Vì sao nhà nước cần phải can thiệp vào thị trường

Chiều 13/12, tại hội thảo khoa học về sử dụng, phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đã đạt được một số kết quả. Song, đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi những nhận thức mới.

Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn. Ảnh: Hiếu Duy

Giáo sư Đỗ Thế Tùng [nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh] cho rằng, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, phải phát huy tối đa những nguồn lực gắn với các nhân tố sức sản xuất của lao động. Đó là người lao động [nhân lực], khoa học và công nghệ, tổ chức và quản lý, quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất, điều kiện tự nhiên.

Riêng về tổ chức và quản lý, GS Tùng nhấn mạnh phải xử lý tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Ngày nay, hầu hết nước đều phát triển nền kinh tế hỗn hợp - tức là kinh tế thị trường có sự quản lý [hay điều tiết] của nhà nước. Vai trò của quản lý nhà nước thể hiện ở việc tạo ra môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, điều tiết sản xuất, điều tiết phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.

Quảng cáo

Nhà nước sử dụng các công cụ quản lý kinh tế để phát huy tác động tích cực, ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp và người dân. Không thể xác định những nguyên tắc chung hay những phương thức thống nhất để xử lý mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường cho mọi nước, vì việc xử lý này tùy thuộc vào mô hình kinh tế cụ thể của từng nước.

Ví dụ, nước theo lý thuyết của chủ nghĩa tự do mới [như Mỹ], nêu khẩu hiệu "Nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn"; nước theo mô hình kinh tế thị trường hướng vào phúc lợi xã hội [như Thụy Điển] lại nhấn mạnh "xã hội hóa phân phối là căn bản"; còn nước theo hô hình kinh tế thị trường xã hội [như nước Đức] lại theo phương châm "thị trường ở mọi lúc mọi nơi, nhà nước ở những lúc, những nơi cần thiết".

Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 chứng tỏ khẩu hiệu "nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn" đã dẫn đến buông lỏng quản lý của nhà nước và gây ra hậu quả tồi tệ. Việc xã hội hóa phân phối ở Thụy Điển lại chỉ ra giới hạn điều tiết của nhà nước. Còn phương châm "thị trường ở mọi lúc mọi nơi, nhà nước ở những lúc những nơi cần thiết" tỏ ra ưu việt hơn so với hai cách xử lý ở trên.

Thị trường vận hành thuận lợi, cạnh tranh tự do lành mạnh sẽ sử dụng được các nguồn tài nguyên một cách tối ưu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, thu được lợi nhuận cao hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhưng cạnh tranh tự do tất yếu đòi hỏi phải phân phối tương xứng với phần đóng góp của mỗi người, và sẽ không tính đến những khía cạnh nhân đạo, xã hội. Bởi vậy nhà nước cần phải có những chính sách để điều tiết giảm bất công xã hội thông qua thuế, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội...

Quảng cáo

Theo các chuyên gia, sự can thiệp của nhà nước chỉ cần thiết ở nơi nào cạnh tranh không hiệu quả; bởi vậy, dù cần một chính phủ mạnh và một lực lượng kinh tế mạnh làm chỗ dựa vững chắc cho sự điều tiết của nhà nước nhưng không có lý do gì để nhà nước can thiệp vào nơi thị trường đang hoạt động có hiệu quả. Nhà nước phải cân nhắc thận trọng khi hành động vì sai lầm của nhà nước còn tai hại hơn khuyết tật của thị trường.

"Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, Cộng hòa Liên Bang Đức là một trong những nước ít chịu ảnh hưởng nhất, và vượt qua suy thoái sớm", GS Tùng nói. Ông cho rằng ở Việt Nam, quản lý doanh nghiệp chưa được hoàn toàn tự chủ, quản lý nhà nước còn nhiều nhược điểm vì có nhiều quy định ràng buộc hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra những sự can thiệp không cần thiết của bộ máy nhà nước.

GS.TSKH Võ Đại Lược. Ảnh: Hoàng Phong

GS.TSKH Võ Đại Lược cũng cho rằng, ở những nước đang chuyển sang kinh tế thị trường như nước Việt Nam, thì Nhà nước càng có vai trò quan trọng việc xóa bỏ các rào cản của cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng và đổi mới thể chế kinh tế - xã hội để tạo môi trường, điều kiện và khung pháp lý cần cho kinh tế thị trường ra đời và phát triển.

