Giải quyết và điều tra nguyên nhân vụ tai nạn

Vai trò của lực lượng Cảnh sát giao thông trong giai đoạn điều tra ban đầu các vụ tai nạn giao thông

Tạp chí CSND - Một đất nước phát triển là một đất nước có hệ thống hạ tầng giao thông đô thị hiện đại, tình hình trật tự an toàn giao thông được đảm bảo, người tham gia giao thông có ý thức chấp hành pháp luật. Để làm được điều đó, đòi hỏi cần có sự tham gia phối hợp của tất cả các ngành, các cấp; trong đó lực lượng Cảnh sát giao thông là lực lượng trực tiếp và giữ vai trò quan trọng trong tiến trình thực hiện công tác đảm bảo TTATGT.

Cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng nghiệp vụ thuộc hệ thống tổ chức bộ máy của Cảnh sát nhân dân nói riêng và của lực lượng Công an nhân dân nói chung. Cảnh sát giao thông có chức năng bảo đảm TTATGT, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, các hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật khác trên các tuyến và địa bàn giao thông công cộng theo qui định của pháp luật, ngăn ngừa làm giảm tai nạn giao thông, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong những năm gần đây, tình hình các vụ tai nạn giao thông diễn biến phức tạp về tính chất, mức độ nguy hiểm và thiệt hại. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông 6 tháng đầu năm 2015 toàn quốc xảy ra 11.382 vụ, làm chết 4.486 người, bị thương 10.537 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 1.606 vụ (giảm 12,37%), giảm 217 người chết (giảm 4,6%), giảm 2.312 người bị thương (giảm 17,99%). Cụ thể: Đường bộ xảy ra 11.231 vụ, làm chết 4.354 người, bị thương 10.497 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 1.624 vụ (giảm 12,63%), giảm 234 người chết (giảm 5,1%0, giảm 2.324 người bị thương (giảm 18,12%). Đường sắt xảy ra 106 vụ, làm chết 92 người, bị thương 33 người. So với cùng kỳ năm 2014, tăng 19 vụ (tăng 21,83%), tăng 10 người chết (tăng 12,19%), tăng 13 người bị thương (tăng 65%). Đường thủy xảy ra 45 vụ, làm chết 40 người, bị thương 07 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 01 vụ (giảm 2,17%, tăng 07 người chết (tăng 21,21%0, giảm 01 ngừi bị thương (giảm 12,5%). Mặc dù tình hình tai nạn giao thông có giảm qua các năm song tính chất và mức độ thiệt hại gây ra ngày càng cao. Điển hình như vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở Thanh Hóa ngày 24/01/2015 giữa ô tô và xe tải làm 9 người tử vong. Hay vụ 2 xe khách đâm nhau ở Bình Thuận xảy ra ngày 9/2 làm 10 người chết, 9 người bị thương vong. Tai nạn đường sắt gần đây diễn biến phức tạp, chưa bao giờ số vụ tai nạn đường sắt lại tăng trong thời gian vừa qua; tiêu điểm là vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở Quảng Trị tối 10/3 giữa tàu hỏa SE5 và xe tải đang băng qua đường đã làm ít nhất 1 người chết, hàng chục người bị thương và đoàn tàu bị hư hỏng nặng.
