Nhu cầu tình duc của phụ nữ khi mang thai

Nếu đang mang thai, hoặc có ý định mang thai, có lẽ bạn sẽ tìm thấy rất nhiều thông tin về việc quan hệ tình dục trước khi có thai (tức là quan hệ tình dục để có thai) cũng như quan hệ tình dục sau khi sinh con (với quan niệm chung là: Sau khi sinh con, đời sống tình dục sẽ giảm đi).

Tuy nhiên, những thông tin về tình dục trong khi mang thai lại khá ít. Có lẽ do xu hướng cho rằng không nên đề cập tới vấn đề tình dục đối với các bà mẹ đang mang thai. Nhưng chắc cũng như nhiều người khác đang sắp làm cha mẹ, bạn sẽ có nhiều thắc mắc về vấn đề an toàn của tình dục trong thời kỳ mang thai, hoặc như thế nào là đời sống tình dục bình thường đối với hầu hết các cặp vợ chồng.

Quan niệm “thế nào là bình thường” có thể khác nhau tùy theo từng đối tượng, song nhìn chung là sẽ có những thay đổi nhất định trong đời sống tình dục của chúng ta. Việc trao đổi thẳng thắn với nhau sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo cả hai phía đều hài lòng cũng như về vấn đề an toàn của quan hệ tình dục trong thời gian mang thai.

Việc quan hệ tình dục trong khi mang thai có an toàn hay không?

Quan hệ tình dục cũng được cho là an toàn trong bất cứ giai đoạn nào của việc mang thai bình thường.

Vậy “mang thai bình thường” có nghĩa như thế nào? Mang thai bình thường là khi việc mang thai không có mối nguy hiểm như sẩy thai hoặc sinh non. Hãy trao đổi với bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc những nhân viên y tế chăm sóc người mang thai, nếu bạn không biết rõ mình có nằm trong diện mang thai bình thường hay không.

Tuy nhiên, quan hệ tình dục là an toàn trong khi mang thai không nhất thiết có nghĩa là bạn có ham muốn tình dục. Nhiều bà mẹ có mang sẽ thấy ham muốn tình dục dao động trong từng thai kỳ. Hơn nữa nhiều phụ nữ thấy quan hệ tình dụng không thoải mái do cơ thể họ ngày càng trở nên đẫy đà.

Bạn nên duy trì việc trao đổi thẳng thắn với bạn tình/chồng mình về việc quan hệ tình dục. Hãy trao đổi về những cách làm khiến mình cảm thấy thỏa mãn về nhu cầu gần gũi, ví dụ như việc hôn, âu yếm và ôm nhau. Bạn cũng có thể áp dụng các vị trí khác nhau khi quan hệ để tìm ra vị trí nào thoải mái nhất với bạn.

Nhiều phụ nữ mất ham muốn và động lực đối với quan hệ tình dục vào giai đoạn cuối thai kỳ, không phải là do cơ thể bị to lên mà là do quá bận rộn với việc sắp sinh nở cũng như lo lắng tới việc sẽ chuẩn bị làm mẹ.

Quan hệ tình dục trong khi mang thai (Nguồn ảnh: pregnancybeat.com)

Vậy khi nào thì việc quan hệ tình dục là không an toàn đối với phụ nữ có thai?

Có hai cách quan hệ tình dục không an toàn đối với phụ nữ có thai:

1. Nếu quan hệ bằng đường miệng, thì có thể người bạn tình sẽ vô tình thổi không khí vào âm đạo. Việc thổi không khí vào âm đạo có thể sẽ gây ra hiện tượng tắc bọt khí (tức là tắc mạch máu do bọt khí), một hội chứng có thể gây tử vong cho người mẹ và thai nhi.

