Chí công vô tư là gì nêu Ý nghĩa và cách rèn luyện

Chí công vô tư là phẩm chất đạo đức được Bác Hồ vô cùng coi trọng lúc sinh thời. Phẩm chất này không chỉ thể hiện trong quá trình cách mạng mà còn được thể hiện rõ nét trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống ngày nay. Vậy, chí công vô tư là gì? Bài viết dưới đây là đưa ra ví dụ về chí công vô tư nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn phẩm chất đạo đức này.

Chí công vô tư là gì?

Chí công vô tư vừa là một bộ phận hình thành đạo đức cách mạng, vừa là phẩm chất cần có ở một người trong tất cả các hoạt động thực tiễn. Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc, hay nói cách khác là “làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Như vậy, có thể hiểu chí công vô tư là phẩm chất đạo đức của con người, thể hiện ở sự công bằng, không thiên vị, giải quyết công việc theo lẽ phải, xuất từ lợi ích chung và đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân.

Ngoài ra, đây cũng là một trong các phẩm chất đạo đức cần có của một người cán bộ, đảng viên. Trong đạo đức cách mạng, chí công vô tư là luôn vì mọi người, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên hàng đầu; khi khó khăn thì đi trước, hưởng thụ sau; không tham tiền tài, địa vị, danh vọng, chỉ có một mục đích cao nhất là làm sao để cuộc sống của nhân dân no đủ, hạnh phúc, đất nước phồn vinh.

Biểu hiện của chí công vô tư

Để đưa ra ví dụ về chí công vô tư, chúng ta chỉ ra được các biểu hiện của nó. Chí công vô tư có biểu hiện vô cùng đa dạng, phong phú và ở hầu hết các thành phần xã hội.

Đối với học sinh, sinh viên, chí công vô tư được thể hiện như sau:

– Không thiên vị, che giấu những hành vi sai trái của bạn bè;

– Kiên quyết xử phạt những hành vi sai trái vi phạm nội quy, báo cáo với thầy cô giáo để đưa phương án xử lý đúng đắn.

– Không im lặng, thờ ơ trước những hành vi sai trái, chưa đúng.

– Ủng hộ ý kiến đúng đắn góp phần xây dựng kỷ luật và phát triển phong trào của trường, lớp.

Đối với cán bộ, đảng viên, chí công vô tư được biểu hiện thông qua một số mặt sau:

– Luôn mẫu mực, công bằng, công tâm, không thiên vị, không vụ lợi;

– Đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên hàng đầu;

– Ủng hộ các các quan điểm, hành vi đúng đắn và phản đối, đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra các ví dụ chí công vô tư giúp bạn đọc hiểu rõ hơn phẩm chất đạo đức này.

Ví dụ chí công vô tư

Trong cuộc sống, ta dễ dàng nhận thấy các hành vi có biểu hiện của chí công vô tư, chẳng hạn:

– Trong học tập:

Ví dụ: Hoa và Huyền là bạn học cùng lớp 10A2. Được sự tín nhiệm của các thành viên trong lớp, Hoa được bầu là lớp trưởng. Hoa là học sinh giỏi của lớp, luôn tuân thủ chặt chẽ nội quy của lớp và trường. Ngược lại, Huyền lại thường xuyên đi học muộn. Tuy nhiên, Hoa không lợi dụng quyền hạn của mình để bao che cho Huyền. Khi Huyền mắc lỗi, Hoa sẵn sàng phê bình bạn trước lớp. Việc làm đó, không chỉ là biểu hiện của chí công vô tư mà còn góp phần cho Huyền rút kinh nghiệm và đạt kết quả cao trong học tập.

– Trong cuộc sống:

Ví dụ: Ông Hùng là cán bộ tư pháp hộ tịch xã A. Khi người thân đến thực hiện các thủ như khai sinh, đăng ký kết hôn,… vẫn phải thực hiện đúng quy định của pháp luật mà không có bất kỳ sự ưu tiên nào. Đây là một biểu hiện cơ bản về phẩm chất chí công vô tư của cán bộ, công chức.

Ý nghĩa của chí công vô tư

Như đã tìm hiểu, người chí công vô từ thường đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu. Nhờ vậy, chí công vô tư là phẩm chất quan trọng đem lại lợi ích cho tập thể và cộng đồng xã hội. Mỗi người đều xem trọng lợi ích tập thể là nền tảng cơ bản để giúp cho tập thể phát triển bền vững. Từ đó, góp phần xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.

Ý nghĩa của chí công vô tư không chỉ thể hiện ở lợi ích tập thể, mà còn góp phần rất lớn đối với quá trình học tập, làm việc và rèn luyện của mỗi người. Trước hết, rèn luyện chí công vô tư góp phần vào quá trình tu dưỡng đạo đức, hoàn thiện phẩm chất. Từ đó, phẩm chất chỉ công vô tư là điều kiện tiên quyết để tạo lòng tin đối với mọi người xung quanh. Những người có phẩm chất này nhận được sự tin cậy, kính trọng, có uy tín cao trong tập thể và cộng đồng.

Với ý nghĩa đó, đòi hỏi mỗi người cần có ý thức tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tính chí công vô tư. Trong quá trình học tập, làm việc, chúng ta cần ủng hộ người có phẩm chất chí công vô tư. Đồng thời phê phán những hành động vụ lợi cá nhân, thiếu công bằng trong giải quyết mọi công việc.

