Ăn thịt lợn tai xanh có sao không

BỆNH TAI XANH CÓ NHỮNG BIỂU HIỆN ĐẶC TRƯNG GÌ ĐỂ PHÂN BIỆT VỚI CÁC BỆNH KHÁC? CHO BIẾT CÁCH ĐIỀU TRỊ VÀ PHÒNG BỆNH?
(Câu hỏi của Anh PHẠM VĂN DŨNG, Xã Lương Quới, Huyện Giồng Trôm, Tỉnh Bến Tre)

Anh Dũng và bà con chăn nuôi thân mến, Bệnh rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS) hay còn gọi là bệnh tai xanh là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh lý chỉ tập trung trên hai cơ quan chính đó là: -Cơ quan sinh sản (gây rối loạn sinh sản)

-Cơ quan hô hấp (gây viêm phổi).



Như vậy nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng để phân biệt bệnh tai xanh với các bệnh khác thì Anh Dũng cần lưu ý đến 3 đặc điểm sau đây để có hướng đoán bệnh:

1. ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ SINH SẢN:

-Trên heo nái, bệnh tai xanh gây chết thai, khô thai, sẩy thai ở nhiều giai đoạn mang thai khác nhau. -Heo nái đẻ sớm (trước 110 ngày) -Lúc sanh ra heo con yếu, chết nhiều sau khi sinh -Nái sau khi sanh thường mất sữa và viêm vú -Chậm động dục trở lại Trong quá trình chăn nuôi heo nái đẻ, nếu những triệu chứng trên xảy ra một cách đột ngột và phổ biến thì đây là những chỉ dẫn cho chúng ta nghi ngờ bệnh tai xanh đã hiện diện ở trong trai chăn nuôi của mình. Ở đây chúng ta cần phân biệt với những bệnh khác cũng gây rối loạn sinh sản cho heo nái như khô thai, thai gỗ, sẩy thai, chẳng hạn như bệnh giả dại (Aujeszky’s), bệnh do Leptospira, bệnh dịch tả heo, bệnh do Parvovirus v.v...Trường hợp này chúng ta phải dựa vào những đặc điểm riêng biệt của từng bệnh để phân biệt với bệnh tai xanh. Ví dụ:

-Đối với bệnh giả dại:


Heo nái bị bệnh giả dại cũng có những biễu hiện như khô thai, chết thai, heo con chết lúc sinh. Nhưng ở bệnh giả dại thì heo nái có biểu hiện đặc biệt là thường ủi hoặc chà mõm xuống nền chuồng, động kinh, rung cơ (heo bị bệnh tai xanh không có các biểu hiện này)

-Bệnh do Leptospira:
Gây sẩy thai cho heo nái, heo con chết lúc mới sinh. Trên heo con mới sinh và heo nái có biểu hiện đặc trưng là vàng da, niêm mạc nhợt nhạt (heo bị bệnh tai xanh không có biểu hiện này)

-Bệnh dịch tả heo:


Heo bị bệnh dịch tả thường bị viêm kết mạc mắt, chảy nhiều ghèn, hai chân sau đi xiêu vẹo (đây là biểu hiện đặc trưng của bệnh dịch tả heo).

2. BIỂU HIỆN NGOÀI DA:

Để phân biệt về biểu hiện ngoài da giữa heo bị bệnh tai xanh và bệnh dịch tả với giả định những heo này chỉ bị từng bệnh riêng lẽ, không có trường hợp bị bệnh ghép; thì heo bị bệnh tai xanh thường có biểu hiện tím tái ở tai, mũi, chóp đuôi, chân và có những vết rộp da trên cơ thể (đây là bệnh tích khá đặc trưng của bệnh tai xanh). Trong khi đó ở bệnh dịch tả heo thì trên tai và cơ thể có những nốt xuất huyết lấm tấm đều khắp

3. ẢNH HƯỞNG TRÊN CƠ QUAN HÔ HẤP:

Ngoài những triệu chứng vừa nêu trên, heo bị bệnh tai xanh thường kèm theo biểu hiện thở khó, ho nhiều. Với những heo có bệnh kèm trên đường hô hấp thì heo bị viêm phổi nặng thêm. Cũng giống với một số bệnh khác, heo bị bệnh tai xanh cũng gây sốt, giảm ăn hoặc bỏ ăn, nhưng đây là biểu hiện chung cho rất nhiều bệnh, nên không thể dựa vào đặc tính này để phân biệt với các bệnh khác được.

