Tại sao ở biển đông lại có nhiều bão?

14:16, 12 Tháng Mười 2021

HÀ NỘI [Sputnik] - Chỉ một ngày sau khi bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiến vào đất liền Bắc Trung Bộ, Biển Đông hứng thêm cơn bão số 8 [Kompasu] với tốc độ di chuyển rất nhanh, có thể đạt cấp 11. Nguyên nhân khiến bão xuất hiện dồn dập ở Biển Đông thời gian gần đây là gì?

Sputnik

Bão số 8 di chuyển rất nhanh, có thể đạt cấp 11

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 8 là cơn bão có hoàn lưu gió mạnh cấp 6 rất lớn, vì vậy, tốc độ di chuyển của bão sẽ nhanh, có thể đạt cấp 11 khi tới khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Khi vào gần khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có thể giảm 2 - 3 cấp do ảnh hưởng từ không khí lạnh và địa hình. Quan sát trên ảnh mây vệ tinh cho thấy hoàn lưu mây bão rất rộng lên tới hàng nghìn cây số.

Bão Kompasu sẽ bắt đầu gây mưa to cho khu vực Thanh Hóa tới Quảng Nam từ ngày 13/10 và mưa rất to, gió mạnh từ đêm 13/10 đến ngày 14/10. Ngay từ lúc này, người dân những khu vực vừa chịu ảnh hưởng bởi bão số 6 và số 7 cần thường xuyên cập nhật liên tục thông tin về cơn bão từ chính quyền địa phương.

Thứ trưởng Lê Công Thành, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai [PCTT] Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần bám sát vào diễn biến của cơn bão số 8, từ đó đưa ra những nhận định kịp thời trong những ngày tới.

Tối qua 11/10, bão Kompasu đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 8. Sáng 12/10, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 16-19 độ vĩ Bắc nối với cơn bão số 8, lúc 1h có vị trí ở khoảng 18,9 độ vĩ Bắc, 119,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 950km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Không khí lạnh có cường độ ổn định.

Do tác động của các hình thái thời tiết trên, ngày và đêm 12/10, Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc đến Bắc mạnh cấp 6, phía Bắc đêm tăng lên cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Khu vực Bắc Biển Đông [bao gồm vùng biển quần đảo Hoảng Sa] có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua có gió mạnh cấp 10, sau tăng lên cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao từ 5-7m, biển động dữ dội.

Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió Tây Bắc, từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông [bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa] có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực giữa Biển Đông có gió Tây đến Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2-3m, biển động.

Khu vực giữa và Nam Biển Đông [bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa], vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh, khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro do gió mạnh trên biển cấp 2, riêng khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.

Dự báo trên đất liền, từ 13-15/10, Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng; từ ngày 16/10, có khả năng dịch xuống phía Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Ngày 12/10, mưa lớn sẽ tập trung vào chiều và tối, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Vì sao bão dồn dập xuất hiện ở Biển Đông?

Chỉ một ngày sau khi bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiến vào đất liền Bắc Trung Bộ, Biển Đông hứng thêm cơn bão số 8 [Kompasu]. Đến ngày 16-17/10, khu vực có thể đón thêm cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới mới.

Với các xoáy thuận nhiệt đới dồn dập vào Biển Đông, miền Trung đứng trước nguy cơ của một đợt mưa lớn cực đoan 7 ngày tới.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu [Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia], nhận định tháng 10 là thời điểm xuất hiện áp thấp nhiệt đới và bão nhiều nhất trong năm.

Vì vậy, việc các cơn bão vào Biển Đông liên tục thời gian này là theo quy luật. Bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập kèm không khí lạnh sẽ tạo thành tổ hợp gây mưa điển hình cho các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ.

Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương dần chuyển sang pha lạnh [La Nina]. Hiện tượng này duy trì cường độ yếu đến hết năm.

Một trong những yếu tố khiến bão vào Biển Đông dồn dập là trong những năm có La Nina, mùa bão thường diễn biến cực đoan.

Chuyên gia cũng cho biết vào tháng 10, ngoài bão ở Biển Đông thì phía bắc còn có sự hoạt động của không khí lạnh. Đây là tổ hợp hình thế thời tiết rất bất lợi. Bão vào kèm theo không khí lạnh, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, các đợt mưa lớn ở miền Trung sẽ dồn dập và kéo dài.

Chuyên gia cảnh báo bão Kompasu gây thời tiết xấu ở hầu khắp khu vực Biển Đông. Vì vậy, ngư dân không nên ra khơi thời điểm này khi bão vào đất liền, một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới mới tiếp tục hình thành ngay trên Biển Đông.

Bão nhiệt đới là một trong những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm mà hầu hết các quốc gia tiếp giáp biển thường xuyên gặp phải. Những cơn bão nhiệt đới có độ mạnh yếu khác nhau nhưng đều để lại thiệt hại nặng nề, làm ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển chung của kinh tế. Việt Nam là một trong những quốc gia có đường bờ biển tiếp giáp với Biển Đông kéo dài từ Bắc xuống Nam nên mỗi năm phải hứng chịu rất nhiều cơn bão. Vậy nguyên nhân hình thành bão nhiệt đới ở Việt Nam là gì?
 


