Dụng thuốc nổ đánh phá các mục tiêu kiên cố là một trong những nhiệm vụ của

QĐND - Với âm mưu xây dựng một tập đoàn cứ điểm lục quân - không quân mạnh tại “ngã tư chiến lược” Điện Biên Phủ nhằm phục vụ cho chính sách xâm lược lâu dài các quốc gia ở Đông Nam Á, trước hết là thu hút lực lượng chủ lực của ta vào cái “bẫy hiểm ác”, “cái máy nghiền khổng lồ” để tiêu diệt. Được sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ, từ cuối năm 1953, Pháp đã sử dụng không quân để thả quân nhảy dù và điều động lực lượng lên chiếm đóng Điện Biên Phủ.

Dụng thuốc nổ đánh phá các mục tiêu kiên cố là một trong những nhiệm vụ của
Khẩu đội pháo cao xạ Đại đội 815 bắn rơi một máy bay địch trong đợt đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Điện Biên Phủ được Pháp coi là “một chiếc chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Mi-an-ma và Trung Quốc. Với ưu thế về không quân, Pháp đã sử dụng tối đa khả năng huy động các loại máy bay cho tập đoàn này. Mặt khác, lòng chảo Điện Biên Phủ nằm giữa vùng núi rừng Tây Bắc, xa căn cứ của địch, con đường bộ duy nhất từ đồng bằng và vùng Việt Bắc tới Điện Biên Phủ lại do ta làm chủ, do đó Pháp chỉ còn cách tiếp tế duy nhất là bằng đường không. Hầu hết quân địch cùng các loại vũ khí hiện đại đều được vận chuyển tới đây bằng máy bay. Không quân Pháp không chỉ làm nhiệm vụ vận chuyển cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mà còn thực hiện nhiệm vụ trinh sát, chỉ điểm cho pháo binh hoặc trực tiếp ném bom triệt phá các tuyến giao thông, đánh vào các trận địa của ta trên khắp các chiến trường. Có thể nói cho đến trước khi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, không quân Pháp vẫn làm chủ bầu trời, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.

Khi quyết định đánh Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy Chiến dịch của ta nhận định phải bằng mọi cách bẻ gãy chiếc cầu hàng không của địch, chặt đứt nó là đánh vào chỗ hiểm yếu nhất của chúng. Chặn đứng con đường sống duy nhất của tập đoàn cứ điểm, hạn chế sức mạnh của địch, đẩy chúng vào tình thế ngày càng nguy khốn và cuối cùng sẽ bị các lực lượng của ta tiêu diệt, buộc phải đầu hàng. Nằm trong đội hình chiến đấu của Đại đoàn 351, Trung đoàn Pháo cao xạ 37mm mang phiên hiệu 367 lần đầu tiên ra trận cùng với các Trung đoàn Sơn pháo 105mm và 120mm. Nhiệm vụ của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 là đặc trách chiến đấu với không quân địch.

Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ

Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 8 tháng 5 năm 1954

Hồ Chí Minh

Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, trước đó, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã tổ chức cuộc hành quân cơ giới lịch sử, vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét đường sá trên địa hình phức tạp, hiểm trở, dưới sự đánh phá của không quân địch. Đặc biệt là phải trải qua giai đoạn kéo pháo vào, kéo pháo ra bằng tay vô cùng gian khổ, vượt qua đèo núi cao vào chiếm lĩnh trận địa xung quanh tập đoàn cứ điểm. Trước ngày mở màn chiến dịch, pháo cao xạ đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. Ngày 13-3-1954, đợt chiến đấu thứ nhất bắt đầu, cả 24 khẩu pháo cao xạ nổ súng vào đội hình máy bay địch, buộc chúng phải vọt lên cao, dạt sang hai bên, quăng bom bừa bãi rồi rút chạy. Sự xuất hiện của pháo cao xạ tại Điện Biên Phủ làm cho quân Pháp hết sức bất ngờ và hoảng sợ. Sáng 14-4, bằng lối đánh tập trung, Đại đội 815 thuộc Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 đã bắn tan xác chiếc máy bay trinh sát Mo-ran của địch. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị pháo cao xạ bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp theo đó, các đơn vị trong trung đoàn lần lượt hạ gục các loại máy bay chiến đấu (trước đây gọi là máy bay khu trục), vận tải, trinh sát của địch, bao gồm các kiểu loại: Hen-cát, Bia-cát, Đa-cô-ta, Pắc-két, In-va-dơ, Hen-đi-vơ, duy chỉ còn loại máy bay ném bom Pri-va-tơ B-24, bọn Pháp thường rêu rao là “pháo đài bay” là chưa bị trừng trị.