Có thể nói rằng, tai nạn giao thông xảy ra ngày một phức tạp cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng, đòi hỏi cần phải có những biện pháp tích cực để hạn chế và làm giảm tai nạn giao thông xảy ra một cách thấp nhất. Tuy nhiên việc điều tra các vụ tai nạn giao thông xảy ra để xác định lỗi của các bên tham gia giao thông, từ đó có các biện pháp phòng ngừa tai nạn là cả một quá trình đòi hỏi sự tham gia phối hợp của các ngành chức năng, trong đó lực lượng cảnh sát giao thông đóng vai trò quan trọng.Thực tế hiện nay: Trong khi số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn có chiều hướng gia tăng, nhưng tỷ lệ các vụ tai nạn bị truy cứu TNHS lại có chiều hướng giảm. Vậy, nguyên nhân do đâu? Trong nhiều trường hợp do nhận thức về tai nạn giao thông, việc điều tra TNGT của nhiều cán bộ Cảnh sát điều tra và Cảnh sát giao thông còn hạn chế, khả năng phân tích diễn biến vụ tai nạn, xác định nguyên nhân vụ tai nạn và trách nhiệm của các bên có liên quan…thường không chính xác. Việc áp dụng các biện pháp xử lý với người gây tai nạn thường chưa đúng với tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội. Vì vậy, nhìn chung các biện pháp xử lý  đối với các vụ tai nạn giao thông hiện nay ít có tác dụng răn đe, giáo dục chung đối với xã hội và nhất là đối với người gây tai nạn. Cần phải nhận thức rằng, khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, việc xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông là vấn đề mấu chốt và quan trọng bậc nhất để truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như xác định các mức độ thiệt hại. Vấn đề cốt lõi này nằm ở giai đoạn điều tra ban đầu từ khi nhận đươc tin báo về vụ tai nạn cho đến khi kết thúc quá trình khám nghiệm tại hiện trường xảy ra tai nạn. Do đó, cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của Cảnh sát giao thông trong giai đoạn điều tra ban đầu.
1. Những quy định pháp lý về vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông trong giai đoạn điều tra ban đầu
Điều tra tai nạn giao thông thực chất là một hoạt động pháp lý của cơ quan có thẩm quyền điều tra theo luật định. Khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, một trong những đặc điểm dễ nhận thấy đó là yếu tố bất ngờ của vụ tai nạn, diễn biến nhanh, ít có người nắm được đầy đủ toàn bộ diễn biến vụ tai nạn; hơn nữa hiện trường vụ tai nạn thường bị biến dạng, thay đổi do sự tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác nhau và hậu quả trong vụ tai nạn giao thông thường khó xác định chính xác ngay sau khi tai nạn mới xảy ra; do đó gây khó khăn cho việc lựa chọn và áp dụng đúng trình tự thủ tục tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông cần phối hợp với các lực lượng chức năng khác khẩn trương kịp thời tới hiện trường và tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu.
Trước đây, Bộ Công an ban hành Quyết định 768/2006/QĐ-BCA (C11) ngày 20/6/20006 Quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra giải quyết TNGT của lực lượng Cảnh sát nhân dân, thì Cảnh sát giao thông phải có mặt  ngay sau khi tai nạn giao thông xảy ra, bất kể là loại nào để giải quyết các sự việc ban đầu như cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc giao thông (nếu có)v.v..Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22 tháng 11 năm 2011 quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng cảnh sát nhân dân thì lực lượng cảnh sát giao thông được phân công thực hiện công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông cụ thể trong Điều 4 của Thông tư 76 như sau:
Lực lượng Cảnh sát giao thông:
a, Có mặt ngay sau khi vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn để giải quyết ban đầu như: tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, xác định người làm chứng, giải tỏa ùn tắc giao thông;
b, Tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng, thu thập tài liệu có liên quan về vụ tai nạn giao thông. Trong quá trình giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
c, Việc giải quyết ban đầu như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng vụ tai nạn giao thông được thực hiện theo Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt; Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thuyer của Bộ Công an
d, Tiếp nhận những vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm do Cảnh sát điều tra chuyển giao; xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các vụ tai nạn giao thông có vi phạm hành chính.
Điều 23 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2009, lực lượng Cảnh sát giao thông có quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra: ra quyết định khởi tố vụ án, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra có thẩm quyền trong hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Các văn bản pháp lý trên đã nêu rõ vai trò, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông trong giai đoạn điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông xảy ra, cụ thể:
Một là, khẩn trương có mặt tại hiện trường thực hiện các biện pháp khẩn cấp (cấp cứu người bị nạn, truy tìm đối tượng gây tai nạn bỏ trốn, bảo vệ các dấu vết vật chứng, tài sản quan trọng….)
Hai là, tổ chức các hoạt động điều tra ban đầu: lấy lời khai của các bên đương sự hoặc yêu cầu các bên tự khai báo về quá trình diễn biến vụ tai nạn, nội dung lời khai phải xác định được nhân thân, địa chỉ và tính chất hoạt động giao thông trước khi xảy ra vụ tai nạn của các bên có liên quan; vẽ hiện trường, chụp ảnh hiện trường, dấu vết, vị trí các phương tiện có liên quan, đồng thời tổ chức lấy lời khai người biết việc, xác nhận dịa chỉ của họ để tiện cho việc quan hệ thu thập tài liệu khi cần thiết.