2. Không nên có quan hệ với bạn tình mà bạn không biết rõ về các mối quan hệ tình dục trước đó của anh ta bởi có nhiều khả năng bạn sẽ bị lây nhiễm các bệnh STD, tức là các bệnh lây qua đường tình dục, ví dụ như bệnh herpes, sùi mào gà, giang mai hoặc vi rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV). Nếu bị lây nhiễm, những bệnh này có thể sẽ truyền sang cho thai nhi và gây hậu quả nghiêm trọng.

Nếu những nhân viên y tế dự đoán được hoặc phát hiện ra những nguy cơ nghiêm trọng ở thai kỳ của bạn thì họ có thể sẽ khuyến cáo bạn phải ngừng sinh hoạt tình dục. Các yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm:

  • Có tiền sử hoặc dọa sẩy thai
  • Có tiền sử sinh non (trước đó bạn đã từng sinh non khi thai nhi chưa đầy 37 tuần) hoặc những dấu hiệu cho thấy có khả năng sẽ sinh non (ví dụ như tử cung co bóp sớm)
  • Ra máu hoặc ra dịch âm đạo không giải thích được, hoặc chuột rút
  • Rỉ dịch nước ối (dịch bao quanh em bé)
  • Nhau tiền đạo: Hội chứng nhau thai (cơ quan giàu dinh dưỡng để nuôi thai nhi) bị nằm thấp xuống phía dưới và che lấp cổ tử cung (nơi mở vào tử cung)
  • Cổ tử cung bất toàn: Là tình trạng cổ tử cung bị yếu và mở ra sớm, làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
  • Mang đa thai (thai đôi hoặc thai ba v.v.)

Những nổi lo lắng và câu hỏi thường gặp

Liệu quan hệ tình dục có ảnh hưởng tới thai nhi hay không?

Việc này không ảnh hưởng trực tiếp gì tới thai nhi. Thai nhi được bảo vệ bởi màng ối (tương tự như một chiếc túi mỏng, bao bọc thai nhi và nước ối) và thành tử cung vững chắc. Ngoài ra còn có nút nhầy che kín cổ tử cung để bảo vệ thai nhi không bị nhiễm trùng. Trong quá trình quan hệ tình dục, dương vật không thể tiếp xúc được với thai nhi.

Liệu việc quan hệ tình dục hoặc đạt khoái cảm có thể gây co bóp hoặc sẩy thai hay không?

Trong trường hợp mang thai bình thường, ít có nguy cơ trong thai kỳ thì điều này hoàn toàn không có vấn đề gì. Sự co thắt mà bạn cảm thấy trong quá trình quan hệ cũng như ngay sau khi đạt khoái cảm hoàn toàn khác với sự co thắt tử cung khi đau đẻ. Tuy nhiên, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ xem mình có thuộc dạng những người nguy cơ thấp hay không. Một số bác sĩ khuyên rằng tất cả phụ nữ đều không nên quan hệ tình dục trong những tuần cuối cùng của thai nghén. Nhưng đây chỉ là lời khuyên mang tính thận trọng do tinh dịch có chứa một hóa chất có thể thực sự gây ra tình trạng co bóp. Hãy tham khảo ý kiến của người phụ trách sức khỏe xem điều gì là tốt nhất.

Trong khi mang thai, ham muốn tình dục của tôi giảm/tăng thì có bình thường hay không?

Thực tế là cả hai khả năng này đều bình thường (cũng như tất cả những vấn đề khác). Nhiều người phụ nữ mang thai bị mệt mỏi, buồn nôn, vú bị mềm hay bị tiểu nhiều lần khiến cho việc quan hệ tình dục trở nên phiền toái, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Thông thường thì sự mệt mỏi hay buồn nôn sẽ giảm dần vào 3 tháng giữa thai kỳ và một số phụ nữ cảm thấy nhu cầu về tình dục tăng lên. Hơn thế, một số phụ nữ còn cảm thấy thoái mái khi không còn lo lắng về vấn đề ngừa thai, cộng với tình cảm gần gũi với người tình/chồng được nhân lên, khiến họ dễ cảm thấy hài lòng với việc quan hệ tình dục hơn. Thông thường thì nhu cầu tình dục sẽ giảm vào 3 tháng cuối thai kỳ bởi vì tử cung lớn dần lên, cũng như những lo lắng của người mẹ về những gì sắp tới cũng dần trở nên rõ ràng hơn.