ĐIỀU TRỊ:

Bệnh tai xanh là bệnh do virus gây ra nên chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, để giảm thiểu mức độ trầm trọng do phụ nhiễm làm bệnh phổi nặng thêm nên việc dùng kháng sinh là điều cần thiết. Anh Dũng và bà con chăn nuôi có thể sử dụng một trong hai loại thuốc sau, rất công hiệu:

1.BIO-DANASONE

2. BIO-MARCOSONE ®
Ngoài ra phải tiêm thêm thuốc BIO-BROMHEXINE và vitamin để tăng sức đề kháng cho thú.

PHÒNG NGỪA

-Tiêm ngừa vaccin để phòng bệnh tai xanh lúc heo còn khỏe mạnh

-Giữ ấm chuồng trại lúc mưa gió, làm mát lúc nắng nóng. Vệ sinh chuồng trại thật tốt, những lúc ở địa phương có dịch bệnh xảy ra nên phun xịt thuốc sát trùng mỗi tuần một lần với thuốc BIOSEPT ®.

-Không giết mổ heo bệnh tại nhà, không vứt xác thú chết xuống sông, ra ngoài đồng mà phải chôn sâu và có rắc vôi bột.

-Mỗi khi thời tiết thay đổi nên pha BIO-VITAMIN C 10% vào trong nước uống trong vòng 2-3 ngày để tăng sức đề kháng cho heo.

-Hạn chế nhập heo mới vào đàn (trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly để theo dõi tối thiểu 3 tuần). Kính chúc Anh Dũng luôn sức khỏe và đạt nhiều thắng lợi.

PGS.TS.LÊ VĂN THỌ

Bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu lợn là bệnh gì ?

- Bệnh lợn tai xanh: được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ năm 1987 và ở Trung Quốc vào giữa năm 1990. Bệnh do loại virus Lelystad thuộc họ Togaviridae gây ra.

Virus này hiện diện trong dịch nước mũi, nước bọt, tinh dịch, phân... của lợn và có thể phát tán qua quá trình tiếp xúc, vận chuyển lợn bị bệnh. Khi lợn bị mắc bệnh này thường biểu hiện các triệu chứng như bỏ ăn, da đỏ do bị xuất huyết, mạch máu phù nề; vùng ngực, hậu môn, chỗ da non, tai bị xuất huyết và chuyển sang màu tím xanh nên thường gọi là bệnh tai xanh.

Lợn bị mắc bệnh còn kèm theo các triệu chứng khác như viêm phổi, ho, sốt cao, chảy nước mũi, mắt sưng húp, xù lông, nằm ủ rũ... Lợn bị bệnh tai xanh do nhiễm virus Lelystad gây ra hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản, viết tắt là PRRS (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome). Bệnh lợn tai xanh không có khả năng lây sang người và hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho lợn bị mắc bệnh.

- Bệnh liên cầu lợn: là bệnh do loại vi khuẩn Streptococcus suis gây ra và có thể nói là một bệnh đi kèm theo sau bệnh lợn tai xanh.

Lợn bị bệnh tai xanh do bị nhiễm virus, còn bị bệnh liên cầu do bị nhiễm vi khuẩn. Nếu lợn đã bị mắc bệnh tai xanh thì sẽ có cơ hội bị nhiễm bệnh liên cầu sau đó, hay nói một cách khác nếu lợn đã mắc bệnh tai xanh thì sẽ dẫn đến mắc bệnh nhiễm liên cầu.

Vi khuẩn Streptococcus suis thường có mặt trong đường hô hấp của lợn và nếu có điều kiện, nó sẽ phát triển và gây bệnh.

Việc nhận biết lợn bị nhiễm bệnh liên cầu khuẩn rất khó xác định bằng mắt thường mà cần phải xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh tại phòng thí nghiệm.
Thực tế hiện nay, người dân có thể dựa vào triệu chứng ở lợn như có da đỏ, thịt đỏ, nội tạng đỏ hơn mức bình thường để tạm thời xác định lợn bị bệnh liên cầu nhằm phòng tránh.

Bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm vì có khả năng lây sang cho người. Kể cả khi lợn chưa bị mắc bệnh tai xanh thì bệnh liên cầu lợn đã có thể gây bệnh cho người và khi bệnh tai xanh xuất hiện thì bệnh liên cầu lợn càng có điều kiện phát triển, lây lan mạnh, làm cho nhiều người bị bệnh, gây dịch nếu người dân ăn hoặc tiếp xúc với lợn bị mắc loại bệnh này.

