Tại sao cần bình đẳng giới

Trang chủ / Công tác công đoàn

Trích từ nguồn Báo Hoatieu.vn

Hiện nay, việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của mọi người không phân biệt một tầng lớp, giai cấp nào. Có thể nói, trong số đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về thực hiện bình đẳng giới mà chúng ta cần phải học hỏi.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi Bác Hồ:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người

Vâng, trong những “kiếp người” chung của cả dân tộc, Bác đã giành sự quan tâm đặc biệt đến phụ nữ. Mà điều Bác quan tâm nhất là vấn đề giải phóng phụ nữ. Nếu vấn đề giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Chính vì vậy mà Bác đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”, vì sao Bác lại khẳng định như vậy?

Hơn ai hết, Bác là người hiểu rõ rằng: Trong xã hội, người phụ nữ là người bị áp bức, chịu đau khổ và thiệt thòi nhiều nhất: Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ không được coi trọng. Cái quan niệm: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” ấy đã khiến chị em suy nghĩ thật xót xa:

“ Thân em như cái chổi đầu hè

Phòng khi mưa gió cho chàng chùi chân”

Do vậy, họ là nạn nhân của chế độ “đa thê”:

“Trai thì năm thê bảy thiếp

Gái chính chuyên chỉ có một chồng”

Chế độ đa thê ấy làm cho người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh thật éo le. Vì vậy mà Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đã phải cất lên tiếng chửi: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!”. Những hiện tượng trên làm nhức nhối mỗi chúng ta. Mặt khác, người phụ nữ phải làm việc nhiều nhất là các công việc nội trợ, việc gia đình dẫn đến sự thiếu thốn về thời gian, suy giảm thể lực. Lúc này có sự mâu thuẫn giữa hai chức năng: chức năng lao động xã hội với tư cách là một công dân bình đẳng với nam giới; chức năng tái sản xuất sức lao động cho xã hội với tư cách là người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình nhưng vẫn chưa được bình đẳng với nam giới.

Quyền bình đẳng thật sự của người phụ nữ theo Bác là người đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân. Thực chất của vấn đề bình đẳng nam nữ được Bác quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng...

Với cương vị của một Chủ tịch nước, trong những lo lắng quan tâm chung cho đồng bào cả nước, Bác luôn quan tâm tới sự bình đẳng của phụ nữ Việt Nam. Rất nhiều lần Người phê phán những thái độ đối xử không tốt đối với phụ nữ như coi thường không tin tưởng chị em, tệ đánh vợ...Mỗi hội nghị, nếu có đại biểu nữ, Bác thường mời lên đầu, ân cần hỏi han đến chuyện gia đình con cái, đến cuộc sống và những khó khăn riêng của chị em.

Cần phải nói rằng không phải ai cũng có được một cái nhìn tiến bộ về phụ nữ như Bác. Suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những lời khen ngợi động viên, những đánh giá cao của người luôn là điểm tựa tinh thần lớn lao để phụ nữ nước ta hoàn thành nhiệm vụ. Tự hào thay khi Bác ca ngợi phụ nữ chúng ta:

“Phụ nữ ta chẳng tầm thường

Đánh đông dẹp bắc làm gương để đời”.

Chúng ta thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định - một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: “phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam cho cả dân tộc!” Và Bác đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: "ANH HÙNG - BẤT KHUẤT - TRUNG HẬU - ĐẢM ĐANG".

Thái độ đối xử bình đẳng với phụ nữ của Bác không phải là cái gì khác ngoài lòng tin cậy, đánh giá cao vai trò và năng lực của người phụ nữ, động viên khơi dậy những năng lực tiềm tàng ở họ để làm tròn những trách nhiệm được giao.

Không những Bác quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam mà Bác còn quan tâm đến cả phụ nữ quốc tế. Khi đến thăm tượng Thần Tự Do ở Mỹ, trong khi rất nhiều chính khách viết những lời ca ngợi Thần với những ngôn từ đẹp nhất thì Bác, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc đã ghi một câu đại ý: Thần Tự Do toả ánh sáng khắp nơi nhưng dưới chân Thần vẫn còn những người phụ nữ bị đánh đập. Bao giờ người phụ nữ nhất là người phụ nữ da đen mới được tự do, bình đẳng? Tấm lòng của Bác mênh mông sâu thẳm biết bao!

Mỗi giới đều có vai trò riêng của mình: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, song để phụ nữ được bình đẳng với nam giới về mọi mặt, Bác cũng chỉ rõ: Giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là cuộc cách mạng lâu dài, to lớn và khó nhất chứ không phải là việc: Hôm nay anh nấu cơm, quét nhà, rửa bát; ngày mai em rửa bát, quét nhà, nấu cơm; Cần có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Đặc biệt bản thân chị em phải tự lực tự cường phấn đấu để vươn lên, rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân đạo để khẳng định mình.

