Lỗ sinh thực khí là gì

TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC

* Phan Đình Dũng

Con người cổ xưa có quan niệm và lòng tin về sự duy trì, phát triển nòi giống thông qua những hình ảnh cụ thể trong thực tiễn đời sống. Từ những hành vi giao hợp nam nữ thông qua các bộ phận sinh dục truyền giống và sinh sản, con người đã biểu đạt tín niệm về sự phát triển bằng cách thể hiện việc sùng bái, thờ bộ phận sinh dục của con người với sự thể hiện ban đầu cách khái quát nhất. Và dần dà, từ tín niệm trải qua nhiều giai đoạn phát triển của xã hội, tín niệm đó từng bước được nâng lên trong cách nhìn, cách suy nghĩ, cách thể hiện và vận dụng vào trong nhiều mặt của tín ngưỡng.

Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng: con người có tín ngưỡng Phồn thực. Về từ phồn thực được lý giải nghĩa: phồn là nhiều hay sinh sôi, nảy nở nhiều và thực là cây cối hay nảy nở. Nghĩa tựu chung là sự sinh sản, phát triển. Con người muốn duy trì nòi giống, bảo tồn sự hiện diện của mình trong thế giới này thì cần sinh sản, nhân giống nhiều hơn. Mà lẽ tự nhiên để có con đàn cháu đống, có dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bãi biển, thì phải có sự quan hệ tính dục giữa người nam và người nữ. Hành vi tính dục đúng nghĩa bản chất tự nhiên muốn trọn vẹn đều thông qua bộ phận sinh dục có công năng trực tiếp, đem lại niềm hoan lạc và chuyển tải mầm sự sống quá quá trình cha sinh mẹ dưỡng để sinh sản thành người. Nhà nghiên cứu X.A Tocarev cho rằng: Vì sức mạnh của tình dục và sự mắn sinh của con người, từ lâu trong ý thức của con người đã có mối liên hệ của đất với năng suất của đồng ruộng, nên những sự nhân cách hoá thần thánh khát vọng yêu đương và hôn nhân của con người thường cũng là sự nhân cách hoá sự phì nhiêu của đất [1]. Con người cổ xưa tin rằng hành động giao hoan của con người sẽ có sự cảm ứng và lan truyền sang muôn loài khiến cho vật nuôi, cây trồng được phồn sinh, cho ra thật nhiều hoa trái và gia súc [2] . Suy nghĩ như thế và mượn hình ảnh của sự phát triển thông qua hình ảnh cụ thể trong tính giao mà người xưa đã sùng bái sinh thực khí. Sinh thực khí được diễn giải: sinh/đẻ, thực/nảy nở, khí/công cụ] [3]. Đây là cách gọi để chỉ bộ phận sinh dục nam của đàn ông và bộ phận sinh dục của đàn bà.

Cụm từ Linga Yoni là tên gọi sinh thực khí được thờ trong các đền tháp thờ tự được phát hiện khá nhiều ở ViệtNam, đặc biệt trong dấu tích văn hoá Chămpa. Một số Bảo tàng ở ViệtNamhiện đang trưng bày những hiện vật dạng này được tìm thấy ở các di chỉ khảo cổ mà chủ yếu tập trung trong nhóm di tích đền tháp. Về nguồn gốc: Tục thờ Linga-Yoni có nguồn gốc từ những người ở lưu vực sông Indu thuộc chủng tộc Sumerian và Dravidian. Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần Mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi âm vật của đàn bà là nguồn gốc mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần Mẹ còn có một vị thần nam biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật [4].

Có ý kiến cho rằng: Tín ngưỡng phồn thực trước hết biểu hiện ở tục thờ sinh thực khí, biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài [5] và Thờ cúng sinh thực khí là thờ cúng biểu tượng thiêng liêng biểu tượng của phồn thực và no ấm một năng lượng sáng tạo[6]. Nhiều ý kiến đồng thuận về tục thờ sinh thực khí là một dạng thức thể hiện hay kết quả từ tín ngưỡng phồn thực, đặc biệt đối với những cư dân nông nghiệp.

Những hình ảnh thể hiện

Nói về sinh thực khí thường mọi người dễ liên tưởng đến hành vi của tính dục hơn mặc dầu công năng của bộ phận này còn thực hiện nhiều chức năng trong hoạt động chung của cơ thể người. Trong hành vi tính dục mà con người tín niệm về sự phát triển thì sinh thực khí vừa là biểu tượng vừa là kết quả của quá trình giao hợp nam nữ. Hành vi tính dục trong tín niệm phát triển vuợt lên trêntầng nghĩa sự đam mê của nhục dục mà là một hoạt động của sự sống, sinh sôi, nảy nở và thiêng liêng, mặc dầu trong quá trình đó cũng diễn ra sự khai tử của những mầm sống khác về mặt sinh học.

