Sách Giáo Khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2 trang 12


Thông tin

Trình bày: Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo

Nhà cung cấp: Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

Giới thiệu: Sách giáo khoa tiếng việt lớp 5 tập 2 gồm các bài sau:

MỤC LỤC

Tuần 19: Người công dân

Tuần 20: Người công dân

Tuần 21: Người công dân

Tuần 22: Vì cuộc sống thanh bình

Tuần 23: Vì cuộc sống thanh bình

Tuần 24: Vì cuộc sống thanh bình

Tuần 25: Nhớ nguồn

Tuần 26: Nhớ nguồn

Tuần 27: Nhớ nguồn

Ôn tập giữa học kì II

Tuần 29: Nam và nữ

Tuần 30: Nam và nữ

Tuần 31: Nam và nữ

Tuần 32: Những chủ nhân tương lai

Tuần 33: Những chủ nhân tương lai

Tuần 34: Những chủ nhân tương lai

Ôn tập học kì II

Cách nối các vế câu ghép

  • I. Nhận xét luyện từ và câu lớp 5 trang 12, 13 tập 2
    • Câu 1 trang 12 sgk Tiếng Việt 5
    • Câu 2 trang 13 sgk Tiếng Việt 5
  • II. Ghi nhớ Cách nối các vế câu ghép
  • III. Luyện tập luyện từ và câu lớp 5 trang 13 tập 2
    • Câu 1 trang 13 sgk Tiếng Việt 5
    • Câu 2 trang 14 sgk Tiếng Việt 5

Luyện từ và câu lớp 5: Cách nối các vế câu ghép là lời giải phần Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 12, 13 cho các em học sinh tham khảo củng cố kiến thức cách xác định các vế trong câu ghép, cách nối các vế trong câu ghép như thế nào. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.

>> Bài trước: Tập làm văn lớp 5 tuần 19: Luyện tập tả người (Dựng đoạn mở bài)

I. Nhận xét luyện từ và câu lớp 5 trang 12, 13 tập 2

Hướng dẫn giải phần Nhận xét Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 12

Câu 1 trang 12 sgk Tiếng Việt 5

Tìm các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây.

a) Súng kíp của ta mới bắn một phát thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn, trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên.

Theo HÀ VĂN CẦU - VŨ ĐÌNH PHÒNG

b) Cảnh tượng xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

THANH TỊNH

c) Kia là những mái nhà đứng sau luỹ tre; đây là mái đình cong cong; kia nữa là sân phơi.

ĐỖ CHU

Trả lời:

a) Đoạn a có hai câu ghép, mỗi câu gồm 2 vế:

Súng kíp của ta mới bắn một phát/ thì súng của họ đã bắn được năm, sáu mươi phát. (Câu 1)

Quan ta lạy súng thần công bốn lạy rồi mới bắn,/ trong khi ấy đại bác của họ đã bắn được hai mươi viên. (Câu 2)

b) Cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: / hôm nay tôi đi học. (Câu 3)

c) Kia là những mái nhà đứng sau lũy tre; / đây là mái đình cong cong; / kia nữa là sân phơi. (Câu 4)

Câu 2 trang 13 sgk Tiếng Việt 5

Ranh giới giữa các vế câu được đánh dấu bằng những từ hoặc những dấu câu nào?

Trả lời:

Ranh giới giữa các câu ghép được đánh dấu bằng:

- Từ thì ở câu 1.

- Dấu phẩy (,) ở câu 2; dấu hai chấm (:) ở câu 3 và hai dấu chấm phẩy (;) ở câu 4.

II. Ghi nhớ Cách nối các vế câu ghép

Có 2 cách nối các vế câu trong câu ghép

1. Nối bằng từ có tác dụng nối

2. Nối trực tiếp (không dùng từ nối). Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm.

III. Luyện tập luyện từ và câu lớp 5 trang 13 tập 2

Hướng dẫn giải phần Luyện tập Luyện từ và câu SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 13.

Câu 1 trang 13 sgk Tiếng Việt 5

Trong những câu dưới đây, câu nào là câu ghép? Các vế câu ghép được nối với nhau bằng cách nào?

a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa tới nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

HỒ CHÍ MINH

b) Anh bắt lấy thỏi thép hồng như bắt lấy một con cá sống. Dưới những nhát búa hăm hở của anh, con cá lửa ấy vùng vẫy, quằn quại, giãy lên đành đạch. Nó nghiến răng ken két, nó cưỡng lại anh, nó không chịu khuất phục.

Theo NGUYÊN NGỌC

c) Tôi ngắt một chiếc lá sòi đỏ thẫm thả xuống dòng nước. Một chú nhái bén tí xíu như đã phục sẵn từ bao giờ nhảy phóc lên ngồi chiễm chệ trên đó. Chiếc lá thoáng tròng trành, chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.

TRẦN HOÀI DƯƠNG

Trả lời:

a) - Có một câu ghép với 4 vế câu:

Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi,/ nó kết thành… to lớn,/ nó lướt qua… khó khăn, / nó nhấn chìm… lũ cướp nước.

- 4 vế câu nối với nhau trực tiếp, giữa các vế có dấu phẩy. (Từ thì nối trạng ngữ với các vế câu.)

b) - Có 1 câu ghép với 3 vế câu:

Nó nghiến răng ken két,/ nó cưỡng lại anh,/ nó không chịu khuất phục.

- 3 vế câu nối với nhau trực tiếp, giữa các vế có dấu phẩy.

c) - Có 1 câu ghép với 3 vế câu:

Chiếc lá thoáng tròng trành,/ chú nhái bén loay hoay cố giữ thăng bằng/ rồi chiếc thuyền đỏ thắm lặng lẽ xuôi dòng.

- Vế 1 và 2 nối với nhau trực tiếp, giữa các vế có dấu phẩy. Vế 2 nối với vế 3 bằng quan hệ từ rồi.

Câu 2 trang 14 sgk Tiếng Việt 5

Viết đoạn văn từ 3 đến 5 câu tả ngoại hình một người bạn của em, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép. Cho biết các vế câu trong câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.

Trả lời:

Bài tham khảo 1

Trong lớp tôi, người bạn mà tôi yêu quý nhất là Lan. Đó là một cô bé vô cùng xinh xắn và đáng yêu. Vóc người bạn nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Nhưng điều khiến người ta nhớ nhất ở bạn chính là nụ cười. Mỗi lần Lan nở nụ cười là tôi lại thấy giống như mùa thu tỏa nắng. Đôi lúm đồng tiền càng làm cho nụ cười ấy thêm phần duyên dáng.

Câu ghép trong đoạn văn trên đó là: Vóc người bạn nhỏ nhắn, dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc cắt ngắn gọn gàng.

Các vế câu được nối với nhau bằng dấu phẩy.

Bài tham khảo 2

Phạm Thị Quế Trân là bạn thân nhất của em. Ngày 8 – 3 vừa rồi, Trân tròn 11 tuổi. Quế Trân thật xinh xắn và dễ thương. Vóc người bạn thanh mảnh,/ dáng đi nhanh nhẹn,/ mái tóc cắt ngắn gọn gàng…

Câu 4 (in đậm) là 1 câu ghép, gồm 3 vế. Các vế nối với nhau trực tiếp, giữa các vế có dấu phẩy.

>> Chi tiết: Viết đoạn văn tả ngoại hình một người bạn của em, trong đoạn văn có ít nhất một câu ghép

>> Bài tiếp theo: Tập làm văn lớp 5: Luyện tập tả người (Dựng đoạn kết bài)

Ngoài ra nhằm đáp ứng cho các thầy cô, các em học sinh luyện tập và ôn tập chuẩn bị cho bài thi học kì 1 lớp 5, và các dạng đề thi học kì 2 lớp 5 đầy đủ các môn học Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử - Địa lý, Tin học các bạn cùng các thầy cô có thể theo dõi ôn tập và làm các dạng bài tập Toán, Tiếng Việt 5 cùng VnDoc.

Luyện tập tả người (dựng đoạn mở bài)

  • Câu 1 (trang 12 sgk Tiếng Việt 5)
  • Câu 2 (trang 12 sgk Tiếng Việt 5)

Tập làm văn lớp 5 tuần 19: Luyện tập tả người là lời giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 12 cho các em học sinh tham khảo biết cách dựng đoạn mở bài bài băn tả người theo cách trực tiếp và gián tiếp. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.

  • Tập đọc lớp 5: Người công dân số Một (tiếp theo)

Hướng dẫn giải phần Tập làm văn SGK Tiếng Việt 5 tập 2 trang 12

Câu 1 (trang 12 sgk Tiếng Việt 5)

Dưới đây là hai đoạn mở đầu bài văn tả người. Theo em, cách mở bài ở hai đoạn này có gì khác nhau?

a) Nếu có ai hỏi rằng "Em yêu ai nhất?" thì không cần suy nghĩ, em có thể trả lời ngay: "Em yêu bà nhất." (Đề bài: Tả một người thân trong gia đình em.)

b) Lần về quê nội vừa qua, một buổi sáng, em chạy ra cánh đồng làng. Nơi ấy vòm trời cao vời vợi, không khí thoáng đãng, mùi lúa chín vẫn còn thoang thoảng, những chú trâu đang thong thả gặm cỏ; tất cả đều hấp dẫn em đến kì lạ. Phía trước, em thấy một bác nông dân đang cày ruộng. Em chợt nhận ra đó là bác Tư, người lối xóm nội em. (Đề bài: Tả một bác nông dân đang cày ruộng.)

- Lối xóm (tiếng Nam Bộ): hàng xóm.

- Nội (tiếng Nam Bộ): ông nội, bà nội.

Phương pháp giải:

Đối với một bài văn miêu tả, có hai kiểu mở bài là:

- Mở bài trực tiếp, giới thiệu trực tiếp và người hay sự vật định tả.

- Mở bài gián tiếp, nói một sự việc khác, từ đó chuyển sang giới thiệu về người hay sự vậy định tả.

Trả lời:

Cách mở bài thứ nhất (Tả một người thân trong gia đình em) là cách mở bài trực tiếp: Giới thiệu luôn người được tả (bà em).

Cách mở bài thứ hai (Tả một bác nông dân đang cày ruộng) là cách mở bài gián tiếp: Tả cánh đồng rồi mới giới thiệu bác nông dân đang cày ruộng.

Câu 2 (trang 12 sgk Tiếng Việt 5)

Hãy viết hai đoạn mở bài theo hai cách đã biết cho một trong bốn đề văn dưới đây:

a) Tả một người thân trong gia đình em.

b) Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà em.

c) Tả một ca sĩ đang biểu diễn.

d) Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích.

Phương pháp giải:

Đối với một bài văn miêu tả, có hai kiểu mở bài là:

- Mở bài trực tiếp, giới thiệu trực tiếp và người hay sự vật định tả.

- Mở bài gián tiếp, nói một sự việc khác, từ đó chuyển sang giới thiệu về người hay sự vậy định tả.

Trả lời:

a. Tả một người thân trong gia đình

- Mở bài theo kiểu trực tiếp

Trong gia đình, người gần gũi và thân thiết nhất với em là bà nội. Ngay từ khi còn nhỏ, tuổi thơ của em đã luôn có bà bên cạnh. Mỗi một kỉ niệm, mỗi một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời em đều có hình bóng bà kề bên.

- Mở bài theo kiểu gián tiếp

Trời trưa nắng chang chang, từng bóng cây xanh đứng chịu tội trong nắng, gió và cát bụi. Trở về tới nhà, dường như cái nóng rực lửa của mùa hè đã lùi lại ngay phía sau cánh cửa.Cả một khoảng sân rộng rợp bóng mát bởi cây xanh và dàn hoa thiên lý. Gió thổi vi vu khoan khoái dễ chịu. Em dáo dác nhìn quanh, không thấy bóng dáng quen thuộc ấy đâu. Chạy vào trong nhà, phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ đều không có. Ghế đá ở khoảng sân rợp bóng mát cũng không thấy đâu. Em vội vàng gọi lớn “bà ơi! Bà ở đâu ạ?”. Có tiếng người đáp từ ngoài vườn vọng lại. Bà nội – người mà em yêu thương nhất cuộc đời này, mỗi lần về quê, việc đầu tiên em làm là tới thăm bà.

>> Chi tiết: Viết đoạn mở bài trực tiếp và gián tiếp Tả người thân trong gia đình em

b. Tả một người bạn cùng lớp hoặc người bạn ở gần nhà em

- Mở bài trực tiếp:

Lan là bạn thân của em. Chúng em đã chơi với nhau từ những ngày còn học mẫu giáo. Mỗi lần nghĩ tới cô bạn đáng yêu này trong lòng em lại tràn ngập rất nhiều cảm giác yêu thương khó tả.

- Mở bài gián tiếp

Bạn bè là nghĩa tương tri

Khó khăn thuận lợi ân cần có nhau

Bạn bè là nghĩa trước sau

Tuổi thơ cho đến bạc đầu không phai.

Ai sống trong cuộc đời này cũng cần có những người bạn. Những người bạn giúp ta nhân đôi niềm vui và sẻ chia những nỗi buồn. Em cũng có một người bạn như thế. Đó là Lan. Cô bạn gái thân thiết đã chơi cùng với em từ những ngày còn học mẫu giáo.

>> Chi tiết: Viết đoạn mở bài trực tiếp và gián tiếp Tả người bạn của em

c. Tả một nghệ sĩ đang biểu diễn

- Đoạn mở bài trực tiếp :

Cô Mĩ Tâm là một ca sĩ nổi tiếng. Giọng hát của cô thật tuyệt vời và nhân cách của cô thì đẹp giống như cái tên “Mĩ Tâm”. Em yêu thích cô từ những ngày còn nhỏ xíu.

- Đoạn mở bài gián tiếp :

“Lòng tôi không bao ước muốn mặt trời lên lúc ấy cũng sẽ ra đi. Hạnh phúc dẫu thật mong manh lòng bình yên tôi ko tiếc nuối….” Em đang ngồi chơi thì chợt nghe thấy một giọng hát trầm ấm, truyền cảm lại rất quen thuộc từ đâu vang lên. Đúng rồi, là ca sĩ Mỹ Tâm. Em nhanh chóng thu dọn đồ chơi và chạy lại bật ti vi lên để coi màn biểu diễn của ca sĩ mà em vô cùng yêu thích.

>> Chi tiết: Viết đoạn mở bài trực tiếp và gián tiếp Tả ca sĩ đang biểu diễn

d. Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích

- Mở bài trực tiếp

Bảo Quốc là một nghệ sĩ hài nổi tiếng. Sự xuất hiện của ông trên sân khấu luôn đem lại những tràng cười sảng khoái cho mọi người.

- Mở bài gián tiếp

Tiếng cười rất có ích đối với sức khỏe con người. Nó làm cho tâm hồn con người trở nên thư thái mà quên đi những mệt nhọc, lo âu. Vì thế mà các nghệ sĩ hài luôn được công chúng mến mộ. Bản thân em cũng như vậy, đối với em thì chú Bảo Quốc là danh hài mà em thích nhất.

>> Chi tiết: Viết đoạn mở bài trực tiếp và gián tiếp Tả nghệ sĩ hài mà em thích

>> Bài tiếp theo: Luyện từ và câu lớp 5: Cách nối các vế câu ghép

Ngoài ra, các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 5 và đề thi học kì 2 lớp 5 các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh theo chuẩn thông tư 22 của bộ Giáo Dục và các dạng bài ôn tập môn Tiếng Việt 5. Những đề thi này được VnDoc.com sưu tầm và chọn lọc từ các trường tiểu học trên cả nước nhằm mang lại cho học sinh lớp 5 những đề ôn thi học kì chất lượng nhất. Mời các em cùng quý phụ huynh tải miễn phí đề thi về và ôn luyện.