Kế thừa tư tưởng tiến bộ của Bác về vấn đề bình đẳng giới, đất nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thích hợp để phát huy vai trò thế mạnh của phụ nữ. Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị - BCHTW Đảng khoá X về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã ghi rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35 đến 40%, các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ...”

Có thể nói rằng tư tưởng giải phóng phụ nữ, đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao: tư tưởng ấy đã chỉ dẫn cho người phụ nữ Việt Nam, cổ vũ chị em trên con đường đấu tranh đi tới bình đẳng tự do cùng nhân loại tiến bộ. Tư tưởng ấy cũng cho mỗi chúng ta một bài học nhân văn: coi trọng con người, tất cả vì con người.

Mỗi chinhg ta cần không ngừng học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong công tác phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Luôn quan tâm chia sẽ với cán bộ nữ trong cơ quan cũng như mẹ, chị và em trong gia đình, góp phần xây dựng nước ta giàu mạnh, bình đẳng, tự do, tạo điều kiện đưa phụ nữ Việt Nam trở thành một trong những phụ nữ thành đạt và có bản lĩnh trên thế giới.

Nguồn: Laura Tyson & Anu Madgavkar, “Why Gender Parity Matters,” Project Syndicate, 05/11/2015.
Nguyễn Huy Hoàng dịch.

Cái giá đắt đỏ của bất bình đẳng giới đã được ghi nhận rộng rãi. Nhưng một nghiên cứu mới của Viện Toàn cầu McKinsey ước tính rằng nó thậm chí còn cao hơn so với suy nghĩ trước đây – với những hậu quả sâu rộng.

Nghiên cứu của McKinsey sử dụng 15 chỉ số – bao gồm cả các phép đo thông thường về bình đẳng kinh tế, như tiền lương và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, cũng như các số liệu về bình đẳng xã hội, chính trị, và pháp lý – để đánh giá “điểm bình đẳng giới” cho 95 quốc gia, chiếm 97% GDP toàn cầu và 93% phụ nữ thế giới. Các nước cũng được chấm điểm theo từng chỉ số.

Không ngạc nhiên, điểm số cao về các chỉ số xã hội tương ứng với điểm số cao về các chỉ số kinh tế. Hơn nữa, điểm bình đẳng giới tính cao hơn có liên quan chặt chẽ tới mức độ phát triển cao hơn, được đo bằng GDP đầu người và mức độ đô thị hóa. Những khu vực phát triển nhất của châu Âu và Bắc Mỹ đã tiến gần nhất tới bình đẳng giới, trong khi những khu vực vẫn đang phát triển của Nam Á còn cách xa nhất. Tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch đáng kể trong các khu vực, một phần là do sự khác biệt trong đại diện chính trị và các ưu tiên chính sách.

Một kết luận tổng quan của nghiên cứu của Viện McKinsey là bất chấp sự tiến bộ ở nhiều nơi trên thế giới, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại đáng kể và đa chiều. Bốn mươi trong số các quốc gia được nghiên cứu vẫn cho thấy mức độ bất bình đẳng giới cao hoặc rất cao trong hầu hết các khía cạnh của việc làm – đặc biệt là tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, tiền lương, vị trí lãnh đạo, và công việc chăm sóc không lương – cũng như trong bảo vệ pháp lý, đại diện chính trị, và bạo lực với phụ nữ.

Cái giá của sự bất bình đẳng này là rất đáng kể. Nếu phụ nữ bình đẳng với nam giới trong việc làm – không chỉ tham gia vào lực lượng lao động với tỷ lệ tương đương, mà còn làm việc với số giờ và trong các lĩnh vực tương đương – thì GDP toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 28 nghìn tỷ USD, hay 26%, đến năm 2025. Điều này tương đương với việc cộng thêm một Hoa Kỳ và một Trung Quốc nữa vào nền kinh tế thế giới. Thu hẹp khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sẽ đem lại 54% của thành quả này; điều chỉnh tiền lương cho các công việc bán thời gian sẽ cung cấp thêm 23%; và đưa phụ nữ vào các lĩnh vực có năng suất cao hơn sao cho tương đương với mô hình việc làm của nam giới sẽ đem lại phần còn lại.

Với tốc độ tiến bộ gần đây, hy vọng bình đẳng giới toàn diện trong thế giới việc làm trong tương lai gần là phi thực tế. Nhưng các nước có thể đạt được điều đó trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả nhất trong khu vực. Điều đó có thể đem lại 12 nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu đến năm 2025, tăng 16% GDP của Ấn Độ và khoảng 10% GDP của Bắc Mỹ và châu Âu.

