Vườn thuốc nam theo chuẩn của Bộ Y tế

Những vườn thuốc tại trạm y tế xã

Vườn thuốc nam của trạm y tế xã Hanh Cù [huyện Thanh Ba, Phú Thọ] được phát triển trên diện tích hơn 40m2. Vườn có khoảng 50 cây thuốc được trồng theo từng ô, nhóm riêng biệt và gắn biển tên nên rất thuận tiện cho người dân quan sát, tìm kiếm để xin về nhân giống và sử dụng.

Người dân không chỉ sử dụng trực tiếp những vị thuốc tươi mà còn hái, phơi khô, sao, chiết xuất để kéo dài thời gian sử dụng. Nơi đây có nhiều loại cây rất quen thuộc như: Ngải cứu, chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, rẻ quạt, đinh lăng, hương nhu, xạ đen, kim ngân…

Ảnh: VietNamNet

Những loại thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm, thương hàn, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, sốt xuất huyết, đau nhức cơ xương khớp...

Ngoài ra, hiện nay hơn 270 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ hầu như đều có vườn thuốc nam.

Tương tự, vườn cây thuốc nam của xã Chiềng Yên [Vân Hồ, Sơn La] cũng được quan tâm, chăm sóc. Xuất phát từ điều kiện thực tế người dân ở các bản xa trung tâm xã ít có điều kiện thường xuyên về Trạm Y tế xã khám bệnh, Trạm đã xây dựng vườn cây thuốc nam rộng gần 40 m2.

Vườn bao gồm 50 loại cây, như: Bạc hà, bồ công anh, cam thảo, cỏ nhọ nồi, cỏ xước, gừng, húng, chanh, tía tô, kinh giới, mã đề... Mỗi loại cây được trồng vào một ô riêng và có gắn biển tên của cây thuốc để thuận lợi cho bà con tìm hiểu về công dụng của từng loại cây chữa một số bệnh.

Cũng như Trạm y tế xã Chiềng Yên, Trạm Y tế xã Tả Phìn, Lai Châu đã cải tạo, trồng mới được vườn thuốc nam mẫu có diện tích 50m2 với 9 nhóm thuốc, cây trồng sống xanh tốt.

Vườn thuốc có các cây chữa các bệnh thông thường như: Cảm cúm, chữa cơ xương khớp, mụn nhọt, chữa ho, hội chứng lỵ, ỉa chảy, xuất huyết, kinh nguyệt không đều, viêm gan….

Để xây dựng và phát triển vườn cây thuốc phong phú, Trạm Y tế đã giao nhiệm vụ cho từng nhân viên y tế của Trạm chịu trách nhiệm chăm sóc, bổ sung những cây thuốc nam còn thiếu. Ngoài ra, cán bộ trong Trạm cũng được trang bị những kiến thức về các bài thuốc nam đơn giản để hướng dẫn người dân thực hiện.

Tác dụng từ vườn thuốc nam

So với việc chữa bệnh theo phương pháp Tây y thì chữa bệnh bằng thuốc Nam có nhiều ưu điểm như ít tốn kém, dễ trồng, chữa bệnh an toàn, ít gây tác dụng phụ, tránh được hiện tượng nhờn thuốc. Hiệu quả chữa bệnh của cây thuốc Nam cũng cao nếu được sử dụng đúng cách.

Việc xây dựng vườn thuốc Nam sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng những loại cây thảo dược chữa một số bệnh thông thường, tăng cường sức đề kháng và hạn chế sử dụng thuốc Tây khi chưa thật sự cần thiết.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương - Trạm trưởng Trạm y tế xã Hanh Cù [Thanh Ba, Phú Thọ] cho biết, hiện trạm y tế vẫn thường xuyên chăm sóc, bổ sung và sử dụng kết hợp giữa đông, tây y trong việc chữa một số bệnh thông thường cho người dân. Khi bệnh nhân đến trạm khám, cán bộ y tế của trạm tuyên truyền, giới thiệu cho người bệnh về cách sử dụng.