Tính đến ngày 11-4-1954, tức là bước vào đợt hai của chiến dịch hơn 10 ngày, bộ đội cao xạ và pháo binh đã bắn rơi, phá hỏng 49 máy bay các loại của địch. Nhằm cổ vũ các lực lượng trên toàn mặt trận tham gia bắn máy bay địch, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo phát động phong trào thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 50. Nhận rõ thời cơ lập công trong thời điểm quan trọng đã đến, đồng thời cũng là cơ hội xóa bỏ “thần tượng” của không quân Pháp, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã tập trung nghiên cứu tìm cách đánh “pháo đài bay” B-24. Quá trình nghiên cứu, bộ đội ta biết rằng đây là loại máy bay ném bom bốn động cơ, từ dưới đất nhìn lên, nếu tính cả đầu máy bay thì nhìn nó như có 5 cái đầu, nên bộ đội ta thường gọi nó là máy bay 5 đầu. Máy bay B-24 có sức chở khá lớn, thường bay bằng, ném bom ở độ cao 3000m đến 3.500m. Tuy là loại máy bay có nhiều tính năng ưu việt so với các loại khác, nhưng B-24 không phải không có những nhược điểm cố hữu như đường bay ổn định, to xác, khi tác chiến độ cao bay thường trong cự ly bắn có hiệu quả của pháo cao xạ 37mm. Như vậy, nếu chọn đúng thời cơ, bắn chính xác, phát huy hết tính năng của vũ khí, nhất định sẽ tiêu diệt được tên địch “5 đầu” này. Không phải chờ đợi lâu, gần trưa ngày 12-4-1954, Đại đội 828 thuộc Tiểu đoàn 394 đã phát hiện tên “5 đầu” B-24 mò vào khu vực trận địa. Hôm đó, Đại đội phó Nguyễn Đỗ Hưu trực chỉ huy, chờ cho chiếc máy bay hạ độ cao, vào đến tầm bắn có hiệu quả, anh dõng dạc ra lệnh cho các khẩu đội đồng loạt nổ súng. Chiếc “pháo đài bay” bị những loạt đạn cao xạ bắn tập trung cắt đứt khoang lái khỏi thân, đâm thẳng xuống cánh đồng Bản Kéo, mang theo cả những quả bom chưa kịp gây tội ác. Đây chính là chiếc máy bay thứ 50 bị bắn rơi và phá hủy tại Chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng là chiếc B-24 đầu tiên bị hạ trên chiến trường Việt Nam. Được chứng kiến tận mắt cảnh “pháo đài bay” bị pháo cao xạ quật cổ ngay tại mặt trận, bộ đội ta vô cùng hả dạ, anh em ở gần khu vực máy bay rơi đã ùa ra leo lên xác chiếc B-24 reo hò. Tin “pháo đài bay” bị bắn rơi đã nhanh chóng được truyền đi khắp các đơn vị, bộ đội ta hết sức vui mừng vì “thần tượng” của không quân Pháp đã hết thiêng trước lưới lửa phòng không của ta.

Dụng thuốc nổ đánh phá các mục tiêu kiên cố là một trong những nhiệm vụ của
Xác máy bay B-24 bị bộ đội ta bắn rơi tại chỗ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Tuy vui mừng trước chiến thắng của Đại đội cao xạ 828, nhưng các chiến sĩ của Đại đội 806 pháo binh lại không khỏi lo lắng vì xác chiếc B-24 nằm chềnh ềnh ngay cạnh trận địa của đơn vị mà trong bụng nó còn nguyên vẹn những quả bom chưa nổ. Để bộ đội yên tâm, Trung đoàn phó Trung đoàn Pháo cao xạ 367 Nguyễn Quang Bích, người trực tiếp chỉ huy trung đoàn chiến đấu tại Điện Biên Phủ đã phải đến tận nơi giải thích rõ là những quả bom trong xác chiếc máy bay B-24 là loại bom chạm nổ, hệ thống gây nổ được bố trí ở đầu mỗi quả bom, nên nó chỉ có thể phát nổ khi được ném từ độ cao nhất định xuống, hoặc bị kích nổ bằng các phương pháp kích nổ khác. Chính vì vậy, khi nó đang nằm yên vị một chỗ thì không còn nguy hiểm nữa. Các chiến sĩ pháo binh không ngờ rằng, chính những quả bom này lại là nguồn thuốc nổ dự trữ cho bộ đội ta trong một trận đánh lịch sử sau đó không lâu.

