Phương pháp cho trẻ làm quen với toán năm 2024

SKKN – Đề tài: Một số biện pháp nâng cao chất lượng làm quen với toán cho trẻ 5-6 tuổi trong trường mầm non – Tác giả: Võ Thị Nữ – Giáo viên trường MN Đại Hòa

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BÁO CÁO SÁNG KIẾN MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG LÀM QUEN VỚI TOÁN CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI TRONG TRƯỜNG MẦM NON 1. Mô tả bản chất của sáng kiến Trong chương trình giáo dục mầm non có nhiều hoạt động học khác nhau cho trẻ như: Tạo hình; Khám phá khoa học;Âm nhạc; Thể dục; Làm quen văn học; làm quen chữ cái; làm quen với toán. Mỗi hoạt động học mang lại cho trẻ những kiến thức, kỹ năng khác nhau. Trong các hoạt động ấy thì hoạt động Làm quen với toán là một trong những hoạt động đóng vai trò rất quan trọng và cần thiết cho trẻ, giúp trẻ phát triển trí tuệ, tư duy, hình thành khả năng nhận thức thế giới xung quanh, rèn luyện các thao tác tư duy: so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa… Góp phần phát triển ngôn ngữ: cung cấp vốn từ về các biểu tượng toán cho trẻ, sử dụng đúng các từ ngữ trong toán học. Từ đó cũng góp phần giáo dục đạo đức, thầm mĩ, ý thức lao động ngay từ khi còn bé ở trẻ. Việc cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi làm quen với một số khái niệm sơ đẳng về toán là bước đầu cho trẻ tiếp xúc với các biểu tượng ban đầu về tập hợp, số lượng, số thứ tự, phép đếm, hình dạng, kích thước, đo lường, so sánh, sắp xếp theo quy tắc định hướng trong không gian và thời gian tạo nền tảng cơ bản về toán học cho trẻ trước khi vào trường tiểu học. Trong quá trình dạy trẻ hoạt động làm quen với toán tại lớp tôi nhận thấy trẻ tham gia hoạt động làm quen với toán đạt kết quả chưa cao, kỹ năng xếp đếm còn nhiều hạn chế, trẻ còn nhầm lẫn trong định hướng về thời gian các buổi trong ngày (sáng, trưa, chiều, tối), trình tự thời gian: hôm qua, hôm nay, ngày mai, một số trẻ chưa nhận biết được ý nghĩa các con số được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày Mặc khác trẻ chưa tập trung chú ý cô trong giờ học, chưa thể hiện hết tính tích cực, sáng tạo của mình khi tham gia hoạt động làm quen với toán Xuất phát từ nhận thức đó là một giáo viên mầm non trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ, tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ để đưa ra các biện pháp nhanh chóng giúp trẻ hứng thú, mạnh dạn, tự tin trong các tiết học làm quen với toán đồng thời giúp bản thân có kiến thức, kỹ năng trong việc dạy trẻ học môn toán tốt hơn vì vậy mà tôi đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động làm quen với toán cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi trong trường mầm non” 1.1. Các giải pháp thực hiện, các bước và cách thực hiện : Biện pháp 1: Tạo môi trường toán học cho trẻ và làm đồ dùng, đồ chơi để tổ chức hoạt động “Làm quen với toán” – Tạo môi trường toán học cho trẻ Một môi trường học tập tốt có hiệu quả là một môi trường gây hứng thú cho trẻ, phát huy được trí tưởng tượng, sáng tạo cho trẻ chính vì vậy tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường với nhiều đồ dùng, đồ chơi hấp dẫn trang trí xung quanh lớp. Ví dụ: Cắt những con vật, những bông hoa bằng vải nỉ dán lên tường, treo những chiếc vòng nhiều màu sắc, trang trí theo chủ đề, cho trẻ đếm và có thể học các môn khác. Chúng ta biết rằng trẻ nhỏ luôn yêu thích cái đẹp, trí tưởng tượng của trẻ là vô cùng phong phú do vậy môi trường học tập xung quanh trẻ là một yếu tố cực kỳ quan trọng kích thích trẻ tư duy và sáng tạo. Ta cần tạo cho trẻ một tâm lý thật thoải mái, coi lớp học như ngôi nhà thân yêu của mình và trong ngôi nhà đó trẻ được tham gia dọn dẹp, trang trí, sáng tạo theo ý mình. Chính vì vậy tôi đã khuyến khích trẻ sưu tầm đồ chơi, tranh ảnh để trang trí lớp học theo chủ đề. Xây dựng góc toán phong phú, nhiều thể loại sắp xếp bố trí đồ chơi gọn gàng, đồ chơi luôn để ở tư thế “mở’’ để kích thích trẻ hứng thú hoạt động, đồ dùng, đồ chơi phải đảm bảo thuận tiện cho thao tác sử dụng, được sắp xếp sao cho dễ lấy, dễ cất và đặc biệt có thể sử dụng vào các môn học và các hoạt động khác. Góc toán phải được bố trí thật nổi, thật đẹp mắt, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, lại vừa đảm bảo tính chính xác và trẻ được trải nghiệm. Các đồ dùng đồ chơi trong góc toán được tôi trang trí phân chia thành từng “mảng” riêng biệt: Nhận biết số lượng, sắp xếp theo quy tắc, tách gộp; Hình khối; Thời gian. Không chỉ tạo môi trường toán học cho trẻ ở trong lớp học mà còn cần tạo môi trường bên ngoài lớp học cho trẻ. Ở bên ngoài lớp học, trên những song lam phía trước tôi và các cô giáo cùng nhau làm các dây rèm đa dạng hình ảnh như mặt trời, đám mây, chim bay, hoa lá… chúng tôi gắn chữ số lên hình ảnh và sắp xếp các dây rèm theo quy tắc, như vậy không chỉ làm đẹp môi trường bên ngoài lớp học và giúp trẻ đếm số lượng, nhận biết các chữ số, cách sắp xếp theo quy tắc. Trên dãy hành lang, chúng tôi dán nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh có gắn chữ số, số lượng trẻ có thể vừa xem hình ảnh,vừa ghi nhớ chữ số. – Làm đồ dùng, đồ chơi để tổ chức hoạt động “Làm quen với toán” Bên cạnh việc trang trí môi trường thì việc làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ giảng dạy là rất cần thiết, đồ dùng, đồ chơi là chiếc cầu nối giữa trẻ và hoạt động nhận thức, cho trẻ hoạt động với đồ dùng, đồ chơi là cách thức giúp trẻ lĩnh hội kinh nghiệm sống sau này. Một tiết học không thể đạt kết quả cao nếu như thiếu đồ dùng giảng dạy. Do đó việc lựa chọn đồ dùng đồ chơi phù hợp với tiết dạy là vô cùng quan trọng. Đồ dùng để phục vụ cho các cháu trong hoạt động “làm quen với toán” phải đẹp, an toàn, dễ sử dụng, sinh động thì giờ học mới đạt kết quả cao. Để có đủ đồ dùng phục vụ các chủ đề trong năm học trong giờ hoạt động góc tôi cho trẻ cắt những chữ số, những tranh ảnh từ hoạ báo, những quyển truyện tranh đã cũ, sách, báo, tranh những con vật, cây, quả, hình… làm bộ sưu tập đồ dùng học toán và phân theo từng chủ đề, với bộ đồ dùng này thì đến giờ học toán trẻ xếp đếm, tách gộp hay sắp xếp theo quy tắc đều sử dụng được và quan trọng trẻ rất thích học với đồ dùng trẻ tự làm. Để tăng