Hành vi có tính chất côn đồ là gì năm 2024

Tình tiết phạm tội “có tính chất côn đồ” đã được quy định trong BLHS nhưng cho đến nay trong thực tiến xét xử vẫn có những nhận thức và áp dụng khác nhau, chưa được rạch ròi, thống nhất, dẫn đến sự lúng túng trong trong giải quyết các vụ án. Xin nêu ra đây một vài ví dụ xảy ra trong thực tiến xét xử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để các đồng chí cùng trao đổi, cụ thể như sau:

Vụ thứ nhất: Khoảng 15 giờ ngày 16/9/2012, Dương Văn Dược đến bãi bồi bờ sông Cầu thuộc xóm L, xã K, huyện P để đợi thuyền thì gặp Dương Văn Minh đang chăn trâu ở đó. Do khoảng một năm trước, Minh có mua của Dược một chiếc lưới đánh cá chưa thanh toán số tiền 40.000 đồng nên khi thấy Minh, Dược nói “mày xem thế nào thanh toán tiền cho anh” Minh trả lời “anh thư thư cho em vài ngày nữa”, hai người không nói gì, được một lúc sau Minh nói “lưới rách rồi không dùng được” thấy Minh nói vậy, Dược liền dùng chân phải đá liên tiếp ba nhát vào sườn trái của Minh và dùng tay tát vào mặt Minh, hậu quả Minh bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể 39,85%.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2013/HSST, ngày 17/4/2013 của Tòa án nhân dân huyện P đã áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60/BLHS xử phạt Dương Văn Dược 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng về tội “cố ý gây thương tích”.

Vụ thứ hai: Khoảng 05 giờ ngày 03/7/2021, Hoàng Văn Bẩy và anh Dương Văn Sinh cùng một số người khác đến làm việc tại xưởng bóc gỗ của anh Trần Văn Huỳnh ở xóm M, xã C, huyện Đ. Quá trình làm việc Bẩy có cắt một cây Keo chuyển cho anh Sinh bóc vỏ nhưng anh Sinh không bóc được nên anh Sinh nói “mấy ông kia chơi mình hay sao ấy” ý nói Bẩy gây khó dễ cho mình nhưng Bẩy không nói gì. Đến khoảng 07 giờ cùng ngày, khi đang cùng ngồi ăn sáng tại xưởng, Bẩy hỏi anh Sinh “mày bảo tao chơi mày kiểu gì” anh Sinh nói “em bảo anh cái gì đâu” Bẩy nói tiếp “mày có đố tao cho mày cái bát vào mặt không”, anh Sinh chưa kịp phản ứng gì thì Bẩy đứng dậy cầm bát phở đang ăn hất vào mặt anh Sinh, ngay sau đó Bẩy cầm chiếc ấm pha chè bằng sứ đặt trên bàn ném vào vùng thái dương trái của anh Sinh làm anh Sinh bị thương với tỷ lệ là 27%.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 56/2021/HSST, ngày 25/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Đ đã áp dụng điểm đ, khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 60/BLHS xử phạt Hoàng Văn Bẩy 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng về tội “cố ý gây thương tích”.

Vụ thứ ba: Khoảng 17 giờ ngày 25/9/2017, Trần Văn Tuấn điều khiển xe mô tô đi trên đường dân sinh thuộc xóm H, xã N, huyện P để về nhà, khi đi đến đoạn trước cổng nhà bà Lý Thị Mít, Tuấn thấy bà Mít đang cầm cuốc sới cỏ bên vệ đường. Tuấn bảo bà Mít “bà đứng gọn gọn vào để tôi đi cái” bà Mít trả lời “mày đi thì cứ đi, tao làm ảnh hưởng gì đến mày” Tuấn nói “đường thì bé mà cái mông của bà cứ giơ ra thế tôi đi thế đ...nào được”, Thấy bà Mít không nói gì và vẫn cầm cuốc sới cỏ, Tuấn bực tức liển rồ ga cho xe phóng thẳng về phía trước làm đầu gối chân phải của Tuấn thúc vào lưng của bà Mít khiến bà Mít ngã chúi đầu vào hàng rào bên cạnh đường. Bà Mít liền kêu to “ối làng nước ơi thằng Tuấn Tú nó đánh tôi”. Thấy bà Mít kêu như vậy Tuấn hỏi “tôi đánh bà bao giờ đồ mồm loa mép giải” bà Mít nói “mày vừa đánh tao ngã mà bảo không đánh à”, Tuấn liền nhảy ra khỏi xe dùng chân tay đấm đá liên tiếp vào vùng đầu và mặt của bà Mít làm bà Mít bị thương với tỷ lệ 09%.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 06/2018/HSST, ngày 25/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện P đã áp dụng điểm i, khoản 1 Điều 134; điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38/BLHS xử phạt Trần Văn Tuấn 06 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích”.

