Vì sao Nguyễn Khuyến được mệnh danh la nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

Hãy luôn nhớ cảm ơnvote 5*
nếu câu trả lời hữu ích nhé!

Đặt câu hỏi

** Bạn tham khảo dàn ý và bài viết tham khảo

* Dàn ý

A. Mở bài

 - Giới thiệu về tác giả Nguyễn Khuyến

 - Khái quát nội dung sáng tác của Nguyễn Khuyến.

 - Dẫn dắt vấn đề

B. Thân bài

1. Tình quê trong vẻ đẹp đời thường

a.  Bức tranh thiên nhiên

 - Hòa mình cùng người dân nghèo chân lấm tay bùn, chân đất, quần áo thôn quê vui cùng luống cúc, ruộng đồng, bờ ao.

 - Khung cảnh bình dị mà khi cất lên ai ai trong mỗi người cũng cảm nhận được sự gần gũi thân thương, làm cho ta như quên đi những bon chen, những xô bồ ngoài kia để trở về với cuộc sống yên ả. 

 - Những âm thanh, hình hài, màu sắc đặc trưng từ ngàn đời gần gũi thân quen mà đẹp đẽ giản dị đến diệu kì.

 - Trong những bài thơ này vừa như có thấp thoáng đâu đó lại vừa như không có những nét tượng trưng ước lệ của thơ cổ, bởi những hình ảnh trong bài thơ dường như được chắt lọc từ hiện thực sống động của cuộc sống vừa mang đậm tâm trạng của tác giả, động mà lại tĩnh, tĩnh mà lại như khắc vào lòng người.

b. Bức tranh sinh hoạt

  - Ông viết bằng tấm chân tình của người nông dân, của người bạn, người lao động chân lấm tay bùn đang ngày ngày miệt mài với đồng áng.

  - Nguyễn khuyến sống đời sống của người nông dân quê ông và ông viết về cuộc đời họ, cảnh đời của họ. 

  - Nguyễn Khuyến đã tìm thấy trong thiên nhiên, trong cuộc sống lam lũ của người nông dân quê ông sự thanh thản xủa tâm hồn, niềm lạc quan yêu đời và những tình cảm xóm làng trong sáng.

2. Tình quê trong những lo toan

     - Cuộc sống của Nguyễn Khuyến cũng khốn đốn như bao người nông dân, khốn khó đến nỗi phải đi vay nợ lãi của các địa chủ. 

     - Cuộc sống khốn đốn mà nợ nần thì bủa vây

3. Tình quê hòa vào tình người

  - Tình cảm gia đình

  - Tình bạn bè

C. Kết bài

   - Đánh giá chung

   - Nêu cảm nghĩ của bản thân

** Bài viết

Quê hương là một điều thiêng liêng, luôn hiện hữu trong trái tim mỗi người, là nơi đem lại cảm giác bình yên sau những tất bật lo toan của đời thường. Chính vì vậy mà quê hương đã đi vào bao áng thơ ca nhạc họa một cách tự nhiên, đầy cảm xúc. Tìm về thi ca Việt Nam viết về quê hương, mỗi người như được thanh lọc tâm hồn mình với những cảnh vật thôn dã êm đềm, với những con người chất phác vui tươi, với cả những tình cảm gắn bó sâu đậm đáng trân trọng.

Trong những cây bút viết về quê hương, Nguyễn Khuyến là một trong những cây đại thụ nổi bật. Thơ viết về quê hương của Nguyễn Khuyến đẹp vẻ đẹp của cảnh vật, của con người, của những tình cảm giữa người với người và cả những giây phút êm đềm quý giá. Những vẫn thơ ấy không chỉ đẹp mà còn ẩn chứa biết bao tình cảm, sự yêu thương, trân trọng. Bản thân xuất thân từ nông thôn, và khi về ở ẩn với khoảng 25 năm cuối đời gắn bó với nông thôn bình dị, Nguyễn Khuyến am hiểu tường tận cuộc sống sinh hoạt, tình cảm của người dân quê. Tắm mình trong dòng chảy quê hương ấy, mọi thứ đã in đậm vào tâm hồn ông. Chính vì vậy mà những vần thơ viết về làng quê của Nguyễn Khuyến có những sức hút lạ kì.

Sáng tác của Nguyễn Khuyến có những giá trị nghệ thuật riêng. Bỏ lại sau lưng những tầm chương, tầm cú, những vay mượn ồn ào, những vần thơ quý phái, những khuôn sáo ước lệ. Ông đưa văn học trở về với nguồn cội dân tộc, làng quê với đời sống thường nhật của người dân đói nghèo, lam lũ… tạo nên những sáng tác mang hơi thở riêng của chính mình và có giá trị lâu bền trong đời sống văn hóa dân tộc.

