Phân tích quan điểm của đảng về công nghiệp hóa năm 2024

Tiếp tục chương trình Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, sáng 6/12, các đại biểu đã được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương quán triệt những nội dung trọng tâm và những điểm mới đáng lưu ý từ Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phân tích quan điểm của đảng về công nghiệp hóa năm 2024
Đ/c Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW

Quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phân tích tình hình trong nước và quốc tế, làm rõ bối cảnh ra đời của Nghị quyết; những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn của Nghị quyết; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết.

Theo đó, 5 nhóm quan điểm chỉ đạo có tính toàn diện của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) đất nước được đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phân tích rõ:

Quan điểm thứ nhất, làm rõ nội hàm/nhận thức về CNH, HĐH đó là “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Điểm mới của Nghị quyết là nhận thức rõ quá trình CNH, HĐH phải là một quá trình bao trùm tất cả các ngành, các lĩnh vực hoạt động của một quốc gia và đặt trong bối cảnh kỷ nguyên số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thành công của quá trình CNH, HĐH đất nước. Đồng thời trong nhận thức này, Đảng ta cũng nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNH, HĐH với sự phát triển kinh tế - xã hội, coi CNH-HĐH “là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao” theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điểm mới được nhấn mạnh trong quan điểm lần này, đó là gắn quá trình CNH, HĐH với xây dựng nền kinh tế quốc gia độc lập tự chủ, dựa trên nội lực của đất nước, coi nội lực là quyết định. Từ chỗ xuất phát coi CNH là mục tiêu phát triển, thì nay đã chuyển sang coi CNH, HĐH là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Quan điểm thứ hai, nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Đảng coi con người và lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. CNH, HĐH đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, đặt CNH, HĐH trong tổng thế chiến lược phát triển đất nước để có cách tiếp cận toàn diện, gắn CNH, HĐH với phát triển bền vững và chú trọng giải quyết hài hoà các mối quan hệ lớn trong quá trình CNH, HĐH đất nước. Đó là “bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động”.

Quan điểm thứ ba, làm rõ những nội dung, yêu cầu trong thực hiện CNH, HĐH đất nước trên cơ sở không đồng nhất CNH là con đường duy nhất để xây dựng nước công nghiệp và không đồng nhất CNH với phát triển công nghiệp. Đảng ta xác định “phải khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của nền kinh tế đi sau và đang trong thời kỳ dân số vàng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang chế tạo, chế biến, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, chú trọng đẩy mạnh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi trọng phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH, HĐH. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”. Điều này thể hiện rất rõ quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế phụ thuộc và gia công rắp ráp sang chủ động chế tạo, chế biến vươn lên làm chủ công nghệ; nhấn mạnh vai trò nền tảng, trụ đỡ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH của đất nước thông qua việc coi CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và nông dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm có tiềm năng, lợi thế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ.

Theo đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng với việc xác định coi “chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá”, sự đổi mới trong tư duy thực hiện CNH, HĐH lần này đó là quá trình CNH, HĐH đất nước sẽ không thể tiến hành biệt lập, khép kín mà phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu, với lợi thế của nền kinh tế đi sau, cùng với việc chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, Việt Nam hoàn toàn có thể “kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu” và rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước.

Quan điểm thứ tư, nhấn mạnh lộ trình, bước đi trong thực hiện CNH, HĐH đất nước và xác định các lĩnh vực ngành nghề cần ưu tiên phát triển đặt trong mối quan hệ tổng thể với yêu cầu tập trung về nguồn lực thực hiện. Theo đó, thực hiện CNH, HĐH cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn lực, có các cơ chế chính sách đột phá phù hợp để phát trển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng. Tư duy lý luận của Đảng về chủ thể và nguồn lực thực hiện CNH, HĐH cũng được bổ sung và hoàn thiện; khẳng định CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế cũng như các chủ thể khác nhau trong xã hội “xác định nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá”.

Quan điểm thứ năm đặt ra yêu cầu “trong thực hiện CNH, HĐH đất nước, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ con người Việt Nam và truyền thống của giai cấp công nhân, vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam”. Đây cũng là nét mới trong Nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Nghị quyết được ban hành và triển khai thực hiện trong bối cảnh cả nước ta đang nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của cả nước, nhất định Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy quá trình CNH, HĐH của đất nước nhanh và bền vững./.