Có thể bạn tình/chồng bạn sẽ khó chấp nhận bạn trong vai trò mới: một người tình sắp làm mẹ. Bạn cần nhớ rằng việc trò chuyện với bạn tình/chồng là cách giải quyết tốt nhất cho những vấn đề như thế này.

Khi nào cần gọi bác sĩ

Hãy tham khảo ý kiến của nhân viên chăm sóc sức khỏe nếu bạn không biết chắc rằng liệu quan hệ tình dục có an toàn đối với mình hay không. Hơn nữa, nếu bạn nhận thấy một vài dấu hiệu bất thường sau khi quan hệ tình dục, ví dụ như đau đớn, chảy máu hoặc ra dịch hoặc nếu bạn cảm thấy sau khi quan hệ tình dục xong mà vẫn còn sự co thắt.

Nên nhớ rằng “bình thường” chỉ là một khái niệm tương đối khi đề cập tới vấn đề quan hệ tình dục khi mang thai. Hãy trao đổi với người tình/chồng mình để tìm ra điều gì phù hợp với cả hai bên.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/your-body/sex-during-pregnancy.html

15/12/2009

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
K. Khám Bệnh - BV Từ Dũ

Theo quan niệm xưa, trong suốt quá trình người vợ mang thai, hai vợ chồng phải nằm riêng và tuyệt đối không được gần gũi nhau, nếu không, người vợ dễ bị sẩy thai, đẻ non, còn đứa trẻ sinh ra sẽ không thông minh, khỏe mạnh… Chuyện đó có đúng không?


Có được quan hệ khi mang thai hay không?

Nhiều cặp vợ chồng thắc mắc với bác sĩ phụ khoa rằng khi có thai thì có nên quan hệ tình dục nữa không? Câu trả lời là: Có. Tình dục an toàn cho cả mẹ và con nếu thực hiện đúng cách. Trong suốt thời gian mang thai, nếu thai kỳ bạn “bình thường” việc quan hệ tình dục là an toàn và bạn không phải lo lắng sẽ ảnh hưởng đến bé yêu. Thai kỳ “bình thường” là những trường hợp không thuộc nhóm nguy cơ gây sinh non hoặc sẩy thai. Với những thai kỳ nguy cơ cao, bác sĩ sẽ khuyên bạn không nên quan hệ.

Thực ra, nếu thai kỳ bình thường thì dương vật của người chồng không chạm được đến thai, tinh dịch cũng không vào tử cung được vì cổ tử cung có một nút nhầy dày và quánh, giúp ngăn cản vi khuẩn và tinh dịch. Khi có khoái cực, tử cung co bóp  mạnh hơn và thai cử động nhiều hơn nhưng cũng không có hại gì. 

“Chuyện ấy” có dẫn đến sẩy thai không?

Nhiều người lo ngại rằng “chuyện ấy” sẽ gây ra sẩy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thực chất, việc quan hệ không có bằng chứng rõ ràng gây sẩy thai. Nguyên nhân sẩy thai sớm đa phần do rối loạn nhiễm sắc thể hoặc bất thường trong sự phát triển thai nhi, hầu như không liên quan đến những sinh hoạt bình thường của bạn.

“Quan hệ” có gây hại đến bé yêu?

Thai nhi trong buồng tử cung được bảo vệ tương đối an toàn nhờ nước ối bao bọc, màng ối vững chắc và nút nhầy che kín cổ tử cung. Động tác quan hệ, ngay cả khi quan hệ sâu, dương vật cũng không thể chạm đến thai nhi. Do vậy, quan hệ tình dục có thể được xem như không gây hại đến bé yêu của bạn.

