Yên ngưu ở đâu

TAM HIỆP - VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ SỰ THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

Tam Hiệp nằm ở phía Tây Bắc huyện Thanh Trì, phía Bắc tiếp giáp với phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai. Phía Tây Bắc giáp xã Thanh Liệt, phía Tây Nam giáp xã Tả Thanh Oai, phía Nam giáp xã Vĩnh Quỳnh, phía Đông giáp thị trấn Văn Điển. Trên đất xã Tam Hiệp có sông Tô Lịch chảy dọc qua từ phía xã Thanh Liệt sang phía thị trấn Văn Điển. Phía Nam của xã là đường 70 [nay là đường Phan Trọng Tuệ] Văn Điển-Hà Đông.

Tam Hiệp vốn là một vùng đất cổ, có lịch sử lâu đời. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, địa giới hành chính và tên gọi của xã Tam Hiệp có nhiều thay đổi. Dưới thời Bắc thuộc, Tam Hiệp thuộc quận Giao Chỉ [hoặc An Nam đô hộ phủ]. Thời Lý, thuộc châu Thượng Phúc. Thời Trần, thuộc huyện Long Đàm, châu Thượng Phúc.

Trong thời kỳ thuộc Minh, huyện Long Đàm đổi thành huyện Thanh Đàm, châu Thượng Phúc đổi thành châu Phúc Yên, gồm 3 huyện là Bảo Phúc, Phù Lưu và Thanh Đàm. Từ đây, Tam Hiệp thuộc huyện Thanh Đàm, châu Phúc Yên.

Trong nửa cuối thế kỷ XV, phủ Thường Tín thuộc thừa tuyên Sơn Nam được thành lập, gồm 3 huyện là Thanh Đàm, Thượng Phúc và Phú Xuyên. Từ đây, vùng đất này thuộc huyện Thanh Đàm, phủ Thường Tín, thừa tuyên Sơn Nam.

Đầu đời Lê Trung Hưng, do kiêng húy vua Lê Thế Tông Lê Duy Đàm [1573-1599], huyện Thanh Đàm đổi thành huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Vùng đất Tam Hiệp thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam.

Đầu thế kỷ XIX, khu vực xã Tam Hiệp hiện nay, gồm 3 thôn: Huỳnh Cung, Tựu Liệt và Yên Ngưu, vốn thuộc về địa giới các xã Huỳnh Cung, Yên Ngưu, tổng Cổ Điển và xã Tựu Liệt, tổng Quang Liệt, đều thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.

Năm 1902, tỉnh Cầu Đơ được thành lập, trong đó bao gồm huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín. Khu vực xã Tam Hiệp hiện nay thuộc về địa giới các xã Huỳnh Cung và Yên Ngưu, tổng Cổ Điển, và xã Tựu Liệt, tổng Thanh Liệt, đều thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Cầu Đơ.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, các xã đều lập Uỷ ban hành chính lâm thời, khu vực xã Tam Hiệp hiện nay gồm các thôn Huỳnh Cung, Yên Ngưu, tổng Cổ Điển, thôn Tựu Liệt, tổng Quang Liệt, đều thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

Năm 1946, sau cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã, Huỳnh Cung, Tựu Liệt, Yên Ngưu hợp nhất thành một xã, lập lấy tên là xã Tam Hiệp.

Năm 1949, xã Tam Hiệp được tổ chức lại cùng với các xã bạn thành hai xã: Thôn Yên Ngưu và thôn Tựu Liệt thành lập xã Nhị Cường. Thôn Huỳnh Cung sáp nhập với các thôn: Bằng A, Bằng B [xã Hoàng Liệt] và thôn Quang Liệt thành lập xã Tam Hiệp thuộc liên quận - huyện III, Hà Nội[1]. Từ tháng 2-1948, liên quận - huyện III tách ra thành lập lại quận VI; Yên Ngưu, Tựu Liệt, Huỳnh Cung thuộc quận VI.

Năm 1954, Yên Ngưu, Huỳnh Cung, Tựu Liệt thành lập xã lấy tên là Tam Hiệp, thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông.

Theo Quyết định số 78-CP ngày 31-5-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc phân chia các khu vực nội thành, ngoại thành của thành phố Hà Nội thành 4 khu phố và 4 huyện. Huyện Thanh Trì gồm 1 thị trấn và 21 xã. Từ đây, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội.

Ngày 14-3-1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 42-HĐBT về việc phân vạch địa giới thị trấn và một số phường thuộc thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Trì và quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Theo đó, cắt 25 ha đất của xã Tam Hiệp để nhập vào thị trấn Văn Điển. Xã Tam Hiệp gồm ba thôn, làng: Huỳnh Cung, Yên Ngưu, Tựu Liệt. Dòng sông Tô Lịch như dải lụa vắt giữa ba làng quê hiền hòa.

Làng Huỳnh Cung xưa gọi là trang Cung Hoàng. Nơi đây là một làng quê với những vườn tược, trang trại trù phú ở gần Kinh thành Thăng Long. Có lẽ do kiêng tên húy của nhà vua mà làng phải đổi tên theo lễ giáo triều đình, Huỳnh Cung được gọi từ khoảng thế kỷ thứ XIII đến đầu thế kỷ thứ XIV. Gắn với truyền thuyết về người con gái làng Cung Hoàng được vua Trần mời vào cung, khi nhà vua du ngoạn tới nơi đây, sau đó tên làng đổi là Cung Hoàng. Năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống thứ 1 [1787] lấy lại tên cũ là Huỳnh Cung.

Làng Yên Ngưu có tên nôm là làng Ngâu cũng là một làng cổ đã đi vào ca dao, ngạn ngữ của Hà Nội và dấu tích về con đường thiên lý từ kinh đô Thăng Long đi qua đây vào các tỉnh phía Nam.

