Rạn san hô hay rằng san hô

Rạn san hô hay rằng san hô

Rạn san hô được xem là hệ sinh thái đa dạng, giàu có và tuyệt vời nhất trong đại dương.

Khu rừng nhiệt đới dưới biển

Dưới làn nước trong xanh của nhiều vùng biển nhiệt đới có những cánh rừng hình thành không phải từ cây cối mà từ những loài động vật đặc biệt – đó là san hô. Rạn san hô được xem là hệ sinh thái đa dạng, giàu có và tuyệt vời nhất trong đại dương.

Một rạn san hô được hình thành qua sự phát triển của nhiều thế hệ của các loài san hô cứng tạo rạn. Tập đoàn san hô do hàng tỉ các pôlýp (polyp) san hô tí hon xây dựng nên. Pôlýp san hô trông giống như một cái ống ngắn, rỗng có đáy nằm trong khung xương đá vôi của mình và trên cùng là miệng gồm nhiều xúc tu. Khi một pôlýp san hô chết đi, ngôi nhà đá vôi của nó vẫn tồn tại. Các pôlýp san hô khác lại tiếp tục xây dựng các ngôi nhà mới của chúng lớp này qua lớp khác, qua nhiều thế hệ và tạo nên các rạn san hô vô cùng huyền bí.

Có ba nhóm san hô chính là san hô cứng (còn gọi là san hô đá), san hô sừng và san hô mềm. San hô mềm với hình dạng của hoa và nấm dại trong rừng nhiệt đới trang điểm cho rạn san hô sặc sỡ hơn. San hô mềm không xây dựng nên một bộ xương đá vôi hoàn chỉnh. Thay vào đó, cơ thể của chúng được đỡ bằng một bộ khung gồm nhiều trâm xương đá vôi bé xíu gọi là bộ xương trong, tạo cho chúng một kết cấu bề mặt mềm mại.

Rạn san hô sống đóng vai trò như một khu rừng nhiệt đới dưới biển, nó vừa đóng vai trò điều hòa nhiệt độ, lượng oxy trong nước, chúng là giá thể, là nơi để các sinh vật khác đến trú ngụ, sinh sản, là nơi cung cấp thức ăn và bãi đẻ cho một số loại sinh vật đến định cư. Không chỉ là “bãi đẻ” của các loài cá, rạn san hô còn là “nhà” của nhiều loài sinh vật biển khác, như: Bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giáp xác, động vật thân mềm hai mảnh vỏ, động vật da gai (sao biển, nhím biển và hải quỳ), động vật có bao, rùa biển và rắn biển… Bên cạnh đó, san hô là cấu trúc sống lớn nhất trên hành tinh. Các rạn san hô là nơi cung cấp thức ăn, môi trường sống, trưởng thành và cả nơi trú ẩn, tránh khỏi kẻ thù cho cá và động vật khác.

Về giá trị kinh tế và tác động đến con người, các rạn san hô là nguồn tài nguyên tuyệt vời cho con người. Rạn san hô có thể coi là những “khu rừng” dưới biển bảo vệ con người khỏi các cơn bão khi tham gia phá vỡ năng lượng sóng.

Khu vực nào có rạn san hô phát triển tươi tốt, độ phủ cao, thì nơi đó sẽ thu hút nguồn lợi hải sản về định cư ở khu vực đó ngày càng tăng, nó sẽ cung cấp một nguồn thực phẩm dồi dào, phong phú nuôi sống nhiều ngư dân trên đảo sống bằng nghề khai thác thuỷ sản, cung cấp sinh cảnh đẹp để du khách tham quan và các sinh vật sống trong rạn.

San hô chết - báo động đỏ

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Climate, các nhà khoa học nhận thấy rằng tương lai của những hệ sinh thái nhiệt đới vốn được cho là có nhiều loài hơn bất kỳ loài nào khác này có lẽ tồi tệ hơn dự đoán.

Nghiên cứu do ứng viên Tiến sĩ về sinh học san hô Adele Dixon, Đại học Leeds; Phó Giáo sư khoa học bảo tồn Maria Beger, Đại học Leeds; Nhà khoa học dữ liệu NASA Peter Kalmus và Phó Giáo sư vật lý Scott F. Heron, Đại học James Cook cùng thực hiện.

Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu đang gây ra các đợt nắng nóng trên biển thường xuyên hơn. San hô đã thích nghi để sống trong một phạm vi nhiệt độ cụ thể, vì vậy khi nhiệt độ đại dương quá nóng trong một thời gian dài, san hô có thể bị tẩy trắng, làm mất đi lớp tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng và nuôi dưỡng chúng thông qua quang hợp, cuối cùng san hô có thể chết.

