Giá trị của việc xây dựng văn hóa ứng xử trong sử dụng mạng xã hội hiện nay

Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “văn hóa ứng xử” lại được nhắc nhiều như ngày nay. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong cuộc sống, dù ở thời kỳ nào hay bất kỳ nơi nào từ gia đình, cộng đồng đến “thế giới” của mạng xã hội [MXH] đều tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Từ thực trạng đáng báo động

Hiện nay, MXH đang trở thành công cụ truyền thông, giải trí phổ biến. MXH đã xóa nhòa khoảng cách, giúp cộng đồng kết nối, gần gũi nhau hơn, tạo lan tỏa, truyền cảm hứng sâu rộng về những câu chuyện đẹp, cách sống đẹp. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi MXH như facebook, zalo, twitter, instagram... được rất nhiều người lựa chọn sử dụng.

Theo số liệu thống kê năm 2020, tại Việt Nam, có khoảng 70% dân số sử dụng MXH và Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng MXH. Tuy nhiên, cùng những tiện ích vượt trội, MXH nảy sinh không ít vấn đề, với những biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa, văn minh hoặc dùng MXH để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng và những giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc.

Chương trình tọa đàm "Mạng xã hội - mặt trận tư tưởng mới" do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức tháng 6/2019. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tục “dậy sóng” với những vụ việc như: Việc livestream rầm rộ của một nữ doanh nhân để công kích, “kể tội”, soi mói đời tư của nhiều nghệ sĩ; việc một bộ phận cổ động viên Việt Nam quá khích đã “tấn công” facebook của trọng tài bắt trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất bằng những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa ngay sau khi trận đấu kết thúc. Bên cạnh đó, các vụ việc “bóc phốt” nhau trên MXH; livestream bán hàng trên MXH nhưng dùng lời lẽ thiếu văn minh, ăn mặc phản cảm nhằm thu hút sự chú ý... đã và đang diễn ra khá thường xuyên, phổ biến.

Song đáng buồn thay, những “trào lưu” xấu trên MXH lại rất nhanh chóng để có thể kéo theo hàng trăm nghìn người theo dõi. Không ít người dùng MXH chỉ cần nắm bắt vấn đề chớp nhoáng, không hề có ý thức tìm hiểu, xác minh lại nguồn tin từ các kênh chính thống nhưng đã vội vàng “biến hình” trở thành những “anh hùng bàn phím” để “nhảy” vào bình luận, bình phẩm với thái độ, lời lẽ quá khích, phản cảm, thậm chí là miệt thị, xúc phạm, làm tổn thương người khác hay sẵn sàng góp thêm một cái nhấp chuột để lan truyền thông tin, hình ảnh không chính xác.

Công an tỉnh Quảng Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với anh N.Đ.G [bên trái], trú tại phường Hồng Hải [TP Hạ Long], về hành vi đưa thông tin, hình ảnh không đúng sự thật lên mạng xã hội vào tháng 2/2021. Ảnh: Công an tỉnh cung cấp

Còn tại Quảng Ninh, đặc biệt trong khoảng hơn một năm trở lại đây, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có không ít người dân trên địa bàn dùng mạng xã hội để đăng tải những thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận... Mặc dù, các vụ việc đăng tải thông tin không chính xác đều được các lực lượng chức năng của tỉnh nhanh chóng phát hiện và xử lý kịp thời, những người đăng tin sai sự thật đều phải chịu những hình thức xử phạt đích đáng, song những thông tin ấy vẫn tạo nên những ồn ào trong dư luận không đáng có.

Từ thực trạng trên cho thấy, văn hóa ứng xử trên MXH đã và đang bị chính người sử dụng coi nhẹ. MXH không gian vốn được coi là đời sống thứ hai gần gũi của chúng ta đang dần phơi bày những mảng màu đen tối từ việc người sử dụng MXH dùng nó lan truyền tin tức sai sự thật, để kích động, gây hấn, tẩy chay, xâm phạm đời sống riêng tư của nhau. Do đó, việc xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, từ cơ quan quản lý nhà nước và cả mỗi người dân.

Xây dựng môi trường mạng lành mạnh

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc nhằm mục đích phát triển lành mạnh MXH tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc áp dụng cho 3 đối tượng gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng MXH; Tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Theo đó, tổ chức, công dân phải tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm. Ngoài ra, mỗi nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội còn có một số quy tắc cụ thể khác cần áp dụng.

4 quy tắc ứng xử chung trong Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ảnh: Theo vietnamnet.vn

Đồng chí Lê Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành là những quy định ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc ứng xử văn minh trên môi trường mạng, để trở thành những công dân số có trách nhiệm. Tuy mới chỉ là quy tắc, hướng dẫn, chưa có các chế tài xử phạt, áp dụng cụ thể song Bộ Quy tắc là bước đầu góp phần hình thành ý thức cho mỗi cá nhân tham gia MXH, dần tạo nên những chuẩn mực trong văn hóa ứng xử trên MXH, làm tiền đề để tiến tới xây dựng những quy định, chế tài cụ thể hơn, có tính khả thi hơn.

