Đâu không phải là vai trò của các chủ thể trung gian trong nền kinh tế thị trường

Trong nền kinh tế  thị  trường để  đạt mục tiêu  cuối cùng  là lợi nhuận, thương nhân có thể sử dụng một cách linh hoạt nhiều phương thức kinh doanh tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất mặt hàng, thời điểm giao dịch, thời cơ và tính chất của từng thương vụ. Hiện nay, căn cứ vào cách thức tổ chức mạng  lưới  kinh doanh, tiêu  thụ sản phẩm, hàng hoá, các  phương thức kinh doanh thương mại  được  áp  dụng phổ biến là: phương thức kinh doanh bán hàng trực tiếp, phương thức kinh doanh qua trung gian, nhượng quyền thương mại, phương thức bán hàng đa cấp.

Phương thức kinh doanh thương mại qua trung gian chủ yếu bao gồm các hoạt động đại diện thương mại, môi giới thương mại, uỷ thác thương mại được coi là phương thức kinh doanh truyền thống, được các thương nhân sử dụng khá sớm trong lịch sử phát triển thương mại và ngày nay vẫn được ưa chuộng. Việc sử dụng các dịch vụ trung gian thương mại có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh doanh của thương nhân cũng như nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá, bởi những tác dụng sau:

Thứ nhất, hoạt động trung gian thương mại mang lại hiệu quả lớn cho các thương nhân trong quá trình tổ chức mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ ở trong nước cũng như ở ngoài nước.

Tiêu thụ sản phẩm là một khâu hết sức quan trọng trong quá trình kinh doanh. Để sản xuất kinh doanh phát  triển, thương nhân phải biết lựa chọn phương thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá phù hợp, trong đó việc sử dụng các trung gian thương mại được xem là một cách thức tiếp thị sản phẩm có hiệu quả nhất và kinh tế nhất. Việc liên kết với các trung gian thương mại thông qua các hợp đồng đem lại cho nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ một số lợi ích quan trọng sau:

(i) Giúp cho nhà sản xuất chuyên tâm vào việc sản xuất. Bởi, để đảm bảo hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh, các khâu trong quá trình sản xuất- phân phối cần phải được chuyên môn hoá lao động. Công việc của các nhà sản xuất là tạo ra sản phẩm và nếu họ càng dành nhiều thời gian và tâm huyết cho quá trình sản xuất thì họ càng giỏi và chuyên  nghiệp. Nếu nhà sản xuất phải dành thời gian và các nguồn lực cho cả việc sản xuất và phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá thì cả hai việc sẽ bị ảnh hưởng và không đạt hiệu quả cao. Do đó, nếu nhà sản xuất dành nhiều thời gian và năng lực vào sản xuất, các trung gian thương mại tập trung vào công việc phân phối, lưu thông sản phẩm, hàng hoá, thì hoạt động kinh doanh của cả hai bên đều đạt được hiệu quả.

(ii) Các trung gian thương mại là chuyên gia trong lĩnh vực phân phối, tiêu thụ nên hơn ai hết họ biết tất cả những gì cần thiết cho công việc của mình. Họ có thể tư vấn cho nhà sản xuất, nhà đầu tư những điều tốt nhất trong lĩnh vực phân phối hàng hoá. Ví dụ, người môi giới  cổ phiếucó thể khuyên nhà đầu tư nên mua hoặc không nên mua loại cổ phiếu nào đồng thời họ biết rõ địa điểm, cách thức và thời gian mua hoặc bán cổ phiếucó lợi nhất cho nhà đầu tư. Mặt khác, người môi giới  có thể tư vấn cho nhà đầu tư những tài liệu cần được sử dụng, cách thức chuyển giao cổ phiếu từ người này sang người khác. Người môi giới  cổ phiếu có thể làm những công việc đó giúp nhà đầu tư một cách nhanh chóng và không có sai sót. Ngoài ra, các thương nhân trung gian này sẽ cung cấp cho các nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ các thông tin liên quan đến điều kiện  thị trường, sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng, xu hướng của thị trường, các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường đặc biệt là các thông tin liên quan đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

(iii) Các trung gian thương mại là những chủ thể thực hiện dịch vụ trung gian một cách chuyên  nghiệp nên  họ thường hiểu biết nắm vững tình hình  thị trường, pháp luật, tập quán địa phương và các đối tác. Do đó, họ có khả năng đẩy mạnh việc giao lưu buôn bán, hạn chế được rủi ro và nhiều khi mua, bán được hàng hoá, cung ứng dịch vụ với giá cả có lợi hơn cho bên thuê dịch vụ của họ.

(iv) Thương nhân  trung gian thường thực hiện  dịch  vụ trung gian cho nhiều thương nhân nên có kiến thức về các mối quan hệ khách hàng tiềm năng. Vì thế, thông qua các thương nhân trung gian, hàng hoá, dịch vụ của bên thuê dịch vụ trung gian thường được phân phối nhanh chóng và hiệu quả hơn.

(v) Người trung gian là những chuyên gia thường xuyên thực hiện công việc liên quan đến phân  phối nên họ biết cách tốt nhất và rẻ nhất để làm điều này. Ngoài ra, do họ thực hiện phân phối hàng hoá, dịch vụ cho nhiều nhà sản xuất nên chi phí sẽ không tốn kém bằng từng nhà sản xuất thực hiện.

(vi) Việc phân phối sản phẩm qua các trung gian thương mại được thực hiện trên cơ sở các hợp đồng (thường là có xác định thời hạn). Do đó, nếu tại địa bàn nào đó kinh doanh không thuận lợi, thương nhân có thể rút nhanh khỏi thị  trường mà không phải lo giải quyết các  tồn tại  như thanh lý cơ sở và phương tiện không cần dùng,  giải quyết số lao động dư thừa do ngừng hoạt động tại thị trường đó. Vì vậy, phương thức kinh doanh qua trung gian thương mại giúp thương nhân mở rộng hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh tại một địa bàn nào đó một cách linh hoạt, nhanh chóng.

Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hoá, hoạt động thương mại vượt ra ngoài lãnh thổ của một nước, vai trò của các trung gian thương mại không chỉ được quan tâm trong hoạt động thương mại nội địa mà được chú trọng trong thương mại  quốc tế. Thương nhân không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín của mình nếu không vươn tới thị trường nước ngoài. Khi xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, các nhà xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và luôn phải đối  mặt với  những rủi ro về việc  lựa chọn đối tác, về thị trường, về tín dụng, về sự am hiểu pháp luật của nước nhập khẩu. Các rủi ro này có thể hạn chế được nếu nhà xuất khẩu hợp tác với các trung gian thương mại của nước nhập khẩu.

Hiện nay, trong kim ngạch buôn bán thế giới, phương thức giao dịch qua trung gian vẫn chiếm tỷ lệ tương đối lớn (khoảng 52%). ở các nước có nền kinh tế thị  trường phát triển (Đức,  Thuỵ Điển, Pháp, Mỹ v.v...) do nhu cầu tiêu thụ hàng hoá của thương nhân,  đặc biệt  là của thương nhân nước ngoài, nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hoạt động trung gian thương mại được thành lập. Ví dụ, năm 2005 tại Đức  có khoảng 6000 đại diện thương mại, với 300.000 người lao động tham gia khâu trung gian trao đổi hàng hoá giữa các doanh nghiệp. Các đại diện thương mại này đem lại nguồn thu khoảng 178 tỉ euro hàng năm. Nhóm khách hàng quan trọng nhất của các đại diện thương mại là trong các lĩnh vực bán lẻ (với  khoảng 54%), bán buôn (khoảng 52%), công nghiệp (khoảng 47%), thương mại ăn uống (khoảng 7%).

Một mốc quan trọng xác nhận vai trò của hoạt động trung gian thương mại trong thương mại quốc tế là sự ra đời của Liên minh quốc tế của những người đại diện và môi giới  thương mại  (International Union of Commercial Agents and Brokers viết tắt là I.U.C.A.B.) vào ngày 21/9/1953. Tổ chức này tạo điều kiện  thuận lợi cho hoạt động đại diện và môi giới  thương mại phát triển cũng như để  nâng cao vị  trí của những người đại lý và môi giới  thương mại trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay, I.U.C.A.B đại diện cho gần 470.000 đại lý thương mại (là thành viên của 20 hiệp hội đại diện thương mại quốc gia) ở một số nước châu Âu,  Bắc và Nam Mỹ. Theo thống kê, doanh thu của tất cả các đại diện thương mại trong tổ chức này lên đến gần 1530 tỷ USD/năm.

