Bài viết này được hoàn thành cách đây vài tháng, nhưng vì nhiều lý do nên giờ mới được đưa lên đây. Lý do đầu tiên là mình muốn nhiều người đọc được nên có gửi cho một số báo, tuy nhiên, không báo nào đăng vì thông tin “quá nhạy cảm”!? Lý do thứ hai, mình suy nghĩ khá lâu trước khi quyết định nên hay không nên đăng. Đăng lên có thể sẽ mất đi một hoặc nhiều mối quan hệ thân quen (hy vọng là không), và cũng có thể mang lại những rắc rối không lường trước được. Nhưng càng chứng kiến những bệnh nhân ung thư, gia đình đang ở tận cùng của cơ cực, vẫn chắt bóp mua cho được cái gọi là thuốc chữa ung thư, hay những người bệnh nhẹ vì tin vào “thần dược” mà không đi gặp thầy thuốc chữa đúng người đúng bệnh, để rồi ra đi oan uổng, và cả những người khỏe mạnh, dùng “thần dược” để khỏe mạnh, xinh đẹp hơn, mà đâu biết có khi đang rước họa vào thân…, mình càng có quyết tâm rằng sự thực- kết quả của nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cần phải được công bố! Những ai nghi ngờ về độ tin cậy của thông tin xin hãy nhìn nhận rõ rằng những điều dưới đây là kết quả nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới, mình không phải người nghĩ ra, mà chỉ là người đọc và tóm tắt lại. Những ai nghi ngờ có thể kiểm tra thông tin từ các bài công bố gốc mà mình đều dẫn đường link đầy đủ. Rất cảm ơn bạn Doan N' Duc và chị Thuy Tran đã góp ý, sửa chữa để bài viết được hoàn thiện hơn, đồng thời cũng động viên để bài được đăng lên đây. Chị Lập Xuân và bạn Doan N' Duc đã bỏ rất nhiều công sức để bài đến với nhiều người đọc, tuy mục đích không đạt được, nhưng cảm ơn sự giúp đỡ của chị và bạn Đức. (Khi đọc mong mọi người lưu ý một điều: Tinh nghệ (hay curcumin) và củ nghệ là khác nhau. Tinh nghệ là một một số chất (trong bài gốc (1) gọi chung là curcumin) được chiết tách từ củ nghệ. Vì thế trong củ nghệ, ngoài curcumin ra còn có rất nhiều các thành phần khác. Tất cả các thử nghiệm đề cập trong bài được thực hiện trên tinh nghệ, không phải cả củ nghệ.) (Chú thích thêm: Sau khi đọc 1 số bình luận, mình xin nói rõ: Mong muốn của mình khi đăng bài là các bạn đang dùng và có ý định dùng tinh nghệ (hay các sản phẩm khác từ nghệ) vì bất cứ mục đích gì, hãy suy nghĩ xem bạn được gì và mất gì. Cái được: Tác dụng chữa bệnh, có hay không? Cả thế giới nghiên cứu trong 70 năm, tốn rất nhiều tiền của, chưa có 1 nghiên cứu trên người nào (đảm bảo các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học) kết luận tinh nghệ chữa được bệnh! Cái mất: Trước hết và chắc hắn nhất là tiền (thậm chí cả đống tiền). Sau nữa là tác dụng phụ của tinh nghệ! Tuy có rất ít nghiên cứu về tác dụng phụ của nó, nhưng những kết quả ban đầu cho thấy nó có tác dụng phụ, từ nặng đến nhẹ -sẽ nói rõ ở bài viết. Vậy bạn đang mất tiền cho cái gì?) Curcumin (Việt Nam vẫn gọi là tinh nghệ) từ lâu được người Việt tin dùng như thần dược, chữa bách bệnh, từ dạ dày, nám da cho đến HIV, ung thư giai đoạn cuối. Tuy nhiên, tuần trước, một nhóm các nhà khoa học của Mỹ, bao gồm các giáo sư đại học và bác sỹ bệnh viện, cho xuất bản một bài tổng kết phản biện và cập nhật các kết quả nghiên cứu về Curcumin (1). Bản giản lược của bài báo này sau đó được chọn đăng trên phần tin tức của tạp chí uy tín hàng đầu thế giới Nature (2). Mục đích của nhóm tác giả là để khuyến cáo về sự lãng phí về thời gian, công sức, và tiền bạc vào những nghiên cứu về tác dụng của Curcumin, mà chắc chắn sẽ chẳng đi đến đâu. Tác giả bài viết này xin tóm tắt vài ý chính của thông báo khoa học trên để có cái nhìn đúng hơn về tác