Khi chưa có thị trường, Nhà nước phải tạo dựng các thị trường, khi đã có thị trường, Nhà nước phải sử dụng các công cụ thị trường mới có thể điều tiết, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế một cách hiệu lực và có hiệu quả. Khi thị trường đã phân bổ phần lớn các nguồn lực, Chính phủ mới có thể tập trung vào thực hiện những chức năng nâng cao hiệu quả, khuyến khích công bằng, ổn định kinh tế vĩ mô ...

Theo GS Lược, các Đại hội Đảng đều đã khẳng định "thực hiện nhất quán lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Do đó, để phát triển kinh tế thị trường, ông đề ra 5 giải pháp. Đó là đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế của các Hiệp định thương mại tự do [FTA] mà Việt Nam đã ký kết về phát triển kinh tế thị trường cả về chiều rộng và chiều sâu; giảm độc quyền, giảm bảo hộ, bỏ bao cấp; xác định một lộ trình cho việc giãn dần và bỏ chế độ tỷ giá cố định, gia tăng tính thị trường của tỷ giá, đảm bảo tỷ giá luôn thấp hơn một chút so với giá trị thực của VND.

"Cần có những giải pháp và lộ trình thích hợp để VND có thể chuyển đổi tự do trên các tài khoản vãng lai và tài khoản vốn. Giải pháp quan trọng nhất là phải chuyển mạnh theo hướng cân bằng xuất nhập khẩu và xuất siêu, điều này đòi hỏi phải mở cửa thị trường bên ngoài hơn nữa, điều chỉnh tỷ giá, ưu đãi cho xuất khẩu", theo GS Lược.

Bên cạnh đó, cần phát triển các hình thức tài chính phi ngân hàng, các công ty tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán - đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được bán trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty cổ phần mà nhà nước không cần nắm giữ, ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược...

Cuối cùng, GS Lược đề nghị cần nghiên cứu, soạn thảo, sớm ban hành những bộ luật của kinh tế thị trường mà Việt Nam chưa có. Đồng thời, sớm sửa đổi một số Luật như Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Dân sự... cho phù hợp với kinh tế thị trường, giao quyền soạn thảo luật cho Quốc hội, không để các Bộ soạn thảo như hiện nay.

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát chung về mối quan hệ Nhà nước và thị trường
  • 2.Vai trò của Nhà nước trong quốc phòng và trong việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá công cộng.
  • 3.Vai trò của Nhà nước đối với các yếu tố ngoại vi
  • 4. Vai trò của Nhà nước đối với vấn đề thu nhập và phúc lợi
  • 5. Vai trò của Nhà nước trong các chính sách tài chính và tiền tệ

1. Khái quát chung về mối quan hệ Nhà nước và thị trường

Quan hệ nhà nước và thị trường là mối quan hệ cơ bản trong nền kinh tế thị trường.Trên bề mặt xã hội, biểu hiện dễ nhận thấy nhất của chính trị là nhà nước với cấu trúc tương ứng của nó. Về phương diện kinh tế, trong điều kiện kinh tế thị trường, biểu hiện tập trung của mặt kinh tế là hoạt động của thị trường với các quy luật kinh tế đặc trưng của nó như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu…. Do đó trong thực tiễn, ở một góc độ nhất định,việc xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị biểu hiện tập trung thành mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Bên cạnh đó, bản thân thị trường, cơ chế thị trường là phương tiện hiệu quả nhất mà loài người đã phát hiện để huy động và khai thác các nguồn lực cho phát triển, cho hiện thực hóa nền tảng kinh tế của một xã hội. Khi nhà nước xuất hiện với tư cách chủ thể có chức năng kiến tạo xây dựng nền tảng kinh tế của một xã hội, thì việc xử lý quan hệ mục tiêu và phương tiện được biểu hiện thành mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Mối quan hệ nhà nước và thị trường còn được thể hiện ra là mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể, khi nhà nước đóng vai trò là chủ thể quản lý nền kinh tế thị trường; hay đó là mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế, khi nhà nước xuất hiện với tư cách là một chủ thể trên thị trường, sẽ quan hệ bình đẳng với các chủ thể khác theo luật định. Quan hệ nhà nước và thị trường cũng phản ánh mối quan hệ giữa cái chủ quan với khách quan, bởi lẽ thị trường luôn vận động theo các quy luật khách quan và chịu sự điều tiết của nhà nước, lúc đó nhà nước xuất hiện là các quy định, luật lệ, và các công cụ điều tiết khác. Các công cụ này là sản phẩm chủ quan để định hướng thị trường, tạo luật chơi cho thị trường. Thị trường sẽ hiệu quả khi các công cụ này hợp lý, không làm méo mó thị trường.

