Gái hai con con mắt liếc ngang nghĩa là gì năm 2024

Một trong những hấp dẫn đặc biệt của khúc ca theo thể lục bát truyền thống nói trên, là nói về chủ đề muôn thuở tình yêu như trong đa số các bài dân ca khác của người Việt, nhưng dễ nhận thấy trong lời lẽ có một số tương phản, vừa thế này lại vừa thế kia. Trong khúc ca này, vừa có “xa” lại vừa có “gần”, vừa có “anh” và “em (hai người được gọi tách biệt) lại vừa có “ta” (gọi gộp lại thành một). Đồng thời, trong những lời ca vừa tự sự vừa trữ tình ấy, vừa thấy có vẻ miêu tả như khách quan vừa thấy hình như cả nhận xét chủ quan, vừa có thực tế hiển hiện trong khoảng cách “đứng ở đằng xa” lại vừa có sự mộgn mơ “làm con một nhà”, vừa thấy có dáng vẻ bên ngoài lại vừa có cả suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật (hoặc có thể đây là tâm tình của người đang hát, của một người hoặc của cả hai người, là sự tự thú hoặc chỉ là nói vu vơ ướm ý thế thôi…)… Mặt khác, rất đáng chú ý là có nói đến cử chỉ “con mắt liếc lại”, cùng lời khẳng định hàm ngôn rằng như thế vừa thầm lặng vừa “nói” nhiều hơn cả nói ra thành lời – “bằng ba đứng gần”…

*

* *

Trước hết phải nói rằng cách “đứng đằng xa liếc con mắt lại” trong khúc ca trên chỉ là một trong vô vàn những cử chỉ của con người, được sử dụng (cố ý hay vô thức) trong giao tiếp hàng ngày, gọi là “ngôn ngữ cử chỉ”, “ngôn ngữ cơ thể” hay “ngôn ngữ không lời”… Đó là những cử chỉ được thực hiện bằng tay, bằng chân, lông mày, cằm, môi, miệng, mũi, lưỡi, vai, cổ, toàn thân, mắt…, có vai trò biểu lộ đủ loại thông tin với các sắc thái tình cảm rất đa dạng, tế nhị và phức tạp: đồng ý, không đồng ý, khen ngợi, chê bai, thương yêu, thông cảm, mỉa mai, xem thường, tiếc nuối, mong chời, đòi hỏi, phản đối, doạ nạt, ngăn cấm, tán thành, thán phục, buồn chán, thất vọng, bất bình, thờ ơ, xấu hổ, lo lắng, thân thiện, kiêu ngạo… Không những thế, qua “ngôn ngữ cử chỉ” này còn có thể thấy được một số đặc trưng văn hoá và cách cử xử của một cộng đồng. Những thông tin do cử chỉ mang lại trong giao tiếp quan trọng đến mức có người nhận xét rằng loại thông tin này nhiều gấp năm lần trong ngôn ngữ bằng lời, nhất là về phương diện biểu cảm. Khi lời nói và “ngôn ngữ không lời” không trùng khớp, thì người “nghê” – đúng hơn là vừa nghe vừa nhìn, bao giờ cũng tin vào điều mình quan sát thấy (những cử chỉ) hơn là những điều đã nghe thấy (lời nói). Dẫn chứng cho điều này là lời trách cứ dịu dàng trong một bài thơ, rằng anh ngốc thế, những lời nói ấy chỉ thoáng gió bay, sao không nhìn vào mắt em (!).

