Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh phải gắn với lĩnh vực nào

QPTD -Thứ Sáu, 27/12/2019, 13:47 [GMT+7]

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh tạo nền tảng vững chắc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Trong bối cảnh an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp hiện nay, nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Bản chất của xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng nền tảng vật chất, tinh thần của nền quốc phòng vững mạnh, cùng với đấu tranh quốc phòng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong thực tiễn, nhờ thực hiện tốt đường lối quốc phòng toàn dân, cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó dự báo, đặt ra yêu cầu mới cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; đồng thời, tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi mưu đồ chiến tranh xâm lược. Nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào xây dựng về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội,… tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về chính trị là nội dung quan trọng, quyết định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Chiến lược Quốc phòng Việt Nam thời kỳ mới đã chỉ rõ: “Kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân gắn với xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vững mạnh”. Như vậy, xây dựng nền tảng chính trị của nền quốc phòng toàn dân trước hết là xây dựng hệ thống chính trị, trọng tâm là công tác xây dựng Đảng. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 [khóa XII] về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; coi trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao trình độ trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ các vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và phản bác các quan điểm sai trái. Đổi mới công tác cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ và phương thức lãnh đạo của Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đấu tranh, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoạt động của chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, thực hiện tốt dân chủ, giám sát và phản biện xã hội. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cùng với xây dựng hệ thống chính trị, cần tập trung “Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”1. Thực chất là xây dựng lực lượng đông nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, chỗ dựa vững chắc nhất của nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trọng tâm là xây dựng và củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm của mọi công dân. Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở; coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng; gần dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chăm lo lợi ích chính đáng và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về kinh tế là xây dựng nền tảng vật chất của nền quốc phòng toàn dân, của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng về kinh tế, trước hết là phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nền kinh tế sản xuất ra nhiều của cải, vật chất, tăng khả năng dự trữ cho quốc phòng, sẵn sàng huy động cho các nhiệm vụ. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách huy động lực lượng, phương tiện từ nền kinh tế, phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng, cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong các cơ sở kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Phải bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển của nền kinh tế, tránh để chệch hướng như dự báo các nguy cơ của Đảng. Giữ vững độc lập, tự chủ, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực từ bên ngoài vào xây dựng thế trận quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Nội dung cốt lõi của xây dựng nền quốc phòng toàn dân về kinh tế là kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận và lực lượng của nền quốc phòng toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất kết hợp kinh tế với quốc phòng ngay từ trong đường lối, chính sách, quy hoạch, kế hoạch tổng thể đến biện pháp thực hiện từ Trung ương đến địa phương; chú trọng điều chỉnh quy hoạch giữa các vùng, miền, địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Tăng cường xây dựng các công trình lưỡng dụng; kết hợp quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm gắn với quốc phòng, nhất là các trọng điểm phòng thủ chiến lược quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội các vùng biên giới đất liền gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng bảo đảm từng bước hòa nhập với công nghiệp quốc gia, tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ trong sản xuất vũ khí, trang bị quân sự, tập trung vào hệ thống tên lửa, tự động hóa chỉ huy, tác chiến không gian mạng,… bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về quân sự là xây dựng nền tảng sức mạnh cơ bản, đặc trưng, nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; là sự tập trung sức mạnh mọi mặt của đất nước, thực hiện thắng lợi các hoạt động đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Xây dựng về quân sự, trước hết là xây dựng lực lượng quân sự, coi trọng xây dựng lực lượng toàn dân. Đây là lực lượng rất quan trọng, cần chuẩn bị chu đáo mọi mặt, sẵn sàng vũ trang toàn dân khi cần thiết. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, lấy xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ cở, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, luôn là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức, biên chế Quân đội bảo đảm tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và vũ khí, trang bị mới. Từng bước hình thành quân chủng lục quân, xây dựng lực lượng tên lửa chiến lược, các sư đoàn binh chủng hợp thành mạnh làm lực lượng cơ động chiến lược, kết hợp cải tiến, sản xuất và mua sắm có trọng điểm các loại vũ khí hiện đại. Tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, nâng cao hiệu quả các mặt bảo đảm cho Quân đội. Ưu tiên cho lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn chiến lược, quan tâm đúng mức đến việc Quân đội tham gia phòng thủ dân sự, nhất là trong phòng, chống thảm họa, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, coi trọng công tác đăng ký, quản lý và huấn luyện. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, chất lượng cao, chú trọng các địa bàn có tính đặc thù về quốc phòng, biên giới, biển, đảo, v.v.

Cùng với xây dựng lực lượng quân sự, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thế bố trí các lực lượng, hình thành thế trận chiến lược vững chắc trên cả nước, từng hướng, từng địa bàn. Đầu tư xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ trong thế trận tác chiến phòng thủ quân khu. Tiếp tục xây dựng các công trình quốc phòng, quân sự có trọng điểm, ưu tiên công trình phòng thủ biển, đảo, biên giới, địa bàn chiến lược, đường tuần tra biên giới, khu kinh tế - quốc phòng và trên hướng chiến lược trọng yếu. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự, kỹ thuật quân sự, coi trọng nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Kết hợp chặt chẽ xây dựng về quốc phòng với đấu tranh quốc phòng, thường xuyên nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về văn hóa - xã hội là xây dựng nền tảng tinh thần của nền quốc phòng toàn dân, của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; làm cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”2; là sự thể hiện bản sắc, cốt cách của dân tộc cùng với kết cấu xã hội và sự cố kết cộng đồng dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam. Trong tình hình mới, văn hóa cần được xây dựng toàn diện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, đối ngoại, quân sự, v.v. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, xây dựng và huấn luyện Quân đội cần coi trọng xây dựng văn hóa quân sự, nghệ thuật, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, đối ngoại quốc phòng và trong ứng xử, xử lý các tình huống. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân cần quan tâm đúng mức đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa dân tộc, chú trọng đến thế hệ trẻ, giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, kiên quyết ngăn chặn sự lệ thuộc, xâm lăng về văn hóa. Quản lý chặt chẽ các hoạt động báo chí, tuyên truyền, xuất bản,… bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chủ động cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin, văn hóa độc hại, nâng cao khả năng tự bảo vệ.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội là xây dựng các nội dung rất cơ bản của nền quốc phòng toàn dân. Khi tiến hành, cần kết hợp chặt chẽ với xây dựng nền quốc phòng toàn dân về đối ngoại, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nhằm tạo và phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
_________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.

2 - Sđd, tr. 126.

Video liên quan

Chủ Đề