Ba là, toàn bộ nội dung vụ tai nạn phải được ghi nhận vào sổ trực ban để tiện cho việc thống kê số liệu và báo cáo khi cần thiết.
2. Thực tiễn hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông trong giai đoạn điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông      
Cảnh sát giao thông là lực lượng trực tiếp tiến hành thụ lý điều tra các vụ tai nạn giao thông; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì lực lượng cảnh sát giao thông chỉ tiến hành điều tra ban đầu sau đó chuyển hồ sơ thụ lý vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra trong vòng 7 ngày. Như vậy, khi vụ tai nạn giao thông xảy ra có tội phạm hay không có tội phạm thì lực lượng cảnh sát giao thông giữ vai trò rất quan trọng trong giai đoạn điều tra ban đầu.
Kết quả của giai đoạn điều tra ban đầu có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định lỗi của các bên tham gia để từ đó áp dụng biện pháp xử lý thích hợp. Do đó, công việc đầu tiên trong giai đoạn này của lực lượng cảnh sát giao thông là tổ chức tiếp nhận xử lý thông tin về vụ tai nạn và tiến hành các biện pháp khẩn cấp khi tai nạn mới xảy ra. Quá trình tổ chức tiếp nhận thông tin cần nắm rõ địa chỉ, km, số đường xảy ra vụ tai nạn, người báo tin và địa chỉ liên lạc của họ. Khi tới hiện trường cần phải phối hợp với các lực lượng dân phố, dân phòng, công an phụ trách xã để bảo vệ hiện trường và tiến hành các biện pháp cấp bách ngay tại hiện trường như: cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hành lý tư trang, phương tiện giao thông của các bên gây tai nạn, giấy tờ tùy thân…Trong trường hợp người bị nạn đã chết cần đánh dấu vị trí, tư thế nạn nhân rồi đưa thi thể vào lề đường để bảo vệ.Tổ chức giải tỏa ùn tắc giao thông cũng như bảo vệ hiện trường khỏi sự xáo trộn bởi các yếu tố khách quan; Tạm giữ người và phương tiện gây tai nạn. Đối với trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn thì lực lượng cảnh sát giao thông cần triển khai truy bắt đối tượng bỏ trốn. Trên thực tế, khi xảy ra tình huống đối tượng gây tai nạn bỏ trốn, tại hiện trường có thể các lượng dân quân, dân phòng, người chứng kiến sự việc truy bắt đối tượng bỏ trốn; hoặc người biết việc ghi lại biến số xe, các đặc điểm cần thiết để báo cho lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành truy bắt khi tới hiện trường hoặc sau thời gian xảy ra tai nạn.
Một trong những công việc quan trọng nhất trong giai đoạn điều tra ban đầu là công tác khám nghệm hiện trường vụ tai nạn giao thông. Theo điều 150 Bộ luật Tố tụng hình sự thì cảnh sát điều tra là lực lượng chủ trì khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, do tính chất và đặc điểm riêng của vụ tai nạn giao thông, nên khi ban hành Thông tư 76/2011 thì Bộ trưởng Bộ Công an đã phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong điều tra giải quyết tai nạn giao thông giữa lực lượng cảnh sát điều tra và lực lượng cảnh sát giao thông. Cụ thể tại Khoản 2 Điều 4 Chương 2 của Thông tư 76 thì lực lượng cảnh sát điều tra “Chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường; các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên…”. Như vậy, đối với các vụ tai nạn giao thông không có người chết tại hiện trường thì lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì khám nghiệm hiện trường. Nội dung chính trong quá trình khám nghiệm là phát hiện, thu thập các dấu vết tai nạn tại hiện trường phục vụ công tác giám định xác định lỗi của các bên tham gia. Đây là quá trình tổng hợp rất nhiều các công việc mà lực lượng cảnh sát giao thông cần tiến hành, cụ thể: Phân công tổ chức cán bộ tham gia khám nghiệm hiện trường; Sử dụng các phương pháp, biện pháp, phương tiện cụ thể để tiến hành khám nghiệm hiện trường; Xác định địa điểm xảy ra tai nạn, xác định phạm vi