Nguyên nhân sinh viên bỏ học và giải pháp

HUYÊN NGUYỄN - ANH NHÀN   -   Thứ năm, 19/12/2019 15:00 [GMT+7]

Tình trạng sinh viên nghỉ học ngày càng tăng có nhiều nguyên nhân như đã tìm được việc làm, chểnh mảng học tập, chọn sai ngành [ảnh minh hoạ]. Ảnh: Hải Nguyễn

Hiện tượng sinh viên bỏ học xảy ra ở nhiều trường

Trái ngược với quyết tâm phải vào đại học mới có tương lai, giờ đây, nhiều sinh viên khi chỉ còn vài học kỳ là có tấm bằng tốt nghiệp trong tay lại bỏ ngang giữa chừng.

Mới đây, trên website của Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh đã đưa thông báo cảnh báo 2.252 sinh viên tự ý bỏ học, học kỳ I năm học 2019-2020. Trong 2.252 sinh viên bị cảnh báo vì tự ý bỏ học kỳ I có đủ các bậc đại học chính quy, cao đẳng chính quy hay hệ đại học liên thông vừa học vừa làm. Câu chuyện này một lần nữa gây chú ý dư luận khi trước đó cũng đã có hàng loạt các trường công bố danh sách cảnh báo học vụ, buộc thôi học…

Năm 2018, Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cảnh báo học vụ 2.135 sinh viên, trong đó 257 em bị đuổi học. Hay trong học kỳ II năm học 2017-2018, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh xóa tên hơn 450 sinh viên bị buộc thôi học. Phần lớn số này không còn học tập tại trường từ lâu. 571 sinh viên khác bị cảnh báo học vụ.

Tại Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cũng từng có trường hợp hơn 2.500 sinh viên nợ học phí kéo dài, có nguy cơ bị cấm thi cuối kỳ.

Hiện tượng này xảy ra ở nhiều trường, thậm chí là ở những trường top trên với tỉ lệ “chọi” tuyển sinh rất cao như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong một học kỳ từng đưa ra quyết định buộc thôi học đối với 454 sinh viên và cảnh báo học vụ 605 người khác.

Ông Trần Văn Tớp - Phó hiệu truởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội -  cho biết mỗi năm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tới 700-800 học sinh bị buộc thôi học. Số sinh viên bị thôi học phần lớn do mải chơi chứ không phải chương trình học quá khó. Ngoài ra, khi lên đại học, các em thường được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý xả hơi.

Để tăng cường sự giám sát của gia đình, sự kết nối với nhà trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã áp dụng việc cấp một tài khoản quản lý học tập cho sinh viên nhưng có 2 “chìa khóa”. Ngoài việc sinh viên có thể xem, phụ huynh và giảng viên cũng có thể truy cập để kiểm soát tình hình.

Bỏ học vì ham đi làm

Chia sẻ về nguyên nhân hàng nghìn sinh viên bị cảnh báo học vụ, PGS.TS Lê Văn Tán - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh - cho biết, trong số sinh viên bị cảnh báo học vụ có em tự ý bỏ học; nhiều em có đi học nhưng bỏ thi; có em kết quả học tập dưới 0,8 điểm. Cũng theo ông Tán, động thái trên nhằm cảnh báo, nhắc nhở sinh viên và phụ huynh biết được tình hình học tập của sinh viên.

“Thực tế rất nhiều sinh viên không lo học, xin tiền gia đình nộp học phí nhưng lại tham gia bán hàng đa cấp, bỏ bê việc học… trong khi phụ huynh hoàn toàn không biết chuyện này. Cảnh báo học vụ là việc làm thường xuyên của nhà trường hàng năm và rất có hiệu quả. Năm ngoái sau khi trường cảnh báo thì có hơn 60% sinh viên trở lại học hành, thi cử đàng hoàng” - ông Tán cho hay.

Theo vị cán bộ tuyển sinh một trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh, việc sinh viên các trường đại học tự ý bỏ học không phải là việc hiếm, hầu như trường đại học nào cũng gặp phải tình trạng này.

Việc bỏ học giữ chừng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó thường có hai nguyên chính, một là không có phương pháp học tập tốt dẫn đến kết quả kém, hai là chọn không đúng ngành nghề yêu thích nên nản và không theo học lâu dài.