ở Việt Nam để  tiêu thụ hàng hoá do mình sản xuất ra, một số thương nhân  bắt đầu chú trọng thiết lập hệ thống các tổ chức trung gian có mối quan hệ chặt chẽ và ổn định với  họ. Ví dụ, để  bán hàng tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệpViệt Nam như: Công ty may Việt Tiến, Việt Thắng, Chiến Thắng, công ty cổ phần sữa Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Việt  Nam, công ty Honda Việt Nam, công ty FPT ELEAD v.v... đã có mạng lưới đại lý cùng với hệ thống bán buôn, bán lẻ rộng khắp cả nước. Trong lĩnh vực kinh doanh xi măng, sắt thép, phân bón có nhiều đơn vị sử dụng các cơ sở khác làm đại lý cho mình. Theo kết  quả điều  tra của Viện Nghiên  cứu Thương mại-Bộ  Thương mại  năm 2006, trong số 310 cơ sở kinh doanh xi măng được điều tra chọn mẫu, có 18 cơ sở là bên giao đại lý, 87 cơ sở là bên đại lý (trung bình 1 bên giao đại lý giao cho 5 cơ sở khác nhau làm đại lý). Trong số 351 cơ sở kinh doanh phân bón được điều tra, có 103 cơ sở làm đại lý cho 28 cơ sở giao đại lý (trung bình 1 bên  giao đại lý giao cho 4 cơ sở khác nhau làm đại lý cho mình) .

Hiện nay, bên cạnh một số thương nhân nhận thức được vai trò của hoạt động trung gian thương mại trong quá trình tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ, còn có khá nhiều thương nhân chưa thực sự quan tâm tới  các hoạt  động trung gian thương tại thị trường nội địa cũng như giao lưu buôn bán quốc tế. Theo báo cáo tổng hợp dự án: Điều tra đánh giá thực trạng dịch vụ thương mại trên thị trường nông thôn đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ (1997-2003) của Viện nghiên cứu thương mại-Bộ Thương mại, trong số 300 doanh nghiệp được điều tra, chỉ có 15,7% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại lý, 7,7% sử dụng dịch vụ uỷ thác mua bán hàng hoá, 4,7% tham gia hợp đồng môi giới thương mại và chỉ có 3,3% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đại diện cho thương nhân.

Thứ hai, các  hoạt  động trung gian thương mại  góp phần thúc đẩy  sản xuất, lưu thông hàng hoá và từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Hoạt động trung gian thương mại phát triển làm cho khối lượng hàng hoá lưu thông trên  thị trường tăng lên,  giao lưu kinh tế giữa các vùng  trong một nước cũng như giữa các nước với nhau được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước. Hơn nữa thông qua các trung gian thương mại mà người sản xuất có thể thiết lập một hệ thống phân phối hàng hoá đa dạng. Mặt khác, các trung gian thương mại giúp thương nhân  nắm bắt những thông tin cần thiết về nhu cầu thị trường trong nước, thị trường ngoài nước một cách kịp thời. Từ đó, đánh giá chính xác nhu cầu thị trường và tiến hành các hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở đó mà mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên thực tế, hoạt động thương mại qua trung gian đặc biệt  là hoạt động đại lý được đánh giá là một phương thức kinh doanh có lợi cho người tiêu  dùng. Khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng với các sản phẩm chính hãng qua mạng lưới đại lý có mặt tại nhiều nơi. Người tiêu dùng có thể yên tâm với chất lượng sản phẩm, hàng hoá và giá cả khi mua hàng tại các đại lý.

Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, phương thức kinh doanh qua các trung gian thương mại  cũng có những mặt trái của nó. Nhược điểm lớn nhất của phương thức kinh doanh này là bên thuê dịch vụ sẽ không liên hệ trực tiếp với thị trường mà hoạt động thông qua người trung gian. Do đó, việc kinh doanh của bên  thuê  dịch vụ sẽ bị phụ thuộc vào năng lực và phẩm chất của người trung gian và lợi nhuận của họ bị chia sẻ cho bên trung gian. Thực tế đã cho thấy, có nhiều tranh chấp phát sinh trong hoạt  động trung gian thương mại.  Các tranh chấp này khá phong phú, đa  dạng  về  chủ thể cũng như nội dung. Chúng có thể là tranh chấp giữa bên thuê dịch vụ và bên trung gian phát sinh từ việc bên trung gian không trung thực làm ảnh hưởng tới lợi ích của bên thuê dịch vụ hoặc khi bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao hay đã đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc là tranh chấp giữa bên thứ ba với bên thuê dịch vụ, bên trung gian do các bên không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình v.v... Theo hãng  luật Foxwilliam của Anh một hãng  luật chuyên tư vấn giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động trung gian thương mại, có khá nhiều vụ tranh chấp điển hình  trong lĩnh vực này mà khi tham gia hoạt động trung gian thương mại các chủ thể cần tham khảo.