Như vậy, qua bài viết ví dụ về chí công vô tư ta thấy đây là một phẩm chất đạo đức đặc biệt quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Chính vì vậy chúng ta cần rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Chí công vô tư

1,Thế nào là chí công vô tư?

-Là phẩm chất đạo đức của con người, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, giải quyết công việc công bằng, không thiên vị,nể nang

2, Ý nghĩa:

- Đem lại lợi ích chung cho tập thể, cộng đồng xã hội, góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

3, Rèn luyện:

- Có thái độ ủng hộ, quý trọng người có tính chí công vô tư

- Tích cực phê phán các hành động vụ lợi cá nhân, thiếu công bằng trong giải quyết công việc

=> Người chí công vô tư sẽ được mọi người tin cậy và kính trọng

Trong Hán ngữ, “chí công vô tư” đồng nghĩa với “đại công vô tư”. Bản dịch chữ Hán Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của BCHTƯ Đảng [NXB Thế Giới, Hà Nội, 2008] đều dịch “chí công vô tư” là “đại công vô tư”. Ta có thể hiểu “chí công vô tư / đại công vô tư” có nghĩa là: Khách quan, công bình, chính trực; không thiên vị, không tự tư, tự lợi; mọi hành động đều vì đại nghĩa, vì lợi ích chính đáng của nhân loại, quốc gia, dân tộc, cộng đồng là trên hết.

Thấm nhuần tinh hoa văn hóa Phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu sâu sắc giá trị của tinh thần chí công vô để tự rèn luyện cho bản thân mình, đồng thời xem đây là một trong những phẩm chất quan trọng của đạo đức cách mạng, cần phải giáo dục cho cán bộ, Nhân dân. Thông qua Hồ Chí Minh, trên tinh thần kế thừa có chọn lọc và phát triển, “chí công vô tư” có nội dung và ý nghĩa mới, phù hợp với mục tiêu, lý tưởng của cuộc cách mạng do Người lãnh đạo.

Luận điểm “chí công vô tư” trong tác phẩm Đường Cách Mệnh [1927], Người nêu lên 23 điều thuộc về phẩm chất mà người cán bộ cách mạng cần phải có; trong đó, điều thứ 8 là: “Vị công vong , có nghĩa là “vì việc công quên việc riêng tư”; vì thế, nó đồng nghĩa với “chí công vô tư”. Việc công lớn nhất ở thời điểm này chính là sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần phẩm chất “chí công vô tư” cho đến lúc qua đời. Người viết trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trước khi từ giã cõi đời, căn dặn về Đảng, về đạo đức của cán bộ, đảng viên, Bác vẫn không quên phẩm chất chí công vô tư!

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc [1947], Hồ Chí Minh viết về cách rèn luyện đạo đức cách mạng, phẩm chất chí công vô tư như sau:

“Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm.

Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

a] NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.

b] NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

c] TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

d] DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

đ] LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”

Như vậy, quan niệm của Hồ Chí Minh về chí công vô tư rất rộng, trong đó chứa đựng nhiều phẩm chất tốt đẹp khác. Khi nghiên cứu toàn bộ tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu đã rút ra những phẩm chất quan trọng nhất của đạo đức cách mạng mà Người đã đề cập là: Trung với nước, hiếu với dân; giàu lòng yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng. Các phẩm chất của đạo đức cách mạng này có quan hệ chặt chẽ nhau, làm tiền đề và là sự thể hiện của nhau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tinh thần chí công vô tư, thì Người là tấm gương mẫu mực, sáng đẹp về chí công vô tư. Các bậc tiền bối cách mạng thời dựng Đảng, các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các cán bộ chiến sĩ bị tù đày, những người có công trong đấu tranh giải phóng dân tộc,… là biểu tượng cao đẹp tinh thần chí công vô tư. Không bút mực nào tả hết những hy sinh, mất mát mà cán bộ, chiến sĩ, đồng bào tự nguyện gánh chịu với tinh thần chí công vô tư để Tổ quốc được độc lập, thống nhất, nhân dân được vui sống thanh bình. Đó là truyền thống tốt đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải trân trọng giữ gìn, giáo dục, phát huy cho các thế hệ tiếp theo.

Cuộc đấu tranh chống suy thoái, tha hóa, quan liêu, tham nhũng trong cán bộ hiện nay nhằm diệt trừ cái tà, cái ác, cái xấu; bảo vệ, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cách mạng; xây dựng nền đạo đức, con người Việt Nam mới. Cuộc đấu tranh này chắc hẳn là khó khăn, phức tạp, lâu dài; kết quả tùy thuộc vào “lòng mình” như Bác Hồ đã nói ở trên. Nếu mọi người đều tự coi mình là một chiến sĩ, thường xuyên chiến đấu một cách dũng cảm, khống chế được kẻ thù ích kỷ, tham lam nơi bản thân, thực hành tốt lời dạy của Bác về chí công vô tư, thì chắc chắn kết quả sẽ đạt được ngày càng nhiều hơn. Khi đó, ta được hưởng trong thành quả chung: Có nhân cách cao đẹp, đạo đức trong sáng, có thể nghèo vật chất, tiền của nhưng giàu trí tuệ, tâm hồn; được Đảng tin cậy, nhân dân quý mến, dư luận đồng tình; cuộc sống ung dung, tự tại, hạnh phúc, an lành!

V.V.T

Video liên quan

Chủ Đề