Cu Tí nhà em nghiện ăn xôi xéo các mẹ ạ sáng nào đưa con đi học em cũng mua cho con 10 nghìn xôi mà bé ăn xong vẫn thấy thòm thèm. Cuối tuần trước rảnh rỗi nên em liền trổ tài đồ xôi, cả bố lẫn con đều mong chờ được thưởng thức “tác phẩm” của mẹ, em còn phi sẵn hành khô để nhìn cho nó “chuyên nghiệp” cơ mà. Thế mà khi mở nồi xôi ra, em ngỡ ngàng vì nồi xôi nhão lớp giữa, khô lớp trên và bị khê phần dưới, thế là bố con cu Tí tiu ngỉu, em phải nói dối con là trong nồi có sâu nên mẹ phải đổ bỏ không ăn được, cu cậu sợ sệt nhưng mặt vẫn thất vọng lắm. Sáng hôm qua ra hàng xôi quen thuộc, em phải năn nỉ gãy lưỡi bà bán xôi mới chịu bật bí cho mấy mẹo đồ xôi gia truyền, vừa thơm vừa dẻo, ngửi mùi là mê. Tối về em áp dụng luôn thì cho ra sản phẩm cực ưng ý, cu Tí thích mê ăn liền một lúc 3 bát xôi đầy, còn bố nó thì cứ nhìn vợ cười, ăn xong lại còn tranh phần rửa bát nữa chứ. Bước 1: Chọn gạo dẻo thơm Tuy là phần hậu kỳ nhưng cũng quan trọng không kém đấy các mẹ ạ, em được bà bán hàng chỉ cho cách chọn gạo dẻo thế này: - Khi mua gạo phải chọn mua loại gạo nếp có màu trắng đục, hạt đều, căng bóng. Nhai thử vài hạt để chọn gạo có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi lúa mới.- Mua gạo về, cần vo sạch gạo rồi ngâm 6 – 8 giờ trước khi nấu để hạt gạo ngậm đủ nước. Nhờ vậy, khi nấu hạt nếp không bị sống. Lúc ngâm nên cho một chút muối để xôi thêm đậm đà. Bước 2: Phải khéo léo khi cho nếp vào nồi Vừa nghe em kể về chiến tích của mình bà cứ lăn ra cười chê em lớn đầu rồi còn vụng, rồi bắt đầu "chẩn bệnh":Bà bảo lý do dẫn đến kết quả nồi xôi vừa nhão, vừa khô vừa khê là do em chưa canh lửa đúng và quan trọng hơn là không tạo độ thông thoáng cho hạt nếp. Trước giờ em có nghĩ nấu xôi phức tạp đến vậy đâu, chẳng bao giờ nghĩ là nếp phải có không gian, đủ độ thoáng thì mới cóthể nở bung, dẻo, mẩy hạt, ráo nước, không bị nhão. Thông thường, chúng ta vẫn thường đổ cả thau, cả rổ nếp vào nồi cho nhanh, dàn đều nếp rồi đậy kín nắp, bật lửa đồ xôi. Tuy nhiên, đó không phải là cách đúng đắn. Vừa nói, vừa lấy 2 tay làm hành động để minh họa cho em dễ hiểu, bà bán hàng bảo phải dùng tay vốc từng nắm xếp cho vào nồi. Cách này sẽ giúp trải đều hạt nếp, giúp hạt nếp không chèn vào nhau, có nhiều không gian hơn để nếp nở bung. Ngoài ra, đây cũng là cách để không khí trong nồi lưu thông tốt, lưu thông đều khắp nồi, từ đó giúp hạt nếp nở đều hơn nhờ hơi nước lan tỏa đều trong nồi. Nghe đến đây thì em đã hiểu vì sao hàng xôi của bà sáng nào cũng đắt khách, còn em thì trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhét! Bước 3: Nấu xôi Nấu xôi không phải cứ cho gạo vào rồi nấu, để xôi thơm dẻo bà nhắc em cần lưu ý mấy điều lúc nấu: - Lượng nước đổ dưới nồi hấp chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi. Để nước nhiều quá, khi sôi, nước sẽ bốc hơi mạnh, làm phần xôi phía dưới bị nhão và nát.- Lưu ý đừng để mặt gạo bằng, hãy xới hơi vát về một phía sẽ giúp xôi không bị nhão ở dưới.- Phải đun từ 30– 40 phút. Cứ 10 phút bạn lại mở nắp để lau khô hơi nước ở nắp nồi và đảo đều gạo để xôi chín và ráo nước. Chú ý: Cách chữa cháy khi xôi bị sống, sượng Nghe cái kết em phải đổ cả nồi xôi đi bà chê em dốt "Sao không biết cách mà chữa cháy lại vứt đi phí của giời thế?"Bà bảo em rằng lần sau nếu nấu nồi xôi lỡ bị hỏng thì chỉ cần vẩy nước ấm nóng đều lên mặt xôi, sau đó xới đều, đậy kín nắp và ủ khăn bên ngoài để hơi nước không thoát ra, vậy là ổn!Đơn giản thế mà em cũng không nghĩ ra, may mà được “chỉ giáo” thì em mới có cơ hội lấy lại hình tượng trong mắt chồng con. Biết được hết những bí quyết này rồi thì còn sợ gì xôi không ngon phải không các mẹ?