2.Vai trò của Nhà nước trong quốc phòng và trong việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá công cộng.

Với chức năng kinh tế, nhà nước không chỉ là người quản lý, người ban hành các quy định, các luật chơi trên thị trường, mà còn đóng vai trò chủ thể hoạt động sản xuất [nhất là các hàng hóa và dịch vụ công], là người mua và bán các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Như vậy lúc này quan hệ giữa nhà nước và thị trường biểu hiện ra là quan hệ giữa các chủ thể trên thị trường, quan hệ giữa những người mua và người bán hàng hóa và dịch vụchịu sự tương tác, giàng buộc của các quy luật kinh tế trên thị trường, cũng như sự quản lý điều hành của nhà nước thông qua hệ thống quy định luật pháp và các công cụ quản lý.

Quốc phòng là một ví dụ chứng tỏ vai trò tối quan trọng của Nhà nước. Điều đó được quyết định bởi quốc phòng là một kiểu hàng hoá hoàn toàn khác hẳn với các loại hàng hoá vật thể khác ở chỗ, người ta không trả tiền cho mỗi đơn vị sử dụng mà mua nó như một tổng thể nhằm mục đích bảo vệ an ninh của cả một quốc gia. Ở đây, bảo vệ cho một cá nhân không có nghĩa là giảm bảo vệ cho người khác, bởi tất cả mọi người tiêu thụ các dịch vụ quốc phòng một cách đồng thời.

Các loại hàng hoá kiểu như vậy được gọi là hàng hoá công cộng, bởi không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể bán quốc phòng của toàn dân cho các công dân riêng lẻ và coi đó là nghề kinh doanh thu lãi. Đơn giản là không thể có chuyện dịch vụ quốc phòng lại được đem rao bán cho những người cần hoặc không thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, cho những người từ chối chi trả kinh phí cho quốc phòng. Hơn nữa, hàng hoá công cộng là thứ hàng hoá không thể định giá chính xác được, cho nên tư nhân không thể cung cấp. Đấy là nguyên nhân chính giải thích vì sao quốc phòng phải do Nhà nước điều hành và chi phí cho quốc phòng phải được lấy từ nguồn tài chính công, từ ngân sách Nhà nước có được thông qua thuế.

Hàng hoá công cộng có ba đặc tính: tính không kình địch trong tiêu dùng, tính không loại trừ [nonexcluđability] và tính không thể không tiêu dùng mà tựu trung lại, tất cả mọi người đều có nghĩa vụ và quyền lợi tiêu dùng hàng hoá công cộng như nhau. Có nhiều ví dụ về hàng hoá công cộng, từ các biện pháp chống lũ lụt cho đến việc phòng chống vũ khí nguyên tử, nhưng hai ví dụ có thể thấy rõ vai trò của Nhà nước một cách trực tiếp và thường xuyên nhất, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một nền kinh tế không thể "cất cánh" được trừ phi nó có được một cơ sở hạ tầng vững chắc. Nhưng cũng do tính không thể phân chia của hàng hoá công cộng mà các tư nhân thấy rằng đầu tư vào đây không có lợi. Vì thế, ở hầu hết các nước, Nhà nước bỏ vốn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể xem như là hàng hoá công cộng. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường là sự bất ổn định do các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Sự ổn định kinh tế rõ ràng là điều mà mọi Nhà nước đều mong muốn và nó có lợi cho tất cả mọi người. Do vậy, chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì sự ổn định đó trên tầm vĩ mô.

3.Vai trò của Nhà nước đối với các yếu tố ngoại vi

Yếu tố ngoại vi được hiểu như là những hoạt động của một chủ thể nhất định nào đó gây tác động đến các đối tượng này không được đền bù hoặc không phải bị đền bù.

Các chủ thể và đối tượng tác động ở đây có thể là cá nhân hoặc các đơn vị sản xuất kinh doanh. Sự tác động của các chủ thể này là sự tác động tốt hoặc tác động xấu. Các chủ thể này không chịu bất cứ một trách nhiệm kinh tế nào về sự tác động của họ, cũng như họ không đòi hỏi một sự đền bù nào.

