Thực trạng được mùa rớt giá và các giải pháp

TPO - Xây dựng vùng trồng, kết nối giao thương, chế biến sâu… chính là những cách làm được nhiều doanh nghiệp, nông dân ứng dụng để giải bài toán “được mùa mất giá”.

Chỉ trong 2 tháng gần đây, hàng loạt trái cây kêu gọi giải cứu như mít, xoài, bưởi, khoai lang tím…

Cụ thể, khoai lang tím bán tại vườn chỉ có giá từ 1.000-2.000 đồng/kg vẫn không có người mua. Nguyên nhân, khoai lang tím xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng thị truờng này tạm thời ngưng nhập khẩu. Nhất là khi một số tỉnh ĐBSCL xuất hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng động, nhiều thương lái và chuyên gia Trung Quốc không sang được Việt Nam để thu mua khiến giá khoai lang càng rớt thảm.

Để hạn chế câu chuyện "được mùa mất giá", các chuyên gia cho rằng cần quy hoạch lại vùng trồng, có phương án chế biến sau thu hoạch...

Xoài Úc trước đây có giá 40.000-50.000 đồng/kg, nay sau khi thu hoạch, chở lên Sài Gòn bán với giá chỉ 15.000 đồng/kg. Ngoài ảnh hưởng do dịch không thể xuất khẩu, còn có phần kéo giá rẻ do số lượng xoài Úc tăng đột biến.

Hay hiện tại, mít Thái bán tại các chợ lẻ ở Sài Gòn chỉ có giá 8.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mít Thái được nông dân bán tại vườn với giá vài ngàn đồng/kg, so với đợt thu mua gần đây nhất có giá 50.000-70.000 đồng/kg.

Theo lý giải của nhiều nông dân, các loại nông sản như khoai lang tím, dưa hấu, thanh long, xoài mít… đều là những loại cây ngắn ngày, rất dễ trồng, vốn ít, năng suất cao nên nhanh thu lợi nhuận. Tuy nhiên, đa số thương lái thu mua nông sản của nông dân phần lớn đều thỏa thuận miệng mà không có hợp đồng, chỉ đặt cọc ít tiền để làm tin. Do đó, khi có chuyện xảy ra, thường lái dễ “lật kèo”, nông dân lãnh đủ.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT công ty Vinamit

Chia sẻ câu chuyện “được mùa mất giá”, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT công ty Vinamit cho rằng, muốn giải bài toán này phải có chiến lược quốc gia, sự đồng lòng của doanh nghiệp, nông dân…

“Phải có chiến lược, có khâu chế biến, công nghệ bảo quản chứ không thể sản xuất ra nhiều thì bán đổ bán tháo. Cần kết hợp quy trình từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ. Những doanh nghiệp quan tâm đến chế biến, đầu tư nhiều vào công nghệ thì sẽ thoát được tình cảnh “hàng đầy đồng mà không ai mua” – ông Viên nhìn nhận và đề nghị, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi vay cho nông nghiệp từ 1-2%, nhằm khuyến khích các trang trại, doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống máy móc, nhà xưởng bảo quản và công nghệ chế biến.

Một yếu tố khác, doanh nghiệp cần nắm rõ thông tin thị trường. Đơn cử, đối với thị trường nông sản TPHCM thường tiêu thụ nhiều vào dịp cuối tuần; còn những ngày trong tuần mãi lực giảm khoảng 30%. Nếu nắm được nhu cầu, doanh nghiệp sẽ phối hợp với HTX, nông dân giảm sản lượng hoặc tăng cường đưa vào chế biến sâu như làm bột, nước ép… Dĩ nhiên để làm được điều này, doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi liên kết bền vững và không thể một sớm một chiều.

Để hạn chế nông sản dư thừa, bà Ngô Tường Vy - Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu [Bến Tre] cho rằng, ngoài chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp nên phối hợp với các bộ ngành để nắm thông tin thị trường kịp thời.

Bà Vy nhìn nhận, bất chấp dịch đang phức tạp, nhiều mặt hàng nông sản rớt giá nhưng sầu riêng vẫn duy trì được mức giá khá cao, như sầu riêng Ri6 thu mua tại vườn có giá từ 35.000-40.000 đồng/kg, Monthong từ 35.000-65.000 đồng/kg, đủ để nông dân có lãi.

“Năm ngoái, chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ thì nay có nhiều đơn hàng sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và cả Thái Lan với mặt hàng chính là sầu riêng cấp đông. Nhìn chung, nhu cầu thế giới đối với mặt hàng này còn cao, cung chưa đủ cầu, cơ hội của hàng Việt Nam còn lớn dù đi sau các nước có truyền thống về sầu riêng như Malaysia, Thái Lan” - bà Vy cho biết.