dụng của loại “thần dược” này. Củ nghệ từ lâu được nhiều nước châu Á, nhất là Ấn Độ, sử dụng như gia vị nấu ăn cũng như thuốc dân gian chữa một số bệnh về đường tiêu hóa và da. Curcumin, tên chung chỉ một số chất chính của củ nghệ, có màu vàng, được tin chính là yếu tố quan trọng nhất, quyết định những lợi ích cho sức khỏe của nghệ. Curcumin, vì thế, bắt đầu được nghiên cứu từ những năm 50 của thế kỷ trước, đến nay là gần 70 năm. Trong gần 70 năm đó, thế giới đã tiêu tốn rất nhiều tiền của và thời gian. Chỉ tính riêng từ năm 1995 đến nay, và tính riêng ở Mỹ, 150 triệu đô (hơn 3000 tỉ) đã đổ vào những nghiên cứu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến tinh nghệ. Con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều. Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy “curcumin có xu hướng chữa bệnh A, B, C…”. Danh sách A, B, C… ngày một dài và bao gồm cả HIV và ung thư khiến Curcumin trở thành đối tượng nghiên cứu đầy triển vọng trong khoa học, và trở thành “thần dược, vàng ròng” trong cuộc sống, thông qua những câu chuyện truyền miệng đầy thêu dệt. Tuy nhiên, cái “quả tên lửa có nhiều đích ngắm” mà các nhà khoa học ưu ái gọi tinh nghệ trong giai đoạn còn “mặn nồng”, liên tục nổ tung khi vừa rời bệ phóng và chưa một lần chạm tới bất kì cái đích nào. Thực vậy, sau gần 70 năm nghiên cứu, cho đến nay, mặc dù đã có hàng ngàn bài báo khoa học được xuất bản và hơn 120 thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người) được tiến hành, người ta vẫn chỉ có thể đưa ra một kết luận nửa vời “có xu hướng chữa bệnh”. Không một bằng chứng nào chứng minh Curcumin có tác dụng điều trị một loại bệnh cụ thể nào đó! Trên thực tế, để một chất “có xu hướng chữa bệnh” trở thành thuốc chữa bệnh, là một con đường dài (trung bình 12 năm), trải qua rất nhiều bước nghiên cứu và thử nghiệm nghiêm ngặt trên tế bào, trên động vật, và cuối cùng là trên người bệnh và người khỏe mạnh (7). Số lượng động vật và người thử nghiệm cũng phải đủ lớn (có thể lên đến vài nghìn người), để đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn thống kê. Trung bình, trong 5000 chất "có xu hướng chữa bệnh" được thử nghiệm trên động vật, có 5 chất được tiếp tục thử nghiệm trên người và chỉ có 1 chất được bán ra thị trường (8). Trên chặng đường đi tìm câu trả lời cho việc tinh nghệ cho kết quả khả quan khi nghiên cứu hoạt tính trên các dòng tế bào nhưng lại hoàn toàn không cho kết quả như mong đợi khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng trên người, các nhà khoa học phát hiện ra tinh nghệ thuộc vào nhóm các chất PAINS (pan-assay interference compounds). PAINS là nhóm các chất có khả năng tạo ra những tín hiệu khả quan không có thực ở hàng loạt thí nghiệm tương tác với protein (3). Các nhà khoa học thiếu kinh nghiệm sẽ ngay lập tức vui mừng thông báo khi thấy những tín hiệu tích cực này mà không cần xem xét gì nhiều, và sự thực chỉ phơi bày khi những thí nghiệm sâu hơn, cụ thể là thử nghiệm trên động vật và người, được tiến hành. Một tính chất nữa của tinh nghệ cũng giúp lí giải kết quả trên, đó là tính không bền. Curcumin có chứa 1 liên kết đặc biệt, có thể chuyển hóa qua lại giữa 2 dạng cấu trúc keto-enol. Ngoài ra thời gian bán hủy của curcumin ở 23oC là 20 phút, khi nhiệt độ tăng lên 37oC (nhiệt độ cơ thể), giá trị này giảm còn dưới 10 phút (1). Điều này có nghĩa khi curcumin được đưa vào cơ thể, 50% bị phân hủy sau chưa đến 10 phút, và thêm 10 phút nữa thì chỉ còn lại 25%, sau 1h thì chỉ còn khoảng 1,5%. Thêm nữa, curcumin là