Ý nghĩa của sách giáo khoa đối với giáo viên

Trong bối cảnh các cuộc thảo luận về sách giáo khoa [SGK] đang trở nên ngày càng gay gắt, tôi cho rằng trước tiên cần phải quay lại định vị vai trò của SGK trong quá trình giáo dục và mục tiêu giáo dục mà chương trình đó đặt ra.


Người giáo viên cần có năng lực lựa chọn những cách thiết kế, tổ chức hoạt động phù hợp với mục đích giảng dạy của mình. Ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Liên Bảo [TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc] trong một giờ học nhóm. Nguồn: vietnamnet

Cũng giống như người thầy, người học, tấm bảng, viên phấn, bàn, ghế, trường, lớp… SGK chỉ là một thành tố trong toàn bộ quá trình giáo dục. Vai trò của SGK trong toàn bộ quá trình ấy phụ thuộc vào hai yếu tố: triết lý giáo dục và sự phát triển của bối cảnh giáo dục.

Đầu tiên, vai trò của SGK phụ thuộc vào sự phát triển của bối cảnh. Trước đây, người thầy lên lớp một tay cầm phấn, một tay cầm sách, học trò đi học cũng một tay cầm sách, một tay cầm bút. Không gian giáo dục và bối cảnh giáo dục chỉ gói gọn trong từng đấy vật dụng. Chính vì vậy, lúc bấy giờ SGK như kinh thánh, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giáo dục. Giờ đây, bối cảnh xã hội thay đổi, đặc biệt là trong khoảng 20-30 năm trở lại đây khi chúng ta đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số, không gian giáo dục đã hoàn toàn đổi khác. Từ những thứ hữu hình như máy tính, điện thoại, máy tính bảng cho đến những thứ vô hình như Internet – những thứ chúng ta không thể cầm nắm hay nhìn thấy, nhưng lại có thể tác động rất nhiều đến suy nghĩ, vốn kiến thức và cách tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh như thế, SGK không còn quá quan trọng, hay thậm chí, vai trò của SGK đang ngày càng giảm dần.

Bên cạnh sự phát triển của bối cảnh giáo dục, triết lý giáo dục cũng quyết định khá lớn đến việc SGK sẽ đóng vai trò gì trong chương trình. Triết lý giáo dục quyết định nền tảng lý thuyết giáo dục và sư phạm mà chương trình giáo dục đó đặt ra, do người chịu trách nhiệm về hệ thống giáo dục đó lựa chọn. Cho đến cách đây hơn nửa thế kỷ, lý thuyết giáo dục phổ biến trên thế giới là thuyết giáo huấn [instructivism], theo đó, kiến thức được hình thành và xây dựng thông qua truyền thụ. Như vậy, vai trò của người thầy cực kỳ quan trọng, là nguồn cung cấp kiến thức cho người học, và vai trò của người học là thụ động tiếp nhận kiến thức được chuyển đến từ người thầy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau nửa thế kỷ phát triển, thuyết học tập kiến tạo [constructivism] đã thay thế và chiếm lĩnh các hệ thống giáo dục, trở thành lý thuyết phổ biến nhất. Lý thuyết học tập kiến tạo có hai đặc điểm chính: Thứ nhất là người học chủ động kiến tạo kiến thức cho mình, mỗi cá nhân sẽ có cách thức kiến tạo, phát triển kiến thức, vốn hiểu biết khác nhau; thứ hai, tương tác xã hội có vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo kiến thức, ở đây là tương tác giữa người học với nhau, giữa người học với người thầy, và rộng hơn là giữa người học với gia đình, bố mẹ, người thân và cộng đồng.

Như vậy, SGK trở thành một nguồn học liệu như các loại sách tham khảo, các nguồn tham khảo khác nhau từ các cơ sở dữ liệu khác nhau. Nói cách khác, SGK sẽ không phải là ‘nguồn tài nguyên’ độc nhất mà người giáo viên có thể khai thác, nó chỉ là một trong số những nguồn sẵn có với kiến thức chuẩn chỉnh để giáo viên tham khảo về nội dung và hoạt động giáo dục.

Dù vậy, không thể đánh đồng SGK với sách khoa học thông thường. Sách khoa học thông thường chứa đựng kiến thức, tri thức của nhân loại trong khi SGK ngoài những kiến thức đó còn có các nguồn tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy [teaching resources] để người giáo viên tham khảo và cân nhắc sử dụng. Nó bao gồm các hoạt động, trò chơi đã được thiết kế, xây dựng; các tình huống thực tế hoặc giả định đã soạn sẵn, các loại flashcards chẳng hạn.

