Vì sao gọi là viêm não nhật bản

Viêm não Nhật Bản là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em các nước châu Á. Tại sao gọi là viêm não “Nhật Bản”? Bởi vì chính tại nước Nhật người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên do tác nhân này vào năm 1935. Theo thời gian, bệnh phát triển, lưu hành và gây dịch ở các đảo Tây Thái Bình Dương, các nước ở phía Bắc và Đông Nam châu Á… trong đó có Việt Nam. 

1. Dịch tễ học bệnh viêm não Nhật Bản

Trên bản đồ dịch tễ, viêm não Nhật Bản hoành hành ở hai vùng:

  • Vùng thứ 1: Nơi có khí hậu ôn đới ví dụ miền Bắc Việt Nam. Những trận dịch lớn thường xảy ra vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 10.
  • Vùng thứ 2: Nơi có khí hậu nhiệt đới ví dụ miền Nam Việt Nam. Bệnh xuất hiện quanh năm, bắt đầu tăng vào mùa mưa.

Một số thông tin cơ bản khác về bệnh:

  • Hầu hết các trường hợp nhiễm viêm não Nhật Bản ở người không có triệu chứng hoặc gây ra sốt không đặc hiệu.
  • Ít hơn 1% các trường hợp dẫn đến bệnh thần kinh có triệu chứng.

Khi bệnh thần kinh xảy ra này thường rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh nếu không tử vong có thể gặp phải di chứng thần kinh.

2. Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là bệnh do một loại vi rút thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra. Vi rút viêm não Nhật Bản xâm nhập vào cơ thể con người qua vết đốt của muỗi truyền bệnh.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 8 lý do khiến bạn dễ bị muỗi đốt

3. Trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Vi rút viêm não Nhật Bản được nhân lên trong một chu kì giữa muỗi và vật chủ khuếch đại, chủ yếu là lợn [heo] và chim cao cẳng. Số lượng vi rút phát triển tăng lên đủ số lượng cần thiết trong vật chủ. Tiếp theo sẽ truyền từ vật chủ này sang vật chủ kia qua trung gian muỗi đốt.

Người là vật chủ ngẫu nhiên, và vi rút này sẽ không phát triển đến các giai đoạn mong muốn. Do đó, muỗi không truyền vi rút trực tiếp từ người này sang người khác.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh truyền nhiễm là gì và những căn bệnh phổ biến cần lưu ý

Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản

Có jơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh vi rút viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex tritaeniorhynchus. C. tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác. Đây là muỗi cắn vào buổi tối và ban đêm.

Nguy cơ nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản thì cao nhất ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Một số trường hợp viêm não Nhật Bản đôi khi được báo cáo từ các khu vực thành thị.

4. Các biểu hiện lâm sàng

Biểu hiện nặng nề nhất của nhiễm vi rút viêm não Nhật Bản là viêm não cấp tính. Các dạng bệnh nhẹ hơn như viêm màng não vô khuẩn hoặc sốt không đặc hiệu kèm theo đau đầu thường xảy ra nhiều hơn.

Sau thời gian ủ bệnh từ 5 – 15 ngày, các triệu chứng ban đầu thường không đặc hiệu và có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Nghiêm trọng sau đó là đau đầu
  • Nôn mửa và suy nhược toàn thân.

Trong vài ngày tới, tình trạng tâm thần thay đổi bao gồm:

  • Hành vi bất thường
  • Rối loạn tâm thần cấp
  • Liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ

Nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê và một số cần hỗ trợ thở máy.

5. Chẩn đoán viêm não Nhật Bản

Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản

Xét nghiệm thường quy

  • Giảm tiểu cầu
  • Thiếu máu nhẹ 
  • Men gan tăng cao 
  • Tăng bạch cầu [vừa phải ở hầu hết các bệnh nhân]

Xét nghiệm không đặc hiệu 

  • Đối với bệnh nhân rối loạn tri giác, điều bắt buộc phải thực hiện là chọc dò thắt lưng lấy dịch não tủy xét nghiệm.
  • Áp lực mở của dịch não tủy tăng ở khoảng 50% bệnh nhân.
  • Tế bào dịch não tủy tăng nhẹ đến trung bình từ 10 đến vài trăm tế bào bạch cầu /mm3 với ưu thế tế bào lympho, protein tăng nhẹ và tỷ lệ glucose bình thường so huyết tương.
  • Ở giai đoạn sớm của bệnh, có thể không có tăng sinh tế bào hoặc bạch cầu đa nhân trung tính có thể chiếm ưu thế.

Xét nghiệm hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ nhạy hơn so với chụp cắt lớp vi tính, để phát hiện các bất thường liên quan đến viêm não Nhật Bản như:

  • Thay đổi ở đồi thị, hạch nền, trung não, cầu não và tủy
  • Đo điện não đồ để ghi nhận sự ức chế hoạt động não

Xét nghiệm huyết thanh học

Xét nghiệm chẩn đoán dựa vào chẩn đoán huyết thanh học bằng cách phát hiện các kháng thể IgM đặc hiệu của vi rút viêm não Nhật Bản trong dịch não tủy hoặc máu.

  • Sự hiện diện của kháng thể IgM đặc hiệu trong dịch não tủy xác nhận nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương gần đây.
  • Xét nghiệm dương tính nhiều nhất từ ngày năm đến ngày tám sau khi khởi phát bệnh.
  • Kháng thể IgM trong huyết thanh gợi ý nhiễm hoặc tiêm vắc xin gần đây, cũng có thể là nhiễm chéo với các tác nhân khác cùng họ như sốt xuất huyết…
  • Kết quả thường dương tính ít nhất chín ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
  • Nếu vẫn nghi ngờ viêm não Nhật Bản và các xét nghiệm này âm tính, nên lấy mẫu huyết thanh lần hai.
  • Xét nghiệm tìm vi rút trong máu hoặc dịch não tủy có độ nhạy rất thấp.
  • Bởi vì con người có mức độ nhiễm vi rút thoáng qua và mức độ kháng thể trung hòa cao vào thời điểm các triệu chứng lâm sàng xuất hiện.

6. Điều trị viêm não Nhật Bản

Điều trị bệnh viêm não Nhật Bản

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu viêm não Nhật Bản và hiện nay chỉ điều trị hỗ trợ. Chính vì vậy khi bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản thì tỉ lệ tử vong cao và di chứng về thần kinh sau này.

7. Tiên lượng bệnh viêm não Nhật Bản

Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thể viêm não nhập viện là khoảng 20 – 30%, thường xảy ra sau một thời gian hôn mê kéo dài. Trong số những người sống sót, di chứng thần kinh xảy ra trong ít nhất 30 – 50%.

Các di chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Các vấn đề tâm thần và co giật tái phát
  • Suy giảm nghiêm trọng về nhận thức hoặc ngôn ngữ
  • Khó khăn trong vấn đề học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội, trở lại với cuộc sống trước khi mắc bệnh

8. Phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản

Virus lây qua trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Vì vậy, để phòng bệnh, mọi người cần:

  • Không nên cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng, ăn chín, uống chín
  • Nên ngủ màn cả ban ngày và ban đêm đề phòng muỗi đốt
  • Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu
  • Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh

Các biện pháp bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa muỗi đốt rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Việc tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh tốt nhất.

Theo thống kê và nghiên cứu, trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản cao nhất. Để phòng ngừa một cách tốt nhất, trẻ nên được tiêm mũi nhắc lại theo định kỳ 3 năm/lần cho đến khi đủ 15 tuổi. 

9. Thời gian hiệu lực của vắc xin

Khả năng miễn dịch với viêm não Nhật Bản sẽ tăng dần theo từng mũi tiêm [80% ở mũi thứ 2 và 90 – 95% sau khi tiêm đủ 3 mũi].

Trẻ nhỏ từ đủ 12 tháng tuổi nên được tiêm vắc-xin ngay. Hiện tại Việt Nam có 2 loại vắc-xin viêm não Nhật Bản đang sử dụng là:

Vắc xin Jevax 1ml

Được nghiên cứu và phát triển bởi trường Đại học Osaka [Nhật Bản]. Phác đồ tiêm 3 mũi cơ bản: 

  • Mũi 1: tiêm thời điểm bất kỳ cho đối tượng ≥ 12 tháng tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi 1 từ 1 – 2 tuần.
  • Mũi 3: sau mũi thứ 2 khoảng 1 năm.
  • Mũi nhắc: Tuy nhiên không có nghĩa tiêm đủ 3 mũi này là trẻ có thể hoàn toàn miễn dịch với bệnh viêm não Nhật Bản.

Vắc xin Imojev 0,5ml

Được phát triển bởi công ty Sanofi Pasteur [Pháp], là vắc xin thế hệ mới được chỉ định phòng bệnh Viêm não Nhật Bản cho người lớn và trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên [chưa tiêm vắc-xin Jevax lần nào]:

  • Mũi 1: là mũi tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách 1 năm sau mũi đầu tiên.

Người tròn 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất. Trường hợp trẻ đã tiêm vắc xin Jevax trước đó, muốn chuyển đổi sang tiêm Imojev:

  • Nếu đã tiêm 1 mũi Jevax: tiêm 2 mũi Imojev, trong đó mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm tối thiểu 2 tuần.
  • Nếu đã tiêm 2 mũi Jevax: tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 1 năm.
  • Nếu đã tiêm 3 mũi Jevax: tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 3 năm.

Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa chủ động được bằng cách tiêm vắc-xin. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Hãy tiêm vắc-xin ngay khi có thể để bảo vệ sức khỏe cho những người thân xung quanh mình nhé!

Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang

Video liên quan

Chủ Đề