Người chưa thành niên phạm tội là gì

Trong những năm gần đây, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội thực hiện đã tăng lên về số lượng và có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với toàn xã hội về loại đối tượng tội phạm này.

Hành vi phạm tội của người chưa thành niên luôn chịu sự chi phối của đời sống tâm lí, đặc điểm cá nhân trong hoàn cảnh xã hội của họ. Vậy đặc điểm tâm lí nào của người chưa thành niên là nguyên nhân dẫn đối tượng này đến thực hiện hành vi phạm tội? Câu trả lời sẽ có trong bài tiểu luận của nhóm 4, lớp N01.TL1, với đề tài số 10: “Đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên phạm tội. Liên hệ thực tế.”

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Trường Đại Học Luật Hà Nội – Tập bài giảng Tâm lý học tội phạm
  • Đặng Thanh Nga – Trương Quang Vinh, Người chưa thành niên phạm tội. Đặc điểm tâm lí và chính sách hình sự, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2012.

Người chưa thành niên phạm tội: Khái niệm và đặc điểm tâm lý

Khái niệm

Người chưa thành niên phạm tội là khái niệm dùng để chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong luật hình sự là tội phạm.

Đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên phạm tội

Đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên là những nét tâm lý nổi bật của người chưa thành niên, nhằm không chỉ phân biệt được họ với đối tượng khác, mà còn quy họ về một nhóm.

Đối với người chưa thành niên phạm tội thì đặc điểm tâm lý của họ có những nét nổi bật sau:

Về trạng thái xúc cảm

Người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển cả về sinh lí lẫn tâm lí, ý thức. Đây là giai đoạn diễn ra những biến cố rất đặc biệt, đó là sự phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên. Và sự mất cần bằng tạm thời về trạng thái xúc cảm của người chưa thành niên là một trong những nhân tố có thể dẫn tới hành vi phạm tội khi các em không làm chủ được bản thân và khi nó được kết hợp với một số yếu tố tâm lí có tính tiêu cực khác.

Sự mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên phạm tội còn được biểu hiện rõ khi họ chấp hành hình phạt tại trại giam. Phần lớn đều có tâm lý nặng nề như mặc cảm, tự ti, bi quan, chán nản thậm chí là tuyệt vọng và đôi khi là thờ ơ, bất cần và liều lĩnh.

Về nhu cầu độc lập

Nhu cầu độc lập là mong muốn tự hành động, tự đưa ra quyết định theo cách phù hợp với nhận thức của bản thân hơn là để thoả mãn đòi hỏi của xã hội, môi trường hay của người khác. Sự hình thành và phát triển nhu cầu độc lập ở lứa tuổi chưa thành niên là sự phát triển tâm lí có tính chất tất yếu của trẻ. Các em muốn tự khẳng định những phát triển của mình về nhân cách trên con đường trở thành người lớn.

Đặc điểm tâm lý của người thành niên phạm tội

Nhu cầu độc lập của người chưa thành niên thể hiện trước hết trong hoạt động học tập, trong giao tiếp với bạn bè và người lớn ở gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, trong ăn mặc, trong quan hệ bạn bè, trong thưởng thức nghệ thuật hay thể thao… Có thể nói nhu cầu độc lập là sự phát triển tất yếu và rất cần thiết của các em ở lứa tuổi chưa thành niên. Đây là cơ sở quan trọng giúp các em trở thành người lớn sau này. Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nhu cầu độc lập không chỉ có mặt tích cực mà còn có mặt tiêu cực nếu một khi nó phát triển theo hướng thái quá thì những hành vi này của người chưa thành niên sẽ mang tính chất của hành vi lệch chuẩn, dễ dẫn tới các hành vi phạm tội.