Trên khắp các vùng nhiệt đới, hiện tượng tẩy trắng và chết hàng loạt đã từ hiếm gặp trở thành một việc thường xuyên khi khí hậu ấm lên. Các đợt nắng nóng thường xuyên hơn có nghĩa là thời gian san hô phải phục hồi ngày càng ngắn.

Trong một báo cáo năm 2018, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu dự đoán, nhiệt độ ấm lên toàn cầu 1,5 °C sẽ khiến từ 70 đến 90% các rạn san hô trên thế giới biến mất.

Rạn san hô hay rằng san hô

Nhiều rạn san hô trở nên tồi tệ hơn sau khi đối mặt với nhiều mối đe dọa từ biến đổi khí hậu.

Giờ đây, với các mô hình có khả năng kiểm tra sự khác biệt về nhiệt độ giữa các rạn san hô cách nhau 1 km, nhóm các nhà khoa học nhận thấy, ở nhiệt độ 1,5 °C ấm lên, mức mà thế giới được dự đoán sẽ đạt đến vào đầu những năm 2030 nếu không có hành động quyết liệt để hạn chế phát thải khí nhà kính, 99% các rạn san hô trên thế giới sẽ trải qua những đợt nắng nóng quá thường xuyên khiến chúng không thể phục hồi.

Điều đó sẽ gây ra thảm họa cho hàng nghìn loài sống phụ thuộc vào các rạn san hô, cũng như khoảng một tỷ người có sinh kế và nguồn cung cấp thực phẩm được hưởng lợi từ đa dạng sinh học rạn san hô.

Do sự suy thoái môi trường nghiêm trọng ở những nơi từng là các ngư trường quý hiếm và phong phú các loài sinh vật biển của khu vực, nhiều rạn san hô đang chết dần. Quá trình cải tạo hay xây dựng thêm các hòn đảo đã phá hủy môi trường biển, nước thải nông nghiệp và công nghiệp làm ô nhiễm các vùng nước ven biển, trong khi việc đánh bắt quá mức đang làm cạn kiệt các loại sinh vật biển.

Nhìn chung, hệ sinh thái rạn san hô có cấu trúc rất phức tạp và rất nhạy cảm với sự đe dọa của môi trường. Khi san hô còn là ấu thể, chúng có thể dễ dàng trở thành mồi ngon của nhiều động vật biển. Khi đã phát triển bộ xương, chúng không còn là món ăn ngon cho những động vật này nữa, tuy nhiên, cũng có một số loài cá, sâu biển, ốc và sao biển lùng bắt san hô trưởng thành. Đặc biệt, ở nhiều vùng biển thuộc Thái Bình Dương, loài sao biển gai là những kẻ săn san hô vô cùng tích cực.

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với san hô chính là hiện tượng bạc màu (mất lớp sắc tố) hay còn gọi là tẩy trắng (bleaching). Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ nước biển bề mặt tăng lên ảnh hưởng tới sự sống của tảo zooxanthellae cộng sinh với san hô. Nhiệt độ nước biển trên 30oC có thể gây ra quá trình tẩy trắng. Hiện tượng tẩy trắng kéo dài có thể giết chết các quần xã san hô hoặc khiến chúng dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa khác. Trong những năm gần đây, nhiều rạn san hô nhiệt đới đã suy thoái do san hô bị tẩy trắng hoặc chết. Quá trình axit hóa đại dương – nước biển tăng tính axit – cũng khiến san hô khó có thể hình thành khung xương canxi cacbonat. Nếu quá trình axit hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn, những cấu trúc xương đã hình thành của các rạn san hô cũng có thể bị phá vỡ.

Theo các nhà khoa học Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, vùng biển nhiệt đới Việt Nam là môi trường thích hợp để các loài san hô sinh trưởng và phát triển, trong đó có vùng biển các tỉnh duyên hải miền Trung. Về chủng loài, vùng biển Việt Nam tập trung khoảng 400 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, những tác động tiêu cực từ con người, các cơn bão biển và hiện tượng trắng hóa (chết) đang đe dọa số lượng san hô.