Để tránh tình trạng này, khâu hướng nghiệp “đầu vào” cũng rất quan trọng, giúp người học định hướng được nghề nghiệp từ sớm. Cùng với sự theo dõi, quan tâm từ nhà trường và gia đình thì cần nhất là ý thức từ các sinh viên để có hướng đi đúng đắn, tránh sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Khác với những nguyên nhân trên, T.S Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho hay, tại ngôi trường này, nhiều sinh viên không tiếp tục theo học đại học vì ham đi làm. “Theo thống kê mới nhất, hiện có khoảng 600 sinh viên tại trường đã bỏ học giữa chừng. Nguyên nhân là do các em đã tìm được việc làm từ khi là sinh viên năm 3, năm 4 nên không hoàn thành được chương trình học để có bằng tốt nghiệp đại học”, ông Khang nói.

Một nguyên nhân khác được ông Khang nêu lên là hiện tượng thông tin “không học đại học cũng thành công” được một bộ phận sinh viên tiếp thu một cách chưa toàn diện nên hiểu chưa đầy đủ đã có tâm lý không cần bằng đại học.

Với kinh nghiệm cá nhân, vị Phó hiệu trưởng khuyên rằng sinh viên nên cố gắng hoàn thành chương trình để có bằng tốt nghiệp. Vì những người đã qua chương trình đào tạo bài bản sẽ đi được con đường lâu dài và đi xa hơn là những công việc mang tính tức thời.  

Câu chuyện học sinh bỏ học giữa chừng có thể xa lạ với học sinh ở các trung tâm,  các thành phố, nhưng lại khá quen thuộc đối với chúng tôi – một ngôi trường đóng chân trên địa cấp xã, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, trong những năm học qua, tình trạng học sinh bỏ học ở Trường THPT Phạm Văn Đồng [xã Eana, huyện Krông Ana] chiếm tỷ lệ khá cao. Nỗi lo học sinh nghỉ học, bỏ học trở thành nỗi lo lắng thường trực của nhà trường. Năm nào nhà trường cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng bàn bạc và đưa ra các giải pháp, tiến hành thực hiện một cách nghiêm túc nhưng xem chừng năm nào cũng vậy, nỗi lo đó không ngoại lệ.

Buổi tập thể dục giữa giờ của học sinh trường THPT Phạm Văn Đồng

Không chỉ ở trường chúng tôi, tình trạng học sinh bỏ học luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục và xã hội. Bởi khi bỏ học, tâm trạng chán ch­ường, mặc cảm luôn đè nặng khiến những học sinh bỏ học có thể kéo theo nhiều hệ lụy cả trước mắt lẫn lâu dài, không chỉ đối với cá nhân, gia đình học sinh mà cả với nhà tr­ường và xã hội. Những thành phần này thường dễ bị kích động, lôi kéo. Từ đó có thể hình thành nên một l­ượng thanh thiếu niên thất học, lêu lổng, dễ sa vào các thói hư, tật xấu như­ bỏ nhà đi lang thang, gây gỗ, trộm cắp, kết bè phái. Thậm chí một số tr­ường hợp có thể sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Bản thân tôi là một giáo viên chủ nhiệm lớp. Đối với công tác chủ nhiệm, tôi quan niệm rằng nếu ví lớp học là một dàn nhạc giao hưởng với sự kết hợp của rất nhiều các âm thanh, nhạc cụ đa màu sắc, đa âm điệu thì giáo viên chủ nhiệm lớp chính là vị nhạc trưởng rất tài ba, bởi để điều hành dàn nhạc ấy, người giáo viên phải là  một người mẹ, người thầy, người bạn, một nhà tâm lý, nhà đạo diễn và là một vị quan tòa  thật công bằng. Hơn thế nữa, người giáo viên chủ nhiệm cần phải cùng lúc đảm nhận tốt tất cả các vai trò đấy. Do đó, đối với tất cả giáo viên chúng tôi, chủ nhiệm lớp là một nhiệm vụ mang lại rất nhiều niềm vui, nổi buồn, rất nhiều kỷ niệm nhưng cũng là một thử thách lớn.

Mỗi khi phải nhìn thấy một em học sinh bỏ học, tôi xót xa lắm. Bởi các em còn nhỏ quá, còn non nớt quá, vậy nhưng các em lại lựa chọn rời xa ghế ngồi nhà trường để bước vào con đường mưu sinh quá sớm, tiền bạc trước mắt đâu chưa thấy, chỉ thấy tương lai mờ mịt của các em ở phía trước, tuổi cúa các em sẽ làm được gì, khi trình độ chưa có, kỹ năng và kinh nghiệm sống càng không…? Ngoài việc làm thuê hay cao lắm chỉ được làm công nhân mà thôi, và điều quan trọng nữa, các em dễ sa ngã khi sống xa nhà, xa quê. Không ít lần tôi nhận được điện thoại của các em, lời nói xen lẫn trong nước mắt: “Cô ơi, ở dưới này vất vả lắm, chúng em phụ bán cà phê, bán quán cho họ cô à. Em ước được đi học lại quá.” “Cô ơi, đi làm rồi mới biết, khổ lắm cô à…”