chất khó tan trong nước nên phần lớn lượng chất này sẽ bị đào thải trực tiếp qua đường tiêu hóa và chỉ một phần rất nhỏ được đưa vào cơ thể. Cũng cần lưu ý rằng tinh dầu nghệ và oleoresin nghệ (phần còn lại sau khi loại bỏ nước) được Hiệp hội thuốc và thực phẩm Mỹ FDA (U.S. Food and Drug Administration) đánh giá là an toàn (Generally recognized as safe- GRAS) khi sử dụng như gia vị nấu ăn (20mg/người/bữa ăn). Tinh nghệ (hay curcumin) không hề có tên trong danh sách các thực phẩm, hay thuốc an toàn trên. Đối ngược với rất nhiều nghiên cứu tập trung vào công dụng của tinh nghệ, tác dụng phụ của hỗn hợp này lại rất ít được quan tâm. Năm 2010, 64 nghiên cứu của các nhà khoa học trên cả thế giới được tóm tắt trong bài báo “Những mặt tối của curcumin” (4). Nội dung chính như sau: - Curcumin gây tổn thương DNA và gây đột biến nhiễm sắc thể ở cả thí nghiệm trên tế bào và thí nghiệm trên người và động vật (10, 11). Điều này đặc biệt nguy hiểm! Một khi DNA bị tổn thương ở mức độ vượt quá khả năng tự sửa chữa của tế bào, sẽ dẫn đến nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt là bệnh ung thư. Còn đột biến nhiễm sắc thể, dù ở bố hay ở mẹ, cũng có nguy cơ gây sảy thai hoặc sinh ra những đứa trẻ với những căn bệnh di truyền không mong đợi và các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. - Năm 1993, chương trình độc học quốc gia của Mỹ (National Toxicology Program), nghiên cứu tác hại của dịch chiết của nghệ (chứa 79-85% curcumin) lên chuột bằng cách cho chúng ăn thức ăn có trộn với dịch chiết này, ở các liều lượng khác nhau, trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 2 năm. Những con chuột tội nghiệp sau 2 năm được phát hiện tăng tỉ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, cường giáp và đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột (5). - Năm 2009, thí nghiệm trên những con chuột bị cấy bệnh ung thư phổi đưa ra những bằng chứng về việc curcumin thúc đẩy quá trình ung thư phổi như tăng kích thước khối u, đẩy nhanh các giai đoạn ung thư (6). Tất nhiên, những nghiên cứu trên đều chỉ là những nghiên cứu ngắn hạn. Các nghiên cứu dài hạn chưa hề được tiến hành. Thiếu những nghiên cứu này đồng nghĩa với việc thiếu thông tin về tác dụng phụ của curcumin khi được sử dụng lâu dài, cũng như thiếu thông tin về tác hại lâu dài của nó trên người. Một vài thử nghiệm của tinh nghệ trên người và kết quả (1): - 15 bệnh nhân mắc bệnh ung thư đại trực tràng được cho uống hỗn hợp thương mại của curcumin. Sau 4 tháng theo dõi, kết quả không cho thấy sự giảm nồng độ của các chất đặc trưng tiết ra từ các tế bào ung thư (tumor markers) ở cả 15 bệnh nhân. 3 trong số 15 bệnh nhân có những thay đổi đáng kể, 1 trong số đó cảm thấy khá hơn sau 1 tháng, 2 người còn lại trở nặng sau 4 tháng. Các tác dụng phụ ghi nhận được là tiêu chảy, mẩn ngứa và đau đầu. - 686 phụ nữ đang xạ trị để điều trị bệnh ung thư vú được cho uống hỗn hợp curcumin nhằm thử nghiệm tác dụng của hỗn hợp này trong việc phòng tránh và giảm thiểu ảnh hưởng của tia xạ trên da. Kết quả cho thấy nhóm phụ nữ dùng tinh nghệ có xu hướng bị tổn thương da nhiều hơn so với nhóm đối chứng. - Nghiên cứu dùng curcumin để ngăn ngừa ung thư ruột kết ở những người hút thuốc được thực hiện trên 23 người. Kết quả không cho thấy sự khác biệt trên một số người, tuy nhiên ở một số người khác, sự thay đổi là theo chiều hướng tiêu cực (từ bình thường chuyển sang giai đoạn tiền ung thư). - Thử nghiệm cho bệnh nhân mất trí nhớ (Alzheimer’s Disease) được thực hiện trên nhóm bệnh