Như vậy, yếu tố ngoại vi là một sự thể hiện mối quan hệ sản xuất – sản xuất, sản xuất – tiêu dùng, tiêu dùng – tiêu dùng, tiêu dùng – sản xuất. Hoạt động của người này tác động đến hoạt động của người khác. Kết quả hoạt động của người này chịu ảnh hưởng bởi kết quả hoạt động của người khác.

Tóm lại, khi có sự tương tác giữa các hoạt động của các chủ thể và đối tượng khác nhau trong nền kinh tế, có thể tạo ra sự khác biệt giữa giá trị xã hội và giá trị thị trường, lợi ích và chi phí xã hội khác biệt với lợi ích và chi phí tư nhân.

Yếu tố ngoại vi là các ảnh hưởng tốt hay không tốt do các yếu tố bên ngoài gây nên cho hoạt động của công ty hay cho xã hội nói chung. Yếu tố ngoại vi xảy ra khi có sự khác biệt về phí tổn hoặc lợi ích giữa cá nhân và xã hội.

Những chi phí ngoại vi cho sản xuất bao gồm: sự tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường mà nhà máy hoặc xí nghiệp sản xuất tạo ra... Những yếu tố này gây nên sự giảm sút về phúc lợi của những người dân sống xung quanh hoặc có thể buộc những nhà máy khác gần đó phải tốn kém thêm chi phí để làm sạch nước sông đã bị ô nhiễm mà mình phải sử dụng trong sản xuất. Vì phía thứ ba không được đền bù cho những khoản chi phí ngoại vi, nên các phí tổn sản xuất không được tính đến trong hệ thống giá. Trong nền kinh tế thị trường tự do, người ta chỉ mưu toan sử dụng tối đa những phương tiện hay lợi nhuận riêng của mình, và nhưng chi phí hay lợi ích ngoại vi sẽ không được phản ánh trong giá cả của các đồ vật. Ví dụ, trường hợp một nhà máy có thể làm ra một loại sản phẩm rất rẻ nhưng lại làm ô nhiễm môi trường, gây ra sự giảm sút về phúc lợi cho nhưng người khác. Và do vậy, vai trò kinh tế của Nhà nước là điều chỉnh lại sự bất hợp lý này. Bằng sự can thiệp, Nhà nước buộc tất cả những ai hưởng lợi từ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều phải trả toàn bộ chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ấy.

Nhà nước không dễ dàng quyết định chính xác chi phí ấy là bao nhiêu, vì không thể định lượng một cách chính xác tác hại mà sự ô nhiễm ấy có thể gây ra cho xã hội. Vì những khó khăn này, Nhà nước cần phải đảm bảo chi phí giảm ô nhiễm không được cao hơn so với chi phí mà ô nhiễm gây ra cho xã hội. Nếu không các nguồn lực sẽ không được phân bố hiệu qua.

Nhà nước có thể sử đụng một hệ thống thuế, luật pháp, điều lệ, mức hình phạt, thậm chí cả mức truy tố để nhằm giảm ô nhiễm. Ngoài ra, Nhà nước còn sử dụng cả chính sách quyền sở hữu công khai nguồn tài nguyên, người sử dụng nguồn tài nguyên này nếu gây ô nhiễm sẽ phải chịu chi phí theo giá thị trường. Các khoản thuế hay biện pháp trợ cấp tối ưu đều được coi là phương thức để Nhà nước xứ lý những yếu tố ngoại vi. Do chỗ toàn bộ chi phí xã hội là cái quan trọng quyết định sự phân bố tài nguyên một cách có hiệu quả, còn những chi phí tư nhân quyết định giá hàng, cho nên vai trò của Nhà nước là tạo ra sự thăng bằng giữa cá nhân và xã hội thông qua việc điều chỉnh sản xuất thừa hoặc tiêu dùng thừa vào chi phí ngoại vi. Nhà nước cần can thiệp xem xét giá trị của các yếu tố ngoại vi

4. Vai trò của Nhà nước đối với vấn đề thu nhập và phúc lợi

Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Bảo đảm phúc lợi xã hội cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Đại hội XIII của Đảng đã có bước phát triển mới về nhận thức lý luận và định hướng chính sách đối với vấn đề phúc lợi xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong nền kinh tế thị trường, khả năng kiếm sống ở một số người là rất hạn chế, trong khi đó, số khác lại có nguồn thu nhập rất lớn. Vai trò của Nhà nước là không thể thiếu được trong việc phân phối lại thu nhập để trong chừng mực cho phép, có thể thu hẹp lại khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Trên thực tế, các chính phủ đều luôn thực hiện điều đó thông qua chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập nhằm tạo ra sự công bằng hơn trong phân phối.