Có nhiều đề tài viết về quê hương, song dường như chưa có nhà văn nào có những tác phẩm đậm đà, nhiều phương diện như những sáng tác của Nguyễn Khuyến. Thơ của ông không chỉ có cảnh đẹp, có con người hòa nhã bình dị, có những tình cảm chân thành chốn quê kiểng mà thơ ông còn chan chứa những tình cảm yêu thương của chính người viết, điều đó toát ra qua từng câu chữ, từng vẻ tự hào và sự am hiểu sâu sắc đối với quê hương. 

Vườn Bùi chốn cũ

Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây

Nguyễn Khuyến đã viết như vậy vào năm 1884 khi vừa tròn năm mươi tuổi, cáo bệnh, trả chức quan tổng đốc Sơn Hưng Tuyên để về với mảnh đất cha ông sống cuộc đời thanh bạch, vui thú điền viên.

Vị Tam nguyên ấy, từ con người đỉnh cao danh vọng vốn áo mũ xênh xang nay đã trở về hòa mình cùng người dân nghèo chân lấm tay bùn, chân đất, quần áo thôn quê vui cùng luống cúc, ruộng đồng, bờ ao:

Vườn Bùi chốn cũ

Bốn mươi năm lụ khụ lại về đây

Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây

Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế

                                                 Trở lại vườn cũ

Nguyễn Khuyến đã bỏ lại sau mình những tầm chương trích cú, những vay mượn ồn ào, những vần thơ quý phái tẻ nhạt đưa văn học về với cội nguồn dân tộc, với làng quê, với người nông dân nghèo khó vất vả “Vườn Bùi” vốn lấy tên của loài cây trong vườn chen giữa các loại cây ăn quả mà ngày nay nhân dân vẫn quen gọi là cây vối của miền Bắc. Thứ cây vốn dùng lá để om nước uống, loại nước giản dị quá quen với cuộc sống nông thôn của những người nông dân nghèo khó. Và lấy cái tên ấy để đặt cho khu vườn, đủ để ta hiểu con người ấy giản dị, mộc mạc, yêu quê đến nhường nào. “Vườn Bùi chốn cũ” khu vườn vẫn ở đó, vẹn nguyên thủy chung đợi chờ người trở lại. Còn người đã ra đi từ khi còn trẻ giờ trở lại đã “lụ khụ” rồi. Hai vế đối chốn cũ và lụ khụ tạo nên cho ta cảm giác man mác, vừa buồn thương cho những nỗi niềm xưa cũ lại vừa xúc động cho thứ tình cảm cao quý mang tên tình quê.

Giã từ chốn đô hội trở về thú vui điền viên với:

Trông ngoài sân đua nở mấy chồi cây

Thú khâu hác lâm tuyền âu cũng thế

Trở về quê nhà nghĩa là trở về với những khung cảnh bình dị mà khi cất lên ai ai trong mỗi người cũng cảm nhận được sự gần gũi thân thương, làm cho ta như quên đi những bon chen, những xô bồ ngoài kia để trở về với cuộc sống yên ả. Trở về với mấy khóm hoa nhỏ bên sân đang vui cười hé nụ, trở về với gò với khe, với rừng, với suối đang róc rách bên tai.

Nông thôn Việt Nam trong thơ cụ Yên Đổ hiện lên với đầy đủ những âm thanh, hình hài, màu sắc đặc trưng từ ngàn đời gần gũi thân quen mà đẹp đẽ giản dị đến diệu kì. Đó là những âm thanh diệu kì từ cuộc sống như mời gọi người khách đang ngần ngơ:

Văng vẳng tai nghe tiếng chích chòe; Lặng đi kẻo động khách lòng quê. Nước non có tớ càng vui vẻ, Hoa nguyệt nào ai đã đắm mê? Quyên đã gọi hè quang quác quác, Gà từng gáy sáng tẻ tè te. Lại còn giục giã về hay ở? 

Đôi gót phong trần vẫn khỏe khoe.

Tiếng chú chích chòe văng vẳng mời gọi, tiếng cô chim quyên quang quác gọi hè, tiếng anh gà trống tẻ tè te gáy sáng… Tất cả như mời gọi, tất cả như xôn xao, hòa vào nhau làm thành bản giao hưởng tuyệt diệu nơi thôn quê vui vầy. Trước những âm thanh đáng yêu ấy ai còn nỡ đi, ai còn nỡ xa nữa? Đọc những vần thơ của cụ ta thấy nông thôn mới đáng yêu, đáng mến biết nhường nào. Phải có tình cảm sâu nặng với quê hương, có tâm hồn tinh tế mới có thể viết lại bản nhạc của những âm thanh đáng yêu tuyệt vời đến như vậy.

Xuân Diệu trong Đọc thơ Nguyễn Khuyến đã từng nhận định: “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà thơ nôm của Nguyễn Khuyến nức danh nhất là ba bài thơ thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”. Thu điếu, thu ẩm, thu vịnh là sự kết hợp nhuần nhuyễn tinh hoa của những thủ pháp nghệ thuật cổ điển với một lối tư duy mới mẻ. Ba bài thơ chính là dáng thu, hồn thu của đồng bằng Bắc Bộ thời xưa và thấm đượm vào cảnh vật là tâm tư của nhà thơ trước cảnh tình đất nước thời gian ông từ quan về sống ở quê nhà. Ở mỗi bài là những dáng thu riêng và những nét tâm tình riêng.

Thu vịnh là khoảnh khắc từ chiều ngả dần về tối:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nước biếc trông như tầng khói phủ

Song thưa để mặc ánh trăng vào.

Dáng thu trong Thu vịnh là cái gì cao, thăm thẳm, xa vời, quen mà hóa lạ. Bức tranh thu cao rộng ở bầu trời xanh ngắt, rồi hạ thấp xuống qua những cành trúc đang lơ phơ trong gió, rồi chuyển ánh nhìn qua nước biếc với sương khói phủ mờ và gần hơn nữa là song cửa đẫm ánh trăng. Hồn thu như lắng chìm vào bên trong, ẩn chứa ở chiều sâu.

Thu ẩm là góc nhìn của người đang uống rượu và ngắm nhìn cảnh vật thân quen:

Năm gian nhà cỏ thấp le te

Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn ao long lánh bong trăng loe

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?

Nếu như ở Thu vịnh Nguyễn Khuyến đóng vai trò là nhà thơ thì ở đây ông vào vai của một ông lão đang khề khà li rượu. Trong chút hơi nồng của men say ông lão quan sát cảnh vật từ điểm nhìn của nhà mình. Đó là những gian nhà cỏ thấp le te, ngõ tối trong đêm sâu nhưng lại có đom đóm lập lòe, lưng giậu ẩn trong màn sương thu trở nên mờ ảo, còn mặt ao thì lóng lánh bởi vầng trăng… Tất cả làm nên bức tranh đậm chất của làng quê Việt Nam lung linh, mờ ảo.

Thu điếu đã từng được Xuân Diệu nhận xét rằng: “Trong ba bức tranh thiên nhiên, Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam ở Bắc Bộ”. Nếu như Thu vịnh vẽ dáng thu theo chiều cao, xa và vang thì Thu điếu lại vẽ nên những hình ảnh bé nhỏ để gợi nên cái không gian thật gần và tĩnh mịch.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh có khách vắng teo

Hồn thu trong Thu điếu là cái gì cũng như thu mình cho nhỏ bé, cho lặng im: chiếc thuyền câu bé tẻo teo, sóng biếc chỉ gợn tí, còn chiếc lá mỏng manh thì đong đưa trước gió…Tất cả hiện lên bé nhỏ trong cái không gian tĩnh mịch mà chỉ cần một tiếng vang nhỏ cũng khiến nhà thơ chú ý và gợi biết bao làn sóng suy tư. Và trong cái nền ấy, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên thật thuần phát, thân thương.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Đây là bức chân dung tự họa, giữa không gian be bé, nhân vật trữ tình hiện lên như một nét chấm phá cho bức tranh. Khiến người đọc có thể hóa thân thành nhân vật trữ tình mà cảm nhận cảnh vật đặc sắc nơi thôn dã.

Trong những bài thơ này vừa như có thấp thoáng đâu đó lại vừa như không có những nét tượng trưng ước lệ của thơ cổ, bởi những hình ảnh trong bài thơ dường như được chắt lọc từ hiện thực sống động của cuộc sống vừa mang đậm tâm trạng của tác giả, động mà lại tĩnh, tĩnh mà lại như khắc vào lòng người.

Bên cạnh việc miêu tả phong cảnh thiên nhiên nơi thôn dã, Nguyễn Khuyến còn miêu tả vẻ đẹp của những danh lam thắng cảnh mà nhà thơ từng đặt chân. Đó là núi An Lão, chợ trời Hương Tích, núi Non Nước. Đó là sự quan sát tinh tế dưới đôi mắt của người nghệ sĩ:

“Mặt nước mênh mông nổi một hòn,

Núi già nhưng tiếng vẫn còn non,

Mảnh cây thưa thớt đầu như trọc,

Ghềnh đá long lay ngấn chửa mòn.

Một lá về đâu xa thăm thẳm,

Nghìn nhà trông xuống bé con con,

Dẫu già đã hẳn hơn ta chửa?

Chống gậy lên cao gối chẳng chồn!”

                                     Vịnh núi An Lão       

Tất cả hiện lên bé nhỏ, sinh động dưới tầm nhìn của cụ già đáng chống gậy lên núi cao. Nguyễn Khuyến đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ và với tâm hồn say mê cảnh đẹp đất nước, nơi đâu từng đặt chân đến ông cũng vẽ lại tất cả về cảnh vật, về con người một cách sinh động.

Khi hướng ngòi bút về đồng bào nhân dân, Nguyễn Khuyến không viết với tư cách của một người làm quan mà ông viết bằng tấm chân tình của người nông dân, của người bạn, người lao động chân lấm tay bùn đang ngày ngày miệt mài với đồng áng. Do đó với tất cả những sinh hoạt làng quê, ông đều là người chứng kiến và đưa vào thơ một cách hết sức tự nhiên.

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng, Năm nay chợ họp có đông không ? Dở trời, mưa bụi còn hơi rét. Nếm rượu, tường đền được mấy ông? Hàng quán người về nghe xáo xác, Nợ nần năm hết hỏi lung tung. Dăm ba ngày nữa tin xuân tới. 

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

                                   Chợ đồng

Về cách sống chan hòa, cởi mở của người dân quê. Nếu như trước đây, con người trong văn thơ thường ẩn mình với tư tưởng hạc độc, mây côi thì đến với thơ Nguyễn Khuyến ta lại bắt gặp mảng thơ văn đặc sắc, sinh động về cách sống cởi mở, phóng khoáng cùng những người dân quê.

Ình ịch đêm qua trống các làng, Ai ai mà chẳng rước xuân sang. Rượu ngon nhắp giọng đưa vài chén, Bút mới xô tay thử một hàng. Ngoài luỹ nhấp nhô cò cụ tổng, Cách ao lẹt đẹt pháo thầy Nhang. Một năm một tuổi, trời cho tớ, 

Tuổi tớ trời cho, tớ lại càng...

                                     Khai bút

Với tư thế bình dân phi Nho, có lẽ Nguyễn Khuyến là người đầu tiên phản ánh cụ thể bức tranh sinh hoạt vào trong thơ của mình. Không đứng bên ngoài hay bên trên như các nhà trí thức xưa để quan sát nữa, cụ Tam nguyên đã là người có mặt thật sự, hiện diện thường trực trong cuộc sống hàng ngày để quan sát cuộc sống bình dân ấy.

Nguyễn khuyến sống đời sống của người nông dân quê ông và ông viết về cuộc đời họ, cảnh đời của họ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần nghìn năm của văn học dân tộc đời sống nghèo khó của người nông dân với những quang cảnh sinh hoạt bình thường của người thôn quê trở thành đối tượng phản ánh của thơ ca. Có nhận xét cho rằng Nguyễn Khuyến chính là nhà thơ viết về nông thôn số một của văn học dân tộc. Nông thôn Việt Nam không phải chỉ đến Nguyễn Khuyến mới xuất hiện mà là khi đến với Nguyễn Khuyến văn học mới thật sự bước xuống đồng ruộng, đến với người dân nơi thôn dã và từ cuộc sống lam lũ đó thơ ca mới trở nên chân thực, chi tiết, sinh động đến như vậy. Đó là hình ảnh của một con trâu, một mái nhà tranh, một người nông phu…Trước đây, nhiều bài thơ cũng từng có sự hiện diện của hình ảnh người nông dân. Trong Hồng Đức quốc âm thi tập:

                  Năm canh bố cốc [tu hú] tiếng kêu om,

                      Leo lẻo canh phu [thợ cày] sớm đã nom.

                      Gió ngàn xanh xoay nón lệch,

                      Mưa núi lục cúi lưng khom…

                      Tấc đất tấc vàng yêu bấy tá,

                      Mồ hôi dồn dọi thuở đầu mom.

                                        Vịnh người đi càyLê Thánh Tông

Viết về người nông dân nhưng dường như hình ảnh của họ hiện lên không giống trong thực tế, quang cảnh đồng quê ở đây cũng trừu tượng và ước lệ.

Còn với Nguyễn Khuyến, hình ảnh người nông dân hiện lên chân thật tưởng chừng như ta đang nhìn thấy giữa đời thường chứ không phải qua những câu chữ trong thơ:

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa

Chợ búa trầu chè chẳng giám mua

Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,

Bao giờ cho biết khỏi đường lo?

                                     Làm ruộng

Vị quan đại thần ấy cúi xuống cuộc sống vát vả của người nông dân mà hiểu đến chân tơ kẽ tóc của họ:

“Thửa mạ rạch ròi chân xấu tốt

Đấu lương đo đắn tuổi non già”

                             Cáo quan về ở nhà

Sự trở về vườn Bùi của Tam nguyên Yên Đổ là sự thể hiện sáng rõ của một nhân cách, là sự bất hợp tác với kẻ thù dân tộc. Trở về với làng quê là tìm về với sự thanh thản của cõi lòng, để quên đi những dằn vặt đớn đau, để trở về hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của nhân dân lao động.

Nguyễn Khuyến đã tìm thấy trong thiên nhiên, trong cuộc sống lam lũ của người nông dân quê ông sự thanh thản xủa tâm hồn, niềm lạc quan yêu đời và những tình cảm xóm làng trong sáng trong những ngày cô đơn cuối đời. Ngày ông lên lão, bà con chòm xóm tụ tập vui vầy:

“Anh em làng xóm xin mời cả

Xôi bánh trâu heo cũng gọi là,

Chú Đáo bên làng lên với tớ,

Ông Từ ngõ chợ lại cùng ta…”

                             Lên lão

Bài thơ mang niềm vui của tác giả khi mừng lên lão, bạn bè chòm xóm góp vui. Làng quê tuy nghèo mà con người vui vầy biết bao. Có câu nói “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” để những khi hoạn nạn, nỗi khó nhọc có thể vơi bớt và giờ đây khi niềm vui đến, xóm giềng qua góp vui thì niềm hân hoan ấy lại được nhân lên gấp bội. Người nông thôn nghèo khó về vật chất nhưng giàu có về tinh thần là vậy. Có thể nói trong số các thi hào dân tộc, Nguyễn Khuyến là người sống hòa nhập nhất với người nông dân chân lấm tay bùn. Rõ ràng cụ Tam nguyên đáng kính không chỉ dành những tình cảm quý giá ấy riêng cho vợ con, bạn bè thân thiết mà vẫn với những tình cảm thân thiết như vậy cụ đã thân thiện trao cho những người dân nghèo khó quê mình.

Có thể khẳng định Nguyễn Khuyến là một trong những cây đại thụ của nền văn chương nước nhà. Mà cây đại thụ ấy thành công nhiều với những vần thơ viết về tình cảm thôn quê. Những vần thơ ấy không những thể hiện được cái tài mà còn truyền tải được tình yêu của nhà thơ đối với quê hương và khi đọc những vần thơ ấy lên, ai trong chúng ta cũng dâng nên những cảm xúc đẹp cuả tình quê, tình người thật nhân văn. Đó chính là sự thành công lớn của Nguyễn Khuyến trên con đường văn chương.

Chính hành động trở về vườn cũ đã giúp Nguyễn Khuyến gần gũi với nhân dân, bỏ dần những tư tưởng trung quân lỗi thời, bớt đi những ảnh hưởng văn chương cung đình xa rời cuộc sống, hạn chế những tầm chương trích cũ,những ước lệ tượng trưng sáo rỗng. Mặt khác, Nguyễn Khuyến đã kế thừa những tinh hoa của văn chương truyền thống kết hợp với những sáng tạo đậm dấu ấn cá nhân để đem lại cho nền văn chương nước nhà những tác phẩm có giá trị.

Lòng yêu nước thể hiện rõ nhất khi gắn bó với mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Nguyễn Khuyến trở về quê là để yêu quê, yêu làng, yêu nước qua cuộc sống bình dị bên dân quê và cảnh quê. Một tình cảm gắn bó như vậy với quê hương cần biết bao nhiêu. Hãy đọc thơ Nguyễn Khuyến để tìm cho mình những rung động, những tình cảm chân thành đối với quê hương, đất nước, con người Việt Nam qua những vần thơ ăm ắp tình quê mà tác giả gửi gắm.

Video liên quan

Chủ Đề