Nghị định hướng dẫn luật hợp tác xã 2012 Informational

Luật Hợp tác xã 2012 đã bổ sung một số quy định theo nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010. Cụ thể: Đối với các quy định về thủ tục Đăng ký thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Luật Hợp tác xã 2012 đã sửa đổi quy định thời hạn giải quyết thủ tục theo hướng rõ ràng và rút gọn hơn.Thay vì quy định "Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải xem xét hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản" tại Luật Hợp tác xã 2003 thì nay tại Điều 23 Luật Hợp tác xã 2012 đã quy định thành "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 điều này trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do".

Đồng thời, tại quy định về hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đổi tên Mẫu "Đơn xin đăng ký kinh doanh hợp tác xã" thành "Giấy đề nghị đăng ký thành lập hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã".

Ngoài ra, tại Luật hợp tác xã 2012 đã bổ sung thêm quy định về thủ tục thay đổi nội dung đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đây là các thủ không mới, nhưng trước đây được quy định tại Nghị định của Chính phủ. Các thủ tục này được chia ra làm 02 hình thức bao gồm thủ tục đăng ký thay đổi và thủ tục thông báo thay đổi. Thủ tục đăng ký được áp dụng đối với các thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở chính, ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ, người đại diện chi nhánh, văn phòng đại diện và việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký. Với các thay đổi về nội dung điều lệ, số lượng thành viên, hợp tác xã thành viên, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, địa điểm kinh doanh thì hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải gửi thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thay đổi.

Đối với thủ tục về giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hình thức tự nguyện, Luật Hợp tác xã mới cũng đã có nhiều sửa đổi mang tính mở hơn, tạo chủ động cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thay vì phải gửi Đơn xin giải thể cùng Nghị quyết đại hội xã viên đến cơ quan đăng ký kinh doanh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã để xin sự phê chuẩn chấp thuận hoặc không chấp thuận cho giải thể, thì nay các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chỉ cần gửi thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký cho hợp tác xã trong vòng 60 ngày kể từ ngày Đại hội thành viên ra Nghị quyết giải thể tự nguyện. Tại Điều 56 Luật Hợp tác xã mới này cũng đã bổ sung thêm quy định về các trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Đối với các quy định về thủ tục đăng ký thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh ở trong và ngoài nước; quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký; trình tự, thủ tục cấp và nội dung của giấy chứng nhận đăng ký... được Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết và hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hợp tác xã 2012 trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Kinh tế hợp tác không phải là khu vực chính để tạo ra nhiều lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, nhưng là khu vực có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống cho đông đảo người lao động, tạo sự ổn định về chính trị - xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển Kinh tế - Xã hội. Vai trò của mô hình kinh tế này là không thể phủ nhận, do đó việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này là đòi hỏi tất yếu, tuy nhiên để đảm bảo tính cần thiết, hợp lý, hợp pháp của các thủ tục hành chính được ban hành thì trong quá trình dự thảo, hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã 2012 các cơ quan nhà nước cần phải nghiên cứu, xem xét một cách cẩn trọng việc ban hành những quy định hành chính mới, tránh tạo thêm quá nhiều gánh nặng hành chính cho các cá nhân, tổ chức./.

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 193/2013/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HỢP TÁC XÃ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã,

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã

1. Sửa gộp điểm a, b thành điểm a, chuyển điểm c thành điểm b khoản 2, sửa khoản 3 Điều 5 như sau:

“Điều 5. Cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên

2. Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên cho khách hàng không phải thành viên do điều lệ hợp tác xã quy định cụ thể nhưng không vượt quá mức quy định sau đây:

  1. Không quá 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đối với lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
  1. Đối với trường hợp hợp tác xã tạo việc làm, tiền lương trả cho người lao động không phải là thành viên với hợp đồng lao động không xác định thời hạn không quá 30% tổng tiền lương của hợp tác xã chi trả cho tất cả người lao động trong hợp tác xã với hợp đồng không xác định thời hạn.

3. Việc nhận tiền gửi và cấp tín dụng đối với khách hàng không phải là thành viên của quỹ tín dụng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.”

2. Bãi bỏ điểm d khoản 3 Điều 16

3. Sửa đổi điểm c khoản 1, bổ sung khoản 3 Điều 21 như sau:

“Điều 21. Xử lý tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi giải thể, phá sản

  1. Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác (ưu tiên bàn giao lại cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác) nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn xử lý tài sản (bao gồm cả thanh lý tài sản) hình thành từ nhiều nguồn vốn (vốn hỗ trợ, trợ cấp của nhà nước, từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm, vốn góp của các thành viên hợp tác xã...) khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã giải thể, phá sản.”

4. Sửa đổi khoản 1, bổ sung khoản 4 Điều 23 như sau:

“Điều 23. Chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 hàng năm, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã báo cáo trung thực, đầy đủ, chính xác bằng văn bản tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của năm trước đó với cơ quan đăng ký hợp tác xã và cơ quan quản lý ngành.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể về hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.”

5. Bổ sung điểm c khoản 1, sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 như sau:

“Điều 25. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp

1. Hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

  1. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã thực hiện các dịch vụ công ích, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm và hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị.

2. Chính sách cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

  1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước được quy định tại điểm g khoản 1, khoản 9 Điều 19 và điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thuê đất, thuê mặt nước và khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
  1. Khuyến khích thành viên, hợp tác xã thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, mặt nước để làm mặt bằng xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho; xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
  1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát nhu cầu, thực hiện đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản trên đất cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại địa phương theo quy định của pháp luật đất đai.”

6. Bổ sung khoản 4 Điều 27 như sau:

“Điều 27. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi

4. Ủy ban nhãn dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình, đặc thù của địa phương mình để xây dựng, hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp hoạt động tại địa phương mình.”

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau:

“Điều 29. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

2. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở các cấp, ngành nông nghiệp (tỉnh, huyện, xã).”

Điều 2. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện và có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.