tính hấp dẫn của giờ học tôi còn tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, những vật liệu, phế liệu bỏ đi dễ kiếm dễ tìm để làm nên đồ chơi sử dụng vào dạy học. Ví dụ : Khi dạy trẻ số 6 tiết 1 trong chủ đề thế giới động vật tôi đã thu thập rất nhiều các ống nước rửa bát, sữa chua cắt thành con thiên nga, con voi rồi dùng sơn, giấy đề can, xốp dạ trang trí các họa tiết con vật để sử dụng vào tiết học, trẻ rất hứng thú và giờ học đã đạt kết quả cao các con vật này được trưng bày trên góc học tập rất đẹp và còn giúp trẻ hiểu thêm về môi trường xung quanh,ngoài ra tôi còn dùng con ngao,rửa sạch rồi trang trí tạo thành con ếch cho trẻ hoạt động cũng rất thích. Như vậy sẽ làm cho trẻ hứng thú trong giờ học tạo được sự hấp dẫn lôi cuốn trẻ vào giờ học. Biện pháp 2: Đổi mới hình thức tổ chức tiết học trên lớp để gây hứng thú cho trẻ. Khi tổ chức hoạt động làm quen với toán cho trẻ, chúng ta thường tổ chức hoạt động theo hình thức thông thường, một số tiết học về số lượng nội dung lại lặp đi lặp lại như thế sẽ rất nhàm chán và đơn điệu, sự hứng thú của trẻ sẽ giảm đi do vậy ta cần có sự linh hoạt thay đổi các hình thức tiết học để trẻ học không nhàm chán. Ví dụ: Khi dạy trẻ đếm đến 6- nhận biết nhóm số lượng 6- nhận biết chữ số 6 ở chủ đề “bản thân”.Tôi đã nghĩ ra chủ đề xuyên suốt giờ học đó là “sinh nhật búp bê tròn 6 tuổi”. Mở đầu tiết dạy trong tiếng nhạc “chúc mừng sinh nhật” các cháu được lên đốt nến và thổi nến, nói những lời chúc mừng sinh nhật có ý nhĩa, trẻ được đếm số nến, gắn chữ số tương ứng, thắt nơ xếp đếm tạo nhóm quà tặng quà cho búp bê. Sau đó trẻ sẽ chơi bày cỗ sinh nhật búp bê trong lúc học tôi đặt ra các tình huống có vấn đề để cô và trẻ cùng giải quyết sẽ gây cho trẻ được trí tò mò và thích thú. Ví dụ: Dạy trẻ bài học về so sánh số lượng trong phạm vi 6 trong chủ đề “ Gia đình” tôi kể cho trẻ nghe câu chuyện “Nhổ củ cải” bằng mô hình rối tôi đã thay thế 3 nhân vật chó con, mèo con, chuột nhắt thành bạn của bé Hoa là Tuấn, Lan, và Mai. Vừa kể tôi vừa đưa các nhân vật ra theo diễn biến câu chuyện đến đoạn “ Ông nhổ củ cải không được liền gọi Bà và bé Hoa ra” tôi dừng lại đặt câu hỏi “ vừa rồi chỉ có một mình ông nhổ củ cải bây giờ thêm bà và bé Hoa là thêm mấy người? (2 người ). Thế là tất cả bây giờ có mấy người nhổ cải (3 người) câu chuyện cứ tiếp diễn thêm 1, 2, 3 người nhổ nữa và cuối cùng có 6 người nhổ củ cải đã lên được, trẻ vừa được nghe chuyện vừa biết cách tạo nhóm có 6 đối tượng, trẻ rất thích thú say sưa đắm mình vào câu chuyện kể và nắm được kiến thức bài học như được khắc sâu vào trong tâm trí trẻ. Hình thức tổ chức tiết dạy của mỗi giáo viên nhằm nâng cao chất lượng của tiết dạy. Chính vì thế khi tổ chức hoạt động Làm quen với toán cho trẻ, tùy vào từng chủ đề có hoạt động tôi tổ chức cho trẻ học trong lớp nhưng có hoạt động học ngoài trời. Ví dụ: Khi dạy trẻ nhận biết phân biệt khối cầu, khối trụ, khối vuông, khối chữ nhật tôi tổ chức cho trẻ học ngoài trời, tổ chức cho trẻ quan sát bồn hoa, bồn cây cảnh xung quanh khu vực vườn hoa của bé, quan sát lồng đèn trước nhà vòm qua đó giúp trẻ nhận biết các đồ vật đó có dạng khối gì? Ngoài ra tôi tổ chức cho trẻ chơi đá bóng, tôi cho trẻ xếp các khối chồng lên nhau tạo thành khung thành, lấy bóng cho trẻ đá qua đó trẻ vừa chơi vừa biết được khung thành có dạng khối gì? quả bóng có dạng khối gì? Như vậy vừa cung cấp kiến thức cho trẻ vừa liên hệ đến các đồ dùng thực tế trong cuộc sống sẽ giúp trẻ tiếp nhận bài học một cách thoải mái và ghi nhớ bài học lâu hơn. *Biện pháp 3: Ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến trong việc cho trẻ làm quen với toán. Hiện nay trên thế giới có nhiều loại hình giáo dục tiên tiến như: Riggo, Montessori, Steam… nhưng tôi thấy phổ biến là ứng dụng phương pháp Steam trong dạy học mầm non. STEAM là một phương pháp giáo dục tích hợp đầy đủ 5 yếu tố khoa học – công nghệ – kỹ thuật – nghệ thuật – toán học, cung cấp cho trẻ những kiến thức toàn diện của cả 5 lĩnh vực và thông qua hoạt động thực hành cung cấp nhiều kỹ năng thực tế cho trẻ. Dạy học theo phương pháp steam có nghĩa là từ những hoạt động mang tính thực hành và thực tiễn, mắt thấy – tai nghe – tay chạm, trẻ có thể khám phá được tận tường gốc rễ của các sự vật, hiện tượng trong đời sống, kích thích sự phát triển tư duy đa chiều. Trên lớp tôi có ứng dụng phương pháp steam vào môn học làm quen với toán cho trẻ bằng các hình thức sau: Việc trang trí góc toán, làm đồ dùng đồ chơi toán học cho trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm tôi tận dụng phế thải như bìa caton, dây cối, hột hạt, rổ tre, mành mành, nắp chai, ống hút…. để trang trí làm đồ chơi cho trẻ, các nguyên liệu đó vừa dễ kiếm và vừa giúp tôi tiết kiệm được chi phí trang trí lớp. Việc làm đồ dùng trang trí lớp không chỉ có cô giáo làm mà trẻ cùng làm với cô. Ví dụ: Với những hột hạt, nắp chai nhựa , nút áo trẻ cỏ thế xếp thành chữ số, chữ cái, bông hoa để trang trí lớp Khi dạy trẻ học toán theo phương pháp steam, tôi thường tổ chức cho trẻ học ngoài trời, sử dụng với các đồ chơi thực tế và những nguyên liệu mà trẻ tự đem lên Ví dụ: Khi dạy trẻ đo dung tích các vật bằng một đơn vị đo tôi sẽ chuẩn bị sẵn cho trẻ mỗi nhóm một bồn nước nhỏ với các dụng cụ trẻ đem lên như là canh nước rửa chén, chậu, chai nhựa, cốc, phễu…sau đó để cho mỗi trẻ thử nghiệm việc đổ đầy nước và so sánh nó. Mục đích chính là dạy cho bé kỹ năng học toán, khoa học và khả năng quan sát, đánh giá vấn đề. Ví dụ: Cho trẻ học nhận biết về ý nghĩa của các chữ số tôi tổ chức cho trẻ học dưới hình thức xử lý các tình huống như nhà có bệnh nhân đang sốt cao co giật thì chúng ta phải làm gì? khu chung cư xảy ra vụ cháy thì như thế nào? khi bị đi lạc đường thì con sẽ làm gì?….. Qua đó giúp hứng thú tích cực khi tham gia vào giờ học , ghi nhớ được các chữ số và biết được ý nghĩa của các chữ số trong cuộc sống hằng ngày. Steam được xem là phương pháp giáo dục sớm đề cao sự sáng tạo, tư duy cho trẻ. Vì thế mà khi các bé được giáo dục bằng phương pháp Steam các con sẽ có khả năng tự hiểu bản chất vấn đề. Đồng thời mở rộng, giải quyết và sửa chữa tình huống. *Biện pháp 4: Thiết kế trò chơi và lựa chọn một số trò chơi dân gian trong hoạt động làm quen vớ toán. Như chúng ta đã biết đối với trẻ mầm non thì trẻ “học bằng chơi, chơi mà học” . Điều này cũng khẳng định rằng chơi cũng là một phần không thể thiếu đối với trẻ vậy chơi làm sao và trò chơi như thế nào để trẻ “ chơi bằng học, học mà chơi” một cách hiệu quả là việc giáo viên cần chú ý khi tổ chức trò chơi cho trẻ. Hiểu được như vậy nên tôi luôn tìm tòi và thiết kế những trò chơi vui nhộn để giúp trẻ ghi nhớ bài học lâu và tham gia tích cực. Trò chơi 1: “Câu cá” Chủ đề thế giới động vật Mỗi tổ cần 1 cần câu có móc câu, một ao cá có rất nhiều cá đang bơi lội, trên mình con cá có gắn chữ số, trên miệng con cá có làm vòng tròn để trẻ câu. Lần lượt từng trẻ phải đi qua cầu sau đó cầm cần câu, câu cá có chữ số theo yêu cầu của cô bỏ vào giỏ. Cứ như vậy bạn này về, bạn khác tiếp tục lên, trong thời gian một bản nhạc , đội nào câu được nhiều cá có đúng chữ số đội đó là thắng cuộc. Qua trò chơi vừa giúp trẻ ghi nhớ sâu chữ số đã học, vừa rèn luyện sự nhanh nhẹn khéo léo và tinh thần đoàn kết của trẻ khi chơi *Trò chơi 2 : “Nghe âm thanh tạo số lượng” chủ đề giao thông Cô đóng vai chú cảnh sát, khi cô thổi 7 tiếng còi, thì trẻ phải lấy nhóm đồ dùng có số lượng là bao nhiêu và gắn chữ số tương ứng vào nhóm đồ dùng đó. Qua đó giúp trẻ phát triển khả năng tập trung chú ý, phát triển tai nghe, khả năng phản ứng nhanh của trẻ. * Trò chơi 3: Làm album toán học Trẻ sẽ tự tay cắt những hình ảnh mà trẻ tô màu trong các tiết học trước và tạo nhóm làm album toán học. Trang sách thứ nhất có chữ số nhưng chưa có số lượng thì trẻ phải cắt chữ số tương ứng với số lượng, trang sách thứ 2 đã có chữ số, có số lượng nhưng không tương ứng với nhau, trang thứ ba có số lượng nhưng chưa có chữ số vậy trẻ phải làm sao để hoàn thiện quyển album đó. Trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển vận động tinh, khả năng tư duy, quan sát và ghi nhớ bài học * Lựa chọn một số trò chơi dân gian mang lại hứng thú và gần gũi đối với trẻ. Trò chơi dân gian không chỉ đơn thuần là trò chơi mang tính giá trị, phát triển vận động mà còn có cả ý nghĩa giáo dục, phát triển trí tuệ của trẻ. Ngoài ý nghĩa phát triển ngôn ngữ, mở rộng mối quan hệ, rèn luyện kỷ năng, phát huy sự tự tin chủ động của trẻ thì nhiều trò chơi dân gian còn giúp trẻ hình thành các biểu tượng toán như kĩ năng đếm, so sánh, nhận biết số lượng của nhóm đối tượng. Như chúng ta đã biết thì có rất nhiều trò chơi dành cho trẻ nhưng ít khi chúng ta sử dụng các trò chơi dân gian vào học toán. Nhưng theo tôi nghĩ trò chơi dân gian là một trò chơi rất gần gũi với trẻ mầm non và đặc biệt là làm quen với toán và sau đây là một số trò chơi dân gian tôi muốn chia sẽ cùng các bạn để tiết học được gần gũi hơn: * Trò chơi 1: Chuyền thẻ Là một trò chơi dân gian dạy trẻ làm quen với toán, cộng hay trừ. Đó là bài tập đếm từ 1 đến 10 của trẻ. Trẻ nhóm các nhóm theo trật tự cao dần lên và cộng lại trong phạm vi 10: bắt đầu từ bàn 1 “cái mốt, cái mai, cái trai, cái hến …” Sau đó là nhóm đôi và các nhóm cao hơn “đôi tôi, đôi chị,…” “Ba lá đa, ba lá đề..