Tại sao trong xã hội ngày nay ly hôn đang dẫn trò thành hiện tượng xã hội phổ biến

Tác giả: Thanh Lăng

[ChanhKien.org] Gia đình là tế bào cấu thành nên xã hội, là nền tảng của sự ổn định xã hội. Nhưng trong thời đại hiện nay, tình trạng ly hôn lại diễn ra khắp mọi nơi, theo các số liệu điều tra liên quan, số lượng người ly hôn mỗi năm tăng theo cấp số nhân, rất nhiều gia đình tan vỡ, giáo dục trẻ em bị lệch lạc nghiêm trọng, người già thiếu người chăm sóc và phụng dưỡng, số lượng người mắc bệnh trầm cảm tiếp tục tăng cao, áp lực tinh thần ngày càng lớn, dẫn đến toàn thể xã hội rơi vào trạng thái bất ổn, mọi người đều cảm thấy không an toàn. Gia đình không còn là bến đỗ bình an, rất nhiều người không thể tìm thấy chốn dừng chân trong gia đình nữa.

Từ cổ chí kim, không một triều đại nào có hiện tượng như ngày nay, vào cuối những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, nói đến chuyện ly hôn người ta đều cảm thấy rất xấu hổ, bẽ mặt, nhưng ngày nay dường như đã thành chuyện cơm bữa, người ta đều cảm thấy rất bình thường. Khi võ sư Lâm Ngữ Đường và Liêu Thúy Phượng kết hôn, Lâm Ngữ Đường nói: “Chỉ khi nào ly hôn thì giấy chứng nhận kết hôn mới có tác dụng, chúng ta hãy đem đốt đi, từ nay về sau không cần dùng đến nữa”. Đốt giấy chứng nhận kết hôn xong, hai người họ nương tựa vào nhau, bao bọc cho nhau, sống yêu thương nhau trọn đời không xa rời. Ngược lại, tài tử thời Quốc Dân đảng Từ Chí Ma, vì theo đuổi Lâm Huy Nhân mà kiên quyết ly hôn trong khi vợ đang mang bầu, mở ra tiền lệ cho việc ly hôn thời nay. Sau đó anh ta lại kết hôn với vợ của một người bạn và kết quả là cả hai đều không có được một kết thúc có hậu.

Vậy nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng ly hôn tràn lan trong thời hiện đại?

Truy tìm nguồn gốc, con người hiện đại đã không còn hiểu được nội hàm của hôn nhân nữa, càng không hiểu được sự thiêng liêng, nghiêm túc và vẻ đẹp của hôn nhân. Hôn nhân là sự ban tặng của Trời, là sự sắp đặt của ông tơ bà nguyệt, là dựa theo ân oán duyên phận đời đời kiếp kiếp của một người mà tác thành, hoàn toàn không giống như người ta tưởng tượng, phải là khi duyên phận đến thì hai người mới có thể kết nghĩa phu thê. Người xưa nói: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Vì thế, ly hôn trước hết là trái với thiên ý, phá hoại an bài của Thần dành cho cá nhân ấy. Nhưng hiện nay rất nhiều người mất đi tín ngưỡng, hoàn toàn không hiểu rằng hai người có thể kết duyên vợ chồng là do ý Trời, là sự cam kết và nương tựa một đời, chứ không phải chỉ đơn giản là ý nguyện của con người.

Con người hiện đại không hiểu rằng hôn nhân được xây dựng trên cơ sở đạo nghĩa, được duy trì bằng đạo nghĩa, chứ không đơn giản chỉ là duy trì bằng tình cảm. Đạo nghĩa là chuẩn tắc cho hành vi của con người, còn tình cảm lại rất không ổn định, thường hay biến đổi, không đáng tin cậy nhất, nó lỏng lẻo, rời rạc thay đổi theo thời gian và không gian. Tình cảm là thứ liên tục biến đổi, nếu lấy tình cảm để duy trì hôn nhân thì vô cùng nguy hiểm. Có người nói “Hôn nhân không có tình yêu là vô đạo đức”. Đây kỳ thực là một thứ lý lẽ hoang đường, nó đã lật đổ hoàn toàn quan niệm hôn nhân truyền thống của Trung Hoa, họ chỉ là tìm một cái cớ “mỹ miều” cho việc ly hôn của bản thân mà thôi. Hai người thực sự đã cùng nhau trải qua vô vàn sóng gió thì nhất định sẽ xây dựng được một tình cảm vĩ đại vượt trên cả mối quan hệ huyết thống.