Là một bộ phận của cơ thể, mắt có chức năng chính là để nhìn, mang lại cho chủ nhân cảm giác về ánh sáng, màu sắc, hình dạng. Ở vị trí cao so với đa số các bộ phận cơ thể khác, hướng về phía trước, nên mắt rất thích hợp với chức năng quan sát, đồng thời cũng dễ được người khác chú ý và nhận ra “ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Hơn thế nữa, mắt tồn tại thành cặp “còn gọi là “đôi”: đôi mắt) trong sự phối hợp hành chức nhịp nhàng, có tròng mắt hình cầu rất linh hoạt có thể chuyển động theo nhiều hướng trong ổ mắt, có lòng đen phân biệt tương đối rõ với lòng trắng, trong lòng đen có con ngươi (còn gọi là “đồng tử) với khả năng giãn ra và thu hẹp lại tuỳ thuộc các điều kiện ánh sáng và tâm trạng khác nhau… Ngoài ra, mắt còn có một số chi tiết: khoé mắt, đuôi mắt, lông mi… cùng một số bộ phận cơ thể khác có liên quan như trán, lông mày, vành ngoài ổ mắt, vùng da quanh mắt… với nhiều dáng vẻ biến đổi sinh động. Đặc biệt, mắt được sự hỗ trợ của một thứ nước được tiết ra khi mắt bị kích thích hoặc do những trạng thái cảm xúc mạnh của chủ nhân, ở các mức độ khác nhau (“rơm rớm”, “lã chã”, hay “đầm đầm như mưa”… chẳng hạn), được gọi là “nước mắt”, thường gây ấn tượng mạnh đối với người chứng kiến và đôi khi làm kinh động cả đến thánh thần… Tất cả những đặc tính trên của mắt khiến nó (đúng hơn nên gọi là “chúng”) được chú ý 1và sử dụng có hiệu quả với tư cách là phương tiện tạo nên “ngôn ngữ không lời”. Có thể vì thế người ta vẫn thường truyền tụng rằng “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Nhìn chung lời ngợi ca ấy là đúng, tuy nhiên cần có thêm chú thích: Đôi mắt chỉ thực sự là “cửa sổ”, nếu đằng sau những cánh cửa kia có một tâm hồn. Hơn nữa, cũng như ngôn ngữ bằng lời, “ngôn ngữ” bằng mắt có thể được dùng để phô bày hoặc che giấu: Do hiểu được đôi mắt có thể “nói lên” những điều gì, nên chủ nhân có thể dùng chúng chỉ để biểu lộ một phần nội tâm, thậm chí cho người khác thấy những thông tin hoàn toàn sai lệch. Hoặc có kẻ cố ý cho người khác thấy đôi mắt không biểu cảm gì, hoặc đeo kính râm…

Thực tế thì trong cuộc sống, chúng ta thường gặp không ít những cử chỉ của người Việt được thực hiện bằng mắt (có thể kèm với lời nói hoặc song hành với các cử chỉ thuộc các bộ phận cơ thể khác), nhằm biểu thị các ý nghĩa rất đa dạng, phức tạp, và thường là đa nghĩa. Sau đây là một số cử chỉ như vậy:

Trước hết, cần phải kể đến là một cử chỉ vô thức: thay đổi kích cỡ của con ngươi. Trong hoàn cảnh ánh sáng mạnh (buổi trưa trời nắng chẳng hạn), mắt thường nheo và con ngươi thu hẹp lại. Ngược lại, khi ánh sáng yếu (dưới ánh trăng hoặc trong ánh đèn mờ ảo chẳng hạn), mắt thường mở to và con ngươi nở ra. Trong trạng thái tâm lý tiêu cực, tức giận, chán ghét…, con ngươi cũng thu hẹp, và ngược lại, trong trạng thái tích cực, vui vẻ, phấn khích, tò mò…, con ngươi cũng giãn nở. Kết hợp với những cách đưa mắt, chớp mắt…, sự giãn nở con người có thể tạo nên những tia sáng phản chiếu (được gọi là “ánh mắt), biểu lộ những ý nghĩa khác nhau: ánh mắt thơ ngây, lãnh đạm, buồn bã, hạnh phúc, giận dữ, trách thức, nghi ngờ, ghen tị, say mê, lo lắng… Trong giao tiếp hàng ngày, do có kinh nghiệm về ý nghĩa của ánh mắt, nên người ta có thể cố tình cho người đối thoại thấy ánh mắt của mình, hoặc che giấu ánh mắt bằng cách cúi xuống hay chớp mắt, hay nhìn đi chỗ khác. Những cặp tình nhân trong giai đoạn ban đầu, hoặc khi có điều gì phân vân về nhau, hoặc khi đắm say, thường chú ý đến ánh mắt bằng cách nhìn thật lâu hay “nhìn sâu vào đôi mắt nhau”.