Liệu sự cực khoái có gây ra các cơn co dạ con sớm?

Sự cực khoái có thể gây cơn co tử cung. Nhưng cơn co này không đủ gây chuyển dạ. Do vậy, cực khoái do quan hệ tình dục không làm tăng nguy cơ sinh non. Ngay cả thai đến ngày, việc quan hệ tình dục cũng không gây khởi phát chuyển dạ.

Những trường hợp không nên quan hệ khi mang thai

Những trường hợp sau đây thuộc nhóm nguy cơ sẩy thai hay sinh non được bác sĩ khuyên không nên quan hệ:  

- Ra máu một vài lần ở bất cứ giai đoạn nào của thời kỳ thai nghén.

- Từng bị sẩy thai trong 3 tháng đầu.

- Từng đẻ non.

-  Bị hở eo cổ tử cung.

- Có vỡ ối ở thai kỳ này.

-  Thai kỳ này được chẩn đoán là nhau tiền đạo hoặc nhau bám thấp.

- Có 2 hoặc nhiều thai.

- Có dấu hiệu của tiền sản giật (cao huyết áp, phù, tiểu đạm).

- Bạn hoặc bạn tình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục: lậu, mồng gà, giang mai, HIV, Herpes, nhiễm Trichomonas…

Người ấy có nên dùng bao cao su không?

Thai phụ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ đến thai kỳ (vỡ ối sớm, nhiễm trùng ối, sinh non...) và đến thai nhi (nhiễm trùng bào thai, thai non tháng, ..). Do vậy, nếu bạn tình mang bệnh lây truyền qua đường tình dục thì cần thiết phải mang bao cao su. Mặc khác, có những thai phụ có thể quan hệ với những bạn tình khác nhau và không biết rõ ràng về sức khỏe của bạn tình mới thì rất cần thiết cho người ấy dùng bao cao su.

 Mang thai ảnh hưởng đến ham muốn tình dục như thế nào?

Phần lớn phụ nữ khi có thai được chồng nâng niu hơn. Giá trị cuộc sống của người phụ nữ tăng cao, tâm hồn thư thái nên ham muốn gần chồng nhiều hơn.

Thai kỳ có thể ảnh hưởng đến tần suất và sự ham muốn tình dục. Sự thay đổi này thường gặp ở các giai đoạn thai kỳ khác nhau: 

- Thai hành, mệt mỏi, nôn mửa trong 3 tháng đầu làm giảm sự hứng khởi và giảm tần suất quan hệ.

- Trong 3 tháng giữa thai kỳ, tăng lưu lượng máu đến cơ quan sinh dục vùng chậu (tử cung, âm đạo, âm vật) và vú, tăng tiết dịch âm đạo, do đó làm tăng cảm giác cực khoái và dẫn đến tăng kích dục.

- Đến 3 tháng cuối, do tăng trọng lượng cơ thể, bụng to lên và đau lưng gây hạn chế việc quan hệ gối chăn với bạn tình nên thường sẽ giảm ham muốn.   

Sự “lãnh cảm” khi mang thai có bình thường?

Khi mang thai, sự chán ăn, ốm nghén, nôn mửa làm bạn cảm thấy không còn ham muốn chuyện ấy, thậm chí còn có cảm giác sợ hãi. Đối với một số thai phụ, khi quá mệt mỏi, lại nghĩ chính người ấy là nguyên nhân gây nên hiện tượng này nên lại có thái độ tiêu cực với người ấy và hậu quả là “lãnh cảm”.

Hầu hết, phụ nữ ngày nay đều tham gia công tác xã hội. Bên cạnh sự mệt mỏi do thai kỳ, những áp lực công việc, mâu thuẫn đồng nghiệp, cấp trên, gia đình bên chồng…cộng hưởng lại gây tâm lý nặng nề cho thai phụ. Lúc này, hơn ai hết, người chồng phải là người vỗ về, an ủi, động viên và giúp người vợ vượt qua rào cản.