 

Nguyên nhân hình thành các cơn bão nhiệt đới ở Việt Nam?

Bão thường được hình thành ở những khu vực đại dương ấm áp, nơi mà nhiệt độ của nước ít nhất là 26,5 độ C. Các nhà khoa học đã phân tích: ở những nơi này, nước biển sẽ dễ bay hơi, tạo ra một lớp không khí nóng ẩm trên mặt biển khi ánh sáng mặt trời chiếu đến. Do khí nóng nhẹ hơn, lớp khí ẩm này dần bay lên cao, để lại bên dưới một vùng không gian trống. Điều này dẫn đến việc luồng không khí ẩm ở bên ngoài sẽ bị hút vào để lấp vào khoảng không gian trống đó. Ngoài ra khi không khí ẩm được hút vào, nó sẽ bị tác động bởi sự tự quay của Trái Đất [cụ thể là bị tác động bởi lực Coriolis - Lực quán tính khiến vật bị lệch quỹ đạo khi chuyển động trong một vật thể đang quay] và chuyển động xoáy tròn hay còn gọi là hoàn lưu. Khi tốc độ xoáy tròn này lớn hơn 17 m/s, chúng sẽ tạo thành bão.
 


 

Theo nghiên cứu thì để một cơn bão nhiệt đới hình thành sẽ phải có 6 điều kiện cần thiết:

- Nhiệt độ mặt nước biển đến độ sâu hơn 50 mét ít nhất phải vào khoảng 26,5 độ C.

- Sự mất ổn định của bầu khí quyển.

- Độ ẩm cao ở tầng đối lưu.

- Lực quán tính Coriolis đủ lớn để duy trì trung tâm áp suất thấp.

- Độ đứt gió [sự thay đổi tốc độ hoặc hướng gió bất ngờ trong một khoảng cách ngắn] thấp.

- Bề mặt nước biển bị xáo trộn với lực xoáy đủ mạnh.

Bão nhiệt đới hoạt động như thế nào?

Sau khi hình thành, cơn bão sẽ được tiếp thêm năng lượng khi di chuyển qua đại dương. Chúng sẽ hút không khí nóng ẩm từ bề mặt đại dương và nhả ra không khí lạnh ở trên cao như đang “thở”. Tuy nhiên khi di chuyển vào đất liền, bão sẽ giảm cường độ vì thiếu khí nóng bốc hơi, từ đó giảm ngưng tụ và giảm nhiệt làm mất năng lượng. Bên cạnh đó do sự ma sát với địa hình gồ ghề của đất liền nên tốc độ gió cũng như độ chênh lệch áp suất của bão sẽ giảm dần, sau đó suy yếu và tan đi. Cấu trúc của bão nhiệt đới sẽ bao gồm mắt bão, thành mắt bão và dải mây mưa ở rìa ngoài.

► Mắt bão: Hay còn được gọi là tâm bão, thường có dạng hình tròn, đường kính khoảng 30 - 65 km. Ở khu vực tâm bão, áp suất thường rất thấp nên không khí xung quanh sẽ bị hút về đây. Nếu áp suất càng thấp, không khí sẽ bị hút càng nhanh và tốc độ gió càng mạnh, đồng nghĩa với việc sức tàn phá của cơn bão lại càng khủng khiếp. Với vận tốc gió mạnh như vậy sẽ khiến cho lực ly tâm rất lớn, dẫn tới việc không khí bên ngoài không thể lọt vào trong tâm bão. Khi đến gần tâm bão, không khí mang nhiều hơi nước sẽ bốc lên và hội tụ thành các đám mây tạo ra những cơn mưa lớn ở bên ngoài mắt bão. Trong khi đó tại đây lại rất yên tĩnh, trời quang mây và gần như không hề có gió.
 


 

► Thành mắt bão: Là những vùng mây bao quanh mắt bão. Vì là điểm cuối nơi các dòng không khí đổ về trước khi chuyển động thẳng lên cao nên đây là khu vực có gió mạnh nhất trong cơn bão. Ngoài ra, những luồng không khí này mang theo nhiều hơi nước nên ở đây mây nằm ở độ cao lớn nhất và độ ẩm cũng là nhiều nhất.

Dải mây mưa ở rìa ngoài: Là những dải mây mưa ở rìa ngoài của thành mắt bão. Những khu vực chịu ảnh hưởng của dải mây mưa ở rìa ngoài sẽ xuất hiện mây giông dày đặc rộng từ khoảng vài km đến vài chục km và dài khoảng 80 - 500 km.
 


 

Trên đây là nguyên nhân hình thành bão nhiệt đới ở Việt Nam24h Thông Tin muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã biết nguyên nhân cũng như điều kiện để bão nhiệt đới xuất hiện là gì, cơ chế hoạt động và cấu trúc của một cơn bão ra sao để từ đó có những biện pháp phòng tránh phù hợp nhằm hạn chế được tối đa những thiệt hại do bão nhiệt đới gây ra.

Video liên quan

Chủ Đề