Bệnh liên cầu lợn lây truyền sang cho người như thế nào?

Khi tiếp xúc trực tiếp với lợn bị nhiễm bệnh liên cầu, con người có thể bị mắc bệnh. Sự lây truyền bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis từ lợn bị bệnh xâm nhập vào người qua các vết trầy xước, vết đứt da, vết thương ở trên da, niêm mạc; áo quần, khăn lau bị nhiễm vi khuẩn; ăn phải thức ăn được chế biến từ lợn bị bệnh chưa được đun nấu chín như thịt tái, tiết canh...

Do đó người có nguy cơ bị mắc bệnh liên cầu lợn là các đối tượng có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn hoặc các sản phẩm sống chưa được chế biến chín từ lợn như những người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn ở các lò mổ, người buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm có liên quan đến lợn, cán bộ thú y, người bị suy giảm miễn dịch do các bệnh khác...

Những người nội trợ nếu thực hiện việc xử lý, chế biến thức ăn từ thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bảo đảm vệ sinh trong nấu nướng, chế biến thì hạn chế được nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu hủy ở nhiệt độ cao nên cần ăn các thức ăn từ lợn đã được nấu chín, không ăn tiết canh lợn để chủ động phòng tránh mắc bệnh.

Người bị mắc bệnh liên cầu lợn có các triệu chứng gì?

Vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập vào người có thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ba ngày.

Sau đó bệnh khởi phát bằng các triệu chứng lâm sàng như sốt, nổi ban đỏ, đau họng, đau nhức đầu, ói mửa, cứng cổ, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức, ù tai, giảm thính lực... giống như các dấu hiệu của bệnh viêm màng não; ngoài ra còn ghi nhận thêm các biến chứng khác như viêm khớp, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết; biến chứng nặng có thể xảy ra như bị sốc nhiễm độc, chức năng của gan, thận, hệ tuần hoàn bị thương tổn nặng...

Khi có biến chứng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm độc thì tiên lượng của bệnh nhân rất xấu, người bệnh sẽ bị tử vong trong vòng một vài giờ.

Một số cơ sở điều trị đã ghi nhận có khoảng 40% người mắc bệnh liên cầu lợn bị biến chứng suy đa phủ tạng và khoảng 60% còn lại bị viêm màng não.

Khi mới bị mắc bệnh liên cầu lợn, triệu chứng ban đầu rất khó chẩn đoán vì biểu hiện của bệnh thường giống như cảm sốt thông thường.

Do đó căn cứ vào yếu tố dịch tễ người có tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc ăn các loại thức ăn được chế biến từ lợn mà sau đó có triệu chứng sốt cao, đau nhức đầu, đau họng, ói mửa, cứng cổ... phải đến ngay bệnh viện để được khám, xét nghiệm máu, dịch não tủy, dịch bao khớp phát hiện, chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị bệnh kịp thời; nếu bệnh nhân đến bệnh viện quá muộn, có nhiều biến chứng trầm trọng sẽ dễ dẫn đến tử vong.

Phòng tránh mắc bệnh liên cầu lợn như thế nào?

Để phòng tránh mắc bệnh liên cầu lợn, con người cần hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh vì khả năng bị nhiễm bệnh khá cao.

Các đối tượng như người chăn nuôi lợn, người giết mổ lợn ở các lò mổ, người buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm có liên quan từ lợn, cán bộ thú y, người bị suy giảm miễn dịch... cần thận trọng khi tiếp xúc với lợn bị bệnh và nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết để bảo đảm an toàn.

Cần vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên để phòng bệnh và khoanh vùng, tiêu hủy ngay đàn lợn bị nhiễm bệnh, chủ động hạn chế bệnh phát triển với khả năng nguy cơ lây truyền bệnh sang cho người.

Đối với người nội trợ và người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra xác nhận; không nên mua loại thịt lợn có dấu hiệu xuất huyết dưới da, thịt và nội tạng có màu đỏ hơn mức bình thường. Khi chế biến thức ăn phải bảo đảm vệ sinh, đun nấu thịt lợn thật chín, không nên ăn thịt tái và tiết canh lợn vì cơ hội bị mắc bệnh liên cầu lợn là điều không thể tránh khỏi.

Bác sĩ NGUYỄN VÕ HINH