Thời nay, hai người kết hôn hiếm khi suy xét vấn đề từ góc độ của người bạn đời mà đa phần lấy bản thân làm trung tâm, họ chỉ coi trọng lợi ích bản thân, chỉ cần động chạm vào quan niệm cố hữu của mình, không hợp ý mình, thì nhất định sẽ xảy ra tranh cãi, đánh lộn, hoặc lấy ly hôn ra để uy hiếp. Lại có người động một chút là nói chuyện ly hôn, mà đây là điều kỵ húy nhất trong hôn nhân. Nếu hai người có thể đặt mình vào vị trí của người kia mà suy xét, chú ý nhiều đến cảm nhận của người kia thì sẽ tránh được rất nhiều tranh cãi, bạo lực và tan vỡ gia đình. Nếu hai vợ chồng đều có thể bao dung lẫn nhau, biết nghĩ cho nhau thì hôn nhân sẽ không thể bị phá vỡ.

Hơn nữa, thời đại hiện nay là thời đại âm dương đảo chiều, âm thịnh dương suy, trong hầu hết các gia đình, vai trò của nam nữ đều bị hoán đổi vị trí. Trong bối cảnh như vậy, người đàn ông thiếu đi vai trò gánh vác, không thể đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình, mất dần khí phách trượng phu; người phụ nữ trở thành “nữ hán tử”, sự dịu dàng nên có của họ đã bị vùi lấp, tình trạng như vậy khiến cho cả nam và nữ đều chất chứa bực dọc trong lòng, cả hai bên đều khó chấp nhận nhau, và tất nhiên mâu thuẫn gia đình là không thể tránh khỏi.

Trong xã hội đâu đâu cũng thấy tuyên truyền những thứ dâm dục, sắc tình. Phim điện ảnh và truyền hình nếu không có cảnh chăn gối thì tỷ lệ người xem không đạt; đủ loại hình ảnh sắc tình, dâm dục trên Internet bất cứ lúc nào cũng lôi kéo sự chú ý của người ta. Tranh ảnh khỏa thân, các loại đồ chơi, các trò giải trí trên đường phố đều tràn ngập sắc tình, dâm dục dù là lộ liễu hay ẩn ý. Đàn ông ra ngoài tìm hoa ngắt liễu, bao vợ hai, vợ ba, phụ nữ cũng cam tâm tình nguyện làm gái bao, buôn phấn bán hương, quan hệ luân lý giữa con người đã trở nên hỗn loạn. Những gia đình như vậy liệu có thể tìm thấy sự ấm áp chăng? 

Chính những nhân tố này đã dẫn đến tình trạng ly hôn trở nên phổ biến trong toàn xã hội, nhưng đây là sự thụt lùi của xã hội, là biểu hiện của sự tha hóa đạo đức, chứ không phải là một hiện tượng bình thường. Đây là điều mà tất cả mọi người chúng ta cần cảnh giác, cần phải từng bước làm chính lại, đưa hôn nhân và gia đình quay trở lại trạng thái bình thường.

Dịch từ: //www.zhengjian.org/node/256254

Ngày đăng: 10-05-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn.

Hôn nhân và gia đình luôn có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau. Hôn nhân là cơ sở, là viên gạch đầu tiên xây dựng nên một gia đình. Gia đình là nền tảng của xã hội, nó có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống cho từng cá nhân, nhu cầu hạnh phúc của các thành viên trong gia đình. Nhưng đó cũng là sự lo âu của xã hội về những rạn nứt và băng hoại các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam về phương diện đạo đức, tình cảm, lối sống, văn hoá… trước những tác động phức tạp của kinh tế thị trường, trước những cám dỗ của cuộc sống dẫn đến hiện tượng ly hôn, gia đình tan vỡ. 

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ năm 2015 đến năm 2017, theo báo cáo của Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý và giải quyết 16.418 vụ án ly hôn với nhiều thành phần: cán bộ, công nhân, nông dân, doanh nhân, buôn bán...Qua công tác thụ lý giải quyết cho thấy tỷ lệ người vợ đứng đơn ly hôn cao hơn so với người chồng. Điều đáng lo ngại là trên 70% số vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ có độ tuổi từ 40 trở xuống và hầu hết đã có con chưa thành niên.  