Điều đó không có nghĩa là SGK nào cũng giống nhau. Chúng ta không thể phát biểu khác đi về định lý Pitagore, nhưng các SGK toán khác nhau khi dạy về định lý Pitagore thì sẽ có nguồn tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy khác nhau – nghĩa là có cách dẫn dắt bài học, thiết kế bài tập, các hoạt động học tập khác nhau. Nói tóm lại, phần kiến thức giữa các SGK cùng một môn học có thể như nhau, nhưng phần tài liệu giảng dạy thì phải khác nhau, tuỳ theo quan điểm và lý thuyết sư phạm của chủ biên. Người giáo viên cần có năng lực lựa chọn những cách thiết kế, tổ chức hoạt động phù hợp với mục đích giảng dạy của mình.

Nhưng trước khi bàn đến năng lực lựa chọn, cần phải trao cho họ cơ hội được lựa chọn. Và đó là lý do chúng ta cần có nhiều bộ SGK, thay vì chỉ một như trước kia.

Tiêu chí của SGK phải phù hợp với triết lý giáo dục

Không phải vì SGK ngày càng đa dạng hay bớt quan trọng mà chúng ta có thể nới lỏng những tiêu chí mà một bộ SGK cần đạt được. Nếu chúng ta đã xác định chương trình giáo dục của mình lấy thuyết kiến tạo làm nền tảng, thì các bộ SGK sẽ phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định nhằm phục vụ hiệu quả cho các phương pháp sư phạm dựa trên lý thuyết đó.

Để đáp ứng các yêu cầu của lý thuyết nền, SGK sẽ phải thỏa mãn một số tiêu chí tối thiểu như sau:

Thứ nhất, về mặt nội dung: thông tin và cách trình bày, diễn đạt thông tin, kiến thức trong sách phải chính xác và gần gũi, dễ hiểu để người học có thể chủ động tiếp nhận, không đòi hỏi bắt buộc người học phải nhờ đến sự giảng dạy trực tiếp từ giáo viên. Bên cạnh đó, nội dung sách phải có độ khó phù hợp với đối tượng hướng đến – sách dành cho học sinh năng khiếu, sách dành cho học sinh đặc biệt…; giáo viên và nhà trường chính là những người quyết định bộ sách nào phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh của mình. Ngoài ra, sách cũng cần có gợi ý về những tài liệu tham khảo để học sinh có điều kiện tự củng cố và định hướng học tập cho mình.

Thứ hai, về tính sư phạm: Cuốn sách phải thiết kế, lồng ghép các hoạt động học tập cần thiết, đa dạng để học sinh đạt được mục tiêu học tập. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện để học sinh có thể tích hợp, thực hành, hoặc áp dụng các kiến thức mới; chúng ta cần trao cho các em cơ hội để vận dụng những gì mình lĩnh hội được vào thực tế. Đặc biệt, SGK cần đóng vai trò tạo động lực học tập cho học sinh, kích thích các em tìm tòi và sáng tạo.

Ngoài phục vụ giảng dạy, sách còn phải phục vụ hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá, cụ thể là cần đáp ứng các nhu cầu các loại đánh giá với các mục đích khác nhau [đánh giá kết quả học tập; đánh giá để cải tiến giảng dạy; và đánh giá là một phần hoạt động học tập], tức là cần có các đề bài, bộ câu hỏi kiểm tra, và các mẫu phiếu đánh giá trong sách giáo viên hoặc sách tài liệu [resource book].

Thứ ba, về cấu trúc: Bên cạnh các phần như mục lục, tổng quan, tóm tắt, giải thích thuật ngữ…, SGK phải có phần hướng dẫn sử dụng sách cho cả học sinh và giáo viên, hướng dẫn cách học cho học sinh. Một bộ sách giáo khoa cần phải có đủ sách dành cho học sinh, sách dành cho giáo viên, và sách tài liệu.

Thứ tư, về mặt ngôn ngữ: Ngôn ngữ phải chính xác và gần gũi. Trong trường hợp không có giáo viên hướng dẫn, học sinh vẫn có thể tự đọc và tạo nghĩa dựa trên trải nghiệm cá nhân.

Nhìn chung, nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới đang áp dụng lý thuyết học tập kiến tạo, vì vậy những tiêu chí này về cơ bản đều xuất hiện ở các bộ tiêu chuẩn dành cho SGK. Có thể mỗi bộ quy chuẩn sẽ có cách diễn giải khác nhau và có một số yêu cầu riêng, nhưng nhìn chung đều sẽ hướng đến thúc đẩy sự chủ động và tính tích cực của người học trong quá trình học tập.

