Nên học thạc sĩ hay chuyên khoa 1

Nên đổi mới quan niệm trong đào tạo y khoa sau đại học

Thời gian gần đây xuất hiện một phong trào không biết là vui hay buồn trong đào tạo sau đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực Y học là mọi người đua nhau thi và làm luận án tiến sĩ y học.

Nhà nhà làm tiến sĩ, người người học tiến sĩ

Thời gian gần đây xuất hiện một phong trào không biết là vui hay buồn trong đào tạo sau đại học, đặc biệt là trong lĩnh vực Y học là mọi người đua nhau thi và làm luận án tiến sĩ y học. Có nhiều bác sĩ công tác trong những lĩnh vực chẳng cần gì đến bằng tiến sĩ cũng cố gắng thi, cố gắng học để rồi sau bao nhiêu vất vả khổ ải có được một tấm bằng tiến sĩ y học về một chuyên ngành chẳng giúp gì cho công việc của mình.

Trong giới bạn bè là bác sĩ y khoa, ai ai cũng cố gắng lấy về cho mình một tấm bằng tiến sĩ hoặc ít nhất là thạc sĩ để in vào cardvisite bên cạnh cái tên của mình. Đã có những bệnh viện lớn, trong 12 bác sĩ thì có tới 11 tiến sĩ, một thạc sĩ, chẳng có ai là bác sĩ chuyên khoa cả. Mặc dù chức năng chính của khoa này là điều trị cho bệnh nhân, công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học chỉ là hàng thứ yếu.

Cũng có lần chúng tôi chấm đề cương chuyên khoa cấp II cho hai bác sĩ đã từng là cựu nội trú bệnh viện. Đề cương trình bày khá tốt, ai cũng tiếc cho hai bác sĩ này tại sao không làm luôn tiến sĩ mặc dù ở bệnh viện công việc của hai vị bác sĩ này chẳng liên quan gì đến học vị tiến sĩ cả. Ai cũng tiếc rẻ cho họ, nhưng chúng tôi nghĩ họ đã đi đúng hướng và hơn ai hết họ hiểu họ cần gì, nền y học và nền y tế nước nhà cần gì. Họ là những phẫu thuật viên lồng ngực và tim mạch, họ điều trị và mổ xẻ cho bệnh nhân, họ cần những kỹ năng về thực hành hơn là lý thuyết.

So với các nước trong khu vực, mặc dù lúc nào chúng ta cũng cho rằng mình còn thiếu những người có học vị ít ra cũng từ thạc sĩ trở lên để tham gia vào đào tạo đại học và sau đại học thì số lượng người có bằng cấp thạc sĩ và tiến sĩ của chúng ta, đặc biệt là trong ngành y đã quá nhiều. Tuy số lượng thì nhiều nhưng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của chúng ta còn nhiều vấn đề chưa bằng các nước khác.

Nên có chính sách đào tạo rạch ròi

Ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Mỹ, Đức, trong đào tạo y khoa sau đại học luôn có một chính sách phân định rất rạch ròi. Việc đào tạo thạc sĩ hay tiến sĩ y học chỉ dành cho các ngành nghiên cứu và các chức danh giảng dạy ở trường đại học. Còn trong thực hành bệnh viện hàng ngày, họ chú ý đến đào tạo thực hành bằng cách tăng cường huấn luyện bác sĩ nội trú bệnh viện. Tất cả những thầy thuốc muốn làm bác sĩ chuyên khoa hay làm việc ở các bệnh viện đều phải tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Những bác sĩ khác không tốt nghiệp bác sĩ nội trú thì làm bác sĩ gia đình sau khi học qua khoá huấn luyện về bác sĩ gia đình. Còn những bác sĩ nào học xuất sắc có thể được giữ ở lại trường học thêm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Các chức danh này phần lớn dành cho các ngành cận lâm sàng, do đó rất khó tìm một tiến sĩ y học ở các chuyên khoa lâm sàng. Việc phân công này rất hợp lý và việc đào tạo này rất liên tục, không cần thâm niên, do đó, ngành khoa học của nước họ có được những nhà nghiên cứu khoa học rất trẻ, có đủ nhiệt tình và kiến thức để đi sâu vào các lĩnh vực cần nghiên cứu.

Một bác sĩ muốn làm công tác điều trị tại bệnh viện phải có bằng chuyên khoa, bằng này thiên về thực hành. Khi đào tạo, các thầy cũng chú trọng công tác thực hành hơn là lý thuyết. Ở Mỹ, muốn phẫu thuật cho một bệnh nhân, người phẫu thuật viên phải có bằng chuyên khoa, bằng tiến sĩ hay thạc sĩ y học không có giá trị gì trong thực hành điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện cả. Một tiến sĩ y học dù giỏi đến đâu cũng không được phép điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là phẫu thuật cho bệnh nhân nếu không có bằng chuyên khoa đi kèm. Một trưởng khoa hay một giám đốc bệnh viện chỉ cần là thầy thuốc chuyên khoa, không cần phải học thạc sĩ hay tiến sĩ vì công việc của họ thiên về thực hành còn học vị tiến sĩ thì thiên về lý thuyết, thiên về nghiên cứu nhiều hơn.

Việc nhập nhằng trong đào tạo y khoa sau đại học sẽ gây nhiều tốn kém và lãng phí cho người đi học và cho đất nước. Sự lãng phí này không chỉ là lãng phí thời gian mà còn lãng phí về kiến thức, học những điều mà sau khi có bằng không áp dụng được hay không cần áp dụng.

Những việc phân định rạch ròi trong đào tạo giúp cho nền y khoa của các nước tiên tiến phát triển và tránh được lãng phí trong đào tạo.

Chính vì vậy, việc thay đổi quan niệm trong đào tạo y khoa sau đại học cho phù hợp với thông lệ quốc tế với kinh nghiệm của các nước đi trước là một đòi hỏi cấp thiết trong cải cách giáo dục hiện nay. Việc thay đổi quan niệm này không phải chỉ trong những người quản lý hay hoạch định chính sách mà ngay trong cả những thầy thuốc chúng ta, những người muốn đi học để nâng cao trình độ.

PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam (Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh)