Sách những thói hư tật xấu của người Việt Nam

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : “Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình”    
Ảnh: T. Phương

Tiền phong trò chuyện cùng ông Vương Trí Nhàn.

Khai thác tài liệu về thói xấu người Việt Nam của các trí thức thế kỷ 19-20 đăng báo từ hơn 1 năm nay rồi bây giờ là làm sách. Tại sao ông đắm đuối câu chuyện này vậy?

Đó là việc đáng làm của một đời người, tôi muốn nhiều người khác cùng tham gia vì đây là vấn đề của xã hội. Tôi đang băn khoăn về tên gọi của đề tài. Thông thường thì gọi là thói hư tật xấu của người Việt Nam, nhưng thực ra nó là trình độ sống, trình độ làm người của người Việt Nam.

Người Việt quá nhấn mạnh tính độc đáo của mình, Việt Nam phải khác các nước, cái đó không đúng, cái chính là phải đo bằng tiêu chuẩn thế giới. Điều quan trọng bây giờ là tự nhận thức mình xem anh là người thế nào, anh là ai. Tất cả tương lai của dân tộc nằm trong hành động này.

Tôi rất thích câu của Tản Đà: Dân hai lăm triệu ai người lớn/ Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con. Dân mình “trẻ con” lắm, thích khen, ảo tưởng rất nặng trong tâm lý. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng dân mình có bản lĩnh hội nhập. Tôi đọc lại lịch sử, không thấy thế. Với người nước ngoài, ban đầu mình e dè, ngại, nếu không muốn nói là kỳ thị, sau đó học lỏm, học không đến nơi đến chốn.

10 năm trước, khi nói về sự hội nhập của văn học Việt Nam với thế giới, tôi bị “đánh” tơi bời, họ cho là tôi vọng ngoại, thèm bơ sữa... Thành thật mà nói, dân mình kém bản lĩnh trong việc học tập nước ngoài mà lại dễ bị lừa. Sách vở vẫn dạy người Việt Nam yêu thiên nhiên lắm, nhưng cái yêu ấy lại giết chết thiên nhiên, như Chùa Hương, như Vịnh Hạ Long...

Tại sao ông không viết một cuốn riêng mà lại tầm chương trích cú từ các tờ báo đầu thế kỷ trước?

Nhiều người không thân nhau nhưng vì khen nhau nên chơi với nhau. Tôi viết phê bình xong thì mất bạn. Một trong những thói xấu của người Việt Nam là rất sợ nói đến thói xấu. Tôi cho rằng khi tôi nói về những thói xấu của anh, anh sẽ tiếp cận tôi hơn, và điều đó chứng tỏ sự trưởng thành.

Đường phố luôn có những bãi rác giữa đường                            Ảnh: Hồng Vĩnh

Nhưng thực tế, rất nhiều người chăm chăm khoe mình. Cách đây khá lâu, tôi đặt vấn đề này, có vị trí thức bảo tôi: Chưa đến lúc cần. Trong phê bình, tôi bị cho là người thiếu nhân hậu, tâm địa xấu xa, chỉ thấy cái xấu của người.

Cả xã hội đóng băng trong sự tự khen thưởng. Cố GS Trần Quốc Vượng, GS Cao Xuân Hạo cũng có lần bày tỏ ý định viết sách về thói xấu người Việt, nhưng chưa ai làm cả.

Tôi chưa đủ uy tín để đứng ra làm một cuốn riêng, dễ bị bài bác, đành trích dẫn các cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim... Lâu nay, chúng ta chỉ biết Phan Bội Châu đánh Pháp ra sao, xuất dương, Đông du thế nào, còn những tài liệu cụ chê dân mình mất đoàn kết, tầm nhìn hẹp, học để kiếm gạo... đều không nhắc tới.

Còn Nguyễn Trường Tộ, người ta chỉ thấy tế cấp bát điều của cụ thôi, chưa thấy cách cụ đã đo người Việt Nam bằng cái con mắt thế giới. Cụ Phan Chu Trinh cũng nói về dân tộc mình rất nặng nề.

Có bao giờ ông nghĩ tới công việc như ông Bá Dương (Đài Loan), đánh mạnh vào tảng băng trì trệ tự thỏa mãn, kém phản tỉnh?

Tôi cho rằng trí thức phải như thế. Trung Quốc không chỉ có ông Bá Dương đâu. Lý Tốn Ngô từ trước năm 1949 đã viết: “Đọc lịch sử Trung Quốc toàn thấy mặt dày và tim đen”. Cuốn này được nước ngoài đọc rất nhiều, ngang Binh pháp Tôn Tử. Vừa rồi, tôi lại đọc được 2 cuốn rất hay: Trung Quốc dân tộc tính và Trung Quốc nhân cách bệnh thái phê phán, tập hợp các bài viết từ đại lục, Hong Kong, Đài Loan lẫn người nước ngoài.

Tôi yêu một đất nước hơn, khi hiểu cái xấu của họ. Nhiều người nước ngoài nói: người Việt ít có khả năng đặt mình vào vị trí người khác. Tức là tri kỷ chứ không tri âm, hai kẻ nói chuyện với nhau như hai người điếc. Tục ngữ nói Thương người như thể thương thân, nhưng dân ta sống với xã hội rất kém, vứt rác ra khỏi nhà là coi như xong, tắc đường là cứ đâm lên không thua ai cả.

Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, thói xấu nào là sự ngáng trở nguy hại nhất?

Tùy tiện, thiếu khả năng hợp tác, và như Vũ Trọng Phụng đã nói: Mọi tư tưởng từ ngoại quốc đến Việt Nam đều bị làm hỏng. Nhưng thói xấu lớn nhất vẫn là sợ người khác nói xấu mình. Làm ăn với nước ngoài mà cứ lấy tinh vặt (ranh ma, khôn vặt) làm kế sinh lãi. Tôi rất không đồng ý với cuốn Thần đồng đất Việt, vì trong đó toàn ca ngợi cái tinh vặt, láu cá của người Việt khi làm ăn với ngoại quốc. Cái đó không đáng tự hào.

Trong số các thói xấu của người Việt, có những thói xấu mà chỉ tại Hà Nội mới “phát huy rực rỡ” như tuyên ngôn ở quán xá vỉa hè, khinh người, chửi thề văng tục. Ông nghĩ thế nào?

Ở Việt Nam có nhiều cái mà nó chưa thành chính nó. Đô thị VN chưa phải đô thị. Hà Nội xưa là cái chợ bên cạnh dinh đồn, chứ không phải đô thị như phương Tây. Hà Nội tạp nham và chưa bao giờ nó là nó cả, không trở thành chính mình và quá lép vế.  

Ngoài phần trích dẫn các nhà trí thức thế kỷ 19, nghe nói ông còn có in cả phần nghiên cứu riêng trong cuốn sách này?

Bên cạnh trích dẫn, việc chú giải rất quan trọng, bởi cũng chữ ấy hồi trước hiểu khác bây giờ nghĩa khác. Chẳng hạn “nhân sự” bây giờ có nghĩa là việc tổ chức cán bộ ở cơ quan, đơn vị, nhưng thế kỷ trước lại có nghĩa là “việc đời”.

Một mặt, tôi đọc lại Đại Nam thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục để thấy lịch sử nói gì về thói hư tật xấu của người Việt. Tôi hệ thống lại, xếp từng thói xấu vào từng phạm trù văn hóa, so sánh với các quốc gia.

Phải phân biệt sức sống và trình độ sống. Không phải con người là sống thế nào cũng được, quan trọng là anh làm việc cống hiến thế nào, có phát minh nào cho nhân loại. Dĩ nhiên, tôi phải đọc thêm triết học, nhân học, xã hội học... Có lẽ 2-3 năm nữa mới phát hành được cuốn sách, khoảng 200-300 trang. Có một Việt kiều từng viết sách về thói xấu người VN, nhưng chắc chắn sách tôi sẽ hấp dẫn hơn, vì thu hút được nhiều tài liệu của các trí thức lớn.

Đọc và viết về thói xấu ,ông có thấy nản không?

Không. Bởi không còn con đường nào khác. Tôi rất thích câu của nhà văn Nga Sêkhôp: Một con người sẽ tốt hơn nếu ta nói cho anh ta biết anh ta là người thế nào...

Xin cảm ơn ông và mong cuốn sách sớm ra mắt độc giả.

Cuốn sách này là tập hợp các bài viết của các nhà văn, nhà báo, trí thức, những người dân bình thường và cả các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường từ những câu chuyện thực tế sinh động của từng người. Nhưng dù là ai thì các tác giả điều mang lại cho người đọc những mẩu chuyện sâu sắc, thâm thuý, những nụ cười vui và cả những nổi buồn, hoặc sự xấu hổ bởi những tính cách "ngộ nghĩnh" của người Việt ta.

Sách những thói hư tật xấu của người Việt Nam
Phóng to
Nhà phê bình Vương Trí Nhàn - Ảnh: Tuổi Trẻ
Tự nhận là đang làm công việc “chưa ai khai phá”, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, “người hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp”, đang góp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư tật xấu của người Việt từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dự định sẽ in thành sách. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông về công trình này.

* Thưa ông, tại sao ông lại nảy ra ý tưởng gom góp, cóp nhặt những lời người xưa cảnh tỉnh về thói hư, tật xấu của dân ta - một ý tưởng ngẫu nhiên hay đã được dự định, thai nghén từ lâu nhằm gây sự chú ý với độc giả?

- Tôi chịu tiếng là hay nói về nhược điểm của đồng nghiệp và tác phẩm của họ. Quả tình trong phê bình, tôi hay nhìn ra, nhìn thấy những tật xấu của anh em. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, có một số nhà văn lười đọc, viết ẩu lắm, đã thế còn xu nịnh, háo danh nữa... Đấy là điều không thể tha thứ được. Từ đấy suy rộng ra, chiêm nghiệm suốt một đời làm phê bình, tôi thấy có những vấn đề của con người Việt Nam mình: Không chỉ văn nhân, nhiều người ở nhiều nghề, nhiều lĩnh vực khác cũng có những thói tật này nọ.

Tôi không muốn nói những tật xấu lặt vặt như xả rác bừa bãi, chửi đổng, nhổ bậy... ngoài đường mà vấn đề nằm ở tư duy, nếp nghĩ, nếp sống. Mà hạn chế ở tư duy, nếp nghĩ, nếp sống cản trở trực tiếp sự sáng tạo của mỗi người, sự phát triển của ta. Những điều này, các “cụ” cảnh tỉnh nhiều rồi nhưng chưa thành hệ thống. Tôi không định gây chú ý với ai mà chỉ nghĩ cần phải có một cái gì đó phản biện những thói hư, tật xấu đang diễn ra hằng ngày bây giờ chứ.

* Ông đã đề cập đến giới văn sĩ bây giờ, vậy xin hỏi ông chuyện ngoài lề một chút: ở Trung Quốc cũng đã có dạo xôn xao về một tác phẩm bình bàn về giới văn nhân, rằng văn nhân mắc tật coi thường nhau, háo danh, làm nghề ẩu... Văn nhân Việt Nam có như vậy không?

- Ở Việt Nam, đặc điểm ấy rõ hơn ở Trung Quốc nhưng có thêm nhược điểm nữa là ít người có khả năng sống đơn độc, tư duy cái độc đáo.

* Ông là nhà phê bình, sống nhiều, trải nghiệm nhiều, vì sao phải góp nhặt lời của các cụ thay vì tự viết, thưa ông?

- Anh nghe người nước ngoài chê ta anh có thích không? Rất không thích chứ! Điều đấy thật buồn cười. Có câu đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại. Nói về thói hư tật xấu trực tiếp khó lắm. Trong những cái xấu mà các cụ có nói thì cái xấu khó chịu nhất, làm cho nhiều cái xấu khác “ký sinh” được là không thích nói về tật xấu của mình.

Vả lại, nếu tôi có viết thì cũng chỉ là những nhìn nhận cá nhân, có khi chưa phổ quát, chưa xác đáng, còn của các cụ sẽ hệ thống hơn và được kiểm nghiệm rồi. Mình tôi làm sao bằng các cụ, tôi là lớp hậu sinh nên chỉ dám làm công việc cóp nhặt những lời các cụ nói rồi biên soạn, sắp xếp lại.

* Tài liệu mà ông đang sưu tầm, biên soạn được lấy từ đâu?

- Ngay trước tôi, các Giáo sư Trần Quốc Vượng, Cao Xuân Hạo đã có nhiều công trình nói về thói hư, tật xấu của người dân ta. Rồi các cụ Ngô Đức Kế, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh... cũng viết công phu lắm. Thói hư, tật xấu của dân ta được đề cập trong nhiều chuyện dân gian, trong cái mà chúng ta gọi là phôn-cơ-lo. Ngoài ra, tôi còn sưu tầm tài liệu của người nước ngoài nữa.

* Tổng hợp những gì đang làm, theo ông đâu là mẫu số chung của những tính xấu của người dân ta? Đâu là cái xấu trầm trọng nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển của ta?

- Đấy là thói đẽo cày giữa đường, lười biếng, qua loa, đại khái, tự ti nhưng che giấu bằng tự phụ... Cái xấu nghiêm trọng nhất là thiển cận, song lại nghĩ mình là trung tâm của thế giới. Người Việt Nam hiểu về thế giới rất ít. Đôi lúc, tôi tự nghĩ, nhiều người như cái cây mà rễ mọc nông. Hậu quả là bây giờ trong làm ăn ta thường thắng lặt vặt và... thua lớn.

* Đấy là đúc kết của các cụ. Song giữa cái xấu của người dân xưa với người dân nay, trong cơ chế thị trường với rất nhiều mặt trái, liệu có sự giống nhau?

- Thực ra, trong văn hóa dân gian, trong thơ văn của các cụ tự cổ chí kim, từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đến các nhà thơ sau này, đã có (những nhược điểm) con người Việt Nam hôm nay. Một cụ nhà văn đã nói người bây giờ cũng nhiều tật xấu như người xưa nhưng người bây giờ hay che giấu. Cái thói xấu đáng sợ nhất thời buổi này, theo tôi, là gian manh, ảo tưởng, hư hỏng và không biết sợ.

* Ông định lấy tên cuốn sách này là gì và dự định bao giờ sẽ ra mắt độc giả?

- Cái tên sách vẫn còn chưa rõ ràng. Có lẽ phải mất vài năm nữa tôi mới hoàn thành, mặc dù đã có nhà xuất bản ướm mua. Tôi mất quá nhiều thời gian cho việc sưu tầm, biên soạn với mong muốn tổng hợp thật đầy đủ những lời răn dạy của ông cha. Tuy vậy, tinh thần chung của cuốn sách là người Việt Nam tự nhận thức.

Vì vậy, tôi sẽ không làm theo kiểu “căn bản là tốt, bên cạnh đó vẫn còn...”. Cuốn sách mang yếu tố phê phán là chính song dựa trên tinh thần khoa học. Chỉ khi ta thấy thói xấu cắm rễ sâu ở trong ta như thế nào thì mới hy vọng thay đổi được. Không phải chỉ một người, hai người, anh hay tôi, mà cả xã hội phải tự nhận thức. Nói theo thuật ngữ y học là nhiều người cùng “hội chẩn”.

Người Nga cũng viết về thói xấu của mình để thay đổi mình đấy chứ. Gần ta, tương đối giống ta là Trung Quốc. Họ có Người Trung Quốc xấu xí, Người Trung Quốc tự trào, Trung Quốc dân tộc tính, Trung Quốc nhân cách bệnh trạng phê phán. Tác phẩm nhiều người đã đọc hoặc biết là AQ chính truyện của Lỗ Tấn đã có từ lâu đấy thôi.

Tôi tin sẽ có nhiều người đọc cuốn sách này.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Nội Mới