Phần lớn người chưa thành niên phạm tội đều có nhu cầu độc lập quá mức kèm theo tính tự chủ kém. Họ thường cho rằng mình đã là người lớn đã đủ chín chắn để có thể làm mọi việc mà mình thích.Thêm vào đó là sự thiếu quan tâm giáo dục từ gia đình và nhà trường đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đối với con em họ sau này.

Thái độ đối với học tập

Đối với người chưa thành niên phạm tội thì hoạt động học tập là hoạt động chủ đạo, nó giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển tâm lý, nhân cách. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, một trong những đặc điểm nổi bật của người chưa thành niên phạm tội là học vấn của họ rất thấp, sức học rất kém và động cơ học tập bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều em có biểu hiện tiêu cực đối với học tập, dễ sa ngã và thiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ chính môi trường học đường từ đó dẫn đến những hành vi phạm pháp.

Về nhận thức pháp luật

Những người chưa thành niên còn rất non nớt về kiến thức xã hội và ý thức pháp luật. Nhận thức và quan niệm về pháp luật chưa hình thành đầy đủ hoặc bị lệch lạc theo cách hiểu chủ quan của họ. Vì thế, nhiều em thường thờ ơ, lãnh đạm đối với các quy định của pháp luật. Một biểu hiện khác của sự nhận thức về pháp luật chưa đúng đắn là không ít em cho rằng, những yêu cầu và những đòi hỏi của các chuẩn mực luật pháp chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật và hoàn toàn mang tính hình thức còn hành động thì phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của cá nhân mới thể hiện được cuộc sống tự do. Hay nói cách khác nhận thức pháp luật của phần lớn người chưa thành niên phạm tội biểu hiện ở mức độ thấp

Nhận thức pháp luật giúp các em phát triển nhân cách một cách đúng đắn và trở thành công dân tốt cho xã hội.Ý thức pháp luật là nhân tố rất quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của người chưa thành niên. Song, khi các em không có được ý thức pháp luật đúng đắn thì nguy cơ dẫn tới hành vi phạm tội là rất cao.

Về nhu cầu khám phá cái mới

Tìm hiểu, khám phá cái mới là một trong những nhu cầu của các em ở lứa tuổi chưa thành niên. Trong bối cảnh các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh mẽ và hiện đại như ngày nay thì khao khát hiểu biết của các em không chỉ trong phạm vi của cuộc sống quanh mình, phạm vi của đất nước mình mà còn khám phá cuộc sống của các quốc gia khác. Khám phá cuộc sống giúp các em nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình. Đây là điều quan trọng đối với việc phát triển nhân cách của người chưa thành niên. Điều đáng lưu ý là các em không chỉ có nhu cầu khám phá cái mới mà còn tìm tòi, thử nghiệm cái mới, trong đó có cả những cái thiếu lành mạnh, trái với các chuẩn mực xã hội và một khi sự tò mò và khám phá cái mới ấy thiếu đi sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của gia đình, xã hội thêm vào đó là sự không tự chủ được bản thân thì sẽ dẫn đến những hành vi phạm tội.

Tóm lại, người chưa thành niên phạm tội thường có những đặc điểm tâm lý đặc trưng như tính hiếu động, tò mò, tính độc lập cao, tính hay bắt chước, khả năng tự kiềm chế kém, hứng thú, nhu cầu nhận thức học tập phát triển ở mức độ thấp, kết quả học tập kém, nhận thức pháp luật còn hạn chế,….

Liên hệ với một vụ án cụ thể

Nội dung vụ án: Vụ án Lê Văn Luyện là một vụ án giết người cướp của xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích [Phương Sơn, Lục Nam] ngày24 tháng 8năm2011. Trong vụ án này, sát thủ Lê Văn Luyện đã giết chết cảvợchồngchủ tiệm vàng cùng con 18 tháng tuổi. Con gái lớn của họ 8 tuổi bị chém đứt tay. Lê Văn Luyện thực hiện hành vi gây án khi mới 17 tuổi 10 tháng 6 ngày.