Bước sang giai đoạn ba của chiến dịch, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của ta là phải tiêu diệt bằng được cứ điểm A1. Đối với địch, A1 còn thì tập đoàn cứ điểm còn, vì vậy địch kiên quyết giữ A1. Trong đợt hai của chiến dịch, ta đã tổ chức đánh A1, nhưng cả ba lần tấn công đều không nhổ được “cái đinh” gai góc này vì địch có hầm ngầm kiên cố và được hỏa lực pháo binh yểm trợ đắc lực. Trong các trận chiến đấu, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, ta đã chiếm được 2/3 cứ điểm nhưng không phát triển được nên phải dừng lại. Để mở đường tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm, quyết tâm của ta là phải đập tan điểm cao A1. Thực hiện quyết tâm của Bộ chỉ huy Chiến dịch, bộ đội công binh được giao nhiệm vụ dùng sức người bí mật đào một đường hầm vào trong lòng đồi A1, đặt khối thuốc nổ lớn để khi điểm hỏa sẽ hất tung cái boong-ke này đi. Trải qua hai tuần gian khổ moi từng tấc đất, đá trong tầm súng và lựu đạn của kẻ thù, các chiến sĩ công binh đã đào được con đường hầm dài gần 50m, độ sâu so với đỉnh đồi khoảng 10m, đủ sức chứa một tấn thuốc nổ. Con đường hầm xuyên vào trong lòng đồi A1, đào xong thì khó khăn mới đặt ra là thuốc nổ dùng để đánh không đủ số lượng như tính toán, nếu chờ tuyến sau chuyển lên sẽ mất thời cơ tấn công, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tác chiến của cả chiến dịch.

Đang lo lắng, bỗng một ý nghĩ lóe lên trong đầu các chiến sĩ công binh. Hình ảnh cái “kho bom” do chính quân địch mang đến là chiếc “pháo đài bay” B-24 bị bộ đội cao xạ bắn rơi trên cánh đồng Bản Kéo mới hôm nào nó còn là mối đe dọa đối với sự an toàn của bộ đội ta, nay tự nhiên trở thành một nguồn cung cấp. Một bộ phận lập tức được cử đi tháo bom lấy thuốc nổ. Từ đồi A1 sang cánh đồng Bản Kéo phải vượt qua các cứ điểm của địch đã đặt ra những khó khăn mới cho các chiến sĩ công binh. Ban ngày không thể vượt qua sự canh gác, kiểm soát ngặt nghèo của địch, vì vậy anh em buộc phải chờ khi màn đêm buông xuống mới bí mật tìm cách hành quân. Có thể nói, bộ phận đi tháo bom như một đội cảm tử. Cảm tử nhưng không được phép thất bại, bằng mọi giá phải lấy được thuốc nổ mang về, vì vậy tất cả đã xác định khi gặp địch phải tránh để không bị lộ ý định, trường hợp không thể tránh được mới nổ súng chiến đấu. Khi tiếp cận xác chiếc máy bay, sờ tận tay 8 quả bom vẫn còn nguyên vẹn ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Lần lượt từng quả bom được các chiến sĩ công binh vô hiệu hóa và khéo léo “rút ruột”. Tổng số thuốc nổ tháo được là 500kg. Trong chiến dịch, ta đã lập nhiều phương án, kể cả phát động phong trào đoạt dù lấy hàng tiếp tế của địch. Nhưng việc bắn rơi tại chỗ máy bay chưa kịp cắt bom để lấy thuốc nổ đánh trong trận then chốt quyết định hoàn toàn không nằm trong phương án nào, mà thực tế cũng không ai có thể tính toán được điều đó. Chỉ có trong chiến đấu ác liệt mới xuất hiện những tình huống đặc biệt như vậy. Điều quan trọng là bộ đội ta đã tận dụng triệt để những yếu tố có lợi, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt kẻ thù.

Như vậy, cùng với số thuốc nổ đã có, các chiến sĩ công binh đã tập hợp được vừa đủ số lượng cần thiết cho quả bộc phá khổng lồ 1000kg. Bộ chỉ huy chiến dịch đã quyết định chọn tiếng nổ của quả bộc phá trên đồi A1 làm hiệu lệnh xung phong cho trận tiến công tối mồng 6-5-1954. Đúng 20 giờ 30 phút, các chiến sĩ công binh điểm hỏa bộc phá. Một tiếng nổ nặng trịch phát ra làm rung chuyển quả đồi. Sức công phá của quả bộc phá đã tạo ra cửa mở cho quân ta tiến lên tiêu diệt những ổ đề kháng cuối cùng của địch trên quả đồi này. Rạng sáng 7-5-1954, ta giải quyết xong cứ điểm A1, tiếp tục tiến công địch ở các cứ điểm còn lại và đến chiều thì đánh thẳng vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, sào huyệt cuối cùng của kẻ thù, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.

NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN