Nhu cầu học tiếng Anh ở Việt Nam

“Theo một nghiên cứu về bất bình đẳng trong việc tiếp cận với tiếng Anh của học sinh Việt Nam của nhóm các nhà nghiên cứu Chinh, Quynh, & Ha vào năm 2014 tại trường đại học Monash, Úc nói rằng điều kiện dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa vùng thành thị và nông thôn. “

Vừa lên Facebook đọc được một bài báo tiếng Việt của chị Nguyên Can [Ngô Thị Phương Lê – Tiến sĩ Giáo dục ở Pháp] về cái hố bất bình đẳng trong giáo dục đang bị khoét sâu hơn trong Đại dịch Covid-19 nên mình muốn viết một bài về sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với Tiếng Anh ở Việt Nam, đặc biệt giữa vùng thành thị và nông thôn.

Nói đến bất bình đẳng trong giáo dục, thì từ trước đến nay nó đã tồn tại chứ không phải để đến đại dịch Covid-19 nó mới bắt đầu xuất hiện. Giáo dục là một chủ đề rộng và có nhiều khía cạnh và thật sự rất khó để viết về cả mảng lớn được. Tuy nhiên, mảng nghiên cứu hiện tại của mình liên quan đến việc học tiếng Anh – một mảng rất hẹp trong cả bức tranh lớn Giáo dục nên mình chỉ tập trung nói về sự bất bình giữa việc tiếp cận với Tiếng Anh của học sinh vùng thành phố và học sinh đến từ vùng nông thôn.

Đầu tiên là về việc học tiếng Anh ở Việt Nam.

Nói một xíu về lịch sử ngôn ngữ của Việt Nam, Việt Nam đã trải qua bề dày lịch sự ngàn năm và đã từng bị đô hộ với nhiều thế lực từ phương Bắc đến phương Tây. Cũng vì vậy, trong bề dày lịch sử này, Việt Nam không chỉ bị ảnh hưởng về chính trị mà còn về văn hóa và ngôn ngữ. Trước thế kỉ XVII, Việt Nam dùng tiếng Hán và sau thế kỉ XVII chúng ta bắt đầu dùng chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ. Trong thời kì chống Pháp, tiếng Pháp là thứ ngoại ngữ phổ biến nhất ở Việt nam lúc bấy giờ. Từ 1954-1975, do bị chia cắt 2 miền nên tiếng Nga và tiếng Trung Quốc được sử dụng dụng phổ biến ở miền Bắc trong khi đó tiếng Anh và Pháp được sử dụng rộng rãi ở miền Nam. Có một điều đáng nói là không ai biết tiếng Anh được bắt đầu sử dụng ở Việt Nam chính xác từ khi nào và chỉ biết nó được dạy từ thời Pháp thuộc. Từ sau cuộc cải cách Đổi Mới vào năm 1986, tầm quan trọng của tiếng Anh được nâng cao do Việt Nam tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế như WTO, APEC, ASEAN, vân vân và từ đó mang lại nhiều nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn. Nhu cầu cho lực lượng lao động nói được tiếng Anh tăng cao do đó tiếng Anh được coi như là ngoại ngữ được lựa chọn đầu tiên vì mọi người coi nó như tấm “hộ chiếu” để có được nhiều cơ hội việc làm hơn trong tương lai. Từ đó nhu cầu dạy và học tăng đột biến. Theo một nghiên cứu của Quốc Lập [2005] chỉ ra rằng có rất nhiều sự thay đổi cho thấy rõ tiếng Anh đã được công nhận khắp đất nước. Số lượng sinh viên theo học ngành Sư phạm Anh tại các trường đại học, cao đẳng tăng cao kể từ năm 1993, sách giáo khoa của bộ môn tiếng Anh được giới thiệu ở các trường trung học cơ sở như là một phần của chương trình học, và việc theo học tiếng Anh của những người không chuyên Anh cũng bắt đầu tăng nhanh chóng. Đây chính là khởi đầu cho phong trào học tiếng Anh ở Việt Nam hiện tại.

Tiếng Anh, mình tin, là ngoại ngữ được nhiều người Việt Nam theo học nhất tại thời điểm hiện tại. Người người thi nhau học tiếng Anh, nhà nhà thi nhau học tiếng Anh bởi mọi người cho rằng tiếng Anh chính là chìa khóa đi tới thành công hay giúp cho con đường đi tới thành cong dễ dàng hơn. Người học vì mong có được công việc tốt, người học vì muốn thăng tiến, người học vì muốn có tiếng Anh để giúp ích cho công việc, có người học vì đi du học, đi làm ở nước ngoài vân vân.

Vậy thực trạng học tiếng Anh ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào?

Ba, bốn năm trước khi mình còn là sinh viên ở Việt Nam, mình từng đi dạy thêm ở các trung tâm tiếng Anh cũng như gia sư tại nhà rất nhiều. Từ trải nghiệm và góc nhìn của mình thì mình thấy việc học thêm tiếng Anh đang diễn ra rất sôi nổi ở Việt Nam nhưng lại sôi nổi hơn ở thành thị hơn là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Liệu đây có được coi là sự bất bình đẳng trong giáo dục, bất bình đẳng trong cơ hội tiếp xúc với ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh – một thứ ngoại ngữ được coi là chìa khóa đi đến thành công ở Việt Nam?

Mình sẽ nói về việc học tiếng Anh ở nông thôn Việt Nam và việc học tiếng Anh ở thành thị Việt Nam một cách chi tiết hơn. Bản thân mình – một đứa được sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn Việt Nam, hơn ai hết mình nhìn thấy được rõ bức tranh bất bình đẳng trong việc học tiếng Anh giữa vùng nông thôn và thành thị. Mình bắt đầu được tiếp xúc với tiếng Anh từ năm lớp 6 theo chương trình học của Bộ Giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ nhưng thú thực mình không biết gì ngoài “Hau a diu? Am phai. Thanh kiu”. Tiếp đến lớp 12 thi đại học mình chỉ học tiếng Anh trên giấy, không có kĩ năng nói hay nghe gì cả. Cho tận đến lúc vào Đại học mới bắt đầu được học nghe và nói. Trong khi các bạn đến từ các thành phố lớn đã sử dụng tiếng Anh thành thạo từ khi còn học cấp 2 hay cấp 3.

Theo một nghiên cứu về bất bình đẳng trong việc tiếp cận với tiếng Anh của học sinh Việt Nam của nhóm các nhà nghiên cứu Chinh, Quynh, & Ha vào năm 2014 tại trường đại học Monash, Úc nói rằng điều kiện dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn giữa vùng thành thị và nông thôn. Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự chênh lệch này trong đó điều kiện về kinh tế – xã hội đóng một vai trò quan trọng. Ở vùng nông thôn Việt Nam, cả thầy cô giáo và học sinh gặp phải rất nhiều sự thiếu thốn về vật chất như sách giáo khoa, kết nối Internet, máy tính, vân vân trong khi đó các nguồn lực dường như được phân bố tập trung ở các vùng thành thị tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tiếng Anh hơn cũng như tối đa được hiệu quả của việc học tiếng Anh. Hơn nữa, điều kiện và nền tảng gia đình cũng là các yếu tố góp phần tạo nên sự bất bình đẳng này. Dễ dàng nhận thấy rằng học sinh từ các vùng thành thị dường như có một cuộc sống thuận lợi hơn những đứa trẻ đến từ nông thôn. Trẻ con thành phố thường được trang bị các cơ sở vật chất thuận lợi và các thiết bị công nghệ như máy tính, ipads, tai nghe, máy tính xách tay, kết nối Internet thâm chí cả điện thoại đi động. Hơn nữa, trẻ con thành phố thường có nhiều cơ hội tiếp xúc với người bản xứ hoặc người nước ngoài nói tiếng Anh hơn là trẻ con nông thôn. Điều này có thể được lý giải do ở thành phố có nhiều trung tâm tiếng Anh nơi các lớp học tiếng Anh có thể chi trả được bởi các bậc phụ huynh đến từ thành phố tuy nhiên các bậc phụ huynh nông thôn thường không thể chi trả được cho những lớp học này hoặc không có các trung tâm tiếng Anh ở các vùng nông thôn cho các em để theo học. Những đứa trẻ thành phố cũng có khả năng được đi du lịch nhiều hơn trẻ con nông thôn và cơ hội gặp “Tây nói tiếng Anh” lại càng cao hơn. Một điều không thể phủ nhận là bố mẹ ở thành thị thường có nền tảng nghề nghiệp cũng như học thuật cao hơn các bậc phụ huynh ở nông thôn và khả năng bố mẹ có thể học tiếng Anh cùng con là cao hơn. Khả năng đầu tư nguồn lực về kinh tế vào việc học tiếng Anh của con của các bậc phụ huynh ở thành thị cũng được đánh giá là cao hơn so với các bậc phụ huynh ở nông thôn. Xu hướng gửi con đến các trung tâm tiếng Anh sau giờ học hay các trường quốc tế nơi các bạn được học song ngữ Việt – Anh hay chỉ dùng mỗi tiếng Anh ở trường của các bậc phụ huynh  thành thị cũng rất cao so với các bậc phụ huynh ở nông thôn.

Có một yếu tố được nhiều nhà nghiên cứu đồng ý đối với việc tiếp thu ngôn ngữ đó là Critical period or Optimal period for language learning – Giai đoạn quan trọng hay Giai đoạn thuận lợi cho việc học ngôn ngữ. Critical Period được nói rằng việc bạn bắt đầu tiếp nhận một ngôn ngữ từ lúc sinh ra đến trước tuổi dậy thì [khoảng 12-16 tuổi] sẽ dễ dàng hơn và khả năng để đạt được khả năng bản xứ [nativelikeness] là cao hơn so với khi bạn bắt đầu tiếp nhận ngôn ngữ ở giai đoạn sau tuổi dậy thì [puberty]. Trở lại với sự bất bình đẳng đối với việc tiếp cận với tiếng Anh giữa các học sinh đến từ vùng nông thôn và các học sinh đến từ các vùng thành thị, có thể nói rằng ở các vùng thành thị học sinh được tiếp xúc với tiếng Anh sớm hơn và nhiều hơn nên khả năng để trở nên thành thạo là cao hơn đối với học sinh ở nông thôn.  

Về phương pháp học tiếng Anh, dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa vùng thành thị và nông thôn. Ở thành thị, các bạn có nhiều điều kiện và cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh hơn nên các kĩ năng sản xuất ngôn ngữ như nói và viết [productive language skills] sẽ tốt hơn các bạn đến từ nông thôn những người chỉ học tiếng Anh trên giấy nên có thể chỉ lĩnh hội được các kĩ năng thụ động như nghe và đọc [receptive language skills]. Hay nói cách khác, học sinh nông thôn chỉ tập trung vào học ngữ pháp và từ vựng nhưng không biết cách sử dụng chúng một cách phù hợp trong các ngữ cảnh nhất định trong khi đó học sinh thành thị làm điều này tốt hơn.

Trên đây là những điểm nổi bật về việc tiếp cận với việc học tiếng Anh giữa học sinh ở vùng nông thôn và thành thị ở Việt Nam theo quan sát cũng như tìm hiểu từ các nguồn khác nhau của mình.

Liệu có giải pháp nào hiệu quả để “shorten” – làm cho khoảng cách bất bình đẳng này ngắn lại được không?

Theo mình là có. Hiện tại, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ vậy nên mình tin mạng Internet là một trong những giải pháp dễ dàng và hiệu quả nhất để giúp cho học sinh vùng nông thôn cũng có cơ hội được tiếp cận với tiếng Anh công bằng với các bạn học sinh ở thành phố. Bởi, mạng Internet cung cấp vô số kênh, công cụ giúp cho việc học tiếng Anh dễ dàng hơn. Theo trải nghiệm của mình cũng như đã có rất nhiều nghiên cứu về việc học tiếng Anh qua mạng, qua xem các shows truyền hình, qua xem film, nghe nhạc vân vân… đã cho ra kết quả rằng bằng việc tiếp xúc với các kênh trên học sinh hoàn toàn có thể học tiếng Anh thành công và đạt được độ thành thạo cao. Điển hình, ở các nước Bắc Âu nơi hầu như mọi người đều có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ thì theo nghiên cứu của Giáo sư Sundqvist [2009] cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa việc tiếp xúc với mạng Internet và tham gia các hoạt động ngoài lớp học bằng các chương trình giải trí trên mạng Internet và trình độ thành thạo của học sinh.

Một giải pháp nữa mà mình nghĩ đóng vai trò quan trọng không kém đó là sự quan tâm của các bậc phụ huynh đến việc học tiếng Anh của con em mình. Như có đề cập ở trên thì các bậc phụ huynh ở thành thị dường như quan tâm đến việc học tiếng Anh của con nhiều hơn các bậc phụ huynh ở vùng nông thôn. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể giúp các em được tiếp xúc với tiếng Anh sớm bằng việc cho các bạn xem các chương trình giáo dục và giải trí phù hợp độ tuổi của các em bằng tiếng Anh. Mình tin điều này một phần sẽ giúp các em tự tin hơn trong việc học tiếng Anh.

Nguồn tham khảo:

Chinh, N. D., Quynh, T. H., & Ha, N. T. [2014]. Inequality of access to English language learning in primary education in Vietnam: A case study. In Equality in education [pp. 139-153]. Brill Sense.
Quoc Lap, T. [2005]. Stimulating learner autonomy in English language education: a curriculum innovation study in a Vietnamese context. Amsterdam: unpubished thesis.

Sundqvist, P. [2009]. Extramural English matters: Out-of-school English and its impact on Swedish ninth graders’ oral proficiency and vocabulary [Doctoral dissertation, Karlstad University].

From A Present Human!

Video liên quan

Chủ Đề