Trước tình hình thực tế trên, ngày 15 tháng 3 năm 2018 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Tòa án tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh tổ chức Tọa đàm "Giải pháp kéo giảm tình trạng ly hôn trong gia đình, đặc biệt là gia đình trẻ" để tìm giải pháp thiết thực kéo giảm tình trạng ly hôn đang diễn ra khá phức tạp. Qua buổi Tọa đàm đã tìm ra những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ly hôn ngày càng tăng cao như hiện nay:

1. Điều kiện kinh tế xã hội và sự phát triển về tâm sinh lý: giới trẻ thường yêu nhanh, cưới vội, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, thiếu sự chuẩn bị tâm lý,  cũng như chưa được trang bị về kiến thức tiền hôn nhân, các kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống vợ chồng. Vì vậy, khi bắt đầu cuộc sống gia đình với nhiều khó khăn, khi xảy ra mâu thuẫn họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

2. Về điều kiện kinh tế gia đình: sau khi kết hôn các đôi vợ chồng trẻ  phải tự lo cho cuộc sống gia đình trong khi chưa có nghề nghiệp ổn định cùng với đó là sinh con sớm, điều kiện kinh tế chưa đảm bảo cho cuộc sống riêng, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hụt hẫng, bất mãn, tranh cải mâu thuẩn không thể tháo gỡ và kết cục là xin ly hôn. Ngược lại, nhiều gia đình vợ chồng có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khá giả, nhưng vợ chồng lo làm ăn kinh tế, thiếu quan tâm đến vợ, chồng và các thành viên trong gia đình, tình cảm, vợ chồng dần phai nhạt sinh ra nghi kỵ ghen tuông phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

3. Hay do sinh con một bề: trong xã hội ta ngày nay tư tưởng "trọng nam khinh nữ" không còn nặng nề như xưa, nhưng vẫn có không ít trường hợp người chồng vẫn còn tư tưởng chuộng con trai, nên khi vợ sinh con một bề, người chồng chán nản bỏ bê công việc gia đình, với trăm ngàn lý do để  chửi bới, hành hạ đánh đập vợ con

4. Bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tâm lý trực tiếp cho bản thân phụ nữ mà còn đối với cả trẻ em, khi bạo lực xảy ra bản thân người trong cuộc bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm và thể chất, nên không còn tìm thấy sự hoà hợp trong cuộc sống mà chỉ còn sự ức chế và sợ hãi nên họ không thể chịu đựng và dẫn đến ly hôn.

5. Nguyên nhân do ngoại tình: từ cả hai phía, có thể người chồng hoặc người vợ. Nhất là trường hợp người chồng hoặc vợ đi làm ăn xa nhà hoặc thiếu quan tâm vun đắp tình cảm, nên dễ dẫn đến chuyện ngoại tình và ly hôn là điều không tránh khỏi.

6. Xu hướng lấy chồng ngoại: Với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, những năm gần đây một số người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư sản xuất kinh doanh, du lịch, … là đối tượng sáng giá cho các cô gái Việt Nam có tư tưởng sính ngoại, muốn đổi đời mà không vất vả lao động nên đánh liều chạy theo đồng tiền, bất chấp tuổi tác chênh lệch, phong tục tập quán, quan niệm sống,…Tuy nhiên khi đi vào đời sống gia đình với bao khó khăn về ngôn ngữ, tuổi tác, phong tục tập quán, không thể hòa hợp, …

7. Do mâu thuẩn xung đột với các thành viên trong gia đình. Nhất là mối quan hệ Mẹ chồng và nàng dâu, vì là  hai người ở hai thế hệ khác nên sẽ rất khó để dung hòa trong cách sống, lối suy nghĩ cũng như những bất đồng quan điểm trong cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ,  lối sống, cách nghĩ, cách làm,  . . . nên nảy sinh mâu thuẩn không thể hoá giải được cũng là nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

Ngoài các nguyên nhân trên còn có nguyên nhân tác động, đó là sự phát triển về các dịch vụ hỗ trợ gia đình như giáo dục, y tế, dịch vụ nội trợ, dịch vụ giải trí,... đã thay thế dần các chức năng trước đây chỉ gia đình mới có thể đảm nhiệm được như chăm sóc, dạy dỗ con cái, nấu ăn, . . . nên rất nhiều bạn trẻ chưa nhận thức được vị trí, vai trò của gia đình là quan trọng, các thành viên thiếu quan tâm lẫn nhau, cuộc sống gia đình nhàm chán không còn là điểm tựa vững chắc, là tổ ấm hạnh phúc,…

Đại biểu tham gia phát biểu tìm giải pháp kéo giảm tình trạng ly hôn theo lĩnh vực ngành phụ trách.