Làng Tựu Liệt, có tên thường gọi là "làng Tựu" có từ xa xưa vào trước thế kỷ thứ XIII, làng Tựu Liệt nằm trên một dải đất chạy theo bờ sông Tô Lịch, phía nam thành Thăng Long, một vùng đất màu mỡ, chuyên canh lúa nước và trồng các loại rau màu, nông thủy sản. Chứng tích bia đá từ xa xưa được thờ tại đình làng Tựu Liệt được Viện Hán nôm dịch năm 2014, cho thấy làng Tựu Liệt là một làng cổ, một trong tám làng thờ thượng đẳng thần Hoàng Tử bảo Ninh Vương, con vua Thủy tề, người học trò xuất sắc của thầy giáo Chu Văn An.

II. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA

Tam Hiệp là vùng đất cổ, từ 4000 năm trước đã có những dấu ấn về cuộc sống của người Việt cổ. Năm 1962, trên cánh đồng Huỳnh Cung, các nhà khảo cổ học đã khai quật di chỉ Văn Điển thu được nhiều hiện vật đồ đá và đồ gốm cổ. Gần đây, khi đào đất làm gạch, người làng còn tìm thấy cả kiếm bạc. Những hiện vật thu được ở di chỉ nói lên cư dân nơi đây từ xa xưa đã đạt được trình độ cao về chế tác đá như: khoan, cưa, tiện, mài đá và kỹ thuật làm đồ gốm bằng bàn xoay, gốm có độ nung cao. Di chỉ đồ đá này thuộc loại hình văn hóa Phùng Nguyên, có niên đại khoảng Thiên niên kỷ thứ ba, Thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên [hậu thời kỳ đồ đá mới ở Việt Nam].

Qua các hiện vật chứng tỏ cách đây hàng ngàn năm, cư dân Việt cổ đã đến khai phá vùng đất này thành những cánh đồng màu mỡ; các thế hệ người dân Tam Hiệp, bằng bàn tay lao động cần cù, trí thông minh sáng tạo, tinh thần đồng cam cộng khổ, hòa đồng thiên nhiên, đã quần tụ, xây dựng nên những xóm làng đông đúc, trù phú như ngày nay.

Dân cư Tam Hiệp sinh sống bằng nghề nông, chuyên cấy lúa và trồng rau màu, nên tính cách người Tam Hiệp chất phác và thuần hậu. Với tinh thần cần cù lao động, một nắng hai sương nông dân Tam Hiệp đã tạo nên những vụ lúa bội thu, những sản vật nổi tiếng xa gần. “Lúa đồng Ngâu, trâu Yên Mỹ” là câu ca nói về lúa đồng Ngâu mùa mùa trĩu hạt, mẩy bông. Mỗi vụ bội thu nói lên sự chăm lo, gắn bó với đồng lúa của những người thợ cày, thợ cấy nơi đây. Mọi nhà dành từ nắm lá xoan bón cho ruộng lúa nếp cái hoa vàng, từ gánh phân ủ mục bón lót cho mỗi thửa ruộng. Dù phải đóng mấy bậc gầu dai, mọi người vẫn đưa nước về cày cấy kịp thời vụ; nuôi cây lúa từ lúc cắm cây mạ đến khi lúa trổ bông. Tất cả những công việc ấy đã thuần thục trở thành một quy trình kỹ thuật qua bao đời.

Nằm trong vùng trồng lúa, nên cũng như Yên Ngưu, Huỳnh Cung đã bao thời nổi tiếng:

Muốn ăn chiêm quýt, mùa ri

Đem con mà gả nhân nghì Huỳnh Cung

Lúa cũng là đặc sản của làng Huỳnh Cung. Về lúa nếp có: nếp quýt, nếp cái hoa vàng, nếp hương, nếp nâu, nếp cẩm... Về lúa tẻ có tám thơm, tám xoan, gié hoa... Cùng với lúa gạo đầy nhà, mùa màng bội thu là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với niềm vui được mùa của người nông dân. Hằng năm, lễ hội làng Huỳnh Cung tổ chức rất to với những trò vui, những cuộc thi độc đáo mà nổi bật là Hội thổi cơm thi.

Làng Huỳnh Cung có bốn giáp: Đông, Đoài, Thượng, Hạ; mỗi giáp cử ra năm người: hai trai kéo lửa, một trai múc nước và hai gái thổi cơm tham dự Hội thi thổi cơm. Họ mặc quần áo đẹp, đầu đội khăn nhiễu, lưng thắt dải lụa nhiều màu sắc để phân biệt các giáp với nhau. Cuộc thi được chia làm ba giai đoạn. Các chàng trai cầm chiếc bình bằng đồng đựng khoảng hơn một lít đi lấy nước ở cách chỗ thi chừng 500m. Ai đem nước về trước là thắng ở bước một. Khâu thứ hai là kéo lửa: hai chàng trai khỏe mạnh kéo hai thanh giang già được gác trên bếp lâu ngày, cọ xát làm sao cho lửa bật ra bén vào cọng cúi rơm rồi châm lửa cho người thổi cơm. Ở khâu cuối, người con gái của giáp nào thổi cơm chín trước vừa dẻo lại trắng và thơm thì được cuộc. Bát cơm của người nấu đạt giải nhất, giải nhì trở thành lễ vật của Hội thi thổi cơm dâng lên lễ Thành hoàng.

Bên cạnh nghề trồng lúa, Huỳnh Cung còn có giống khoai lang ngon nổi tiếng. Những cánh đồng trồng khoai là chân ruộng cao, đất pha cát. Khoai lang Huỳnh Cung vỏ đỏ tía, nhiều bột bở tơi, vị ngọt ngào. Tương truyền rằng, quan lại địa phương đã lấy khoai lang làm sản vật tiến vua. Cây khoai lang hôm nay không còn chỗ đứng trên đồng đất Huỳnh Cung nhưng hương vị của sản vật quê hương vẫn còn mãi trong ký ức bao người.

Một loại khoai mới xuất hiện trên đất Tam Hiệp là khoai tây, trồng đầu tiên ở Yên Ngưu. Các cụ cao tuổi ở Yên Ngưu kể lại rằng: Người dân Yên Ngưu đã tìm mua giống khoai tây Vân Nam về trồng và nhân giống. Người dân thường chọn những củ khoai có nhiều mắt, cắt lấy những miếng khoai có mắt để trồng. Mỗi miếng mắt khoai được trồng trên luống đất đã làm kỹ, bón lót phân chuồng ủ mục. Giống khoai tây ruột vàng, ăn ngon, cho năng suất cao trở thành sản phẩm hàng hóa của Tam Hiệp. Những năm các hợp tác xã nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất cây thực phẩm cung cấp cho thành phố, đất cấy lúa mùa sớm thu hoạch xong đều dành để trồng khoai. Khoai lang và khoai tây do đôi bàn tay cần cù lao động của người nông dân Tam Hiệp chăm lo, vun trồng khuya sớm trở thành sản phẩm có chất lượng và được tổng kết kinh nghiệm làm ruộng truyền từ đời trước đến đời sau.

Những kinh nghiệm làm ruộng ấy càng được phát huy từ ngày nông dân Tam Hiệp thực sự làm chủ ruộng đồng, trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Những năm đầu của thập kỷ 60 [thế kỷ XX], Tam Hiệp trở thành một địa điểm sáng của nông thôn ngoại thành Hà Nội về đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và là đơn vị hoàn thành tốt nghĩa vụ bán lương thực, thực phẩm cho thành phố. Chính vì vậy, Tam Hiệp có vinh dự lớn là được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chúc Tết dân làng tại thôn Huỳnh Cung vào sáng sớm ngày mồng một Tết Quý Mão [25-1-1963].

Với bàn tay khéo léo, từ sản phẩm nông nghiệp, nhân dân Tam Hiệp chế biến thành nhiều sản phẩm nổi tiếng như: “Rượu hũ làng Ngâu...” [là câu ngạn ngữ nói về sản vật của Tam Hiệp được xa gần biết tiếng]. Rượu làng Ngâu ngon, được nấu bằng gạo nếp. Từ bóng rót vào chai, rượu sủi tăm như có ga. Khi rót đầy chai thì rượu lại trong vắt.

Thời Pháp thuộc, bên cạnh những hãng rượu Văn Điển và Quốc Bảo của nhà tư sản Ba Thục, rượu Ngâu vẫn được tin dùng trong sự cạnh tranh không cân sức. Được thực dân Pháp bảo hộ, các nhà tư sản cùng bọn hào lý địa phương tìm mọi cách bóp chết rượu Ngâu, nhưng rượu Ngâu vẫn đến nơi nơi. Chính vì vậy mà ca dao, ngạn ngữ Hà Nội có câu:

Yên Ngưu đất thực là ương

Kẻ nấu rượu lậu, người thương đó mà.

Những câu ca dao rộn ràng từ xa xưa còn vang vọng tới hôm nay. Mỗi câu ca dao như bức tranh khắc họa về truyền thống lao động cần cù, nét đẹp văn hóa rất đỗi tự hào và trân trọng của mỗi làng quê Tam Hiệp.

Tam Hiệp tự hào là vùng đất có nhiều các công trình văn hóa, kiến trúc, điêu khắc độc đáo, góp phần làm phong phú truyền thống văn hóa Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Chùa Huỳnh Cung có tên chữ là “Sùng Phúc tự”. Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng hai mẫu tám sào Bắc Bộ, nằm ở đầu thôn Huỳnh Cung, trong một không gian thoáng đãng. Tương truyền rằng: Ngày xưa, có một pho tượng đá ngồi trên tòa sen tự nhiên nổi lên ở thửa ruộng “Nhất tự”, dân các làng đều muốn rước Ngài về thờ nhưng không khiêng được và chỉ đi được vài trăm mét thì phải dừng lại không đi được nữa. Dân làng nhận thấy đây là điềm lành đã dựng ở nơi đó một ngôi chùa để thờ Ngài [chính là ngôi chùa hiện nay].

Tượng Đức Vua nay vẫn còn ở chùa Sùng Phúc. Đến chùa mọi người thấy ở bên tả của Tam bảo có pho tượng đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo đại trào có thắt lưng, ngồi trên tòa sen. Cốt tượng bằng sa thạch nên pho tượng là một ví dụ độc đáo về kỹ thuật tô tượng, đắp tượng ở nước ta xưa kia. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ 10 chân tảng đá xanh kê cột, trang trí diềm ngoài là 15 hoặc 16 cánh sen nhỏ nhắn, xinh xắn mang phong cách nghệ thuật đời Lý và cũng phù hợp với điều ghi trong tấm bia năm 1735, ở bên hữu tiền đường chùa ghi về việc trùng tu chùa lớn vào thời kỳ này.

Chùa kiến trúc theo kiểu nội công, ngoại quốc. Trong chùa có 49 pho tượng, có nhiều pho tượng đúc vào thế kỷ XVIII. Một bài văn ghi trên quả chuông chùa tuy đúc năm Thành Thái thứ 7 [1895] nhưng cũng cho thấy chùa Sùng Phúc đã có từ lâu. Dân làng đã đúc chuông, song, vật đổi, sao dời, chuông mất, tiếng chìm, sau này làng lại đúc một lần nữa. Đến nay dân làng lại bàn việc hưng công, quyên góp thập phương để đúc chuông chùa.

Chùa Huỳnh Cung đã được Bộ Văn hóa - Thông tin [nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch] xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.

Đình Huỳnh Cung, nằm ở phía đông thôn Huỳnh Cung. Đình thờ Uy Mang đại vương và Hồng Bác đại vương, con vua Hùng Nghị Vương. Theo truyền thuyết thì Hùng Nghị Vương là Vua Hùng thứ 17, trong một lần tuần du tới Tây Hồ, thấy đây là vùng đất đẹp bèn tức cảnh vịnh thơ và sai người bày soạn lễ vật, lập đàn bái yết trời đất. Sau ba ngày hương khói, khấn Phật, cầu tiên, nhà vua bỗng nhìn thấy một tiên nữ xinh đẹp ngồi ở bờ bắc hồ; vua hỏi tên thì được biết người con gái đó là Tiên Dung công chúa, con của Thượng đế được sai xuống trần giúp vua hộ quốc, an dân. Nhà vua vui mừng, lạy tạ Thượng đế rồi đưa Tiên Dung về cung làm lễ cầu hôn. Đến ngày mùng 2 tháng 9 năm Giáp Dần thì hạ sinh được hai người con trai thiên tư, đĩnh ngộ, phẩm chất hơn người, người anh là Uy Mang, người em là Hồng Bác. Lớn lên, hai người con đều tài giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật, văn võ, mọi người trong vùng đều nể trọng. Đến năm Giáp Ngọ, Hoàng hậu Tiên Dung mộng thấy một vị thần tự xưng là Thiên sứ đến báo là Thượng đế cho triệu nhị vị Uy Mang và Hồng Bác về chầu. Sau đó, ngày 26 tháng 5, trời đất nổi giông gió, hai hoàng tử không bệnh mà hóa. Đến đời Hùng Duệ Vương thứ 18, do có công phò vua giúp nước, nhà vua sắc phong thần cho Uy Mang và Hồng Bác, giao cho 27 nơi trong nước được nhận sắc về thờ phụng, trong đó có Huỳnh Cung.

Ngôi đình làng Huỳnh khá lớn được xây dựng vào thời Lê. Cảnh trí nơi đây thật đẹp, trước đình là một khu đất và hồ nước rộng mênh mông. Nơi đây đã chứng kiến những sinh hoạt văn hóa của bao thế hệ người làng Huỳnh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay nhân dân làng Huỳnh vẫn giữ được bản thần tích của hai vị thần thờ ở đình, ở chùa, 10 đạo sắc phong thần của nhiều triều đại. Đình Huỳnh Cung còn giữ được khá nhiều hiện vật trên chất liệu gỗ, giấy, đá có niên đại, phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX và XX. Những hiện vật cổ xưa nhất hiện còn phải kể tới bộ cửa võng có đề bốn chữ Thánh cung vạn tuế ] và hai chiếc chùy gỗ nằm trong bộ bát bửu ở Đại bái. Hiện vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX và XX gồm: ngai thờ, bài vị, hạc thờ, lư hương; cùng với đó là sắc phong, thần phả phụng sao năm Duy Tân thứ 7 [1913], bộ bát bửu, biển rước tạo năm Bảo Đại thứ 6 [1930], đây là một trong rất ít bộ bát bửu ghi niên đại tuyệt đối, rất có giá trị để nghiên cứu lịch sử đồ thờ trong di tích của người Việt. Đại bái bài trí đôi câu đối khá hay:

Phiên âm:

Vạn cổ anh linh chiêu thánh đức,

Thiên thu ân lộ phúc dân lư.

Tạm dịch:

Vạn cổ anh linh ngời thánh đức;

Nghìn thu mưa móc giúp dân sinh.

Cũng tại đình Huỳnh Cung, ngày 19-2-1947, Đội quân báo Thiếu nhi, tiền thân của Trạm giao thông và Trung đội thiếu niên Bát sắt, Công an Quận VI - Hà Nội đã làm lễ tuyên thệ, bí mật xuất phát trở về vùng tạm chiếm Hà Nội, tiếp tục chiến đấu chống thực dân Pháp, góp phần giải phóng Thủ đô.

Đình Huỳnh Cung được Bộ Văn hóa - Thông tin [nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch] xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993.

Văn chỉ Chu Văn An, theo tư liệu lịch sử và truyền thuyết địa phương, sinh thời Chu Văn An sang đất làng Huỳnh Cung mở trường dạy học nên dân làng đã phối thờ ông tại đình và chùa làng. Bên cạnh đó, tại nơi Chu Văn An mở trường, dân làng đã lập miếu thờ, gọi là Văn chỉ, nằm ở đầu phía tây của thôn Huỳnh Cung, trên một khu đất rộng trên 6 ha, sát bờ sông Tô Lịch.

Theo tư liệu lịch sử thì Chu Văn An [1292-1370] còn được gọi là Chu An, Chu Văn Trinh, tự là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, người làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm [nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì]. Khi thi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan, mà trở về mở trường dạy học tại làng Huỳnh Cung, giáp với thôn Văn. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Nhiều học trò đỗ đại khoa như: Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm Hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm hỏi thầy thì quỳ lạy ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi ra đi thì lấy làm mừng lắm... “Vua Minh Tông mời ông làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, dạy thái tử học. Vua Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. Chu Văn An khuyên can vua Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế, được vua yêu. Người bấy giờ gọi là Thất trảm sớ. Sớ dâng lên nhưng không được chấp thuận, ông liền treo mũ từ quan về dạy học, ông về núi Chí Linh [Hải Dương] ở ẩn. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư vua Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, nhưng ông chối từ không nhận”. Khi ông mất vua sai các quan đến tế lễ, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu.

Khi Chu Văn An mất năm 1370, tất cả các quan trong triều do cụ dạy học tụ hợp đông đủ, lập đàn tế tự ngay trong xã trường. Những tác phẩm để lại của ông có: Thất trảm sớ, Tiều Ân thi tập, Tiều Ấn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước, Thanh Trì Quang Liệt Chu thị di thư, Chu Văn Trinh công thi tập...

Văn chỉ Chu Văn An ở Huỳnh Cung được hình thành từ thời Trần, nhiều lần được tu sửa, ngoài thờ Chu Văn An còn thờ thêm 64 vị đỗ đại khoa trong huyện. Dưới thời vua Cảnh Hưng thứ 46 [1785], văn chỉ được Tham tụng Bùi Huy Bích đứng ra chủ trì hưng công tu sửa. Suốt thời Lê - Nguyễn, mỗi dịp lễ, triều đình đều cử các quan về làm chủ tế. Tấm bia Trùng tu miếu tiên hiền Thanh Trì do Phương đình Nguyễn Văn Siêu ghi lại cho biết quy mô của Văn chỉ khi đó gồm: “Đền chính ba gian, Bái đường năm gian, ba gian hành lang tả - hữu làm bằng gỗ tốt, có tường bảo vệ xung quanh”. Do trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, trong kháng chiến chống Pháp, khu văn chỉ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Hiện tại, di tích chỉ còn giữ được một phần cột trụ Nghi môn xây gạch, dây leo phủ trùm; trên nền cũ hiện đã được xây bệ, khắc lại tấm bia Văn Trinh công từ bi ký được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 13 [1717] với một mặt khắc nguyên văn chữ Hán, một mặt dịch ra chữ quốc ngữ.