Tiểu sử của phạm nhân

Lê Văn Luyện sinh tại Bắc Giang năm 1993, là con trai của Lê Văn Miên và Trương Thị Thơm, tại Sơn Đình 2 [xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang].

Luyện sinh ra trong một gia đình nông dân. Ngoài nghề nông, bố mẹ Luyện còn làm nghề mổ lợn,vì cha mẹ Luyện chăm chỉ làm ăn nên kinh tế gia đình thuộc diện “có của ăn của để” ở làng.Theo hàng xóm, thủa nhỏ, Luyện không phải là đứa con hư, thậm chí có người còn nói Luyện “rất hiền lành, ngoan ngoãn..Gia đình Luyện có cuộc sống bình thường như bao gia đình khác, chưa để xảy ra điều tiếng gì với những người xung quanh. Bản thân Luyện chưa có tiền án tiền sự, năm lớp 9, học lực và hạnh kiểm của Luyện đều đạt mức trung bình.,sau khi học hết lớp 9, Luyện không thi đậu tốt nghiệp và thấy một số bạn bè bỏ học đi làm thuê có tiền ăn chơi, Luyện cũng bỏ học theo chúng bạn ra Hà Nội làm phu hồ. Thấy con bỏ học, bố mẹ Luyện đã “tặc lưỡi” cho qua, phó mặc đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn cho xã hội. Luyện đi làm thế nào, kiếm được bao nhiêu tiền, sinh sống ra sao, quan hệ với ai, gia đình Luyện đều không biết.

Xa gia đình, không có người giáo dục quản lý, định hướng hành vi, nên từ suy nghĩ, nhận thức đến hành vi của Luyện đã bị phát triển lệch lạc, cái tốt cái xấu lẫn lộn không có sự phân biệt rõ ràng, dẫn đến những hành vi nông nổi, bột phát nguy hiểm. Theo cáo trạng truy tố cũng như lời khai của Luyện trước tòa cho thấy, chỉ vì muốn có tiền ăn chơi và ham game điện tử, bị cáo đã mang chiếc xe vừa mượn được của người chú họ đi “cắm”. Khi ăn chơi hết tiền thì y nghĩ ngay đến việc phải đi cướp tiệm vàng để lấy tiền chuộc xe. Để hành vi này không bị phát hiện, Luyện đã không run tay khi tước đi mạng sống của 3 người, làm trọng thương một bé gái 8 tuổi. Lúc mới bị bắt, thấy dư luận phẫn nộ, lên án, Luyện cũng đã lo sợ đề nghị được chết nhưng khi biết quy định nhân đạo của pháp luật, biết mình không bị xử tử hình thì thái độ của y hoàn toàn khác. Đứng trước vành móng ngựa, xung quanh có hàng trăm công an và cả “rừng” máy ảnh, máy quay phim của phóng viên báo chí chĩa vào mình nhưng Luyện vẫn dửng dưng lạnh lùng, không chút sợ sệt, ân hận khi tường thuật lại rành rọt từng hành vi phạm tội của mình. Thái độ vô cảm ấy đã làm cho những người xung quanh phải rùng mình ghê sợ, phẫn nộ. Nhiều người chứng kiến tại tòa không thể lý giải được vì sao một đứa trẻ có khuôn mặt điển trai, hiền lành bỗng dưng biến thành quỷ dữ. Thậm chí cả các cơ quan tố tụng điều tra lúc đầu cũng không thể tin một kẻ chưa đủ tuổi thành niên như Luyện có thể gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.

Phân tích đặc điểm tâm lý của phạm nhân

Về trạng thái cảm xúc.

Lê Văn Luyện thực hiện thực hiện hành vi gây án khi mới 17 tuổi 10 tháng 6 ngày, đây là độ tuổi còn quá trẻ, cơ thể chưa hoàn thiện về mặt sinh học thường diễn ra những biến cố rất đặc biệt, đó là sự phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên.