Để hạn chế tình trạng ly hôn, nhất là trong giới trẻ  và củng cố, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương cần có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp của các ban, ngành, đoàn thể các cấp, sự tham gia của mỗi cá nhân và gia đình cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết  đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình;

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động theo từng lĩnh vực ngành phụ trách:

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về xây dựng gia đình, đặc biệt, chú trọng đến truyền thông, giáo dục kiến thức tiền hôn nhân, đời sống gia đình thông qua các hoạt động tại đơn vị, địa phương về nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán, kỹ năng ứng xử trong gia đình, …đặc biệt là giáo dục thanh niên về đạo đức tình yêu giới tính và những mối quan hệ gia đình ngay từ lúc còn ngồi học ở trường; nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Vì gia đình có nền giáo dục căn bản, truyền thống đạo đức nguy cơ đỗ vỡ phần nào sẽ được ngăn chặn.

Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong cơ quan đơn vị và cộng đồng về hôn nhân gia đình, đồng thời có sự phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện tuyên truyền pháp luật liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình,... để các cặp vợ chồng hiểu được quyền cũng như trách nhiệm của mình đối với gia đình, cộng đồng và xã hội, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.

3. Ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hoá, ấp, khu phố văn hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc phát triển bền vững.

Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, … các cấp cần nhân rộng các mô hình CLB, tổ tư vấn về kiến thức tiền hôn nhân, giao tiếp, lối ứng xử trong gia đình…nhằm giúp các bạn trẻ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, có định hướng nghề nghiệp và tao ra thu nhập ổn định.

Cần tổ chức các cuộc thi về chủ đề hạnh phúc gia đình để gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau, đồng thời trang bị thêm các kiến thức về pháp luật và xã hội để mọi người nhận thức được vai trò của gia đình để cùng nhau giữ lửa đem lại cuộc sống gia đình hạnh phúc.

4. Thực hiện nghiêm túc các vụ việc vi phạm luật có liên quan đến gia đình như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em, Luật phòng – chống bạo lực gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở,…

5. Các cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình, phải yêu thương, tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và trách nhiệm, điều quan trọng nhất là phải biết nghĩ về con cái, tôn trọng những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, không vướng vào các tệ nạn xã hội, sống thủy chung, . . .. Khi có mâu thuẩn, xung đột xảy ra cần bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề, mỗi người nên tự biết điều chỉnh, bỏ cái tôi, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

6. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cần có kế hoạch phát triển kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hộ tiên tiến; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình giảm nghèo và tạo việc làm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định; phối kết hợp các công ty, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm phù hợp cho lực lượng đang tuổi lao động chưa có việc làm hay có việc làm nhưng chưa ổn định, thu nhập thấp.

7. Cần tăng cường hơn nữa công tác hoà giải để các cặp vợ chồng muốn ly hôn có cơ hội trở lại đoàn tụ, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con cái. Đặc biệt các tổ hòa giải cơ sở cần phát huy vai trò hòa giải với nhiều hình thức, giải thích cho các cặp vợ chồng biết được những hệ lụy có thể xảy ra với con cái của họ sau khi họ ly hôn để họ thấy được trách nhiệm của họ đối với con cái và tự hàn gắn, hóa giải các mâu thuẩn về sống chung lại với nhau.

 8. Cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân thì công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội mới mang lại kết quả.

9. Quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc, giúp đở trẻ em trong các gia đình đã và đang xảy ra tình trạng bạo hành, ly hôn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

10. Cần biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng về đạo lý gia đình, gia đình điển hình trong khó khăn vươn lên xây dựng gia đình hòa thuận, giữ vững hạnh phúc, nuôi dạy học giỏi, thành đạt, hiếu thảo, chăm lo phụng dưỡng ông bà, kính trên, nhường dưới, và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Mạnh mẽ lên án những hành vi thiếu đạo đức trong hôn nhân, bạo hành trong gia đình.

Ly hôn là vấn đề mang tính chất xã hội rõ rệt và sâu sắc và để lại những hậu quả pháp lý thật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gia đình và toàn thể xã hội. Vậy cần có sự chung tay góp sức của tất cả hệ thống chính trị quyết tâm kéo giảm tình trạng ly hôn qua từng hoạt động thiết thực và cụ thể của từng ngành, từng cấp để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững. Gia đình êm ấm, hạnh phúc sẽ là hành trang, là nền tảng để mỗi cá nhân phát huy hết năng lực của mình, góp phần xây dựng xã hội ổn định, phồn vinh và phát triển. Các cụ xưa đã nói "Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn" câu nói bất hủ ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.

Ngọc Quỳnh

Video liên quan

Chủ Đề