nhân có tuổi trung bình 74, dùng curcumin trong vòng 24 tuần. Kết quả không cho thấy bất kì sự khác biệt nào giữa nhóm điều trị và nhóm đối chứng (nhóm không dùng curcumin). Tuy không thấy sự tiến triển của bệnh, nhưng tác dụng phụ được ghi nhận như tiêu chảy, đau khớp, và thay đổi nội tiết. - Nhiều nghiên cứu thống kê không cho thấy sự khác biệt trong “tình trạng nhận thức” của những người thường xuyên dùng nghệ (cả củ nghệ, không phải tinh nghệ) và những người hiếm khi hoặc không bao giờ dùng. Sự thực rằng nghệ được sử dụng hàng ngày như một loại gia vị không có nghĩa là nó an toàn khi được sử dụng ở liều lượng cao. Các nhà khoa học thậm chí giả thuyết rằng khả năng dung nạp nghệ của cơ thể, và các tác dụng phụ ít nghiêm trọng của nó, có được là nhờ vào tính ít bị hấp thụ của nó. Các phương pháp nhằm tăng khả năng hấp thu của cơ thể đối với curcumin như công nghệ hạt nanô, sợi nanô, túi lipid… có thể sẽ tăng tác dụng của curcumin, nếu có, nhưng đồng thời cũng chắc chắn gia tăng các tác dụng phụ nguy hiểm của nó. Tại sao một số người bệnh cảm thấy ổn hơn khi sử dụng tinh nghệ?Cảm giác “ổn hơn” thực ra chỉ là hiệu ứng tâm lý nhất thời, xuất hiện ở những tín đồ của “chủ nghĩa tin đồn”, hay còn được gọi là “placebo effect” (9). Y học ghi nhận rất nhiều trường hợp người bệnh được cung cấp (bí mật) những viên thuốc giả (không chứa thành phần thuốc), nhưng vẫn cảm thấy khá hơn nhiều sau khi dùng, cho dù các chỉ số y khoa không hề thay đổi. Hiệu ứng tâm lý này phổ biến đến nỗi, trong thử nghiệm thuốc, luôn phải có 2 nhóm: Nhóm dùng thuốc thật để nghiên cứu tác dụng của thuốc và nhóm dùng thuốc giả để đánh giá tác động của hiệu ứng placebo. Có nên sử dụng nghệ và các sản phẩm của nghệ?Nghệ từ lâu đã được người Ấn độ sử dụng như một loại gia vị nấu ăn. Và thực tế cho thấy họ ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa hơn các nước khác. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó cũng có thể do các chất nào khác trong củ nghệ (chứ không phải tinh nghệ) hoặc chất nào khác trong nhiều loại gia vị mà người Ấn hay dùng. Và lượng bột nghệ tối đa 1 người Ấn độ sử dụng chỉ là 0.15g/ngày. Tất cả các sản phẩm khác được chế biến từ nghệ, cho đến nay không những không cho thấy một tác dụng cụ thể nào cho người và động vật, mà ngược lại có những tác dụng phụ khá rõ ràng và nguy hiểm. Vì vậy việc sử dụng một lượng nhỏ nghệ (cả củ nghệ) như một gia vị nấu ăn là an toàn. Nhưng sử dụng các sản phẩm được chế biến từ nghệ (ví dụ tinh nghệ), với liều lượng cao, là liều lĩnh chấp nhận những nguy cơ gây bệnh có thực để đổi lấy một giá trị ảo không xứng đáng! Tài liệu tham khảo1. http://pubs.acs.org/doi/pdf/10.1021...2. http://www.nature.com/news/deceptiv...3. http://www.nature.com/news/chemistr...4. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/...5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed...6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/ar...7. http://www.fda.gov/ForPatients/Appr...8. http://www.medicinenet.com/script/m...9. https://en.wikipedia.org/wiki/Place...10. https://academic.oup.com/toxsci/art...11. https://link.springer.com/article/1... (Bài viết chỉ cung cấp thông tin khoa học. Quyết định là ở người dùng. Người viết, và người sửa bài viết, không chịu bất cứ trách nhiệm gì liên quan đến quyết định của người dùng và doanh số của các nhà sản xuất, cũng như các trách nhiệm liên đới khác.) (Người viết và người sửa bài không được trả tiền bởi bất cứ cá nhân và tổ chức nào, bởi các công ty dược lại càng không!)