Văn chỉ Chu Văn An được Bộ Văn hóa - Thông tin [nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch] xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993.

Chùa Yên Ngưu, tên chữ là Hưng Long tự hay Quốc lão Hưng Long tự, nằm phía Bắc làng Yên Ngưu. Do thôn này còn có tên nôm là Kẻ Ngâu nên chùa cũng được gọi là chùa Ngâu. Ngôi chùa được dựng trên một thế đất cao ráo, bằng phẳng, ngay sát đình Yên Ngưu và gần sông Tô Lịch.

Mặc dù chưa tìm được dấu vết của niên đại khởi dựng, song qua những tư liệu, di vật hiện còn có thể khẳng định, chùa Yên Ngưu đã có lịch sử xây dựng từ lâu đời. Đến năm cảnh Hưng thứ 23 [1762], ngôi chùa được tu bổ lớn do một vị Quốc lão triều Lê đứng ra hưng công. Cũng vì công đức ấy mà vị Quốc lão đó được thờ hậu tại chùa và ngôi chùa cũng được gọi tên là Quốc lão Hưng Long tự; tấm bia ghi lại sự việc có tên Quốc lão Hưng Long tự bi ký hiện để ngoài sân phía trước nhà Tổ, do quan nghè Hàn lâm viện Hiệu thảo Nguyễn Mậu Đĩnh lập năm cảnh Hưng thứ 24 [1763]. Theo nội dung tấm bia này thì thuở hàn vi ông Nguyễn Du [Trịnh Du] thường qua lại đất Yên Ngưu, sau này khi hiển đạt, ông đã xin phần đất này làm thái ấp. Khi đó ở Yên Ngưu đã có một ngôi chùa cổ, nổi tiếng linh ứng, nhưng lâu ngày hư hại, quy mô lại chật hẹp. Vị Quốc lão đó đã đứng ra hưng công, kêu gọi mọi người cùng đóng góp để xây sửa lại chùa được to đẹp hơn. Công việc dựng chùa bắt đầu từ năm Nhâm Ngọ [1762] với việc làm Chính điện, Hậu đường, tả - hữu hành lang, xây Tam quan..., năm 1763 thì hoàn thành. Khi ông mất, nhân dân trong xã đã tôn ông và cha mẹ ông làm hậu Phật. Các đời về sau, chùa Yên Ngưu vẫn được dân làng gìn giữ, tiếp tục tu bổ, mở rộng.

Chùa có quy mô vừa phải, được xây dựng tập trung trên một khoảng không gian rộng, dưới những tán cây cổ thụ và vườn cây quả bốn mùa xanh tươi. Hiện tại, chùa còn bảo lưu được một khối di vật cổ, có giá trị văn hóa cao. Quả chuông đồng của chùa cao 124 cm, đường kính miệng rộng 60 cm. Chuông có dáng đẹp, quai trang trí hình đôi rồng đuôi xoắn, thân chuông đề bốn chữ “Hưng Long tự chung” [chuông chùa Hưng Long] đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 [1799].

Chùa Yên Ngưu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin [nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch] xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

Đình Yên Ngưu nằm ở phía bắc làng Yên Ngưu, thờ hai vị đại vương Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc làm Thành hoàng. Theo truyền thuyết và tư liệu lịch sử vào cuối thời Ngô Quyền, xã hội nước ta lâm vào cảnh rối ren, loạn lạc, nạn cát cứ, xưng hùng, xưng bá nổi lên khắp nơi, lịch sử gọi là loạn 12 sứ quân. Trong bối cảnh đó, hai anh em Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc đem theo đệ tử về dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh và được trọng dụng, lập nhiều chiến công, góp phần chấm dứt nạn cát cứ trong xã hội nước ta giai đoạn đầu tự chủ. Trong một lần giao tranh ở xứ Điền Kiều, xã cổ Điển với sứ quân Nguyễn Siêu, Nguyễn Bồ và Nguyễn Bặc bị bao vây, tổn thất nặng nề; biết khó thoát được, hai ông đã tự vẫn để bảo toàn khí tiết. Sau khi lên ngôi vua, để tưởng nhớ công ơn hai vị tướng tài, Đinh Tiên Hoàng truy phong Nguyễn Bồ là Phù gia hiển huệ Chiêu nghĩa Đại vương, Nguyễn Bặc là Ứng thiên phong Đại vương. Nhà Đinh lại giao cho dân xã Cổ Điển và các xã trong vùng [trong đó có xã Yên Ngưu] thờ phụng. Ngày nay, đình Yên Ngưu còn lưu giữ nhiều câu đối ca ngợi công tích của hai vị thần:

- Nghĩa khí tráng sơn hà dực Đinh triều, bình sứ quân thập đạo đế phong đế thống không phù khai dịch xí.

- Tình trung tề nhật nguyệt hù Đỗ tặc, dực lê dân nhất trường oanh liệt quốc cừu thí bất cộng thanh thiên.

Nghĩa là:

- Nghĩa khí tráng sơn hà, giúp triều Đinh, bình sứ quân, thập đạo vinh phong, đế thống giữ gìn nên cờ lớn.

- Lòng trung ngang nhật nguyệt, diệt giặc Đỗ, cứu lê dân, chiến trường oanh liệt, quốc thù thề không đội trời chung.

Đình Yên Ngưu còn giữ được nhiều di vật có giá trị: đó là hai tấm bia đá Hậu thần được tạo vào giữa thế kỷ XVII, các bộ cửa võng, hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và cuốn thần tích cùng 9 đạo sắc phong cho các vị Thành hoàng làng, trong đó đạo sớm nhất vào niên đại Cảnh Trị nguyên niên [1663].

Đình Yên Ngưu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin [nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch] xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995.