Năm học 2017-2018, lớp 12A5 tôi chủ nhiệm có 43 học sinh, vào năm lớp 10 có một em học sinh bỏ học để đi phụ bán cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật cho người ta, và năm đó tôi không vận động được em ấy đi học lại, sĩ số lớp còn 42. Điều đó khiến tôi buồn, day dứt mãi. Thương các em càng nhiều thì quyết tâm càng cao, tôi đặt mục tiêu sẽ không để bất kỳ một em học sinh nào rời xa mái nhà A5 thân yêu này nữa. Thế nhưng sang đầu năm 11 lại có một em học sinh đòi bỏ học, em ấy là H’Rưng Ayũn – học sinh thuộc dân tộc Ê Đê. Và cũng trong năm đó, thêm một em học sinh nữa đòi bỏ học, đó là lớp trưởng Trần Đăng Minh Chiến của lớp tôi. Nhưng lần này tôi không thể để các em bỏ học như vậy nữa, và cho tới hết năm 11, tôi vẫn giữ được sĩ số lớp 42, cứ như vậy 42 đứa con thân yêu của tôi đều tốt nghiệp ra trường.

Ngày tốt nghiệp của tập thể 12A5

Những giải pháp làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học mà tôi đã thực hiện lại tiếp tục được khảo nghiệm tính khả thi của nó khi năm học 2018-2019 tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 12A2 – lớp học có tỷ lệ học sinh yếu và học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số [13/28 học sinh]  nhiều nhất khối 12, trong đó có những em học sinh được ban nề nếp đánh giá là có tỷ lệ vắng học thường xuyên cao nhất trường như học sinh Y Tinh H đơk, học sinh Y Thiếu K sơr, học sinh H’Mai Kbuôr…

Tôi xin phép được chia sẻ với quý thầy cô là anh, chị, em, là bạn bè đồng nghiệp – những người đã, đang và sẽ đảm nhận công tác chủ nhiệm lớp như tôi một số kinh nghiệp ít ỏi của bản thân mình, đồng thời cũng là dựa trên sự đóng góp ý kiến của bạn bè đồng nghiệp trong trường.

Tôi chia các giải pháp làm giảm tỷ lệ học sinh bỏ học thành hai nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Khi có học hinh bỏ học.

Một là: Đối với việc học sinh bỏ học thì việc quan trọng đầu tiên người giáo viên chủ nhiệm cần làm là tìm hiểu được chính xác nguyên nhân vì sao các em bỏ học để đưa ra biện pháp tác động đúng, hiệu quả.

Tôi chia nguyên nhân bỏ học của học sinh thành ba nguyên nhân. Một là vì hoàn cảnh gia đình[ khó khăn hoặc hoàn cảnh khác]. Hai là vì chán học, học yếu, không có mục tiêu và động lực học. Ba là bị ảnh hưởng bởi bạn bè xấu, game, vì cái lợi trước mắt là làm kiếm tiền…

Hai là: Lựa chọn biện pháp tác động phù hợp.

Người giáo viên cần phải khéo léo lựa chọn biện pháp tác động phù hợp cho từng loại nguyên nhân, và cho dù đó là biện pháp nào thì giáo viên cũng cần phải cân nhắc đến đặc điểm  tâm sinh lý lứa tuổi của các em.

Ba là: Theo sát học sinh sau khi các em quay lại trường học.

Vận động các em đi học lại đã khó, nhưng giữ được cho các em sự kiên định để tiếp tục đi học lại càng khó hơn. Do vậy, Giáo viên cần theo sát các em để giúp đỡ, động viên, nhắc nhở, khuyên bảo kịp thời.

Nhóm giải pháp thứ hai: Xây đựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh.

Một tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh sẽ là một môi trường học tập và rèn luyện tốt cho tất cả các thành viên, sẽ là nguồn động lực to lớn để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để các em không chán học, không mất đi mục tiêu học tập đúng đắn và sẽ không muốn bỏ học nữa.

Nhưng một tập thể lớp có đoàn kết, có vững mạnh hay không, nó phụ thuộc phần lớn vào các giải pháp mà giáo viên chủ  nhiệm đề ra, áp dụng cho chính lớp mình. Các Mác đã từng nói rằng: “Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung nào tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng cần đến một sự chỉ đạo để điều hoà những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng”. Vị nhạc trưởng ấy phải là giáo viên chủ nhiệm. Tôi xin chia sẻ một số giải pháp như sau:

Một là: Tìm hiểu đối tượng học sinh.