“8 quả trám, hai lên 9”…Bài tập đó có thể giúp trẻ đếm thành thạo trong phạm vi 10. * Trò chơi 2: Cướp cờ Trò chơi này giúp trẻ phải phản ứng nhanh, tập trung lắng nghe, chú ý quan sát nhanh các lá cờ có chữ số, hoặc nhóm số lượng và cướp nhanh về đội của mình. * Trò chơi 3: Bum lá xòa Là một trò chơi rất phổ biến và dễ chơi khi áp dụng vào toán, cô chỉ cần hô “ Bum lá xòa, ba lá xùm” trẻ hỏi xùm cái gì? Cô nói xùm cho cô 5 bông hoa…. Giúp trẻ tập đếm, tập hợp nhóm số lượng, nhận biết chữ số Như vậy để tiết học thành công và mang lại hiệu quả cao thì người giáo viên luôn phải tìm tòi sáng tạo ra những trò chơi hỗ trợ cho tiết học, trò chơi đạt hiệu quả chứng minh rằng trẻ tiếp thu bài tốt, tiết dạy cô sẽ thành công. 1.2. Phân tích tình trạng của giải pháp đã biết Trong quá trình áp dụng một số biện pháp nâng cao chất lượng làm quen với toán cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi ở trường mầm non tại lớp lớn 1 trường MN Đại Hòa có những thuận lợi và khó khăn nhất định như: Thuận lợi: Nhà trường thường xuyên bồi dưỡng cho giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt là bồi dưỡng cho giáo viên các nội dung kiến thức về toán học, để giáo viên vận dụng vào dạy trẻ tại lớp. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn nhà trường luôn xác định môn toán là một môn học khó và khô khan nên luôn xây dựng các tiết toán mẫu thông qua các giờ kiến tập của trường để giáo viên được tham gia dự giờ, học hỏi rút kinh nghiệm cho bản thân và áp dụng đạt hiệu quả cao tại lớp mình phụ trách. Bản thân đã được tham gia các lớp học chuyên đề, tham dự các tiết dạy mẫu, do nhà trường, Phòng giáo dục tổ chức về toán học Khó khăn: Ở trong lớp đa số các cháu có sự phát triển không đồng đều ,nhiều cháu rất nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh nhưng cũng không ít cháu tiếp thu còn chậm chạp, ít vận động, ít nói. Một số cháu nắm kiến thức toán học còn thấp, chưa nói được những từ ngữ thuật ngữ toán học; kỹ năng như sắp xếp, đếm , thêm bớt , so sánh…còn yếu, . Khả năng tích cực, chủ động tư duy của trẻ còn hạn chế . 1.3. Nội dung đã cải tiến, sáng tạo để khắc phục những nhược điểm hiện tại Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Làm quen với toán cho trẻ mẫu giáo ở trường mầm non thì đầu tiên cô giáo cần tạo môi trường lớp học thân thiện, gần gũi với trẻ, có nhiều đồ dùng đồ chơi theo chủ đề cho trẻ thực hành trãi nghiệm. Trẻ sẽ bị lôi cuốn, hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động khi trẻ được trải nghiệm trong môi trường mới lạ, đẹp mắt hấp dẫn trẻ. Theo chương trình giáo dục mầm non mới dạy trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm thì việc đổi mới hình thức tổ chức hoạt động giáo dục cho trẻ được chú trọng, trẻ phải được trãi nghiệm thực tiễn, được phát triển các kỹ năng một cách toàn diện. Chính vì vậy cô giáo cần nghiên cứu tổ chức hình thức tiết học sao cho nhẹ nhàng, logic, tạo điều kiện trẻ được chơi mà học, phát huy tính tích cực của trẻ. Hiện nay bên cạnh việc tổ chức hoạt động theo chương trình giáo dục mầm non, các cô giáo có thế áp dụng các loại hình giáo dục tiên tiến nước ngoài như Steam vì