. Trong hầu hết các nền kinh tế thị trường, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao phúc lợi công cộng, xoá đói, giảm nghèo. Các vấn đề như việc làm, sức khoẻ, bảo hiểm y tế, lương hưu, trợ cấp khó khăn… luôn là những vấn đề rất cần đến sự quan tâm của Nhà nước. Rõ ràng, điều bàn cãi không còn là ở chỗ Nhà nước có nên tạo ra quỹ phúc lợi hay không, có nên thực hiện phân phối lại thông qua thuế thu nhập hay không... mà là mức độ thực hiện ra sao để vẫn có thể khích lệ được mọi thành phần lao động trong việc tạo ra của cải và tiết kiệm trong việc chi dùng những của cải ấy.

5. Vai trò của Nhà nước trong các chính sách tài chính và tiền tệ

Nhà nước trong các nền kinh tế thị trường đóng một vai trò rất lớn trong việc tạo ra các điều kiện kinh tế để thị trường tư nhân có thể phát huy hết hiệu quả hoạt động của mình.

Một trong các vai trò đó là tạo ra một thị trường tiền tệ ổn định, được chấp nhận rộng rãi, có khả năng loại bỏ hệ thống giao dịch cồng kềnh, kém hiệu quả và đồng thời có khả năng duy trì giá trị tiền tệ thông qua các chính sách hạn chế lạm phát.

Khi tăng chi tiêu vào thời điểm thất nghiệp cao và lạm phát thấp, Nhà nước đã tăng cung ứng tiền, dẫn tới giảm lãi suất [tức giám giá đồng tiền], nhờ đó ngân hàng mới có nhiều điều kiện cho vay và chi tiêu cho tiêu dùng được tăng lên. Điều đó có nghĩa là kích cầu vì tiêu dùng là bộ phận cấu thành lớn nhất và ổn định nhất của tổng cầu. Lãi suất thấp, đồng thời khuyến khích đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thuê thêm công nhân. Trong thời kỳ lạm phát cao và thất nghiệp thấp thì ngược lại, Nhà nước “làm nguội" nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền. Cùng với việc giảm tiền và tăng lãi suất, cả chỉ tiêu lẫn giá cả đều có xu hướng giảm hoặc ít nhất, nếu có tăng thì cũng rất chậm, và kết quả là thu hẹp lại sản lượng và việc làm.

Khi cả thất nghiệp và lạm phát xảy ra đồng thời, chính phủ có thể rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì, các chính sách tài chính và tiền tệ đều điều chỉnh lại mức chi tiêu của cả một nền kinh tế quốc dân, nhưng lại không thể đối phó với sự giảm đột ngột về cung - một nhân tố có thể đẩy nhanh cả lạm phát lẫn thất nghiệp. Tình trạng này đã xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi có lệnh đình chỉ xuất khẩu đầu của các nước sản xuất dầu, dẫn tới giá cả tăng nhanh trong nền kinh tế các nước công nghiệp hoá. Như vậy, sự giảm cung sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng nhanh trong khi đó thì sản xuất và việc làm lại giảm. Để đối phó với cú sốc cung này đối với nền kinh tế quốc dân, Nhà nước có thể tăng cường các biện pháp khuyến khích sản xuất, tiết kiệm và đầu tư, tăng hiệu quả cạnh tranh băng cách giảm sự độc quyền, khắc phục sự trì trệ và kìm hãm của các nguồn lực quan trọng.

Như vậy, có thể nói, dẫu Nhà nước không thể cung cấp phương thuốc bách bệnh trong cuộc đấu tranh muôn thuở với lạm phát và thất nghiệp trong các nền kinh tế thị trường thì nó vẫn được coi là nhân tố tích cực trong việc điều hoà các ảnh hưởng của chúng. Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều thừa nhận tầm quan trọng của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống lạm phát và thất nghiệp thông qua các chính sách ồn định dài hạn.

Luật Minh Khuê biên tập và sưu tầm

Video liên quan

Chủ Đề