Thế nào là chỗ dựa tinh thần

Trên thế giới này, người nào cũng đều rất bận rộn, không có ai có thể luôn bên cạnh bạn. Trong xã hội ngày nay, ai ai cũng thấy mệt mỏi, sẽ có rất ít người mỗi phút mỗi giây đều quan tâm tới bạn.

Sẽ không có ai luôn luôn giúp đỡ bạn mỗi lúc gặp ưu phiền, vậy tại sao cứ phải đi khắp nơi tìm kiếm sự an ủi? Sẽ không có người luôn luôn thay bạn chắn gió che mưa khi giông bão ập tới, vậy tại sao cứ phải tìm người để gửi gắm hy vọng?

Không phải tất cả ủy khuất chúng ta phải chịu đều có người thấu hiểu, nếu đã như vậy chi bằng đem tất cả biến thành nước mắt, khóc xong rồi cuộc sống tươi đẹp vẫn ở phía trước; không phải mọi sự mệt mỏi đều sẽ có người sẽ vì ta mà đau lòng, nếu đã vậy không cần lúc nào cũng phải nói ra, khó khăn qua đi lại sẽ là một lần trưởng thành.

Chúng ta không còn là những đứa trẻ, té ngã có người đỡ nâng, cần người dỗ dành, tự bản thân phải đứng dậy, phủi sạch bụi, kiên cường bước tiếp; chúng ta cũng không phải là người già, lúc bệnh cần đưa thuốc, đưa canh, chính mình phải tự đứng dậy kiểm tra nhiệt độ cơ thể, rồi lại quay về với guồng quay công việc.

Đừng cố gắng tìm kiếm sự an ủi mà lúc nào cũng phải đem khó khăn của mình nói với người khác, không ai có thể thay ta làm những chuyện ta nên làm; cũng đừng vì muốn nhẹ lòng mà suốt ngày than nghèo kể khổ với người khác, sự vui vẻ mà bạn muốn không ai có thể cho được.

Lúc cô đơn, khi chúng ta chỉ có một mình; chúng ta có mất đi bất kỳ chỗ dựa nào, cũng vẫn phải sống thật tốt, cũng phải mỉm cười tới phút cuối.

Một mình chịu đựng nhưng khó khăn sẽ khiến chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn; lau đi giọt nước còn vương nơi khóe mắt, nụ cười của bạn sẽ càng tươi sáng hơn.

[Ảnh: Pixabay]

Trong thế giới rộng lớn này, sẽ không có người thứ 2 giống như bạn; trong xã hội có vô số người này, ai cũng đều rất bận rộn, mệt mỏi, không ai có thể thay bạn gánh vác tất cả, không có ai luôn luôn giúp bạn.

Không có nhiều tiền của, bạn có thể từ từ kiếm, không có xe chẳng có nhà, tự mình cố gắng dành dụm mua, nếu công việc nhàm chán vô vị, cũng phải tự mình kiên trì tới cùng.

Còn tình cảm mà thấy lạnh nhạt, vậy chọn cách quên đi. Người khác, dù là bất cứ ai cũng không phải là bạn, không sống cuộc đời của bạn, sẽ không hiểu cảm giác của bạn, càng không biết những khó khăn bạn gặp phải.

Khi phải chịu ủy khuất, không có người thấu hiểu, vậy hãy để nước mắt xóa sạch tất cả. Cuộc sống phải dựa vào chính mình, bỏ qua nguy hiểm, tươi cười bước tiếp. Người quan tâm bạn có thể giúp bạn một lần nhưng không thể giúp bạn cả đời.

Chúng ta đều là những người trưởng thành, đều phải tự lực cánh sinh. Dựa vào cha mẹ, có một ngày cha mẹ sẽ già yếu; dựa vào bạn bè, bạn bè cũng có lúc gặp phải khó khăn. Vấp ngã phải tự mình đứng dậy, lần sau mới cẩn thận hơn; thất bại cũng phải phấn chấn trở lại, thành công sẽ sớm tới với bạn.

