Tiền cước viễn thông là gì

Mục lục bài viết

  • 1. Giá cước viễn thông là gì?
  • 2. Nguyên tắc xác định giá cước viễn thông
  • 3. Những căn cứ để xác định giá cước viễn thông
  • 4. Quản lý giá cước viễn thông như thế nào?
  • 4.1. Hình thức quản lý giá cước
  • 4.2. Việc miễn giảm giá cước công ích được thực hiện như sau:
  • 5. Trách nhiệm của các bên có liên quan đến xasv định giá cước viến thông
  • 6. Mức phạt hành vi vi phạm quy định về giá cước viễn thông

1. Giá cước viễn thông là gì?

Căn cứ theo Điều 53 của Luật Viễn thông năm 2009, Luật quy định Giá cước viễn thông gồm giá cước áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông và giá cước giữa các doanh nghiệp viễn thông.

- Giá cước áp dụng đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông là giá cước người sử dụng dịch vụ viễn thông thanh toán cho doanh nghiệp viễn thông khi sử dụng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông cung cấp.

- Giá cước giữa các doanh nghiệp viễn thông là giá cước thanh toán giữa các doanh nghiệp viễn thông khi doanh nghiệp này mua lại dịch vụ hoặc sử dụng mạng của doanh nghiệp khác để kết cuối hoặc chuyển tiếp dịch vụ viễn thông; trường hợp doanh nghiệp này sử dụng mạng của doanh nghiệp khác để kết cuối dịch vụ viễn thông, giá cước thanh toán giữa các doanh nghiệp viễn thông được gọi là giá cước kết nối viễn thông.

2. Nguyên tắc xác định giá cước viễn thông

Căn cứ theo Điều 54 của Luật Viễn thông năm 2009, Luật quy định về nguyên tắc xác định giá cước viễn thông như sau:

1. Tôn trọng quyền tự xác định và cạnh tranh về giá cước của doanh nghiệp viễn thông.

2. Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông; lợi ích của Nhà nước.

3. Bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh và thực hiện hoạt động viễn thông công ích.

4. Thực hiện bình đẳng, không phân biệt trong quản lý và quy định giá cước viễn thông, trừ trường hợp cần khuyến khích doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

3. Những căn cứ để xác định giá cước viễn thông

Theo Điều 55 của Luật Viễn thông năm 2009, Luật quy định Giá cước viễn thông được xác định dựa trên cơ sở các căn cứ sau đây:

+ Chính sách và mục tiêu phát triển viễn thông từng thời kỳ; pháp luật về giá, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Trên cơ sở giá thành, quan hệ cung – cầu trên thị trường và tương quan phù hợp với giá cước viễn thông của các nước trong khu vực và trên thế giới;

+ Không bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông.

4. Quản lý giá cước viễn thông như thế nào?

Căn cứ theo Điều 38 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 04 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nột số điều của Luật Viễn thông, Chính phủ quy định về việc quản lý giá cước viễn thông như sau:

4.1. Hình thức quản lý giá cước

a] Quyết định giá cước: Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành giá cước, khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích, giá cước kết nối;

b] Đăng ký giá cước: Doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường trước khi ban hành và áp dụng giá cước dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường có trách nhiệm đăng ký giá cước với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;

c] Thông báo giá cước: Doanh nghiệp viễn thông tự quy định giá cước dịch vụ viễn thông ngoài giá cước nêu trên và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông.

4.2. Việc miễn giảm giá cước công ích được thực hiện như sau:

a] Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án miễn giảm giá cước phục vụ nhiệm vụ viễn thông công ích;

b] Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phương án miễn giảm giá cước phục vụ nhiệm vụ viễn thông công ích sau khi thống nhất với Bộ Tài chính;

c] Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bù đắp cho doanh nghiệp viễn thông thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích theo phương án miễn giảm giá cước đã được quyết định.

- Doanh nghiệp viễn thông không được cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp quá mức so với giá cước trung bình trên thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông thống lĩnh thị trường không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

- Trong trường hợp giá cước dịch vụ viễn thông tăng hoặc giảm không hợp lý so với giá thành, tăng hoặc giảm bất bình thường so với giá cước trung bình gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm thực hiện hoặc chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cước viễn thông sau đây:

a] Quy định giá cước tối đa, giá cước tối thiểu, khung giá cước dịch vụ viễn thông;

b] Kiểm soát các yếu tố hình thức giá cước dịch vụ viễn thông;

c] Công khai thông tin về giá cước;

d] Quy định cơ chế quản lý giá cước viễn thông theo từng thời kỳ;

đ] Quyết định đình chỉ thực hiện mức giá cước dịch vụ viễn thông không hợp lý do doanh nghiệp viễn thông đã quyết định;

e] Quyết định tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá cước dịch vụ viễn thông.

