Special class là gì

Khi tìm kiếm một trường học, bạn có thể bắt gặp rất nhiều từ viết tắt và biệt ngữ. Dưới đây là một số định nghĩa đơn giản giúp giải thích các thuật ngữ này.

  • Bậc Cao (Advanced Placement - AP): Các khóa học cấp độ đại học tại một số trường trung học đệ nhị cấp. Học sinh làm bài kiểm tra Bậc Cao vào cuối năm và có thể nhận tín chỉ đại học cho môn đó.

  • Tỷ Lệ Chuyên Cần (Attendance Rate): Tỷ lệ phần trăm học sinh có mặt tại trường trong một ngày học bình thường.

  • Tỷ Lệ Vắng Mặt Thường Xuyên (Chronic Absentee Rate): Tỷ lệ học sinh nghỉ học ít nhất 15 ngày trong một năm của trường.

  • Tỷ Lệ Học Đại Học (College Attendance Rate): Tỷ lệ phần trăm học sinh của một trường ghi danh vào các khóa học đại học sau khi tốt nghiệp trung học.

  • Dự bị đại học (College preparatory): Chương trình đào tạo hoặc học tập được thiết kế riêng để chuẩn bị cho học sinh theo học bốn năm cao đẳng hay đại học.

  • Sở Giáo Dục Tiểu Học và Trung Học (Department of Elementary and Secondary Education - DESE): Sở Giáo Dục Tiểu Học và Trung Học Massachusetts chịu trách nhiệm đối với giáo dục công lập ở cấp tiểu học và trung học trên toàn Massachusetts.

  • Ghi danh kép (Dual enrollment): Các chương trình hoặc lớp học cho phép học sinh tham gia vào các khóa học cấp độ đại học mà sẽ được tính vào cả tín chỉ trung học đệ nhị cấp và đại học.

  • Song ngữ (Dual language): Các chương trình học tập được giảng dạy bằng hai ngôn ngữ. Đôi khi được gọi là "giáo dục song ngữ".

  • Khó khăn về kinh tế (Economically disadvantaged): Thuật ngữ được tiểu bang Massachusetts sử dụng cho các học sinh thuộc diện "thu nhập thấp". Bao gồm tất cả học sinh tham gia vào một hoặc nhiều chương trình hỗ trợ của tiểu bang.

  • Tiếng Anh Là Ngôn Ngữ Thứ Hai (English as a Second Language - ESL): Các lớp Tiếng Anh dành cho học sinh không phải người bản địa.

  • Học Sinh Anh Ngữ (English Language Learner - ELL): Học sinh đang học Tiếng Anh. Học sinh ELL thường được giảng dạy riêng hoặc có sự điều chỉnh cho tới khi các em thành thạo Tiếng Anh.

  • Thời Gian Học Kéo Dài (Expanded Learning Time): Một ngày học dài hơn ở trường.

  • Học tập qua trải nghiệm (Experiential learning): Một phương pháp giáo dục trong đó học sinh sẽ học tập thông qua trải nghiệm thực tế chứ không chỉ dựa trên đọc sách hay nghe giảng về các chủ đề trong trường học.

  • Tỷ Lệ Tốt Nghiệp (Graduation Rate): Tỷ lệ phần trăm học sinh trung học đệ nhị cấp tốt nghiệp sau 4 hoặc 5 năm học.

  • Hòa Nhập (Inclusion): Cách tiếp cận giáo dục đặc biệt, theo đó học sinh có nhu cầu đặc biệt dành phần lớn hoặc toàn bộ thời gian ở trường của các em với những học sinh không có nhu cầu đặc biệt - tất cả học sinh đều ở trong cùng lớp với nhau.

  • Tú Tài Quốc Tế (International Baccalaureate - IB): Một chương trình học tập nhấn mạnh vào việc nghiên cứu và học hỏi từ bạn học; thường để phát triển các kỹ năng tư duy phân tích.

  • Kế Hoạch Giáo Dục Cá Nhân (Individualized Education Plan - IEP): Tất cả học sinh hưởng dịch vụ giáo dục đặc biệt đều có một trong những kế hoạch này. IEP là một bản mô tả về chương trình mà nhà trường sẽ sử dụng để đáp ứng nhu cầu cá nhân của một học sinh có nhu cầu học tập đặc biệt.

  • Hành Vi Thích Ứng Học Tập (Learning Adaptive Behavior - LAB): Một chương trình giúp học sinh, đặc biệt là học sinh có nhu cầu đặc biệt, nắm rõ các chuẩn mực của nhà trường hoặc xã hội.