Chùa Tựu Liệt có tên là Sùng An tự. Chùa có quả chuông đúc năm Thành Thái thứ 4 [1892] và nhiều câu đối ca ngợi đạo Phật, khuyến khích mọi người làm việc thiện. Trên cổng chùa có đôi câu đối:

Tựu Liệt thiền môn hoàng phương tiện

Sùng An bảo phiệt quảng từ bi.

Nghĩa là:

Cửa chùa làng Tựu Liệt rộng mở cứu giúp người tới phương cực lạc.

Cây phướn quý Sùng An nâng lòng khoan từ đức Phật với
mọi người.

Đình Tựu Liệt, nằm ở phía Tây Nam thôn Tựu Liệt, phía trước đình là dòng sông Tô Lịch; đối diện bên kia sông là thôn Huỳnh Cung. Bên trái đình có giếng nước lớn, phía sau cách khoảng 50m là chùa Tựu Liệt, tạo thành một quần thể di tích lịch sử, tín ngưỡng chung của làng.

Đình Tựu Liệt thờ Thành hoàng là Bảo Ninh Vương - một thủy thần, sau theo học thầy Chu Văn An đã có công giúp dân làm mưa chống hạn. Đây là vị thần được bảy làng trong huyện Thanh Trì cùng thờ làm Thành hoàng và có nơi thờ chung là miếu Gàn [nay thuộc địa phận phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai]. Trong đình có đôi câu đối ca ngợi công đức, khí tiết của danh thần:

- Mặc nghiễn khởi tường vân, nhất bút lực hồi, thiên trợ thuận.

- Chu đình lưu hóa vũ, thiên trù vọng thiếp, địa phồn khô

Tạm dịch:

- Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công, trời thuận theo lẽ phải.

- Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng đợi nước, đất nẻ trổ mùa hoa.

Thần tích của đình kể rằng vào thời nhà Trần có nhà nho danh tiếng là Chu Văn An mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì [nay là thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì]. Học trò trong vùng theo học thầy rất đông và rất nhiều người đỗ đạt. Ngoài học trò Lê Quát, Phạm Sư Mạnh mà tên họ đã được ghi vào chính sử, còn có một học trò lỗi lạc khác của thầy Chu ở trường Huỳnh Cung. Vị này được nhắc đến nhiều trong truyền thuyết, thần phả một số làng trong huyện Thanh Trì với tên là Bảo Ninh Vương. Sách Lĩnh Nam chích quái gọi là “Thần chằm Lân Đàm”.

Tương truyền người học trò này là Thủy thần [cũng gọi là Long thần hoặc thần Rồng] ở dưới chằm Lân Đàm, tức khu đầm lớn bao quanh làng Linh Đàm [xã Hoàng Liệt hiện nay]. Mộ tiếng vị thầy dạy học họ Chu, thần đã hiện thành chàng trai tuấn tú, hằng ngày từ đầm lên trường theo học. Có mấy học trò đã phát hiện ra sự việc kỳ lạ này và họ đã thưa lên thầy Chu Văn An. Ông biết vậy, không nói gì. Cũng theo truyền thuyết địa phương thì người học trò khôi ngô, tuấn tú này đã được thầy Chu để ý tới. Rồi một hôm, nhìn thấy trên chỏm đầu người học trò có cánh bèo tấm, thầy Chu biết đó là con vua Thủy tề lên học. Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa màu nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm đó, dạy học xong, ông tập hợp học sinh lại hỏi xem ai có cách gì giúp dân vượt qua thử thách, thiên tai khắc nghiệt này. Trước yêu cầu khẩn thiết của người thầy dạy dỗ mình, Long thần không ngần ngại, đã xin nhận và thưa với thầy Chu: Con biết là trái lệnh Thiên đình sẽ bị trừng phạt, nhưng con xin làm để vâng lời thầy và giúp dân chống hạn. Sau đó Long thần lấy hai nghiên mực đen, mực đỏ và bút đem ra giữa sân mài mực đầy nghiên rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút thấm mực và vẩy lên trời. Khi vẩy mực xong, thần ném tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, sấm chớp ầm ầm và đổ xuống một trận mưa rất lớn kéo dài đến tối. Sau đó, có tiếng sét đánh vang động một góc trời. Những cánh đồng đã no nước, lúa được cứu sống lại khắp vùng.

Sáng sớm mọi người thấy thuồng luồng bị sét đánh chết nổi lên ở mặt đầm Linh Đàm. Chu Văn An được tin này, biết rằng đó là người học trò Thủy thần của mình đã hy sinh vì khẳng khái làm mưa giúp dân theo ý nguyện của thầy. Ông vô cùng thương tiếc cùng với dân làng vớt xác thuồng luồng, làm lễ an táng chu đáo. Nhân dân các làng lân cận cũng tới giúp sức lo an táng và sau đó lập đền thờ. Để tỏ lòng nhớ công ơn Long thần, nhân dân bảy làng quanh vùng, trong đó có Tựu Liệt đã tôn thờ Hoàng tử Bảo Ninh Vương làm Thành hoàng làng.

Hiện nay, còn một cái gò nổi lên giữa dòng nước ở giáp xã Thanh Liệt và Tả Thanh Oai. Tương truyền đấy là mộ của Long thần, có tên chữ là “Cù Long Phụ”. Từ bao đời nay, dòng nước cứ chảy suốt năm, suốt tháng mà gò đất [mộ Long thần] vẫn không hề xói mòn. Nhân dân ở các xã Hoàng Liệt, Tam Hiệp, Tả Thanh Oai, Đại Kim... đã xây thành mộ và miếu thờ nằm trong chương trình bảo tồn khu di tích về Chu Văn An, danh nhân văn hóa của đất nước, một vì sao sáng ngời của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Cũng theo truyền thuyết nơi nghiên mực rơi xuống trên địa phận giữa hai làng Quỳnh Đô và Vĩnh Ninh [xã Vĩnh Quỳnh] biến thành đầm nước có màu đen nên có tên gọi Đầm Mực. Đầm Mực là nơi chôn vùi quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa giải phóng kinh thành Thăng Long của vua Quang Trung mùa xuân năm Kỷ Dậu [1789]. Còn bút đã rơi xuống làng Tả Thanh Oai. Người ta cho rằng vì thế làng này trở thành một làng văn học, quê hương của những danh nhân đất nước như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...và những nhân vật khác trong dòng họ Ngô Thì.