Người giáo viên cần có năng lực lựa chọn SGK

Như tôi đã bàn ở trên, triết lý giáo dục và lý thuyết sư phạm là nền tảng xuyên suốt để biên soạn SGK. Một khi chương trình giáo dục Việt Nam đã chọn lý thuyết kiến tạo làm xương sống, chúng ta cũng cần hiểu rằng vai trò của người thầy và người học đã thay đổi. Lúc bấy giờ, giáo viên được giải phóng khỏi đôi vai mình trọng trách mang chân lý đến cho học sinh, họ cần linh hoạt và chủ động lựa chọn những kỹ thuật dạy học phù hợp với năng lực của học sinh.

Đối với những giáo viên giỏi và có nhiều kinh nghiệm, họ có thể tự nghĩ ra bài tập, hoạt động dạy học mà không cần SGK nào hỗ trợ. Trong trường hợp ngược lại, người giáo viên vẫn cần một công cụ, nguồn tài liệu để tham khảo cho hoạt động dạy học. Muốn làm được điều đấy, họ cần phải có nhiều SGK để lựa chọn, đồng thời phải có đủ năng lực để lựa chọn SGK.

Một người giáo viên có khả năng lựa chọn SGK trước tiên phải là người có đầy đủ kiến thức và năng lực tư duy trong môn học đó, như vậy họ mới có thể nhận ra được nội dung trong SGK có chuẩn xác và phù hợp hay không. Trước tiên các trường sư phạm cần phải tuyển được đầu vào là những học sinh giỏi. Trong quá trình đào tạo, sinh viên sư phạm cần cung cấp đầy đủ và chính xác về lý thuyết dạy học và cách vận dụng, thực hành sư phạm.

Tôi tin rằng nếu người giáo viên được lựa chọn từ những sinh viên giỏi nhất và đào tạo bài bản, chắc chắn họ sẽ có đủ năng lực để lựa chọn SGK. Chúng ta phải thay đổi hệ thống đào tạo và phương thức đào tạo giáo viên, để bằng cách này hay cách khác, cái đích cuối cùng đó là người giáo viên có đủ năng lực và tự tin lựa chọn những kỹ thuật và nguồn học liệu phù hợp với mục đích dạy học của mình, và nhận ra rằng có rất nhiều con đường có thể dẫn đến thành Rome thay vì chỉ chăm chăm bám víu vào hướng dẫn của một cuốn SGK bất kỳ.

Theo khoahocphattrien.vn
[//khoahocphattrien.vn/chinh-sach/sach-giao-khoa-nguon-tai-nguyen-duy-nhat/20201224101553533p1c785.htm]

Giáo viên sẽ sử dụng sách giáo khoa mới thế nào?

Ngày cập nhật : 27/12/2019

Sách giáo viên có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên thực hiện yêu cầu của các bài học trong SGK nhằm đạt các mục tiêu của chương trình. Mỗi bộ sách sẽ có một cách thiết kế khác nhau. Ở bộ sách“Cùng học để phát triển năng lực” các chủ biên, tác giả của một số môn học cho biết, họ đặt ra các tiêu chí dễ hiểu, dễ làm và đặc biệt là có tính mở để giáo viên tùy theo điều kiện, đặc thù vùng miền có thể sáng tạo.

Ảnh minh họa/internet

“Nhúng SGK trong sách giáo viên”

“Nhúng SGK trong sách giáo viên” là điểm khác biệt thấy rõ trong cách thức thiết kế sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. PGS.TS Phan Doãn Thoại, Phó trưởng ban biên soạn SGK “cùng học để phát triển năng lực” giải thích:

Theo mô hình hoạt động, SGK thiết kế các hoạt động học của học sinh, và vì vậy sách giáo viên tập trung hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động học đó. Vì thế, Chúng tôi thống nhất sách giáo viên thiết kế cấu trúc “hai trong một”.

Cụ thể, nội dung hoạt động học ở mỗi bài trong SGK được thu nhỏ, “nhúng” trong sách giáo viên. Phần còn lại dành để hướng dẫn tổ chức các hoạt động khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng.

Cách “Nhúng” thế này sẽ giúp giáo viên dễ đối chiếu, nhìn nhận từ bài học [trong SGK] để xem hướng dẫn các bước triển khai thế nào.

Sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” chỉ rõ mục đích, các bước tiến hành và kết quả đạt được của học sinh với mỗi hoạt động. Các bước tổ chức hoạt động cho học sinh chỉ là phương án gợi mở.

Giúp giáo viên hình dung được các bước phải thực hiện

TS Nguyễn Thụy Anh, Chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm- Một nội dung rất mới được đưa vào chương trình bắt buộc sẽ thực hiện tới đây - chia sẻ quá trình thực nghiệm viết sách cho thấy khá nhiều giáo viên lúng túng khi Hoạt động trải nghiệm còn rất mới mẻ. Có lẽ cũng vì thế mà cuốn sách giáo viên Hoạt động trải nghiệm là một trong những cuốn sách dày dành cho giáo viên trong bộ “Cùng học để phát triển năng lực”.

Hoạt động trải nghiệm dựa trên hoạt động thực tế của học sinh. Với mỗi chủ đề, chúng tôi thiết kế các hoạt động tương ứng. Nhưng đó là thiết kế mở, chỉ mang tính gợi ý cho giáo viên. Tùy theo điều kiện, đặc điểm vùng miền, giáo viên có thể lựa chọn các bài tập, hoạt động, giao các nhiệm vụ khác nhau cho học sinh chứ không phải tuân thủ máy móc các bước hoạt động chúng tôi đưa ra.

Cũng vì thế trong SGK, khi thiết kế các hoạt động học tập của học sinh, chúng tôi chỉ muốn trình bày với các thầy, cô giáo nguyên lý của việc tạo động lực, thu hút sự quan tâm cho học sinh để từ hoạt động, các em được trải nghiệm và có được các năng lực, kĩ năng cần thiết”.

PGS-TS Nguyễn Thị Hạnh, Chủ biên môn Tiếng Việt bậc Tiểu học khẳng định: “Chúng tôi có một niềm tin là với cách thiết kế sách giáo viên trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, giáo viên sẽ dễ dạy hơn. Ví dụ khi hướng dẫn giáo viên tổ chức một hoạt động, chúng tôi mô tả rõ hoạt động đó thế nào, từng bước cụ thể để giáo viên triển khai cho học sinh, gợi ý cho giáo viên tổ chức hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý không bắt buộc giáo viên phải thực hiện đúng các bước sách đưa ra mà đó chỉ là một gợi ý. Nếu giáo viên có cách thực hiện tốt hơn thì có thể linh hoạt áp dụng”.

Cô Trần Thị Thanh Hà, Phó hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Thị trấn Phố Lu-Bảo Thắng- Lào Cai phản ánh: Nhiều giáo viên lúc đầu khá hoang mang khi chuẩn bị phải thực hiện chương trình mới, nhưng khi tiếp cận với SGK, đặc biệt là sách giáo viên của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” thì đã yên tâm hơn rất nhiều vì họ hình dung được các bước phải thực hiện.

Không chỉ bớt lúng túng, giáo viên của chúng tôi rất hào hứng khi nghiên cứu SGK và Sách giáo viên, vì không bị gò bó, cứng nhắc mà được chủ động, linh hoạt thực hiện theo các bước gợi ý của sách”.

Giáo viên sẽ có thêm tài liệu hỗ trợ

Theo PGS.TS Phan Doãn Thoại, Ban soạn thảo đã triển khai xây dựng một hệ thống phần mềm kèm theo học liệu điện tử giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và học tập theo bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực”. Trong giai đoạn đầu, mỗi môn học có 3 học liệu điện tử kèm theo: Các bài giảng điện tử dành cho giáo viên; Sách mềm – Sách bài tập có tương tác; Sách mềm- Kiểm tra, đánh giá nhanh [đi kèm SGK].

PGS.TS Trương Anh Hoàng - Cố vấn CNTT cho bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” cho biết: “Với chiến lược của công nghệ là lấy SGK làm xương sống, chúng tôi khai thác tiềm năng của công nghệ để tăng hiệu quả của nội dung đã có trong sách giấy, như tương tác hóa, chấm điểm tự động.

Hệ thống học liệu điện tử cũng bổ sung nhiều chất liệu, bám sát theo nội dung sách giáo khoa - những nội dung mà khuôn khổ sách và phương tiện giấy không truyền tải được, đảm bảo đủ học liệu cho giáo viên và học sinh khai thác sử dụng bằng phương pháp kết hợp cả nội dung chính thống [sách] và nội dung do người dùng đóng góp dưới sự kiểm duyệt chặt về chất lượng".

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho bài học, môn học mà hệ thống học liệu nói trên giúp giáo viên có cái nhìn tổng quan, hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ, kiến thức, kĩ năng với tài liệu tập huấn mềm; phân phối chương trình, giáo án điện tử; file trình chiếu powerpoint xây dựng theo nội dung sách giáo viên; ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì; mô phỏng ảo, thí nghiệm ảo…

“Không phải chỉ online giáo viên mới sử dụng được mà chúng tôi có một bộ slide có thể chạy được offline. Giáo viên chỉ cần tải về một lần và sử dụng cả trong điều kiện không có kết nối internet. Các slide này lại thiết kế sẵn theo bộ sách, đồng thời lại cho phép giáo viên chỉnh sửa, vì nó là High-Power Point nên có thể thoái mái như là thêm hình ảnh hay tùy biến theo nhu cầu giảng dạy ở địa phương của mình. Đây được coi là một trong những bộ công cụ mới ở trong bộ sách này" - PGS.TS Trương Anh Hoàng cho hay.

Hải Bình

Video liên quan

Chủ Đề