Để đạt được điều này, nghiên cứu của Viện McKinsey khuyến nghị rằng các chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, và các doanh nghiệp cần chú trọng tiến bộ trong bốn lĩnh vực chính: giáo dục, quyền lợi pháp lý, tiếp cận các dịch vụ tài chính và kỹ thuật số, và công việc chăm sóc không lương. Nếu có thể thúc đẩy vị thế kinh tế của phụ nữ, những nỗ lực quan trọng và củng cố lẫn nhau này sẽ giúp cải thiện vị thế xã hội của phụ nữ, được thể hiện bằng chất lượng sức khỏe tốt hơn, an ninh vật lý được tăng cường, và đại diện chính trị lớn hơn.

Bước đầu tiên là cải thiện giáo dục và đào tạo kỹ năng, điều đã được chứng minh là sẽ làm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động. Chênh lệch nhỏ hơn trong trình độ học vấn giữa nam giới và phụ nữ có liên quan chặt chẽ với vị thế cao hơn cho trẻ em gái và phụ nữ, giúp giảm tỷ lệ nạo phá thai dựa trên lựa chọn giới tính, tảo hôn, và bạo lực gia đình. Phụ nữ được hưởng sự bình đẳng trong giáo dục nhiều khả năng có thể chia sẻ công việc không lương với nam giới một cách công bằng hơn, làm việc trong các ngành nghề chuyên môn và kỹ thuật năng suất cao, và đảm nhận các vai trò lãnh đạo.

Để củng cố tiến bộ như vậy, các quy định pháp lý bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong vai trò là thành viên đầy đủ của xã hội nên được triển khai hoặc mở rộng. Các quy định như vậy đã được chứng minh là làm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động, trong khi cải thiện một số chỉ tiêu xã hội, trong đó có bạo lực với phụ nữ, tảo hôn, thiếu biện pháp kế hoạch hóa gia đình, và giáo dục.

Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, điện thoại di động, và công nghệ kỹ thuật số cũng có liên quan tới tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn, bao gồm cả trong vai trò lãnh đạo, và giảm thời gian làm công việc chăm sóc không lương. Thực tế hiện nay, phụ nữ dành rất nhiều thời gian cho những công việc như vậy, chiếm 75% tổng số tính theo trung bình thế giới.

Công việc chăm sóc không lương – bao gồm các công việc quan trọng giữ cho các hộ gia đình hoạt động, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em và người già, nấu ăn, và dọn dẹp – rõ ràng là một rào cản lớn cho phụ nữ trong việc tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế. Nếu nam giới chia sẻ những trách nhiệm như vậy một cách công bằng hơn, các doanh nghiệp áp dụng lịch làm việc linh hoạt và “chăm sóc thân thiện” hơn, và chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho chăm sóc trẻ em và các chức năng chăm sóc gia đình khác, thì tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động có thể tăng lên đáng kể.

Nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ bình đẳng giới chắc chắn cũng là lợi ích của các công ty, do điều đó giúp mở rộng nguồn nhân lực mà từ đó họ có thể chọn nhân viên và nhà quản lý. Hơn nữa, nhiều nhân viên nữ hơn cũng đồng nghĩa với việc có cái nhìn sâu sắc hơn vào tâm lý của khách hàng nữ. Và có lẽ quan trọng nhất đối với một công ty là ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí điều hành và quản trị có thể làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với bình đẳng giới có lẽ là niềm tin và thái độ vốn đã ăn sâu bén rễ. Như Anne-Marie Slaughter đã nhấn mạnh trong cuốn sách mới đây của bà, cả nam giới và phụ nữ đều đánh giá thấp công việc chăm sóc so với công việc có lương bên ngoài. Tương tự, các cuộc khảo sát cũng cho thấy còn tương đối nhiều nam giới và phụ nữ trên thế giới tin rằng trẻ em phải chịu thiệt thòi khi mẹ chúng làm việc. Nhiều tài liệu nghiên cứu tiếp tục chỉ ra những định kiến tiềm ẩn đối với phụ nữ trong quá trình tuyển dụng và đề bạt, tạo nên ngày càng nhiều mối quan tâm đối với những nhà khởi nghiệp ở thung lũng Silicon có sử dụng công nghệ để giảm thiểu những định kiến như vậy trong các hoạt động nhân lực của họ.

Chắc chắn, đạt được bình đẳng giới không phải là điều dễ dàng. Nhưng nó vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong việc cải thiện vị thế của phụ nữ và trẻ em gái và thúc đẩy phát triển kinh tế và thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Laura Tyson, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ, là giáo sư Trường Kinh doanh Haas, Đại học California, Berkeley, cố vấn cấp cao tại Rock Creek Group, và thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự Toàn cầu về Bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Anu Madgavkar là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Toàn cầu McKinsey.

Video liên quan

Chủ Đề