Được biết sau khi vụ thảm sát xảy ra, có rất nhiều người ngỡ ngàng về hung thủ của vụ án và Luyện được đánh giá là người trông hiền lành, ít nói. Tuy nhiên tại sao hành động phi pháp lại được thực hiện bởi người vốn không ai nghĩ là tội phạm ấy?

Bởi ẩn sau cái vẻ ít nói ấy là bản tính lì lợm, ngang tàng của Luyện. Sự lì lợm được thể hiện rõ ở thái độ bình tĩnh, sau khi nghĩ đã “khử” được cả nhà chủ tiệm vàng, Luyện còn bình tĩnh vào bếp ở tầng 1 của nhà anh Ngọc gọi điện cho Hồng, anh họ. Tận dụng thời gian chờ Hồng đến, Luyện vơ vét nốt vàng ở tủ kính tầng 1.

Trong quá trình phạm tội, Luyện sử dụng hung khí và có những hành vi đặc biệt man rợ. Lý giải tại sao một người còn trẻ tuổi như Luyện lại không ghê tay gây ra thảm sát có lẽ do những việc như mổ lợn ở gia đình dẫn đến Luyện không thấy tính chất man rợ trong hành động của mình. Những công việc thường ngày tác động đến lứa tuổi chưa thành niên những ảnh hưởng tiêu cực, bạo lực trong tính cách của Luyện.

Tuy vậy, sau khi phạm tội lần đầu bị cơ quan điều tra phát hiện và bắt giữ, ở Luyện lại lộ ra đặc trưng của người phạm tội là người chưa thành niên đó là sự lo lắng, run sợ. Đối với những đối tượng người phạm tội khác, chúng có thể có sự trai lì về tính cách, bản lĩnh, có thể thách thức hoặc chờ đợi bị bắt và tự tin vào bản thân.

Nhưng với Lê Văn Luyện, toàn thân hắn run bắn lên khi bị phát hiện và bắt giữ. Có thể nhận thấy, phạm tội khi chưa thành niên, hành vi của Luyện bị thúc đẩy bởi sự ngang tàng, bốc đồng của độ tuổi. Bản lĩnh không vững vàng lại bị tác động bởi điều kiện hoàn cảnh nên tạo nên những hành vi này của y.

Tính cách ở người chưa thành niên được hình thành từ những hành vi và sự việc được tiếp xúc thường ngày nhất là từ gia đình, bạn bè mà chưa có sự chọn lọc nên dẫn đến sự lệch lạc trong hành động, suy nghĩ.

Về nhu cầu độc lập.

Sự bồng bột muốn khẳng định mình và những đòi hỏi nhu cầu cá nhân được biểu hiện ngay trong hành vi thực hiện tội phạm của Lê Văn Luyện. Luyện hoàn toàn không có quan hệ gì với các nạn nhân vì thế Luyện xuống tay rất tàn độc và man dợ nhằm giết người diệt khẩu.

Chính vì không có quan hệ gì với các nạn nhân nên xét về mặt tình cảm Luyện hoàn toàn không bị giàng buộc. Hắn có thể ra tay một cách nhanh chóng. Có thể thấy rõ mục đích của Luyện là trộm cắp tài sản tuy nhiên lo sợ hành vi của mình bị phát hiện nên hắn đã ra tay giết người. Chứ giết người không phải mục đích ban đầu của hắn.

Ý chí của luyện chỉ hướng tới trộm cắp. Hành vi giết người cũng do ý chí này mà sinh ra.

Về thái độ đối với học tập.

So với trẻ em bình thường, người chưa thành niên phạm tội chậm phát triển hơn về trí tuệ, tư duy trừu tượng kém, nặng nề về tư duy cụ thể, không biết phân tích, đánh giá đúng hiện tượng; coi thường việc học tập nhưng thường khéo léo và mưu trí trong thực hiện hành vi phạm pháp.