[Ảnh: Shutterstock]

Phụ nữ dựa vào chính mình, sẽ không phải van xin quy lụy; đàn ông dựa vào bản thân, ý chí sẽ không bị mai một.

Dựa vào chính mình, mới có thể thoải mái vui cười, dựa vào bản thân, mới có thể sống một cách thật tươi đẹp! Mỗi chúng ta đều có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho chính mình!

Yến Nhi

Xem thêm:

Cha công tác xa nhà, những lần về phép ngắn ngủi là sự ngóng chờ pha chút thắc thỏm của mẹ, nhưng lại là nỗi lo lắng trong chúng tôi. Bởi cha về, sẽ diễn ra cuộc "đấu tố" của bà nội, tội của mẹ nó thế này, thế kia. Cha khó xử, đứng giữa hai bên để rồi đành nạt nộ mẹ, tạm làm bà hài lòng.

Cha về, là những bữa cơm yên ắng, hiếm khi cha âu yếm vỗ về, nguyên tắc kỷ luật thép cha áp dụng triệt để cho anh em tôi. Nhớ có lần, cha nói để cha chan canh rau muống [món tôi rất ghét ăn], bụng không hề thích nhưng đành rón rén đưa bát ra, nửa chừng tôi đổi ý rụt lại, muôi canh đổ văng ra mâm. Cha to tiếng mắng khiến anh em tôi nem nép, dè chừng.

Mùa hè năm đó, con em nhà cô tôi vào chơi. Chị em sàn tuổi nên chơi chuyền, đuổi bắt, trèo cây. Giữa một trưa oi ả, sau khi rủ nhau đi "sắm" bộ chuyền về, con em đành hanh lúc nô nghịch giơ chân đá chị, phản xạ là giơ tay ra đỡ, nhưng thật tiếc là khi đó tay tôi cầm con dao chặt sắc lẹm.

Máu chảy xối xả, con e gào khóc trong hoảng loạn. Tôi đứng chết trân nhìn và chỉ đến khi người lớn bế em vào băng bó, tôi mới run rẩy khi biết điều gì đang chờ mình. Cha cho tôi cái bạt tai bỏng má, thậm chí trong lúc tức giận, ông vớ ngay cái cán cuốc gần đó định đánh tôi. Nhưng may sao bà can kịp. Tôi lẻn ra bờ ao, tấm tức khóc và dè chừng, chỉ cần nghe tiếng ho của cha cũng khiến tôi sợ.

Lúc sau, chừng khi mọi thứ đã yên ổn, cha gọi tôi vào cho mấy cái kẹo, nghiêm giọng dặn từ giờ trưa k dc đi giễu nắng, phải nghe lời...tôi còn nhớ vị của chiếc kẹo đó, bởi nó lẫn cả những giọt nước mắt tủi thân, không tin nổi sao mình được "tha tội" nhanh như vậy.

Những ngày nghỉ phép, cha thường lôi tôi ra tắm, kỳ cọ sạch hết ghét, cáu bám vào người tôi sau bao vụ bơi sông tắm ao vùng vẫy. Tay cha chắc khoẻ, mỗi lần kỳ là chân tôi đỏ lựng. Sợ, đau nhưng k dám kêu, chỉ nín thinh chịu đựng.

Rồi cuối năm, dịp cha về phép, chúng tôi được giấy khen học sinh tiên tiến. Cha mang về hai "quả" cặp to đùng làm phần thưởng. Cái cặp kiểu valy, xấu, mỗi lần nhỡ tay là sách vở rơi tứ tung. Tôi ấm ức dùng, ấm ức phá cho nhanh hỏng để sang năm dc thay cái cặp ưng ý. Chả dám ho he gì với cha, đương nhiên...

Chúng tôi cứ thế co rúm, đứng từ xa nhìn cha và đương nhiên luôn mong hết phép, cha về đơn vị. Đến giờ, nhiều lúc nghĩ lại, chúng tôi đều ân hận vì sự ngây ngô, non dại của mình. Ngày cha lên đường, cả bà cả mẹ đều bịn rịn, mẹ luôn ra bờ sông ngóng về hướng con đường xuống tỉnh để chờ đợi, dõi theo bóng dáng cha đạp xe qua đến khi khuất hẳn mới thôi, thì chúng tôi reo hò, mừng rỡ vì thoát được gọng kìm kẹp.

Cha vắng nhà, quê mẹ xa. Mỗi lần về quê của mẹ là sự sắp xếp cân nhắc cả tháng trời. Chỉ 2-3 ngày nhưng với tôi là 2,3 thế kỷ. Có hai anh em ở nhà, tới bữa góp gạo cho bà thím nấu cơm cho ăn. Nhớ mẹ, tôi âm thầm khóc. Nhưng có bữa, đang ăn tôi cứ thế tu tu khóc, nước mắt chan đầy bát cơm. Không ai dỗ, cũng chẳng ai nói gì.

Chiều muộn, tôi ra cổng làng, mắt dán chặt vào những bóng người mặc áo hồng, hy vọng là mẹ nhưng họ đi thẳng, có rẽ về đường nhà mình đâu. Không phải mẹ, trời tối hẳn. Tôi lại lủi thủi đi về. Đêm đến, anh tôi dỗ, ngủ đi, mai mẹ về đấy, tôi càng khóc to hơn. Nỗi nhớ mẹ đối với tôi lớn hơn tất cả mọi nỗi nhớ trong cuộc đời.

Nhớ có bận, mẹ cũng bảo sẽ về quê. Trưa tan học, thất thểu xuống bếp định thu lu ở đó thì thật lạ, bếp ấm mùi rơm, cơm nước nấu đã tinh tươm hết. Tôi hớt hải chạy quanh tìm mẹ, đúng là mẹ vẫn ở nhà. Mẹ đi về từ ngõ, cười cười bảo gì đó nhưng tôi không cần quan tâm nữa, chỉ cần mẹ chưa đi đâu, thế là đủ..

Cha vắng nhà, mọi công việc đều phân chia cho chúng tôi từ rất sớm. Em út như tôi chả bao giờ được nhõng nhẽo hay giận hờn. Một lần, chỉ vì trót nói hỗn với mẹ một câu, anh tát tôi, đúng theo nghĩa "nổ đom đóm mắt". Làm anh, gánh vác đỡ đần cho mẹ nên anh tôi trầm ngâm, chín chắn, nghiêm nghị quá mức, luôn gườm gườm với tôi "mày mà láo thì cứ liệu hồn".

Rồi chúng tôi lớn, nhà tôi chuyển ra ở riêng, cha về hưu...nói ngắn gọn trong một câu chữ nhưng những biến động trong khoảng thời gian đó kể không thể hết.

Giờ thì tôi 31, anh tôi đã 34. Vẫn đăm chiêu ngẫm nghĩ mọi thứ về cuộc đời và thi thoảng gặp nhau, anh em cũng không quên nhắc lại chuyện xưa cũ. Gần đây, cha thêm tuổi, sức khoẻ yếu đi, mẹ sau trận ốm đầu năm gầy đi trông thấy. Chả nói ra nhưng trong lòng anh em tôi đầy lo lắng.

Cuộc sống vẫn cuốn đi. Có những điều chia sẻ được, nhưng có những điều giấu kín cho riêng mình. Nhân Ngày gia đình Việt Nam, điều tôi luôn thầm cầu mong là cha mẹ luôn mạnh khỏe. Mỗi tối gọi điện về, vui mồm hỏi “cơm có gì ăn không mẹ?”, mẹ cười giòn bảo “có thịt, đậu, canh, thế là ngon rồi”, rồi những câu chuyện nhỏ to mẹ đều rổn rảng kể.

Trải qua bao cung bậc cảm xúc, tôi hiểu ra rằng, chẳng cần những thứ vật chất hay tiền bạc, chỉ cần bố mẹ vui khỏe, sống lâu, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để chúng con được chỉ bảo, yêu thương và được nâng đỡ để vượt qua những giông bão cuộc đời.

Đoàn Huế

Video liên quan

Chủ Đề