Bên cạnh việc xuất khẩu trái cây tươi, Công Ty Chánh Thu sắp tới còn đầu tư chế biến sầu riêng để cạnh tranh được với các sản phẩm của Malaysia, Thái Lan. “Để nông sản có đầu ra ổn định cần phải quy hoạch lại vùng nguyên liệu. Các tỉnh nên lựa chọn sản phẩm đặc trưng, phù hợp với thị trường; đồng thời liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định” - bà Ngô Tường Vy - Phó giám đốc Công ty Chánh Thu chia sẻ.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm [số liệu thống kê sơ bộ đến ngày 18-6], đạt khoảng 2,063 tỉ USD, tăng 17,4 % so với cùng kỳ 2020, dự báo hết năm 2021, xuất khẩu toàn ngành sẽ vượt mức 4 tỉ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Siêu thị TPHCM đảm bảo hàng hóa ở những nơi phong tỏa

Đưa nông sản quê lên… sàn khởi nghiệp

Nghịch lý trái cây: 'Nội' giải cứu, 'ngoại' xếp hàng chờ mua

Uyên Phương

Cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” trong nông nghiệp

09/06/2017

Ngày 9/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên cả nước.

Event:

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt- tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam

Một trong những nội dung cử tri cả nước và các đại biểu rất quan tâm đó là vấn đề thực trạng phát triển nông nghiệp hiện nay. Theo như đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt- tỉnh Lâm Đồng, trong những năm gần đây, cử tri rất phấn khởi trước những kết quả đạt được của nền nông nghiệp nước nhà, hàng hóa nông sản không chỉ đáp ứng cho nhu cầu về lương thực, về thực phẩm cho nhân dân, đảm bảo lương thực của quốc gia mà còn xuất khẩu ra thị trường của nhiều nước trên thế giới. Ngành nông nghiệp từng bước thể hiện là ngành quan trọng và chúng ta có lợi thế so sánh trong ngành kinh tế của đất nước cả hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế.

Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”

Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt- tỉnh Lâm Đồng cho rằng, mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đang bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và giá trị của hàng nông sản. Cử tri, nhất là nông dân vẫn đang rất lo lắng trước thực trạng sản lượng cao, dẫn đến nguồn cung dư thừa và điệp khúc buồn, được mùa rớt giá luôn lặp đi, lặp lại.

Trong thời gian qua, các biện pháp tình thế, giải cứu hàng nông sản lại được đặt ra nhưng chưa thể làm yên lòng bà con nông dân, có một số nông sản khác được giá xong mất mùa do tình trạng sâu bệnh hoành hành và chúng ta không kịp thời giải quyết, khắc phục. Tình trạng trên có phần do đa số bà con nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta còn nhiều hạn chế dẫn đến giá trị nông sản thấp thu nhập của một bộ phận nông dân chủ yếu vẫn là lấy công làm lời.

Đồng ý với điều này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương- tỉnhNinh Thuận cho rằng, hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm, đa số nông dân vẫn chật vật lo toan với nhiều nỗi gian truân, bài ca "được mùa mất giá, được giá mất mùa" đã quá quen thuộc được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép. Nhiều năm qua hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu, giờ lại đến thịt lợn, trứng gà, bí đỏ, chuối và tới đây danh sách nông sản ế thừa chắc còn kéo dài nữa. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi, đáng tiếc trong báo cáo của Chính phủ không đánh giá cụ thể về việc này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận lại cho rằng,trong vấn đề tăng trưởng kinh tế hiện nay, nút thắt lớn nhất chủ yếu vẫn do tăng trưởng không tốt từ khu vực sản xuất, đặc biệt là khâu chế biến. Với thực trạng hiện nay, giá một số mặt hàng không ổn định như giá thịt lợn hơi, giá tiêu, giá trứng giảm mạnh gây thiệt hại lớn cho người sản xuất. Giải pháp của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi lợn là giải pháp tức thời, để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.

Cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và liên kết 3 nhà

Trước thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp, nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị để giúp nông dân giải quyết bài toán này.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Văn Việt- tỉnh Lâm Đồng đề nghị, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản như ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nông nghiệp đã từng đề xuất doanh nghiệp hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp. Chính sách này để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt phải có cơ chế để phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đây là khâu quan trọng để chúng ta giải quyết bài toán về giá trị hàng nông sản, một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán được mùa mất giá mà chúng ta thường gặp trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, theo đại biểu, cần xây dựng khung chính sách rõ ràng tạo điều kiện cho các địa phương đẩy mạnh các hoạt động liên kết nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và ngânhàng. Mục tiêu là làm sao quy hoạch được vùng nguyên liệu đủ để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các loại nông sản theo đó việc tập trung tích tụ đất đai liên kết giữa các hộ nông dân là những giải pháp cần phải tính đến. Đồng thời cần có chính sách mạnh mẽ trong khuyến khích thu hút đầu tư, đẩy mạnh việc phát triển công nghệ chế biến, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng xúc tiến quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để chúng ta tiêu thụ sản phẩm có tính đến các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng nông sản.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch ngành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn có tiềm năng xuất khẩu tốt, có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp, ứng dụng kĩ thuật công nghệ hiện đại, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới để thực hiện liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông dân Việt Nam, góp phần giảm dần sản xuất manh mún, tự phát của hộ gia đình, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy- tỉnh Tuyên Quangphátbiểu tại hội trường Ảnh: Đình Nam

Cũng trăn trở với những khó khăn của nông dân, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy- tỉnh Tuyên Quang cho rằng, cần tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng đảm bảo phục vụ cho hoạt động sản xuất, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có chính sách đặc thù cụ thể để xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ ổn định, đảm bảo lợi ích chung của cộng đồng, của người dân, của doanh nghiệp và nhà nước.

Đặng Mai

Video liên quan

Chủ Đề