Thời gian qua, nhiều địa phương ghi nhận tình trạng suy giảm rạn san hô. Như tại Hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hòa) rất nhiều san hô bị hư hại, suy giảm 70-90% so với năm 2015.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy rạn san hô ở nhiều vùng của Việt Nam đang xấu đi do tác động của cả tự nhiên và nhân tạo, trong đó chủ yếu là hoạt động khai thác san hô, đánh bắt hải sản quá mức, du lịch, san lấp, nạo vét… ở những vùng biển có rạn san hô. Các tác nhân này còn làm giảm khả năng thích ứng, chống chịu của san hô với các tác động do biến đổi khí hậu như gia tăng nhiệt độ nước biển, axit hóa đại dương. Nạn phá rừng cũng làm xói mòn đất, nước mang đất ra biển và tạo thành trầm tích bao phủ lên các rạn san hô.

Sự suy thoái rạn san hô trong vịnh có nhiều nguyên nhân như khai thác hủy diệt bằng chất nổ, xyanua (hiện nay không còn); ô nhiễm môi trường (các hoạt động du lịch, xả thải, nuôi trồng thủy sản…) làm thay đổi điều kiện sống, xuất hiện san hô bị bệnh, bùng nổ sinh vật ăn san hô (sao biển gai) và hiện tượng ưu dưỡng (phú dưỡng) cục bộ; hiện tượng tẩy trắng san hô và các tai biến thiên nhiên (bão, lũ)... Diện tích rạn san hô bị mất đi chủ yếu là do quá trình san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và dân sinh tại các vùng ven bờ và ven đảo. Việc san lấp không chỉ làm mất diện tích rạn san hô mà còn đưa lượng trầm tích ra biển, gây lắng đọng trên bề mặt rạn làm san hô bị chết, gây suy thoái các vùng rạn khác.

Rạn san hô hay rằng san hô

Một vết chân người cũng làm mất 10cm2 rạn san hô, một cái neo tàu thả xuống cũng khiến hơn mét vuông rạn san hô bị hủy hoại và phải mất hàng chục năm mới phục hồi được.

Bảo vệ, phục hồi san hô

Thời gian qua, Viện Hải dương học đã thử nghiệm phục hồi san hô ở vịnh Nha Trang, đã xác định 9 loài san hô cứng có khả năng phục hồi với tỷ lệ sống đạt trên 60%, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 0,4 -6,5mm/tháng. Kết quả này mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần giảm thiểu những tác động bất lợi đối với rạn san hô, cải thiện các vùng rạn bằng cách làm gia tăng độ phủ của san hô, gia tăng giá bám bền vững cho san hô tái phục hồi và tạo môi trường ổn định cho sự phát triển của quần xã sinh vật rạn. Tuy nhiên, so sánh với các khu vực phục hồi khác ở vùng biển Việt Nam như Lý Sơn, Bình Định, Côn Đảo thì tỷ lệ sống của san hô phục hồi ở vịnh Nha Trang không cao. Một số nguyên nhân được xác định như địch hại của san hô, sự cạnh tranh không gian giữa các loài, chất lượng môi trường thay đổi do hoạt động gián tiếp từ con người và các yếu tố khác như chế độ động lực.

Các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ san hô, trong đó quan trọng nhất là có một quần xã cá khỏe mạnh và bảo đảm nguồn nước biển sạch sẽ cho san hô phát triển. Cá có vai trò quan trọng đối với các rạn san hô, đặc biệt là các loài cá ăn rong biển và giữ cho rong biển không mọc lấn lên san hô, cũng như các loài cá ăn động vật cũng khiến cho sao biển gai không thể phát triển và ăn san hô. Những khu vực rạn san hô được bảo vệ nghiêm ngặt thường có những quần xã san hô khỏe mạnh hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau thiên tai. Nước sạch cũng rất quan trọng đối với sự tồn tại của san hô. Nước thải từ đất liền qua các con sông chảy ra biển mang theo bùn đất, chất dinh dưỡng… làm tăng tốc độ tăng trưởng của tảo và một số loài ăn thịt san hô. Do đó, việc sử dụng đất hiệu quả, tránh sử dụng quá nhiều phân bón hóa học và hạn chế xói mòn do chặt phá rừng và xây dựng… cũng làm giảm bớt lượng nước mang nhiều trầm tích đổ vào các vùng biển có san hô. Tuy nhiên, về lâu dài, tương lai của các rạn san hô sẽ phụ thuộc vào việc làm giảm lượng khí cacbon điôxit (CO2). Trong khí quyển CO2 sản sinh ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã và đang khiến đại dương nóng lên, dẫn đến hiện tượng tẩy trắng của san hô và thay đổi tính axít của nước.

Rạn san hô hay rằng san hô

Bảo vệ san hô là bảo vệ sự sống của các loài sinh vật biển.