  • Hệ Thống Đánh Giá Toàn Diện Massachusetts (Massachusetts Comprehensive Assessment System - MCAS): Một trong hai bài kiểm tra cấp tiểu bang mà học sinh trường công lập từ lớp 3-10, tại Massachusetts thực hiện, bao gồm các bài kiểm tra riêng biệt về môn Toán, Nghệ Thuật Anh Ngữ (ELA) và Khoa Học. Bắt đầu từ 2016-2017, bài kiểm tra này và bài kiểm tra PARCC đã phát triển thành một bài kiểm tra có tên "MCAS Thế Hệ Tiếp Theo" bao gồm các câu hỏi từ cả bài kiểm tra MCAS và PARCC.

  • Tỷ Lệ Học Sinh Tiến Bộ Trung Bình (Median Student Growth Percentile - SGP): Tỷ Lệ Học Sinh Tiến Bộ cho thấy sự cải thiện hoặc tiến bộ trong học tập mà học sinh trường đó đạt được trong một năm so với những học sinh tương tự trên toàn tiểu bang. Con số SGP trung bình từ 60 trở lên được coi là "tiến bộ nhiều"; SGP trung bình từ 40 trở xuống được coi là "tiến bộ ít”.

  • Hiệp Hội Quốc Gia Về Giáo Dục Trẻ Em (National Association for the Education of Young Children - NAEYC): Một tổ chức chứng nhận hoặc công nhận các chương trình giáo dục mầm non đáp ứng các tiêu chuẩn về giáo dục, y tế và an toàn. Một chương trình "được NAEYC công nhận" nghĩa là chương trình đó đã được tổ chức này chứng nhận là một chương trình chất lượng.

  • Hợp Tác Đánh Giá Mức Độ Sẵn Sàng cho Đại Học và Nghề Nghiệp (The Partnership for Assessment of Readiness for College and Careers - PARCC): Một trong hai bài kiểm tra của tiểu bang cho phần lớn học sinh Massachusetts từ 2014 đến 2016, thường dành cho học sinh lớp 3-8. Bao gồm các bài kiểm tra riêng biệt về môn Toán, Nghệ Thuật Anh Ngữ (ELA) và Khoa Học. PARCC được sử dụng để phát triển phiên bản mới của MCAS, "MCAS Thế Hệ Tiếp Theo", bắt đầu từ lớp 3-8 vào năm 2017.

  • Công lý phục hồi (Restorative justice): Một cách tiếp cận kỷ luật tại trường học. Theo công lý phục hồi, một học sinh vi phạm một nguyên tắc hoặc quy tắc sẽ phải gặp mặt một nhóm giáo viên và bạn học để trao đổi về vụ việc và làm thế nào để tránh tổn hại cho cộng đồng.

  • Hội Nhập Anh Ngữ (Sheltered English Immersion - SEI): Một phương pháp giảng dạy, theo đó học sinh học Tiếng Anh (ELLs) được giảng dạy bằng tiếng Anh bởi các giáo viên có chứng nhận, được giải thích bổ sung bằng tiếng mẹ đẻ khi cần thiết để các em hiểu được nội dung. Trong một lớp học SEI, học sinh được nhóm lại theo ngôn ngữ bản địa - ví dụ, người bản địa nói Tiếng Việt học cùng lớp với những người nói Tiếng Việt khác.

  • Học Sinh Bị Gián Đoạn hay Hạn Chế Giáo Dục Chính Quy (Students with Limited or Interrupted Formal Education - SLIFE): Những học sinh là Học Sinh Anh Ngữ (ELLs) và những học sinh bị gián đoạn chương trình giáo dục chính quy. Một số trường cung cấp các lớp học hoặc chương trình đặc biệt để phục vụ những học sinh này.

  • Giáo Dục Đặc Biệt (Special Education): Hoạt động giáo dục học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt (như khuyết tật về học tập hoặc phát triển kỹ năng ngôn ngữ) theo cách đáp ứng nhu cầu cá nhân của các em. Tất cả học sinh nhận dịch vụ giáo dục đặc biệt đều có một Kế Hoạch Giáo Dục Cá Nhân (IEP) cho biết các dịch vụ mà nhà trường sẽ cung cấp.

  • Hội Đồng Tư Vấn Phụ Huynh về Giáo Dục Đặc Biệt (Special Education Parent Advisory Council - SPEDPAC): Luật pháp tiểu bang Massachusetts quy định rằng tất cả khu học chánh công lập phải duy trì Hội Đồng Tư Vấn Phụ Huynh, phục vụ tất cả phụ huynh các học sinh khuyết tật và tất cả các bên quan tâm khác.