chung và riêng của từng khu vực trọng tâm tại hiện trường, phát hiện các dấu vết vật chứng tại hiện trường và tính liên quan giữa chúng; khám nghiệm các phương tiện liên quan đến tai nạn…Việc xem xét các dấu vết tại hiện trường đòi hỏi phải tỉ mỉ để xác định lỗi của các bên tham gia tai nạn. Các dấu vết có thể tồn tại ở trên cơ thểr đối tượng tham gia tai nạn, vị trí không gian nơi xảy ra tai nạn, và phương tiện gây tai nạn. Các dấu vết này rất phong phú và đa dạng như: dấu vết cày xước, vết phanh, sơn, dầu mỡ, máu, tạp chất, các phần bong vỡ gãy từ phương tiện…Tuy nhiên việc thu thập các dấu vết này phục vụ công tác giám định đòi hỏi phải thật khéo léo, tỉ mỉ và chuyên môn cao, do đó quá trình khám nghiệm lực lượng cảnh sát giao thông cần phối kết hợp với các lực lượng khác như kỹ thuật hình sự, lực lượng phòng cháy chữa cháy, bác sĩ pháp y…Trong quá trình khám nghiệm, lực lượng cảnh sát giao thông cần lấy lời khai của người chứng kiến, người biết việc, người gây tai nạn để ghi lại toàn bộ thông tin vụ tai nạn, là bằng chứng quan trọng xác định nguyên nhân gây tai nạn.
Có thể nói, trong giai đoạn điều tra ban đầu, lực lượng cảnh sát giao thông đóng vai trò chủ đạo chỉ đạo toàn bộ quá trình khám nghiệm tại hiện trường cũng như phát hiện, thu thập các dấu vết vật chứng để xác định lỗi của các bên tham gia tai nạn. Việc tìm ra nguyên nhân gây tai nạn cũng như các chứng cứ để có thể tiến hành khởi tố vụ án hay không phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn điều tra ban đầu, do đó đòi hỏi lực lượng cảnh sát giao thông cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên môn khác để tiến hành công tác khám nghiệm tỉ mỉ và thận trọng nhất.
3. Mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng nghiệp vụ trong giai đoạn điều tra ban đầu
Tại Điều 9 Thông tư 76/2011/QĐ-BCAcủa Bộ trưởng Bộ Công an ngày 22/11/2011  đã quy định rất rõ quan hệ phối hợp giữa các lực lượng Cảnh sát trong Công an nhân dân “Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát Khu vực, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Kỹ thuật hình sự; Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng Công an có liên quan khác có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra trong quá trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông”.
Thực tế hiện nay mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông chủ trì khám nghiệm hiện trường trong giai đoạn điều tra ban đầu nhưng công tác khám nghiệm vẫn phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng kỹ thuật hình sự, bởi đây là lực lượng có chuyên môn sâu về công tác khám nghiệm do quá trình đào tạo. Do đó, để công tác khám nghiệm được hiệu quả và theo đúng chức năng, nhiệm vụ thì cần tổ chức các khóa huấn luyện về công tác khám nghiệm hiện trường đối với cảnh sát giao thông để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như phát huy được vai trò trong giai doạn điều tra ban đầu vụ tai nạn giao thông.
Tóm lại, giai doạn điều tra ban dầu là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với các vụ án nói chung và vụ tai nạn giao thông nói riêng. Mọi dấu vết, vật chứng để làm sáng tỏ vụ án đều nằm ở giai đoạn điều tra ban đầu. Đối với vụ tai nạn giao thông khi xảy ra, thì việc phát hiện, thu thập các dấu vết va chạm và các dấu vết có liên quan là căn cứ quan trọng để xác định nguyên nhân gây tai nạn. Bởi lẽ đó, việc xác định vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông trong giai đoạn này cần phải được nhận thức đúng đắn để có các biện pháp và cách thức tổ chức tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu đối với các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Ths Phan Nguyệt Anh
Trung tâm Nghiên cứu ATGT - Học viện CSND

Theo Tạp chí Cảnh sát nhân dân – Csnd.vn