Cử chỉ cố giương to mắt và nhìn thẳng (có thể kết hợp với rướn lông mày lên), có cảm giác như bất chợt làm cho mắt lồi ra ngoài (được gọi là “trố mắt ra”), biểu lộ sự ngạc nhiên và có thể kèm với nghi ngờ, sợ hãi. Rất gần với “trố mắt ra” là cách mở thật to mắt, đến mức mắt gần như rất tròn (gọi là “tròn xoe mắt”, và đôi khi được ví von là “mắt chữ o”). Cách này thường được các cô cậu bé và một số người thuộc “phái yếu” sử dụng, nhằm biểu lộ sự ngạc nhiên thơ ngây hoặc ngưỡng mộ. Cũng nhằm biểu lộ ý nghĩa như thế là cách “ngước mắt nhìn”… Xin ghi chú thêm: Chính vì bắt gặp những cử chỉ này, nên những người lớn hoặc nhiều người thuộc “phái mạnh” thường trở nên có trách nhiệm hơn, tự tin hơn (hoặc ngược lại: mềm lòng và bối rối hơn), và cố không phụ lòng chủ nhân của những cử chỉ nhún nhường độc đáo ấy.

Cử chỉ bỗng mở to mắt hơn bình thường một chút (cùng với ánh mắt như sáng lên), hoặc kết hợp với cách đưa mắt nhanh từ chỗ này sang chỗ kia, thường biểu lộ sự hứng khởi, thích thú, vui mừng. Ngược lại, đôi mắt lờ đờ, cách đưa mắt chầm chậm, nhìn mà như không nhìn (còn gọi một cách hình ảnh là “vắng cái nhìn”), thường biểu lộ trạng thái mệt mỏi, hoặc chán chường. Cách đưa mắt nhiều lần từ chỗ này sang chỗ khác thường biểu lộ sự thiếu tập trung, đôi khi biểu lộ cảm giác bất an của chủ nhân. Mắt hơi nhíu hẹp lại, thường là một bên mắt (gọi là “nheo mắt”), là cách dùng để biểu lộ sự thiếu tin tưởng, thậm chí mỉa mai. Mắt hơi nhắm (còn gọi là “mắt khép hờ”, “lim dim mắt”) biểu lộ trạng thái khoan khoái, đang muốn tận hưởng triệt để cảm giác ấy. Nhiều lần nhắm mắt lại rồi mở ngay ra (gọi là “chớp chớp mắt”) thường biểu lộ sự bối rối, hoặc ngượng nghịu, thiếu tự tin… Đôi khi các cô gái chớp chớp mắt biểu lộ sự e lệ, có khi là sốt ruột, hoặc chỉ đơn giản là khoe hàng mi đẹp, cốt để thu hút sự chú ý của người đối thoại.

Cách mở căng mắt ra hết cỡ, ít hoặc hoàn toàn không chớp mắt, phần lòng đen chuyển dịch lên phía trên trong ổ mắt (gọi là “trợn mắt, “trợn mắt lên”…), biểu lộ trạng thái rất tức giận, hoặc rất khó chịu, ngạc nhiên, nghi ngờ, sợ hãi… Để biểu lộ các trạng thái trên ở mức độ cao, người ta thường “trợn ngược mắt lên” hay “trợn trừng mắt”. Tuy nhiên, chỉ khi cần biểu lô sự tức giận và hùng hổ dữ tợn, người ta mới “trợn trạo” hoặc “trợn trừng trợn trạo”… Có liên quan đến những cách nói ở trên là “trừng mắt” - mắt mở to, nhìn thẳng và lâu, cốt biểu lộ sự tức giận và hăm doạ. Vẫn là “trừng mắt”, nhưng để biểu lộ sự tức giận và hăm doạ kéo dài, người ta dùng một cử chỉ đáng sợ được gọi là “nhìn trừng trừng”.