Đây là khâu quan trọng đầu tiên khi bắt đầu đảm nhận công tác chủ nhiệm bất kỳ một lớp học nào, giáo viên phải tìm hiểu đặc điểm tất cả học sinh nhưng cần tập trung hơn vào nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nhóm học sinh có ý thức chưa tốt [học sinh cá biệt].

Ở nhóm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nên quan tâm, động viên, giúp đỡ bằng nhiều hình thức [tinh thần, quỹ học bổng, hỗ trợ…] để các em giảm bớt phần nào gánh nặng học phí, để các em thấy mình được yêu thương, được chia sẽ…từ đó hạn chế việc các em bỏ học.

Ở nhóm học sinh cá biệt, cần có biện pháp tác động đến ý thức một cách phù hợp ngay từ đầu để định hướng hành vi, suy nghĩ tích cực cho các em. Chúng ta đều biết rằng giáo dục một học sinh cá biệt, có học lực yếu kém mất nhiều công sức, thời gian không kém gì so với việc bồi dư­ỡng một học sinh giỏi, nên giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu, giáo dục bằng cả tình yêu thương và lòng bao dung như một người cha, người mẹ.

Hai là: Xây dựng khối đoàn kết trong lớp học.

Để xây dựng được khối đoàn kết lớp học thì vai trò định hướng của giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Có rất nhiều cách để làm được điều đó, và một trong những cách hiệu quả nhất là xây dựng được phong trào, hoạt động tập thể của lớp. Ví dụ như làm công trình thanh niên, phong trào văn hóa-văn nghệ -TDTT… những phong trào này giáo viên cần phải huy động nhiều nhất có thể số lượng thành viên tham gia, bởi chỉ khi các em cùng sinh hoạt, cùng hoạt động, cùng chia sẻ, cùng vui, cùng buồn với nhau thì mới có thể hiểu nhau, yêu thương nhau, đoàn kết với nhau được. Tôi tin chắc rằng, nếu được học tập trong một môi trường như thế, các em sẽ không nỡ bỏ học, không muốn bỏ học nữa.

Tham gia thi cắm hoa và giải cầu lông ở trường

Ba là: Công tác phối hợp với phụ huynh học sinh.

Phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh là giải pháp chúng ta đã nói nhiều, nghe nhiều, viết nhiều, nhưng chỉ những giáo viên trực tiếp làm công tác chủ nhiệm mới thấu hiểu được giải pháp này thực hiện không dễ. Thật sự để làm tốt giải pháp này thì người giáo viên phải đầu tư, phải hy sinh khá nhiều thời gian và tâm sức. Một trong những cách để phối hợp tốt nhất với phụ huynh học sinh là phải thông qua các buổi họp cha mẹ học sinh. Trong buổi họp này, giáo viên nên chuẩn bị thật kỹ những yêu cầu, giải pháp mà bản thân cần phụ huynh phải chủ động phối hợp trong năm học.

Bốn là: Công tác phối hợp với các tổ chức Đoàn thể trong, ngoài nhà trường.

Giáo viên chủ nhiệm cần chủ động phối hợp với giáo viên bộ môn, các tổ chức Đoàn thể trong, ngoài nhà trường để kịp thời nắm bắt mọi tình hình của học sinh, kịp thời đưa ra những giải pháp xử lý hiệu quả nhất cho mọi tình huống xảy ra.

Năm là: Thực hiện phân loại học sinh trong lớp để lên kế hoạch bồi dư­ỡng, tổ chức phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém.

Công việc này lại đòi hỏi nhiều công sức, sự kiên trì và tâm huyết. Do vậy giáo viên chủ nhiệm cần chủ động trong việc phối hợp với các giáo viên bộ môn để động viên, giúp đỡ những học sinh yếu- đối tượng dễ bỏ học nhất-  giúp các em hiểu bài hơn, kích thích sự ham học của các em.

Sáu là: Giáo viên cần chú ý đến công tác hướng nghiệp cho các em học sinh, đặc biệt trong xu thế các em bị tác động bởi tư tưởng học xong không xin được việc làm nên bỏ học.

Tham gia làm công trình thanh niên và hội trại ẩm thực ở trường

Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân, đồng thời cũng là kinh nghiệm từ việc học hỏi bạn bè đồng nghiệp, tất nhiên còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, với chút kinh nghiệm ít ỏi của mình, tôi mong rằng có thể đóng góp một phần công sức nào đó trong việc góp phần giảm thiểu tình trạng bỏ học của học sinh trên địa bàn của tỉnh nhà.

 Trường THPT Phạm Văn Đồng

Video liên quan

Chủ Đề