  • Cấp Tiểu Bang (State Level): Cách thức phân loại thành tích học tập của DESE với các học sinh tại các khu học chánh và trường học cụ thể tại Massachusetts. Cách phân loại này giúp tiểu bang quyết định các trường cần hỗ trợ như thế nào và phân bổ tài nguyên ra sao. Cấp tiểu bang xem xét thành tích học tập, sự tiến bộ hoặc phát triển, việc hoàn thành trung học đệ nhị cấp, tỷ lệ vắng mặt thường xuyên và các lớp học tiên tiến. Một số trường có thể không được phân loại do "không đủ dữ liệu", có nghĩa là số học sinh được kiểm tra không đủ để phân loại trường. Các trường và khu học chánh được phân thành 5 loại, từ cao nhất (tốt nhất) đến thấp nhất:

    • Trường được công nhận (Schools of recognition): Đây là xếp loại học tập cao nhất. Các trường và khu học chánh thuộc loại này không cần hỗ trợ hoặc can thiệp từ tiểu bang và được công nhận vì các thành tích học tập của mình. Trường được công nhận được xác định nhờ thành tích cao, tốc độ phát triển cao và vượt mục tiêu đề ra.

    • Đạt mục tiêu: Một trường hoặc khu học chánh được xác định là đạt mục tiêu nếu các trường hoặc khu học chánh đó đạt mục tiêu đề ra với đa số học sinh và không được xác định là có thành tích chung thấp, thành tích tiểu nhóm thấp, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hoặc tỷ lệ tham gia đánh giá thấp.

    • Đạt một phần mục tiêu: Một khu học chánh hoặc trường được xác định là đạt một phần mục tiêu nếu khu học chánh hoặc trường đó đạt mục tiêu đề ra với ít học sinh hơn và không được xác định là có thành tích chung thấp, thành tích tiểu nhóm thấp, tỷ lệ tốt nghiệp thấp hoặc tỷ lệ tham gia đánh giá thấp.

    • Hỗ trợ tập trung/có mục tiêu: Một trường hoặc khu học chánh được xác định là cần hỗ trợ tập trung/có mục tiêu nếu trường hoặc khu học chánh đó nằm trong số 10% trường có thành tích thấp nhất toàn tiểu bang, như số liệu tỷ lệ phần trăm tinh thần trách nhiệm phản ánh; có một hoặc nhiều tiểu nhóm với tỷ lệ tiểu nhóm từ 5 trở xuống; tỷ lệ tốt nghiệp thấp trên toàn bộ học sinh (dưới 66.7 phần trăm); và/hoặc có tỷ lệ tham gia đánh giá thấp (dưới 95 phần trăm) trên toàn bộ học sinh hoặc trên một hoặc nhiều tiểu nhóm trong một hoặc nhiều môn học.

    • Hỗ trợ mở rộng/toàn diện: Đây là xếp loại thấp nhất. Một trường hoặc khu học chánh được xác định là cần hỗ trợ mở rộng/toàn diện nếu trường hoặc khu học chánh đó được Ủy Viên Giáo Dục Tiểu Học và Trung Học xếp loại thành tích kém hoặc thành tích kém liên tục.

  • STEAM (Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật, Nghệ Thuật và Toán Học): Một số trường cung cấp các lớp học hoặc chương trình đào tạo với trọng tâm là các môn này. Tương tự như STEM, nhưng tập trung thêm vào Nghệ Thuật.

  • STEM (Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật, và Toán Học): Một số trường cung cấp các lớp học hoặc chương trình đào tạo chú trọng vào các môn này.

  • Tỷ Lệ Bỏ Học (Student Attrition Rate):Tỷ lệ phần trăm học sinh bỏ học từ cuối năm này đến đầu năm kế tiếp.

  • Tỷ Lệ Đình Chỉ Học Sinh (Student Suspension Rate): Tỷ lệ phần trăm học sinh bị đình chỉ của một trường vì bất kỳ lý do gì trong một năm.

  • Tỷ Lệ Thầy/Trò; số học sinh trên mỗi giáo viên: Ước lượng số học sinh trên mỗi giáo viên. Đây không phải là quy mô lớp học - phần lớn lớp học ở hầu hết các trường đều sẽ có số học sinh nhiều hơn con số này.

  • Tỷ Lệ Duy Trì Giáo Viên (Teacher Retention Rate): Tỷ lệ phần trăm giáo viên của trường vẫn giữ nguyên vị trí công tác từ năm này sang năm tiếp theo.

Thuật ngữ riêng của Massachusetts

  • Trường Đặc Quyền - Khu Thịnh Vượng Chung (Charter School - Commonwealth): Thường được gọi là "trường đặc quyền". Đây là những trường học miễn phí được tiểu bang Massachusetts cấp phép và hoạt động bằng công quỹ nhưng không liên kết với khu học chánh của thành phố. Nhận học sinh theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên công khai.