Cử chỉ đột ngột giương to mắt, nhìn thật nhanh rồi dừng lại nhật nhanh (gọi là “quắc mắt”) cũng nhằm biểu lộ trạng thái bột phát giận dữ, bất bình hay đe doạ. Rất gần với vẻ đe doạ trong cử chỉ này là cách nhìn không chớp với mí mắt hơi hạ thấp (gọi là “gườm mắt”, “gườm gườm mắt”) và một cử chỉ khác toát lên vẻ đáng gờm, được gọi là “nhìn quằm quặm”. Có một lời cảnh báo: Những cử chỉ trừng mắt, trợn mắt, quắc mắt, gườm mắt và nhìn quằm quặm…, thường là điểm báo chẳng lành, và điều chẳng lành bất thường đó có thể xảy ra ở thời điểm gần hoặc rất gần.

Tuy nhiên, có một điểm báo “điều bất thường có thể xảy ra” ở thời điểm gần hơn cả, thậm chí tức khắc khi người đối thoại nhìn thấy nó, là cách mở to mắt như trợn mắt, quắc mắt, nhưng lại thu hẹp con ngươi lại. Cử chỉ này được người Việt gọi rất hình ảnh và ngộ nghĩnh là “mắt long lên” – có thể dựa trên cách quan sát rằng tròng mắt có vẻ như không chịu ở yên trong ổ mắt nữa, mà muốn bật (“long”) ra ngoài. Đôi khi người ta còn miêu tả cử chỉ này chi tiết hơn, biểu cảm hơn, hình như cả với hàm ý rằng nên tránh đi thật nhanh và thật xa, là: “mắt long lên sòng sọc” hoặc “mắt long lên trắng dã”. Có một điều rất kì lạ và khó giải thích: Cũng là “long”, nhưng khi mắt mở to sinh động, với con ngươi giãn nở ra, thì lại biểu lộ sự phấn khởi, mừng vui cao độ, được gọi rất mến thương là “mắt long lanh”.

Có những cử chỉ bằng mắt khác cũng khiến người đối thoại phải cảnh giác: Cách hạ mí mắt xuống và đưa mắt nhìn ngang, nhìn lâu, không chớp mắt (gọi là “lừ mắt”, “lừ lừ mắt”), biểu lộ ý không bằng lòng hoặc ngăn cấm. Gần với lừ mắt, nhưng đưa mắt nhìn ngang rất nhanh, rồi thôi ngay (gọi là “lườm”, “lườm mắt”), tỏ ý không hài lòng, hoặc trách móc, hờn giận, cố ý làm cho người khác phải sờ sợ hoặc sững sờ. Cũng vậy, cách nhìn chéo thật nhanh rồi nhìn ngay sang chỗ khác (gọi là “nguýt”) rất hay được dùng để chuyển đến người đối thoại một thông điệp không bằng lòng, giận dỗi hoặc ghen ghét. Người ta lại còn phối hợp cả “lườm” và “nguýt” thành một cử chỉ được gọi là “lườm nguýt”. Tuy nhiên, khác với “lừ mắt”, “lườm” và “nguýt” nhiều khi không phải là điềm xấu, trái lại, là những cử chỉ được người đối thoại mong chờ. Vì thế, có những cách nói mới nghe có vẻ như ngược đời, là “lườm yêu” và “nguýt yêu”…

Đối lập với cử chỉ “ngước mắt nhìn”, nhưng trong nhiều trường hợp lại mang ý nghĩa tương tự, là cách nhìn nhanh xuống (đôi khi cử chỉ này được gọi là “cụp mắt xuống”), biểu lộ sự bối rối, hoặc có thể là phục tùng, hoặc có thể ở mức cao hơn là sợ hãi và cam chịu, như một lời thú nhận rằng không thể đối diện. Trong giao tiếp, những người ở vị thế thấp thường không nhìn vào mắt người đối thoại mà thường nhìn xuống như vậy. Cử chỉ này có thể hướng tới mục đích tránh bị tấn công (bằng cách tự giảm bớt sự chú ý), nhưng có khi lại mang lại kết quả ngược lại, là khuyến khích hay kích thích sự chú ý hoặc tấn công (bằng cách vô tình thừa nhận sức mạnh của đối phương trong tương quan với mình). Cũng như “ngược mắt nhìn” và “tròn xoe mắt”, cử chỉ nhìn xuống của các thiếu nữ có thể biến những chàng trai nhút nhát đang đối thoại thành những tên cướp biển, và rốt cuộc khó biết ai sẽ là tù binh của ai.