5. Trách nhiệm của các bên có liên quan đến xasv định giá cước viến thông

Căn cứ theo Điều 56 của Luật Viễn thông năm 2009, Luật quy định về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và Doanh nghiệp viễn thông trong việc quản lý giá cước viễn thông như sau:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a] Quy định về quản lý giá cước viễn thông; quyết định giá cước viễn thông do Nhà nước quy định;

b] Chủ trì phối hợp với Bộ Công thương quy định hoạt động khuyến mại trong cung cấp dịch vụ viễn thông;

c] Chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm giá cước viễn thông phục vụ hoạt động viễn thông công ích;

d] Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo, kế toán, kiểm toán phục vụ hoạt động quản lý giá cước viễn thông;

đ] Quy định phương pháp xác định giá thành dịch vụ viễn thông;

e] Kiểm soát, đình chỉ áp dụng giá cước viễn thông khi doanh nghiệp viễn thông áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp viễn thông khác và Nhà nước.

2. Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:

a] Quyết định giá cước dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp, trừ dịch vụ thuộc danh mục giá cước viễn thông do Nhà nước quy định;

b] Trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án giá cước dịch vụ viễn thông do Nhà nước quy định;

c] Hạch toán chi phí, xác định giá thành, niêm yết, thông báo giá cước dịch vụ viễn thông;

d] Thực hiện chế độ báo cáo, kế toán, kiểm toán phục vụ hoạt động quản lý giá cước viễn thông;

đ] Không được áp đặt, phá giá giá cước viễn thông gây mất ổn định thị trường, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông, của doanh nghiệp viễn thông khác và của Nhà nước.

6. Mức phạt hành vi vi phạm quy định về giá cước viễn thông

Được quy định tại Điều 55 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cụ thể mức phạt như sau:

Điều 55. Vi phạm quy định về giá cước viễn thông

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết giá cước dịch vụ viễn thông.

2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a] Báo cáo giá thành dịch vụ viễn thông với cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm so với thời gian quy định;

b] Báo cáo giá thành dịch vụ viễn thông không đầy đủ nội dung theo quy định.

3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a] Không thông báo giá cước dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp tự quy định với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định;

b] Áp dụng giá cước dịch vụ viễn thông trong Danh mục dịch vụ viễn thông phải đăng ký giá cước trước khi đăng ký với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông theo quy định; hoặc áp dụng giá cước dịch vụ viễn thông trong Danh mục dịch vụ viễn thông phải đăng ký giá cước trước khi được cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông chấp thuận;

c] Cài đặt không đúng giá cước dịch vụ viễn thông so với giá cước đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;

d] Không trình phương án giá cước dịch vụ viễn thông do Nhà nước quy định;

đ] Không trình Bộ Thông tin và Truyền thông phương án miễn giảm giá cước phục vụ nhiệm vụ viễn thông công ích;

e] Không ban hành quyết định giá cước dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp cung cấp.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a] Áp dụng giá cước, khung giá cước dịch vụ viễn thông công ích, giá cước kết nối không đúng giá cước, khung giá cước do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định;

b] Miễn giảm giá cước phục vụ nhiệm vụ viễn thông công ích khi chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định miễn giảm;

c] Không đăng ký giá cước với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông đối với các dịch vụ trong Danh mục dịch vụ viễn thông phải đăng ký giá cước.

5. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a] Bù chéo giữa các dịch vụ viễn thông khi xác định giá thành hoặc giá cước dịch vụ viễn thông;

b] Cung cấp giá cước không đúng với giá cước đã đăng ký hoặc đã thông báo với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;

c] Cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp quá mức so với giá cước trung bình trên thị trường dịch vụ viễn thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;

d] Không thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cước viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a] Không tuân thủ quyết định đình chỉ giá cước của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b] Không báo cáo giá thành với cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông;

c] Không quy định ràng buộc về kinh tế để đảm bảo đối tác nước ngoài thực hiện đúng sản lượng đã cam kết khi ký hợp đồng ký với đối tác nước ngoài hoặc giảm giá cước thanh toán điện thoại quốc tế chiều về quá thấp hoặc doanh nghiệp đàm phán, chuyển giá, chiết khấu dẫn đến giảm giá cước thanh toán điện thoại quốc tế chiều về quá thấp;

d] Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường áp dụng giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3, điểm a khoản 4, các khoản 5 và 6 Điều này.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số:1900.6162hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng.

Video liên quan

Chủ Đề