Các cụ cao tuổi ghi nhận rằng: Xưa kia mỗi khi gặp hạn hán, nhân dân làng Huỳnh Cung và các làng quanh đầm Linh Đàm lại tổ chức lễ cầu đảo tại đền Huỳnh Cung - nơi thờ Chu Văn An với niềm tin thầy Chu sẽ ra lệnh cho học trò như thuở sinh thời và nhờ đó có thể vượt qua được nạn hạn hán. Loại trừ khả năng huyền bí của sự cầu đảo này, các cụ cao tuổi chứng kiến nhiều năm sau cho biết sau khi cầu đảo, vùng này đều có mưa.

Thần Long Đàm còn ấp ủ trong truyền thuyết, nhưng có thể coi như tượng trưng cho học trò ở mái trường Huỳnh Cung của thầy giáo Chu Văn An khí tiết cứng cỏi, sẵn sàng quên mình vì lợi ích chung.

Đình Tựu Liệt đã được ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích kiến trúc - nghệ thuật năm 2013.

Ngoài hệ thống các di tích đình, chùa, Tam Hiệp còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống ở Tam Hiệp thể hiện rõ đặc trưng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Lễ hội làng Huỳnh Cung được tổ chức trong vòng bốn ngày từ ngày 18 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch hằng năm để tôn vinh Thành hoàng làng và Đức thánh hiền Chu Văn An.

Để chuẩn bị cho lễ hội, ban tổ chức tiến hành họp trù bị, phân công công việc cụ thể cho từng ban [ban tế lễ, ban tiếp khách, ban hậu cần, ban điều hành công việc rước kiệu...]; các đội múa rồng, múa sênh tiền cũng phải được tập dượt lại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sơ suất trong ngày hội. Vị chủ tế sẽ được dân làng lựa chọn cẩn thận với những tiêu chuẩn như: nam giới ngoài 50 tuổi, gia đình nền nếp, vợ chồng song toàn, con cái đầy đủ, ngoan ngoãn, hiếu thuận và không vướng vào tang bụi. Trong buổi tế, trang phục của chủ tế gồm áo dài đỏ, quần trắng, mũ đỏ; còn những người khác mặc áo tế xanh lam, quần trắng, mũ xanh.

Sáng ngày 18, ban tế sẽ tiến hành bao sái tượng và đồ lễ trong đình. Riêng đồ thờ trong Hậu cung chỉ do chủ tế và thủ từ thực hiện. Đầu giờ chiều, đội ngũ các bô lão đã tề tựu trước cửa ở sân đình trong trang phục quần áo tế lễ cổ truyền để tiến hành lễ tế trong tiếng trống trầm hùng.

Ngày 19, dành riêng để các gia đình, dòng họ, các tổ chức, cá nhân trong thôn Huỳnh Cung đều chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn bày lên bàn thờ tại gia, đồng thời mang lễ ra đình lễ thánh. Đây cũng là dịp để con cháu trong gia đình, dòng họ hội ngộ, tập trung trong bữa cơm gia đình cùng nhau ôn lại truyền thống của làng xã, dòng tộc. Đặc biệt, gia đình nào có người trong ban chấp sự thì đều lấy làm hãnh diện, vinh dự.

Ngày 20 là ngày hội chính, tiếng trống hội rộn ràng từ lúc sáng sớm. Lễ khai mạc trang trọng, có màn tuyên dương các học sinh giỏi, các gia đình có người đỗ đạt cao giúp ích được cho đất nước, làng xã. Sau đó nhân dân rước kiệu đến lễ tại Đài lưu niệm Bác Hồ về thăm và chúc tết nhân dân xã Tam Hiệp ngày mùng Một Tết Quý Mão [25-1-1963] rồi lên chùa làng tế lễ, dâng hương Đức thánh Chu Văn An. Đi đầu đoàn rước là đội múa sư tử của các võ sinh trong làng; thứ hai là đội rước cờ, biển ngạch, bát bửu, gồm các cụ mặc áo the hoặc áo dài truyền thống, đầu vấn khăn; thứ ba là đội dâng đồ lễ của các dòng họ, các xóm ngõ và dân chúng trong làng; thứ tư là ban tế và các thanh nữ mặc áo dài hồng đội tráp lễ; sau cùng là đội khiêng kiệu do nam thanh nữ tú của làng đảm nhiệm. Ngày nay, trong lễ hội làng Huỳnh Cung còn có đoàn rước ảnh Bác Hồ của các cháu thiếu nhi đi ngay sau đội múa rồng. Sau khi rước một vòng lên chùa, quay về đình sẽ làm lễ tế. Chiều ngày 20 có giao lưu văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian như chọi gà, đấu cờ, bóng đá giữa các làng tại sân vận động của xã, trước cửa đình.

Ngày 21 là ngày giã hội, từ sáng sớm các cụ bô lão đã chuẩn bị để làm lễ tạ tại đình làng; tổng kết công việc, rút ra những bài học kinh nghiệm để năm sau thực hiện được tốt hơn. Có thể nói, lễ hội làng Huỳnh Cung được tổ chức khá lớn, diễn ra tưng bừng, trong không khí trang nghiêm, thành kính của dân làng và nhân dân các vùng phụ cận tham gia lễ hội

Lễ hội thôn Tựu Liệt tổ chức trọng thể trong ba ngày, từ mùng 3 đến mùng 5 tháng 2 âm lịch. Cứ 5 năm lại tổ chức đại lễ một lần, có rước kiệu; còn lại là hội lệ, tuy không rước kiệu nhưng vẫn đầy đủ các tuần tế trang nghiêm, thành kính tại đình làng. Lễ hội nhằm tôn vinh thành hoàng Bảo Ninh Vương. Ngày nay, trong lễ hội làng Tựu Liệt còn có đoàn rước ảnh Bác Hồ của các cháu thiếu nhi.