Trong giao tiếp xã hội, ngược lại với “cụp mắt xuống”, có những khi người ta lại tập trung nhìn thẳng, nhìn chăm chú và rất lâu, bằng đôi mắt mở to không chớp (gọi là “nhìn chằm chằm”). Ở đa số trường hợp, cử chỉ “nhìn chằm chằm” vào mắt người đối thoại biểu lộ sự hăm doạ, thách thức, hoặc dò xét. Tuy nhiên, vẫn với cách nhìn như thế, nhưng với con ngươi giãn nở (gọi là “nhìn đăm đăm” hay “nhìn đăm đắm”) lại biểu lộ sự thẳng thắn chân thành và có thể cả say mê nồng nhiệt. Hơn thế nữa, cách nhìn thứ hai này còn biểu lộ sự sốt ruột kiếm tìm và mong chờ đáp lại của đối tác. Những người đang yêu rất thích và chỉ chờ cơ hội để thực hiện cử chỉ như vậy.

Khác với sự bày tỏ có phần ồn ào vì quá nồng nhiệt vừa nói, còn có một cử chỉ bằng mắt rất kín đáo tế nhị, là cách đưa mắt nhìn chếch và nhanh sang một bên (gọi là “liếc”, “liếc mắt”). Thường thì người ta dùng cách “liếc mắt” để quan sát rất nhanh, không cho người khác biết. Nhưng có khi người ta lại cố tình cho người khác biết là mình đang “liếc mắt”, tức là muốn “nói” rằng mình chú ý đến ai đó hay gì đó, và đang muốn thể hiện điều gì. Nó có thể được dùng để biểu lộ một sự chú ý rất đặc biệt, nhưng cũng có thể chỉ là để “nói” rằng ai đó gì đó ấy chỉ đáng được xem bằng “một nửa con mắt”…

*

* *

Yêu nhau đứng ở đằng xa

Con mắt liếc lại, bằng ba đứng gần

Cũng như ngôn ngữ bằng lời, ngôn ngữ cử chỉ có thể vừa che giấu vừa phô bày, và có thể dùng để che giấu đối với người này, nhưng lại phô bày với người khác. Nhờ sự phân biệt tương đối rõ giữa lòng đen và lòng trắng trong mắt, mặc dù cử chỉ “con mắt liếc lại” thường được thực hiện rất nhanh, nó vẫn có thể được nhìn thấy, nhất là khi có người mong chờ nó. Chắc những nhân vật trong khúc dân ca nói trên không muốn gì hơn thế. Qua cử chỉ bằng mắt rất độc đáo trong hoàn cảnh cụ thể này, người ta muốn và có thể gửi cho nhau lời chào hỏi, sự thân tình, ngưỡng mộ, và có gì đó như thẹn thùng, chưa thể nói ra…

Bằng sự từng trải sâu sắc của biết bao thế hệ yêu nhau và đã đến với nhau trên những con đường thoạt nhìn có vẻ rất quanh co, cha ông ta đã gọi cử chỉ bằng mắt như trong khúc ca trên bằng một thành ngữ rất hình ảnh là “liếc mắt đưa tình”.

______________

1 Có thể vì mắt được chú ý đặc biệt như vậy, cả về hình dạng lẫn tầm quan trọng, nên có một số sự vật cũng được người Việt gọi là “mắt”, mặc dù chúng không được dùng để nhìn: mắt tre, mắt na, mắt cá chân, mắt võng, mắt xích, mắt bão… Nhiều dân tộc ở Việt Nam gọi “mặt trời” là “mắt – ngày”. Ở một số nơi vùng biển, người ta gán cho những con thuyền mới một linh hồn hay tri giác siêu nhiên, bằng cách sơn hoặc chạm trổ hai mắt to ở mũi thuyền.