phương pháp này đang phổ biến và dạy trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Dựa vào đặc điểm của trẻ mẫu giáo là “học bằng chơi, chơi mà học” nên việc thiết kế trò chơi cho trẻ là một trong những hoạt động giúp trẻ tiếp thu bài học nhanh nhất vậy nên cô giáo cần nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo ra những trò chơi mới lạ, gần gũi và hấp dẫn trẻ 1.4. Khả năng áp dụng của sáng kiến: Với đề tài sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động làm quen với toán cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi trong trường mầm non” có thể áp dụng được đối với các trường mầm non trong và ngoài huyện. 1.5. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: Cần trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chuẩn bị đầy đủ đồ dùng đồ chơi cần thiết cho một hoạt động trong ngày của trẻ, các đồ dùng đó có màu sắc hình dáng đẹp, có sức hấp dẫn, an toàn để kích thích tính tò mò của trẻ. Tham khảo thêm tài liệu chuyên môn về toán học mầm non 1.6. Hiệu quả sáng kiến mang lại: Qua một thời gian tìm tòi nghiên cứu, áp dụng những biện pháp mới cho trẻ làm quen với toán tôi đã thu được kết quả như sau – Đối với trẻ: Trẻ tích cực ,tự tin hơn khi tham gia hoạt động làm quen với toán. – Kỹ năng đếm, tạo nhóm số lượng, nhận biết chữ số của trẻ trở nên thành thạo hơn – Các biểu tượng sơ đẳng về toán như hình dạng, kích thước, định hướng không gian, thời gian, đo lường… trẻ tiếp thu một cách nhẹ nhàng và thoải mái. – Trẻ có những kiến thức ban đầu về toán vững chắc để chuẩn bị vào trường tiểu học – Đối với giáo viên: Giáo viên có thêm nhiều giải pháp, kinh nghiệm trong việc dạy trẻ làm quen với toán đạt hiệu quả. Giáo viên tự tin hơn, tiết dạy trở nên sinh động hơn. 2. Những thông tin cần được bảo mật (nếu có): Không 3. Danh sách những thành viên đã áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có):

Đại Hòa, ngày 22 tháng 11 năm2022 Người viết

Võ Thị Nữ

Dạy toán cho trẻ mầm non để làm gì?

Học toán giúp các bé phát triển trí tuệ, tư duy; hình thành khả năng nhận thức thế giới xung quanh; rèn luyện các thao tác tư duy: so sánh, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa… Góp phần phát triển ngôn ngữ: cung cấp vốn từ về các biểu tượng toán cho trẻ.

Nhiệm vụ hình thành biểu tượng toán cho trẻ mầm non là gì?

Vai trò của việc hình thành biểu tượng toán đối với sự phát triển toàn diện của trẻ mầm non. Việc hình thành các biểu tượng toán từ nhỏ; giúp các bé làm quen với thế giới xung quanh; giải quyết được một số khó khăn trong cuộc sống hằng ngày; đồng thời giúp trẻ diễn đạt dễ dàng hơn với ngôn ngữ nói.

Biểu tượng số lượng là gì?

Biểu tượng số lượng là những hình ảnh về đặc trưng số lượng của các tập hợp còn lưu lại và được tái hiện trong óc của ta khi các tập hợp ấy không còn được ta tri giác trực tiếp, không còn đang tác động vào các giác quan ta như trước.

Bài tập tại tao là gì?

Các bài luyện tập được chia thành dạng bài tập sau: - Bài tập tái tạo: là bài tập có tính chất sao chép, GV đặt ra nhiêm vụ và đưa ra biện pháp giải quyết nhiệm vụ đó một cách trực tiếp.