Việc ứng xử có văn hóa trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trên không gian mạng – nơi có khả năng kết nối và lan tỏa mạnh mẽ sẽ góp phần nuôi dưỡng, xây đắp cho con người những lý tưởng cao quý, những tư tưởng và tình cảm lớn, những phẩm chất cao đẹp để giúp cho con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ, không ngừng hoàn thiện bản thân để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH sẽ là “viên gạch” đầu tiên để xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, để ở đó, mỗi cá nhân có thái độ tích cực, ứng xử có văn hóa khi sử dụng MXH.

Tiếng nói từ cơ sở

Đồng chí Nguyễn Hải Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cô Tô: “Bộ quy tắc sẽ tạo nên thói quen văn hoá trên MXH"

Với chúng tôi, MXH là nơi kết nối thông tin, quảng bá du lịch, phối hợp làm việc nhóm hiệu quả, tiện dụng bởi khả năng kết nối, lan truyền nhanh. Tuy nhiên, hiện nay, MXH bị nhiều người sử dụng chưa đúng cách, làm môi trường mạng trở nên thiếu văn minh, văn hóa.

Chính vì thế, tôi đánh giá cao khi Bộ quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ Thông tin truyền thông ban hành sẽ góp phần giải quyết, hạn chế được tình trạng tiêu cực trên. Đặc biệt, Bộ quy tắc cũng ngắn gọn, đề cập đầy đủ trách nhiệm các bên, hướng dẫn ứng xử của cán bộ công chức, sát sườn với quyền lợi của chúng tôi. Tôi cho rằng, không chỉ đưa một quy tắc chung, Bộ quy tắc dần sẽ tạo nên thói quen văn hoá trên MXH, nhân lên những giá trị tốt đẹp, tạo phông văn hoá cư xử đúng trên MXH nói riêng và trong đời sống nói chung.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, khu 4C, phường Hồng Hải [TP Hạ Long]: “Hy vọng vào môi trường mạng ngày càng “sạch” và an toàn”

 Tôi tuy tuổi cao song vẫn sử dụng mạng xã hội để kết nối với bạn bè, người thân. Đặc biệt, tôi tham gia công tác khu phố nên có sử dụng MXH zalo để cập nhật thông tin, thông báo các chương trình, hoạt động của khu phố, các văn bản chỉ thị của tỉnh, thành phố đến với người dân nhanh hơn. Với nhu cầu sử dụng của mình tôi thấy MXH mang lại rất nhiều lợi ích. Tôi luôn nhắc nhở các con, các cháu cẩn trọng trong phát ngôn, chia sẻ thông tin, hình ảnh trên MXH. Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH tôi thấy vô cùng đúng đắn. Tôi tin tưởng từ những quy định, quy tắc cơ bản, cụ thể này sẽ định hướng để mỗi người dân đều nâng cao ý thức, trách nhiệm sử dụng MXH với một tinh thần văn hóa, văn minh.

Đồng chí Vũ Thị Thùy Linh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh: “Đẩy mạnh tuyên truyền để Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH sớm được hiện thực hóa”

Với vai trò của tổ chức Đoàn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Bộ Quy tắc cho ĐVTN cũng như cộng đồng bằng nhiều hình thức để mọi người cùng nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, trách nhiệm, ứng xử có văn hóa trên MXH, để những quy tắc sẽ không còn nằm trên giấy mà thật sự trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người. Đồng thời, tiếp tục duy trì hiệu quả các trang MXH của tổ chức Đoàn, tập trung đăng tải những thông tin tích cực, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, để không ngừng lan tỏa những thông tin chính thống, nhân văn, có ý nghĩa đối với cộng đồng, xã hội.

Ông Trần Quang Khải, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Thuận Quang, Hội IT Quảng Ninh: “Cơ sở làm lành mạnh hoá môi trường MXH”

Tôi cho rằng, cần có 3 chủ thể cần chung tay để giảm bớt và tiến đến chấm dứt tình trạng ứng xử thiếu văn hóa trên MXH. Đó là, nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội, hành lang pháp lý toàn diện mạnh mẽ có đủ tính răn đe và ý thức của người dùng MXH. Tuy nhiên, cả 3 trụ cột này đều chỉ phát huy được sức mạnh nếu đối tượng chịu tác động trên mạng gắn với một con người thật ngoài đời. Hay nói cách khác phải định danh chính xác được người dùng mạng. Đây là điều mà Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH mới được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành đã đề cập tới. Bộ Quy tắc dù ngắn gọn nhưng nội dung khá cụ thể, đầy đủ đặc biệt có nhiều điểm đáng chú ý như: Quan tâm tới việc khai tên thật, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ…Đây là điểm mới, điều cần thiết để phối hợp với luật, các quy định khác để lành mạnh hoá MXH.

Video liên quan

Chủ Đề