Trước mỗi kỳ hội sẽ có một cuộc họp của cả làng để bầu ban tổ chức, phân công công việc cho các tiểu ban, trong đó, chủ tế là ngưòi quan trọng nhất của một kỳ lễ hội, được lựa chọn cẩn thận. Tiêu chuẩn của làng, chủ tế phải là nam giới đã “lên lão” [tức ngoài 50 tuổi], gia đình nền nếp, có văn hóa, đạo đức, vợ chồng song toàn, con cái đầy đủ cả nếp, cả tẻ và không vướng vào tang bụi. Trong buổi tế, trang phục của đoàn tế tương đối giống nhau với áo dài, mũ, hia; chỉ khác chủ tế mặc áo đỏ, đội mũ đỏ còn những người khác mặc áo tế xanh lam, đội mũ xanh.

Ngày mùng 3 tháng 2, bắt đầu một kỳ lễ hội, buổi sáng tổ chức đón, tiếp khách, múa lân, rồng, biểu diễn văn nghệ quần chúng. Tới 13 giờ chiều bắt đầu làm lễ khai cuông [còn gọi là lễ xin phép], các cụ bắt đầu lau dọn ban thờ và các đồ thờ tự thật sạch sẽ. Khoảng 3 giờ chiều cho đến tối có biểu diễn văn nghệ, hát quan họ Bắc Ninh trên thuyền rồng ở hồ nước bên cạnh đình. Đến 22 giờ đêm ngày mùng 3, bắt đầu tiến hành lễ mộc dục. Nước để làm lễ phải là nước mưa sạch, được ướp hoa thơm, dùng khăn sạch tắm ngai, bài vị của thần một cách cẩn trọng.

Ngày mùng 4 tháng 2 chính hội, khoảng 8 giờ sáng nghi lễ tế thánh bắt đầu và kéo dài đến khoảng 9 giờ 30 phút thì kết thúc bằng việc hóa văn tế. Sau đó các gia đình trong thôn cũng như du khách thập phương được vào đình dâng lễ. Đầu giờ chiều cùng ngày là lễ dâng hương của hai đội nam quan và nữ quan. Lễ vật dâng thánh gồm có hoa quả, xôi và gà. Xen kẽ trong lễ dâng hương có đội múa là nữ, mặc áo dài màu hồng, thắt lưng bỏ múi cạnh sườn, múa sênh tiền hầu thánh. Sáng mùng 5 làm lễ tạ đức thánh và kết thúc hội.

Lễ hội làng Yên Ngưu, tổ chức từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ Đại vương Nguyễn Bồ, Nguyễn Bặc. Bắt đầu từ mùng 8 tháng 2, không khí lễ hội đã tràn ngập trong các gia đình và dòng họ trong làng, đường làng ngõ xóm được dọn dẹp sạch sẽ; ngoài đình làng, cụ từ và các bô lão dọn dẹp di tích, chồng kiệu ra sân đình, trực tại đình lo cho đèn nhang luôn sáng, hương khói không tắt.

Ngày mùng 9 tháng 2, làng tổ chức tế thần, đến 9 giờ tối là lễ bao sái đồ thờ bằng nước mưa lấy ở bể tại đình và dâng lễ vật, do cụ từ và các bô lão trong làng đảm nhiệm. Lễ vật ngoài hương, hoa, ngũ quả ra còn có thủ lợn, xôi, gà, oản, gồm bảy lễ chính do hội người cao tuổi đảm nhiệm, được dâng vào các ban trong Hậu cung, còn lễ vật của dân làng, dòng họ, các đoàn thể được đặt ngoài Đại bái.

Ngày mùng 10 tháng 2 - ngày chính tiệc có tế lễ và rước kiệu. Ngay từ 7 giờ 30 phút sáng, các đội tế, hàng đô khiêng kiệu, đội múa rồng, đội nhạc lễ đã tập trung tại sân đình. Ngay sau lễ Thành hoàng làng, khoảng 8 giờ sáng, lễ rước thánh bắt đầu. Đi đầu đoàn rước là đội múa rồng, cờ thần, cờ hội, cờ ngũ hành tiếp đến là bát bửu, lỗ bộ, hỏa bài, tàn lọng và phường bát âm, tiếp đến là kiệu bát công rước thánh ông và kiệu thánh bà. Theo tục lệ, đi sau kiệu là các bô lão chức sắc trong làng, tiếp đến là đội tế nam, các bà trong đội dâng hương nữ, cuối cùng là dân làng. Ngày nay, trong lễ hội làng Yên Ngưu còn có đoàn rước ảnh Bác Hồ của các cháu thiếu nhi.

Đoàn rước xuất phát từ đình và đi vòng quanh làng, tiếng sáo, tiếng đàn hòa tấu nhạc điệu “lưu thủy hành vân” làm cho đám rước vừa oai nghiêm vừa gần gũi. Đi tới đâu, dân cư các ngõ, xóm dựng cổng chào, bày mâm lễ, đốt hương bái vọng tiếp nghênh. Nhìn từ xa, thấy cờ bay, lọng tía, hỏa bài, binh khí,... hòa quyện vào nhau như một con rồng ngũ sắc đang uốn lượn trên đường làng. Đoàn rước đi tới chùa thì dừng lại để đội tế vào lễ Phật rồi trở về đình làng làm lễ tế Thành hoàng làng.

Song song với các nghi thức tế, rước thì các trò chơi dân gian như chọi gà, tổ tôm điếm, hát quan họ cũng được tổ chức để phục vụ đông đảo nhân dân...

Truyền thống lịch sử - văn hóa của Tam Hiệp góp phần làm giàu và phong phú thêm vùng đất Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay. Các truyền thống quý báu của quê hương phát huy tác dụng trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, được các thế hệ nhân dân giữ gìn, bảo tồn và không ngừng nâng cao giá trị nhân văn. Việc tiếp tục khai thác, phát huy tốt những đặc điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và giá trị truyền thống là cơ sở quan trọng để Tam Hiệp vững bước trên con đường phát triển, trở thành một địa phương văn minh, giàu, đẹp nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa.

Video liên quan

Chủ Đề