Ở Lê Văn Luyện, như theo tình hiểu về hoàn cảnh gia đình ở trên, chúng ta thấy được Luyện không quan tâm học hành, là học sinh trung bình, yếu kém trong lớp. Chính vì vậy, khả năng nhận thức của Luyện sẽ hạn chế hơn so với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, theo dõi hồ sơ vụ án, từ bước Luyện đột nhập ngôi nhà chủ tiệm vàng, trốn dưới gầm giường chờ thời cơ thực hiện hành đồng, giết người diệt khẩu, cướp tài sản rồi giấu tang vật và bỏ trốn, có thể thấy Luyện đã khéo léo lên một kế hoạch cụ thể để thực hiện hành vi phạm tội một cách trót lọt. Luyện có ý thức phản trinh sát nhất định, bằng chứng là ở hiện trường vụ án, dường như không phát hiện ra dấu vân tay của y hay việc giết toàn bộ nhân chứng để diệt khẩu. Chính vì việc nhận thức hạn chế nhưng lại có khả năng phán đoán cũng như mưu trí trong việc thực hiện hành vi phạm pháp, người chưa thành niên phạm tội là mối nguy hiểm đáng lo nhất của xã hội.

Về nhận thức pháp luật.

Luyện phạm tội là do năng lực hành vi, nhận thức pháp luật còn hạn chế; thiếu sự quan tâm quản lý giáo dục của gia đình; bị ảnh hưởng của phim ảnh, trò chơi bạo lực dẫn đến phạm tội… Không chỉ đối với riêng Lê Văn Luyện, đây cũng chính là những nguyên nhân làm cho tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên có dấu hiệu phức tạp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, với nhiều vụ có tính chất, mức độ rất nghiêm trọng.

Do vai trò tuyên truyền, giáo dục của các đoàn thể xã hội chưa được phát huy; việc giáo dục pháp luật, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh tại các nhà trường chưa được chú trọng theo chiều sâu; trách nhiệm quản lý con cái của nhiều gia đình lỏng lẻo; giáo dục ngoài xã hội hạn chế… đã hình thành nên một bộ phận giới trẻ thiếu kỹ năng sống, khả năng tự phòng ngừa, dễ bị lôi kéo sa ngã… là những nguyên nhân làm cho tội phạm đang có dấu hiệu trẻ hoá.

Về nhu cầu khám phá cái mới.

Do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, do bị cáo không được quan tâm dạy dỗ, định hướng về những giá trị cao đẹp của cuộc sống, trong khi đó ngoài xã hội nhiều người lớn lại có những hành vi không hợp chuẩn, là những tấm gương không tốt. Ở độ tuổi này sự tò mò, quan tâm không đúng cách về thế giới xung quanh là không thể tránh được. Để thỏa mãn sự tò mò đó cần có tiền và các điều kiện vật chất nên Lê Văn Luyện đã chọn cách cướp tiềm vàng và gây ra án mạng thương tâm này.

Từ những phân tích ở trên có thể thấy, ở người chưa thành niên do tác động của nhiều yếu tố tiêu cực và sự chi phối của tâm lý lứa tuổi, nên sự phát triển lệch lạc của nhân cách chứa đựng những mâu thuẫn, xung đột, dẫn đến hiện tượng người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng. Vấn đề này nếu được quan tâm đúng mức sẽ ngăn chặn được việc các bạn đó đi vào con đường phạm tội và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội.

Do kiến thức của chúng em còn hạn hẹp dẫn tới bài làm còn nhiều thiếu sót, chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy cô và các bạn để giúp cho bài làm được hoàn thiện hơn.

Trên đây là toàn bộ thông tin mà chúng tôi cung cấp đến bạn về vấn đề: Đặc điểm tâm lý của người chưa thành niên phạm tội. Liên hệ thực tế. Để được tư vấn cụ thể hơn bạn vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn luật trực tuyến quaHOTLINE 19006588củaLuật Quang Huy.

Trân trọng ./.

Video liên quan

Chủ Đề