II. Vấn đề lý luận

Qua các vụ án nêu trên có thể thấy nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo đều na ná giống nhau. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đều xuất phát từ một nguyên nhân nhỏ nhặt không đáng kể. Những người bị hại trong cả ba vụ án trên đều không có hành vi hay lời nói gì xúc phạm đến bị cáo mà đều do bị cáo gây ra trước, tuy nhiên vụ án thứ nhất và thứ hai án sơ thẩm không áp dụng tình tiết bị cáo phạm tội thuộc trường hợp có tính chất côn đồ, vụ án thứ ba lại áp dụng tình tiết này, cho thấy nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các địa phương còn có sự khác nhau, chưa được thống nhất khi giải quyết những vụ án xâm phạm sức khỏe, tính mạng của con người.

Hành vi có tính chất côn đồ là tình tiết định khung được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 (tội giết người) và điểm i, khoản 1 Điều 134 (tội cố ý gây thương tích...) hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 52 của BLHS, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn áp dụng, khi giải quyết các vụ án cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu vận dụng công văn số 38/NCPL, ngày 06/01/1976 của Tòa án nhân dân tối cao và Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995. Công văn số 38/NCPL và Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích về côn đồ như sau: “Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt...”.

Theo khái niệm nêu trên côn đồ được hiểu một cách đơn giản nhất đó là tính cách, bản tính, đặc điểm nhân thân của con người, ví dụ như dân anh chị, xã hội đen, người chuyên đâm thuê chém mướn; người có tiền án, tiền sự về hành vi xâm phạm sức khỏe chuyên gây gổ đánh nhau v.v...; còn hành vi phạm tội có tính chất côn đồ là hành vi phạm tội một cách vô cớ hoặc vì một nguyên cớ (lý do) nhỏ nhặt không đáng để tấn công người khác. Đây là một khái niệm hoàn toàn mang yếu tố định tính, việc đánh giá một hành vi phạm tội có tính côn đồ hay không chủ yếu dựa vào nhận thức và sự đánh giá chủ quan của người tiến hành tố tụng, chưa có quy chuẩn nào cụ thể. Trên thực tế nếu chỉ dựa vào yếu tố trên để đánh giá hành vi phạm tội có tính chất côn đồ là chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện, mà ngoài yếu tố trên ra thì việc đánh giá một hành vi có tính chất côn đồ hay không có tính chất côn đồ còn phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau nữa thì mới đảm bảo tính chính xác, khách quan và thận trọng khi giải quyết những vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do dân chủ của con người....

Trước thực trạng tội phạm diễn biến phức tạp, văn bản hướng dẫn ban hành đã cũ, còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, vì vậy khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội cần xem xét đầy đủ các yếu tố liên quan đến tội phạm để có hướng xử lý đúng đắn và mức hình phạt phù hợp nhất đối với người phạm tội. Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng những biểu hiện của hành vi phạm tội có tính chất côn đồ bao gồm:

- Thông thường nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội có tính chất côn đồ là những lý do vụn vặt, những va chạm, xích mích nhỏ nhặt trong cuộc sống như 3 vụ án nêu ở trên hoặc không có lý do gì cả mà chỉ vì cho rằng người bị hại “nhìn đểu” mình, hoặc thấy ngứa mắt thì đánh... Lỗi hoàn toàn thuộc về người phạm tội; trường hợp nếu người bị hại cũng có lỗi thì không áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ đối với bị can, bị cáo mà phải xem xét tội danh hoặc áp dụng tình tiết giảm nhẹ tương ứng với lỗi của người bị hại cho bị can, bị cáo.

- Nhân thân của người phạm tội thường là những người đã có tiền án, tiền sự hoặc ý thức chấp hành pháp luật tại địa phương kém, chuyên gây sự đánh người, thích sử dụng vũ lực để giải quyết nhưng mâu thuẫn trong cuộc sống...

- Cường độ tấn công người bị hại một cách quyết liệt, dùng hung khí nguy hiểm, đánh vào những vị trí trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, thể hiện ý chí mong muốn tước đoạt tính mạng, sức khỏe của người khác, thậm chí còn đánh lại cả người can ngăn mình, hoặc ngang nhiên thách thức lực lượng thực thi công vụ giải quyết vụ việc, thể hiện thái độ hung hãn coi thường kỷ cương pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác...

Trên đây là ba yếu tố cơ bản khi xác định tính chất nguy hiểm của hành vi đối với người phạm tội, Ngoài những yếu tố trên trong một số trường hợp còn cần làm rõ các yếu tố khác như thái độ của người phạm tội trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội; công cụ, phương tiện, phương thức, thủ đoạn gây án; hậu quả của hành vi; khả năng tự vệ của người bị thiệt hại để đảm bảo giải quyết vụ án được toàn diện, chính xác, đúng pháp luật, tránh làm sai gây bất lợi cho người phạm tội hoặc bỏ lọt tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội.