Trò chơi phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non

Giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non là một nhiệm vụ cần thiết và rất quan trọng góp phần phát triển xúc cảm, tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ. Để hướng tới xây dựng Lớp học hạnh phúc thì con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất đòi hỏi giáo viên phải biết tạo môi trường và cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực, giúp trẻ phát triển tình cảm và thái độ của trẻ với mọi người xung quanh, đồng thời giúp trẻ tự tin, chủ động thể hiện tình yêu thương, quan tâm đến mọi người, tạo cho trẻ cảm giác yêu thích đến trường, biết cách xử lý các tình huống trong cuộc sống, biết kiểm soát cảm xúc, biết thể hiện tình cảm và đáp lại tình cảm của mình với bạn bè, cô giáo, người thân.

Trò chơi phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non

Trò chơi phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non

Trong thực tế, trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi, có nhiều trẻ rất thân thiện,biết thể hiện tình cảm vui vẻ với cô và các bạn, biết chia sẻ, quan tâm và chơi đoàn kết với các bạn. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn một số cháu nhút nhát, e dè ít nói; Cá biệt có trẻ lại quá nghịch ngợm, chưa biết quan tâm đến các bạn, chưa có kỹ năng giao tiếp... Xuất phát thực tế trẻ ở lớp, tôi luôn nghĩ làm thế nào để phát huy điểm mạnh và khắc phục hạn chế cho từng trẻ..

Để khắc phục được những hạn chế đó, tôi đã nghiên cứu và mạnh dạn đưa ra một số biện pháp Giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội qua chế độ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi như sau:

Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội.

Khi xây dựng kế hoạch tôi đã lựa chọn 7 cảm xúc cơ bản, giúp trẻ nhận biết cảm xúc vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên, sợ hãi và các cảm xúc khác như: xấu hổ, bối rối, tự hào;

Sau đó cần xác định mục tiêu và nội dung phát triển xúc cảm, tình cảm, kỹ năng xã hội phù hợp đối tượng trẻ và các chủ đề trong chương trình Giáo dục Mầm non.

Lấy trọng tâm của kế hoạch là Lớp học hạnh phúc để cô và trò cùng nhau thay đổi, cùng tạo cảm xúc yêu thương, cô tư duy tích cực, hiểu trẻ, tôn trọng trẻ để thay đổi bản thân quan tâm, trò chuyện, yêu thương trẻ nhiều hơn; giúp trẻ có cơ hội để bộc lộ tình cảm, cảm xúc vui vẻ thoải mái, có hành vi đẹp khi đến lớp.

Biện pháp 2. Phát triển giáo dục tình cảm và kĩ năng xã hội cho trẻ trong giờ đón trẻ và trả trẻ.

Mỗi khi đón và trả trẻ tôi luôn thể hiện tình cảm, ánh mắt, nụ cười khi đón trẻ và có cử chỉ, lời nói yêu thương, để trẻ cảm nhận được tình cảm của cô dành cho trẻ là chân thành và cảm nhận cô yêu trẻ thực sự,.

Đồng thời, kết hợp dạy trẻ nói lời chào cô, chào bố mẹ và thể hiện tình cảm, thái độ vui vẻ khi chào; Tôi luôn quan tâm đến những trẻ e dè, nhút nhát, ít nói, giúp trẻ biết bộc lộ cảm xúc của mình và có thái độ mạnh dạn hơn khi giao tiếp.

Khi trẻ đến lớp, tôi hướng dẫn trẻ cất đồ dùng đúng nơi quy định và đến các góc chơi cùng chơi với bạn.

Ở thời điểm đón, trả trẻ, tôi tranh thủ trò chuyện, trao đổi với trẻ về cảm xúc buổi sáng niềm vui, nỗi buồn của trẻ khi đến lớp, gặp cô và các bạn..để giúp trẻ tự tin hòa đồng với với cô và các bạn.

Biện pháp 3: Giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ thông qua hoạt động học.

Đây là một phương pháp hiệu quả nhất giúp trẻ phát triển tình cảm, xúc cảm và kỹ năng xã hội chuyên sâu qua giờ hoạt động học.

Trong các hoạt động học của tôi luôn quan tâm để thiết kế các bài dạy phù hợp với các nội dung giáo dục, giúp trẻ nhận biết, biết thể hiện tình cảm, xúc cảm với cô, với bạn và các kỹ năng xã hội cho trẻ (VD tiết dạy Bé với cảm xúcvui, buồn; Ánh mắt và nụ cười yêu thương). Ở mỗi tiết dạy, tôi chú ý lắng nghe trẻ, hiểu tâm lý trẻ và kịp thời đáp ứng những mong muốn tích cực của trẻ; dạy trẻ biết thể hiện. mối quan hệ thông qua học và chơi. Kịp thời khen ngợi, động viên trẻ với trẻ hay tranh dành đồ chơi của bạn hoặc hay tức giận, tôi luôn nhẹ nhàng dạy trẻ biết kiểm soát cảm xúc của mình và tạo cảm xúc vui vẻ cho trẻ; những trẻ nhút nhát giúp trẻ mạnh dạn tham gia các trò chơi tập thể.

Ngoài ra, tôi còn đưa các nội dung tiết dạy giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội lồng ghép, tích hợp vào các lĩnh vực giáo dục khác để giúp trẻ thể hiện cảm xúc phù hợp và củng cố các kỹ năng xã hội của trẻ được tốt hơn.

Ví dụ: Trong lĩnh vực giáo dục thể chất: Rèn cho trẻ kỹ năng biết xếp hàng, chờ đến lượtrèn nền nếp trong học tập.

Ở lĩnh vực phát triển ngôn ngữ: Giáo dục tình cảm qua bài thơ Giữa vòng gió thơm, giáo dục trẻ biết quan tâm đến bà, đến người thân... hay thông qua câu chuyện, Bông hoa Cúc trắng giáo dục trẻ biết thể hiện niềm vui nỗi buồn sự sợ hãi thông qua nhân vật cô bé.

+ Lĩnh vực thẩm mỹ: Trong các giờ dạy giáo dục âm nhạc, tôi giáo dục trẻ tình yêu thương, vui vẻ qua các bài hát; giúp trẻ biết thể hiện tình yêu bạn, cô, trường, lớp và gia đình. Thông qua giờ dạy tạo hình giúp trẻ biết cảm nhận cái đẹp qua những sản phẩm của trẻ, của cô.

Biện pháp 4: Giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ thông qua hoạt động góc.

Thông qua hoạt động góc tôi giúp trẻ biết thể hiện tình cảm, thái độ phù hợp với từng vai chơi, góc chơi, gọi bạn cùng chơi và chơi tích cực.

Tôi chủ động gợi ý, tư vấn, định hướng cho trẻ chơi cùng bạn, lắng nghe ý kiến của bạn, chia sẻ niềm vui với bạn, học cách cư xử, hợp tác với bạn.

Ví dụ: Trẻ chơi trò chơi bác sĩ, ở góc phân vai; Trẻ biết bác sĩ khi khám bệnh cho bệnh nhân thì thái độ phải vui vẻ, niềm nở và ân cần; còn cô y tá khi tiêm và cấp phát thuốc phải nhẹ nhàng, ân cần, dặn bệnh nhân uống thuốc đúng giờ; bệnh nhân phải biết ngồi chờ khám theo lượt...

Qua trò chơi đóng vai mẹ con giúp trẻ phát triển cảm xúc biết thể hiện tình cảm mẹ con qua vai chơi.

Biện pháp 5: Giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ thông qua hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh, hoạt động nêu gương

Tôi luôn chú ý rèn trẻ mỗi ngày ăn, uống, ngủ, vệ sinh có nề nếp hơn. Rèn kỹ năng tự phục vụ như rửa tay đúng cách, lau mặt sạch sẽ trước và sau khi ăn; cùng cô sắp xếp bàn ăn, giúp cô chuyển xuất cơm về bàn ăn cho các bạn và giúp cô thu dọn bàn ghế sau khi ăn; rèn trẻ các hành vi văn minh trong ăn uống như: biết cầm thìa, bát đúng cách, ăn và nhai, uống nước từ tốn, ăn hết xuất không bỏ cơm, đi vệ sinh đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, tôi còn luôn động viên, khích lệ trẻ bằng cách nêu gương những bạn tích cực, tiến bộ trong học tập, vui chơi và biết chia sẻ, giúp đỡ bạn; vào cuối buổi, cuối tuần tổ chức cho các bạn có thái độ, hành vi đẹp, tích cực trong ngày lên cắm cờ, tạo cho trẻ cảm xúc phấn khởi, tự hào với các bạn bè.

Biện pháp 6: Công tác tuyên truyền phối hợp với phụ huynh

Để nội dung giáo dục TC KNXH đạt hiệu quả tôi đã tuyên truyền tới phụ huynh cùng giáo dục TCKNXH cho trẻ bằng cách mời phụ huynh tham dự các tiết dạy về giáo dục TCKNXH, hướng dẫn phụ huynh thường xuyên nhắc trẻ, giúp trẻ biết chào hỏi, biết cảm ơn khi được người lớn giúp đỡ, biết xin lỗi khi làm việc chưa đúng, biết nói lời yêu thương với ông bà, bố mẹ và người thân...

Hướng dẫn phụ huynh vào trang webside của nhà trường để nghiên cứu tìm hiểu các nội dung giải pháp giáo dục TCKNXH cho trẻ

Xây dựng góc dành cho phụ huynh ngay tại cửa ra vào của lớp để tất cả các bậc phụ huynh đều nắm được.

Trên đây là một số biện pháp về giáo dục tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi trong trường mầm non.