Vậy đời sống tình dục của người chồng có thay đổi?

Vợ mang thai, sự thay đổi của người vợ về “chuyện ấy” cũng làm cho người chồng thay đổi theo chiều hướng đồng điệu với vợ tùy vào giai đoạn tuổi thai.

Cơ thể người phụ nữ khi mang thai thay đổi và có vẻ hấp dẫn hơn: ngực to lên, người nẩy nở  hơn,.. làm người chồng sẽ tăng sự ham muốn. 

Các cặp vợ chồng giải quyết sự thay đổi trong ham muốn tình dục thế  nào?

Vợ chồng nên trao đổi với nhau về những khó khăn trong quan hệ. Ví dụ: trong những lúc người vợ mệt mỏi, người chồng nên cảm thông giúp đỡ, tạo cảm giác thư giãn như mát – xa, tạo một chút lãng mạn: một lời khen, một buổi dạo chơi…, một chút khôi hài làm xóa tan sự căng thẳng của vợ.

Nếu bụng vợ lớn thì nên thay đổi tư thế quan hệ sao cho phù hợp. Nếu không giao hợp được thì có thể vuốt ve âu yếm…

Thể hiện sự yêu thương sẽ là mối liên kết bền chặt hơn nữa mối quan hệ vợ chồng. Nếu không thì tình cảm hai vợ chồng sẽ nhợt nhạt dần.

Có thể “yêu” bằng miệng?

Có thể. Tuy nhiên có 1 vài điểm cần lưu ý khi “yêu” bằng miệng: 

- Người bạn tình không nên thổi khí vào bộ phận sinh dục thai phụ. Với lực đẩy, khí có thể xâm nhập vào âm đạo và vào tuần hoàn thai phụ gây thuyên tắc khí. Điều này hiếm xảy ra nhưng nếu có thì rất nguy hiểm cho tính mạng cho cả mẹ và con.

- Đảm bảo người bạn tình không bị herpes miệng. Khi giao hợp bằng miệng có thể làm lây truyền những bệnh như Herpes (nếu người bạn tình có herpes vùng miệng), virus herpes sẽ xâm nhập vào đường sinh dục thai phụ và gây bệnh.

Vị trí nào thoải mái nhất?

Tư thế thoải mái là sự lựa chọn của hai vợ chồng. Tùy thuộc vào sự khoái cảm, thuận lợi và ưa thích của cả hai.  Trong trường hợp thai lớn, bụng to lên thì tư thế người vợ nằm trên là thuận lợi hơn. Có thể tư thế nằm nghiêng về một bên, vợ nằm trước, chồng nằm sau, tư thế này không làm người chồng đè vào bụng vợ đồng thời cũng kiểm soát được độ sâu khi giao hợp.

 Đi khám thai ngay nếu:

- Trong hoặc sau khi quan hệ nếu thấy đau bụng, ra nước hoặc ra huyết bạn cần phải đến bệnh viện có chuyên khoa sản để khám ngay.

- Giai đoạn bầu bì có thể là thời kỳ đỉnh cao trong “chuyện yêu” của nhiều cặp vợ chồng nhưng với những cặp khác, “chuyện ấy” lại là mối lo âu, sợ hãi. Hãy chia sẻ cảm xúc và nỗi sợ hãi với người bạn đời.

Người chồng có thể “chết mê chết mệt” vợ trong dáng vẻ của bà bầu, trong khi bạn thì lo cho sự an toàn của thai nhi. Đừng ngại ngần chia sẻ với người bạn đời và nhớ nhấn mạnh tình yêu mà bạn dành cho chồng nữa nhé. 

Trong trường hợp có bất cứ nghi ngại nào về “chuyện ấy” trong thời kỳ thai nghén thì hãy cởi mở và chia sẻ điều đó với bác sĩ.