Thuật ngữ riêng của Các Trường Công Lập Boston (BPS)

  • Lớp Tiên Tiến (Advanced Work Classes - AWC): Chương trình học tập tăng tốc hoặc nâng cao có tại một số trường BPS dành cho học sinh lớp 4-6. Học sinh được nhận vào các lớp AWC dựa trên điểm số của bài kiểm tra TerraNova (tất cả các học sinh đều làm bài kiểm tra này). Học sinh tham gia AWC được nhóm lại thành các lớp.

  • Bậc BPS (BPS Tier): Các trường BPS được xếp hạng từ 1 đến 4. 1 là mức cao nhất (tốt nhất) và 4 là mức thấp nhất. Bậc BPS được xác định dựa trên điểm bài kiểm tra của trường, kết quả khảo sát văn hóa học đường và các thước đo khác.

  • Trường Thi Tuyển Boston (Boston Exam School): Ba trường thuộc Các Trường Công Lập Boston - Boston Latin School, Boston Latin Academy và John D. O'Bryant School - trong đó học sinh được nhận vào học dựa trên trình độ học vấn. Học sinh được nhận học dựa vào điểm số và kết quả bài kiểm tra ISEE (Independent School Entrance Exam - Kiểm Tra Đầu Vào Độc Lập). Học sinh được nhận khi học lớp 7 và 9.

  • Trường Đặc Quyền-Horace Mann (Charter School - Horace Mann): Các trường công miễn học phí của học khu thuộc quyền giám sát của Các Trường Công Lập Boston, cơ quan phụ trách trường học của thành phố, nhưng được tiểu bang Massachusetts cấp phép hoạt động. Nhận học sinh theo hình thức lựa chọn ngẫu nhiên công khai.

  • Tất Cả Cùng Xuất Sắc (Excellence for All - EFA): Một chương trình trong phạm vi các trường BPS, cho phép học sinh tiếp cận rộng mở với khóa học nghiêm ngặt, thường có ở các Lớp Học Sinh Tiên Tiến (AWC). Học sinh tại các trường có Excellence for All có các bài tập và lớp học thử thách như STEM và ngôn ngữ thế giới.

  • Thời Gian Học Tăng Cường (Extended Learning Time - ELT): Bất cứ thời gian nào ngoài thời gian một ngày học thông thường được sử dụng để tăng thêm các lựa chọn nâng cao chất lượng học tập. Có thể bao gồm ngày học kéo dài, các hoạt động sau giờ học và/hoặc khóa học hè.

  • K0, K1 và K2: Cấp “mẫu giáo (kindergarten)” và “nhà trẻ (pre-kindergarten)” ở các trường tại Boston. Học sinh được đảm bảo xếp chỗ trong một trường BPS đối với cấp K2 chứ không phải K0 hoặc K1 (các chỗ ở các cấp này được quản lý theo phương thức lựa chọn ngẫu nhiên). K2 thường được gọi là “mẫu giáo (kindergarten)” còn K0 và K1 đều là “nhà trẻ (pre-kindergarten)” hoặc “tiền mẫu giáo”.

    • K0 dành cho học sinh lên 3 tuổi trước tháng 9 của năm học mới (đối với năm học 2019-2020, 3 tuổi trước ngày 9/1/19).

    • K1 dành cho học sinh lên 4 tuổi trước tháng 9 của năm học mới.

    • K2 dành cho học sinh lên 5 tuổi trước tháng 9 của năm học mới.

  • Giáo Dục Đặc Biệt - Phân Tích Hành Vi Ứng Dụng (Special Education-Applied Behavior Analysis - ABA): Một phương pháp trị liệu được sử dụng để cải thiện hoặc thay đổi các hành vi nhất định. Sẵn có dưới dạng dịch vụ, thường dành cho các học sinh mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, theo như nhóm IEP xác định.

  • Giáo Dục Đặc Biệt - dịch vụ hòa nhập (Special Education - inclusion services): Các lớp hòa nhập cho học sinh - có thể khác nhau tùy theo độ tuổi/cấp học

  • Giáo Dục Đặc Biệt - Thiểu Năng Trí Tuệ Nhẹ/Trung Bình/Nghiêm Trọng (Special Education - Mild/Moderate/Severe Intellectual Impairment): Các dịch vụ hỗ trợ học sinh có năng lực nhận thức bị hạn chế ở mức nhẹ, trung bình và nghiêm trọng.

  • Giáo Dục Đặc Biệt - Suy Giảm Thể Chất (Special Education-Physical Impairment): : Dịch vụ cho dành cho học sinh bị Suy Giảm Thể Chất: Các dịch vụ hỗ trợ dành cho học sinh bị hạn chế về năng lực thể chất khi di chuyển hoặc phối hợp hành động.

  • Giáo Dục Đặc Biệt: Xếp Đặt Riêng Biệt (Special Education-Substantially Separate): Một môi trường lớp học bên ngoài môi trường giáo dục phổ thông, dành cho trẻ em có nhu cầu học tập đặc biệt.