnh Gia Định. Từ đây bà có bí danh Ba Thi [Thi Tuyển]. Theo yêu cầu của tình hình công tác và cũng để đôi vợ chồng trẻ có điều kiện sống gần nhau, sau khi kết thúc lớp Trường Chinh, Xứ ủy điều bà Nguyễn Thị Ráo về giữ chức vụ Ủy viên Đảng Đoàn Hội Phụ nữ Cứu quốc Gia Định- Ninh [lúc này hai tỉnh Gia Định và Tây Ninh sáp nhập làm một], đây là một thử thách quan trọng đối với bà Nguyễn Thị Ráo vốn xuất thân ở nông thôn nay phải về sinh sống và hoạt động hợp pháp ngay giữa lòng đô thành Sài Gòn. Được sự chở che, đùm bọc của bà con lao động nghèo vùng Bàn Cờ, Vườn Chuối, bà thay chồng nuôi con; đồng thời, vận động, tập hợp, lãnh đạo, phụ nữ đấu tranh trực diện với quân thù.

            Sau Hiệp định Genève, bà Nguyễn Thị Ráo được Đảng phân công ở lại Miền Nam, tiếp tục bám địa bàn Sài Gòn- Gia Định vận động quần chúng đấu tranh đòi địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, hiệp thương thống nhất đất nước. Khi địch trở mặt, khủng bố gắt gao các lực lượng cách mạng, bà kiên cường đứng vững giữa nội thành Sài Gòn trong sự thương yêu, đumg bọc, che chở của quần chúng nhân dân. Trong giai đoạn này, bà được lãnh đạo giao đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, cụ thể như: Phó Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định; Quyền Bí thư Quận ủy Quận Ba, Ủy viên Ban Cán sự Cánh I phụ trách Tuyên huấn các quận Gò Vấp, Phú Nhuận. Đặc biệt, giữa năm 1959, ông Nguyễn Trọng Tuyển [khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định] hy sinh như một tin sét đánh đối với bà lúc này, nhưng bà Nguyễn Thị Ráo vẫn cố nén đau thương, kiên cường vượt lên nỗi đau mất mát, phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng không chỉ cho phần mình mà còn cho cả phần người đã khuất [sau này ở Quận 3,Thành phố Hồ Chí Minh hiện có một con đường mang tên của chồng bà là Nguyễn Trọng Tuyển]. Đến Năm 1961, bà Nguyễn Thị Ráo được bầu vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Năm 1964, tại Đại hội Phụ nữ toàn miền, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng Miền Nam Việt Nam và được Ban Chấp hành cử vào Ban Thường trực Trung ương Hội. Tháng 3/1969, bà Nguyễn Thị Ráo tham gia đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, bà là đại biểu nữ duy nhất của đoàn. Ngày 5/3/1969 trở thành ngày trọng đại, khó có thể quên được trong cuộc đời bà Nguyễn Thị Ráo là bà được gặp Bác Hồ và được ngồi bên Bác, báo cáo với Bác về  phong trào đấu tranh bất khuất của phụ nữ Miền Nam.

            Sau ngày thống nhất đất nước, bà tiếp tục công tác tại Trung ương Hội LHPN Việt Nam rồi sau đó được điều về giữ chức vụ Phó Giám đốc Ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 [khóa IV] ra đời đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực lưu thông phân phối, vận dụng Nghị quyết vào thực tiễn, Thành ủy và UBND thành phố Hồ Chí Minh thành lập Công ty Kinh doanh Lương thực, bà Ba Thi được bổ nhiệm Giám đốc vào tháng 7/1980. Từ năm 1981, căn cứ vào chỉ tiêu lương thực mà Trung ương cho phép thành phố được mua, Giám đốc Ba Thi đặt quan hệ với hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bà trực tiếp về các tỉnh nắm bắt nhu cầu vật tư, hàng hóa của bà con nông dân để cung ứng hàng kịp thời, đổi lấy gạo. Có nguồn hàng trong tay, Công ty Kinh doanh Lương thực tổ chức mạng lưới gồm 172 cửa hàng và 2.578 đại lý bán lẻ khắp địa bàn thành phố, đảm bảo đưa lương thực đến tận tay người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất. Các đại lý bán lẻ lương thực lúc này thường là do sự kết hợp giữa Công ty với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, từ đó, Công ty nhanh chóng làm chủ và bình ổn thị trường lương thực ở thành phố Hồ Chí Minh. Gần 4 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh tuy chưa thật đầy đủ nhưng đã được đảm bảo cung cấp lương thực ở mức có thể chấp nhận được, Công ty Kinh doanh Lương thực thành phố, trực tiếp là Giám đốc Ba Thi được xem là một mô hình kinh doanh năng động, hiệu quả trong cơ chế cũ và là một trong những điển hình có giá trị giúp Đảng, Nhà nước có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc đổi mới cơ chế kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM viết: “Mô hình Công ty Kinh doanh do chị Ba Thi làm Giám đốc chính là một hình thức quản lý kinh doanh trong thời kỳ quá độ, là quá trình thực hiện kế hoạch hóa kết hợp với việc sử dụng thị trường và đấu tranh cải tạo để làm chủ thị trường, từng bước dìu dắt tiểu buôn bán gạo đi vào quỹ đạo XHCN”[1]. Việc ổn định và làm chủ thị trường lương thực ở thành phố Hồ Chí Minh những năm 1980 là một thành tích hết sức có ý nghĩa chính trị - xã hội, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng ở một địa bàn nhạy cảm đối với Đảng và Nhà nước. Để ghi nhận sự đóng góp của nữ Giám đốc Ba Thi, năm 1983, Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng cho bà Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 1984 bà tiếp tục được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Tiếp đến năm 1985, bà là một trong số không nhiều phụ nữ Việt Nam được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động, bà là đại biểu Quốc hội khóa VIII.

            Vào những năm đầu 1990, Công ty Kinh doanh Lương thực thành phố Hồ Chí Minh mà Giám đốc là bà Ba Thi trở thành một mô hình kinh doanh đa chức năng, từ chỗ kinh doanh lương thực mua thu gom và bán cấp phát, Công ty đã vươn ra lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản; công nghiệp chế biến dầu khí và tín dụng Ngân hàng. Thương phẩm của Công ty có mặt không chỉ ở khu vực thị trường truyền thống là Liên Xô và các nước Đông Âu mà đã tạo dựng được uy tín ở các nước đang phát triển cũng như bước đầu cạnh tranh được trên thị trường khó tính Tây Âu và Bắc Mỹ. Tuần báo ASIAWEEK đã bình chọn Giám đốc Nguyễn Thị Ráo là nhà kinh doanh thành đạt nhất Châu Á trong năm 1991 và gọi bà là “nữ tỷ phú” với doanh số hàng trăm triệu USD mỗi năm. Năm 2002, do tuổi cao, sức yếu bà đã qua đời ở tuổi 80. Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động, bà Nguyễn Thị Ráo được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất,  Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huy hiệu 40, 50 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác./.

                    [Nguyễn Thị Mười –Ghi theo tư liệu viết sử phụ nữ Trà Vinh]

Video liên quan

Chủ Đề