Hạ khô thảo Ảnh: VietNamNet

Nhiều người dân cũng chia sẻ, họ sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Nếu cây nào không có thì ra vườn thuốc nam của trạm y tế xin về trồng vì dùng thuốc nam tuy tác dụng chậm hơn thuốc tây y nhưng nó không có tác dụng phụ. Ví dụ trong thời điểm giao mùa, các bé hay bị ho, sổ mũi. Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y theo đơn kê của bác sĩ, người dân xin lá hẹ, húng chanh hấp mật ong cho con uống để giảm cơn ho…

Về việc sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh cho người dân, bác sỹ Nguyễn Thị Tiến, Trạm trưởng Trạm Chiềng Yên [Sơn La] cho biết: Trong quá trình chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, nếu xác định có thể chữa được bằng cây thuốc nam, các bác sĩ thường tư vấn và hướng dẫn bà con sử dụng cây thuốc nam kết hợp với thuốc tây để điều trị. Cũng có trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần điều trị bằng thuốc nam, có nhiều trường hợp người bệnh sử dụng thuốc nam đã điều trị khỏi bệnh.

Hằng tháng, Trạm Y đều phân công cán bộ về các bản phối hợp với nhân viên y tế bản tuyên truyền, vận động nhân dân dành một khoảnh đất trong vườn nhà để trồng một số loại cây thuốc nam, cũng như cách sử dụng của từng loại cây.

Được cán bộ y tế xã, bản hướng dẫn, nhiều gia đình có người bị sốt, hay ho, đều lấy cây thuốc trong vườn để chữa, nếu 2-3 ngày bệnh không thuyên giảm gia đình mới đưa về Trạm Y tế xã để chữa trị.

Hoạt động này giúp người dân tận dụng được những loại cây thuốc nam để chữa trị các bệnh thông thường kịp thời; người bệnh giảm sử dụng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết. Bênh cạnh đó, người dân còn tiết kiệm được chi phí cho việc điều trị bệnh.

Lê Hà

Vườn thuốc nam cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên, qua thực tế thì số lượng trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu có đủ số lượng loại cây thuốc theo quy định gần như là không có.

Vườn thuốc nam ở Trạm Y tế xã Vĩnh Minh [Vĩnh Lộc] biến thành vườn rau.

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về việc phát triển mạng lưới y dược học cổ truyền nhằm nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng vườn thuốc nam và tuyên truyền giới thiệu về cây thuốc nam tại các cơ sở khám, chữa bệnh, hầu hết các trạm y tế tại Thanh Hóa đều xây dựng vườn thuốc nam. Tuy nhiên, việc duy trì và phát huy hiệu quả các vườn thuốc này đang gặp không ít khó khăn, hạn chế.

Theo tiêu chí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền, vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn phải có từ trên 40 - 45 loại cây thuốc. Vườn thuốc nam cũng là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên, qua thực tế thì số lượng trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu có đủ số lượng loại cây thuốc theo quy định gần như là không có.

Huyện Đông Sơn là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu, với gần 100% trạm y tế có vườn cây thuốc nam mẫu, đáp ứng đủ các tiêu trí như: Trên 40 loại cây thuộc 9 nhóm dược liệu dùng để chữa một số bệnh thường gặp; có bảng hướng dẫn về công dụng của từng cây thuốc để người dân tìm hiểu. Tuy nhiên, phần lớn người dân đến khám vẫn chỉ được nhân viên y tế kê đơn thuốc tân dược, nguyên nhân là do, phần lớn các trạm đều chưa có cán bộ chuyên trách về đông y.

Bà Lê Thị Bình, xã Đông Thịnh [Đông Sơn] cho biết: Tôi bị bệnh mãn tính, thường hay đến trạm y tế để điều trị, thấy vườn thuốc nam được đầu tư, chăm sóc bài bản với nhiều loại cây thuốc khác nhau nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp, chủ yếu để giới thiệu là chính vì cơ bản chúng tôi đến trạm đều được điều trị tây y, thi thoảng có tư vấn về nhà dùng thêm thuốc nam.

Tại Trạm Y tế xã Vĩnh Minh [Vĩnh Lộc] dù khuôn viên rộng rãi, nhưng vườn thuốc nam của xã hết sức nghèo nàn, chủ yếu dành đất cho trồng rau xanh. Cùng chung thực trạng, vườn thuốc nam tại Trạm Y tế phường Quảng Thành [TP Thanh Hóa] được xây dựng trên một khuôn viên khá rộng, tuy nhiên, số lượng cây thuốc lại nghèo nàn, nhiều nhóm cây đã bị chết, nhiều cây đổ xiêu vẹo, lá khô, cỏ mọc um tùm...

