Bị ghẻ là bị gì

Tìm hiểu chung

Ghẻ là gì? 

Bệnh ghẻ là tình trạng ngứa dữ dội trên da, xảy ra ở khu vực loài ve Sarcoptes scabiei đào hang. Cảm giác ngứa ngáy muốn gãi thường đặc biệt mạnh vào ban đêm.

Bệnh ghẻ là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan nhanh chóng khi tiếp xúc thân thể với những thành viên trong gia đình, nhà trẻ, lớp học, viện dưỡng lão hoặc nhà tù. Bởi vì bệnh ghẻ rất dễ lây lan, nên cần hạn chế tiếp xúc gần với những người đang mắc bệnh. 


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ghẻ

Triệu chứng ngứa, thường nghiêm trọng và tồi tệ hơn vào ban đêm.

Các đường hang mỏng, không đều được tạo thành từ các mụn nước hoặc vết sưng nhỏ trên da.

Các đường hoặc rãnh lượn sóng, bong vảy, dài khoảng vài cm đến 1cm, thường xuất hiện ở các nếp gấp của da. Mặc dù hầu như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể đều có thể bị ghẻ, nhưng ở người lớn và trẻ lớn, hang ghẻ thường được tìm thấy nhiều nhất ở các vị trí:

  • Giữa các ngón tay;

  • Nách;

  • Xung quanh eo;

  • Dọc bên trong cổ tay;

  • Trên khuỷu tay bên trong;

  • Lòng bàn chân;

  • Xung quanh vú;

  • Xung quanh bộ phận sinh dục nam;

  • Trên mông;

  • Trên đầu gối.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các vị trí lây nhiễm phổ biến thường bao gồm:

  • Da đầu;

  • Lòng bàn tay;

  • Lòng bàn chân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến ghẻ

Ký sinh trùng cái ghẻ (tên khoa học: Sarcoptes scabiei) là nguyên nhân gây bệnh ghẻ. Chúng xâm nhập vào lớp thượng bì của da, đào hang, đẻ trứng và gây ra tình trạng ngứa dữ dội.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải ghẻ?

Bất kỳ đối tượng nào, già hay trẻ, nam hay nữ đều có thể mắc bệnh ghẻ. Tuy nhiên, những người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt chung như dùng chung màn, khăn, chiếu, gối ngủ chung với người bị ghẻ là đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ghẻ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Ghẻ, bao gồm:

  • Có nhiều trẻ em trong gia đình.

  • Thu nhập thấp.

  • Sống ở khu dân cư đông đúc, vệ sinh kém.

  • Không thường xuyên tắm rửa, vệ sinh cơ thể.

  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch hoặc thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng.

  • Nuôi thú cưng và không chăm sóc, tắm rửa thường xuyên.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ghẻ

Chẩn đoán bệnh ghẻ dựa trên các phát hiện thực thể, đặc biệt là các hang, ngứa không tương xứng với các phát hiện thực thể và các triệu chứng tương tự giữa những người tiếp xúc với bệnh nhân.

Tiêu chuẩn vàng là tìm được cái ghẻ, trứng hoặc chất thải của cái ghẻ khi soi bằng kính hiển vi đối với các vết cạo trong hang. Ngoài ra, còn có thể thực hiện chụp ảnh và phóng đại da bằng dụng cụ cầm tay (soi da – dermoscopy) hoặc phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase của DNA cái ghẻ lấy từ vảy da để giúp xác định bệnh.

Không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy cái ghẻ bằng phương pháp xét nghiệm, nên việc chẩn đoán dựa trên dịch tễ và triệu chứng lâm sàng là rất quan trọng.

Phương pháp điều trị ghẻ hiệu quả

Phương pháp điều trị chính là thuốc diệt ghẻ tại chỗ hoặc uống). 

Permethrin

Đây là thuốc bôi đầu tay.

Trẻ lớn và người lớn: Thoa permethrin hoặc lindane lên toàn bộ cơ thể từ cổ trở xuống và rửa sạch sau 8 - 14 giờ, dùng liên tục trong 7 ngày. Vì lindane có thể gây độc cho thần kinh nên permethrin thường được chỉ định hơn. 

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Thoa permethrin lên đầu và cổ, tránh các vùng quanh hốc mắt và quanh miệng. Cần đặc biệt chú ý đến các vùng kẽ, móng tay, móng chân và rốn. Nên mang găng tay cho trẻ sơ sinh để permethrin không dây vào miệng. Không dùng lindane cho trẻ em dưới 2 tuổi hoặc bệnh nhân bị rối loạn co giật vì có thể gây độc thần kinh.

Hỗn dịch Spinosad 0,9%

Đối với người lớn và trẻ em từ 4 tuổi trở lên, nên thoa thuốc lên toàn bộ bề mặt da từ cổ trở xuống, bao gồm cả lòng bàn chân và bàn chân. Ở những bệnh nhân hói đầu, thoa thuốc lên da đầu, trán, chân tóc và thái dương. Để thuốc khô trong 10 phút trước khi mặc quần áo và lưu lại trên da trong 6 giờ trước khi lau đi hoặc tắm. Sử dụng liên tục trong 1 tuần.

Lưu huỳnh kết tủa 6 - 10% trong dầu hỏa

Bôi trong 24 giờ, liên tục 3 ngày. Thuốc an toàn, hiệu quả và thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh < 2 tháng tuổi.

Ivermectin 

Chỉ định cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị tại chỗ, không thể tuân thủ phác đồ điều trị tại chỗ hoặc bị suy giảm miễn dịch với bệnh ghẻ Nauy. 

Thuốc mỡ corticosteroid và kháng histamine uống

Chỉ định giảm ngứa (ví dụ: Hydroxyzine 25mg uống 4 lần/ngày). 

Xem xét nhiễm trùng thứ phát ở những bệnh nhân có tổn thương đóng vảy vàng, ướt và chỉ định điều trị bằng kháng sinh chống tụ cầu toàn thân hoặc tại chỗ thích hợp.

Các triệu chứng và tổn thương mất đến 3 tuần mới phục hồi mặc dù đã dùng thuốc diệt ghẻ, khiến việc điều trị không thành công do sức đề kháng, khả năng xâm nhập kém, liệu pháp áp dụng không đầy đủ, tái nhiễm hoặc nốt ghẻ khó nhận biết. Có thể thực hiện cạo da định kỳ để kiểm tra bệnh ghẻ dai dẳng. 


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ghẻ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Các vật dụng cá nhân của bệnh nhân (khăn tắm, quần áo, chăn, ga giường) phải được giặt bằng nước nóng và làm khô trong máy sấy nóng hoặc cách ly (ví dụ: trong túi nhựa kín) trong ít nhất 3 ngày.

  • Thường xuyên vệ sinh phòng ốc, nhà ở.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, rau củ, trái cây để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa ghẻ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày.

  • Khi phát hiện ra trong gia đình có người bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng đồ chung. 

  • Thường xuyên giặt giũ bằng xà phòng và phơi dưới ánh nắng mặt trời.


  • Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.