Bác sĩ Trịnh Sỹ Thống, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quảng Thành cho biết: Vườn thuốc nam là một trong những tiêu chí bắt buộc khi chấm điểm xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng và duy trì vườn thuốc nam tại trạm y tế chưa đạt như mong muốn. Những năm trước, vườn cây thuốc nam được trồng đầy đủ các loại theo tiêu chí của Bộ Y tế và rất phát huy hiệu quả, giúp người dân chữa được các bệnh thông thường như ho, sổ mũi. Tuy nhiên, do trạm chưa có cán bộ chuyên trách về đông y, hệ thống thoát nước tại vườn không có dẫn đến vườn hay bị ngập lụt do mưa bão, người dân mỗi khi hái cây thuốc nam thường nhổ cả rễ nên việc giảm lượng cây là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư và mua lại giống không được cấp, thiếu người chăm sóc nên việc duy trì vườn cây thuốc nam tại trạm gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa, hiện trên địa bàn thành phố có 37/37 trạm y tế đều trồng và treo tranh cây thuốc nam. Theo danh mục Bộ Y tế quy định là phải trồng và giới thiệu được trên 40 loại cây thuốc nam. Tuy nhiên, hầu hết các trạm đều không bảo đảm số lượng cây thuốc, nhóm thuốc theo quy định, chỉ có vài cây thuốc phổ biến thường gặp như sả, tía tô, kinh giới, diếp cá, đinh lăng, kim tiền thảo... nên việc phát huy hiệu quả các vườn cây thuốc trong việc chữa bệnh là rất thấp, chủ yếu là giới thiệu cho người dân là chính, vì vậy gây khó khăn trong điều trị, nhất là công tác thẩm định xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Nguyên nhân thường gặp là hầu hết các trạm đều không có kinh phí, eo hẹp về quỹ đất, thiếu cán bộ phụ trách chuyên môn. Và để bảo đảm số lượng cây thuốc, nhóm thuốc theo quy định là khó khăn bởi phụ thuộc nhiều vào khuôn viên, diện tích của các trạm. Ngoài ra, việc chăm sóc các loại cây dược liệu đòi hỏi nhiều công sức, kỹ năng, kinh nghiệm.

Theo thống kê của Sở Y tế, đến nay toàn tỉnh có 459 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2020, trong đó có 80% trạm y tế đã xây dựng được vườn cây thuốc nam mẫu còn lại là sử dụng tranh ảnh thuốc nam mẫu. Mặc dù vậy, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn còn nhiều hạn chế, nhất là việc sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị cho bệnh nhân. Nguyên nhân là do vườn thuốc nam ở trạm y tế không đầy đủ chủng loại, số cây thuốc theo quy định. Cùng với đó, tình trạng các trạm y tế có vườn thuốc nam nhưng cũng khó phát triển, bởi hầu hết các trạm mới chỉ có các cây thuốc mẫu thông dụng chứ chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu để đưa vào sử dụng. Đối với các trạm y tế miền núi, có nhiều thuận lợi như quỹ đất rộng, giống cây thuốc đa dạng, dễ kiếm... nhưng, việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu cũng chưa được chú trọng, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, hiện nay, “chỉ tiêu cứng” về y sĩ y học cổ truyền trong biên chế y tế xã ở đa số trạm y tế trong toàn tỉnh chưa được thực hiện. Thiếu y sĩ y học cổ truyền đồng nghĩa với việc các trạm xây dựng và duy trì vườn thuốc nam mẫu chủ yếu bằng kinh nghiệm. Công dụng, cách sử dụng từng loại cây thuốc khó phát huy tối đa hiệu quả nếu như các y, bác sĩ không được đào tạo bài bản hoặc nắm vững kiến thức chuyên môn về y học cổ truyền. Hơn nữa, kinh phí cho hoạt động y tế phường, xã eo hẹp, khó đầu tư cho hoạt động y học cổ truyền nói chung và vườn thuốc nam nói riêng.

Việc xây dựng vườn thuốc nam mẫu có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ giới thiệu về cây thuốc nam và cách sử dụng, mà còn có tác dụng khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần. Vườn thuốc còn tạo điều kiện để các trạm kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền vừa giúp đạt hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh, vừa tiết kiệm được chi phí cho nhân dân. Ngành y tế cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, phát triển vườn thuốc nam cần được các trạm y tế, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, lương dược cũng cần phải được đầu tư đúng mức.

Bài và ảnh: Tô Hà

Video liên quan

Chủ Đề