Bệ thờ hay ngẫu tượng Lin ga Yoni là hình ảnh biểu hiện tục thờ sinh thực khí thường thấy trong các di tích đền tháp. Thường đó là những bệ đá hình vuông, có đục rãnh ra một phía, ở giữa có một lỗ tròn lớn tượng trưng cho âm vật/bộ phận sinh dục nữ. Từ trong lỗ tròn ấy vươn lên cao mội khối đá hình trụ tròn tượng trưng cho dương vật/bộ phận sinh dục nam. Chúng được làm từ nhiều chất liệu nhưng chủ yếu bằng đá với kích cỡ lớn và bằng vàng với kích cỡ nhỏ. Tùy theo cách thể hiện của dạng thức vật linh này mà Linga Yoni còn tượng trưng cho những vị thần đầy quyền phép trong tôn giáo có xuất phát điểm từ Ấn Độ.

Trống đồng là một báu vật thiêng của nhiều tộc người sinh sống ở khu vực Đông Nam á. Những hình ảnh thể hiện trên trống đồng được các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều lý giải; trong đó có ý kiến cho rằng có biểu tượng của sinh thực khí: Trên tâm mặt trống là hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ[7]. Nhiều ý kiến cho rằng, tâm của trống là hình ngôi sao nhiều cánh. Hầu hết trống đồng được phát hiện đều có tâm hình ảnh này nhưng chỉ khác nhau về số lượng cánh [hoặc tia] mà thôi.

Thể hiện qua hình ảnh của cái chày và cối trong động tác nam nữ giã gạo. Tại làng Nối xã Văn Phú [Hưng Yên], nơi thờ một phụ nữ có công đánh giặc được phong Lương Lang công chúa; trong nội cung có thờ một bộ chày cối chày bằng đá [8]. Chày tượng trưng cho sinh thực khí nam và cối sinh thực khí nữ. Hành động giã gạo [chày vào cối] tượng trưng cho hành động giao phối. Trên một số trống đồng có những hình ảnh các cặp đôi nam nữ trong tư thế cầm chày giã gạo.

Hình ảnh vật linh nõ nường là biểu tượng cho sinh thực kí thường thấy trong một số miếu hay đình của người Việt ở miền Bắc nước ta. Nõ là cái nêm/tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường là cái mo nang/ tượng trưng cho sinh thực khí nữ [9]. Nõ nường thường được làm bằng gỗ: nõ thường là một đoạn gỗ tròn, còn nường là tấm gỗ dày hình cái mo nang hoặc nhô lên như một phần hình chóp của quả trứng. Trên nường có đục thủng một lỗ tròn ở giữa. Lỗ tròn đó chắc chắn lớn hơn đường kính của đoạn gỗ được làm nõ.

Ở một số nơi, chiếc kén là hình ảnh biểu tượng cho sinh thực khí của con người với tín niệm phồn thực. Kén là hình ảnh biểu tượng cho dương vật và âm hộ gắn liền vào nhau. Vì vậy khi diễn ra tục cướp Kén thì người ta đua nhau cướp cho được cái kén với niềm tin bản thân sẽ được may mắn, chồng vợ sẽ sinh được con, dân làng sẽ được mùa. Niềm tin trong tục cướp kén được nhắc trong một số câu ca: Ai cướp được con kén chày kình. Ấy thực nam sinh công hầu bá tước. Ai cướp được con kén mo dài. Ấy thực tài cung phi hoàng hậu. Con con cháu cháu tử thịnh tôn đa. Ấy thực dân ta thịnh dân thịnh vật[10].

Trên khạp [thạp] bằng đồng phát hiện ở Đào Thịnh [Yên Bái] thì thể hiện bốn cặp nam nữ. Hiện vật này có niên đại cách đây 2.500 năm. Trên nắp thạp có khối tượng đắp nổi [dài 8 cm, cao 3,5 cm] tả thực bốn cặp nam nữ đang thực hiện hành vi giao hợp. Người đàn bà trong tư thế nằm dưới, vú nhọn, hai tay ôm đỡ người đàn ông nằm trên; người đàn ông hai tay quấn lấy bạn tình với dương vật trạng thái cương lớn.

Những tục lễ, trò hội phản ánh

Một số lễ hội cổ truyền của làng quê ViệtNamcó những phần hội hè phản ánh về hành vi giao phối [có nơi gọi là hành vi luyến ái] phản ánh tục thờ sinh thực khí hay các hành vi giao hợp giữa người nam và người nữ. Có những nơi có vật linh là biểu tượng sinh thực khí được thờ nhưng có nơi thì không. Một số tục lệ, trò hội trong nghi thức lễ hội biểu hiện cho những hành vi gợi về sự va chạm thể xác hay sự hoà hợp của giới tính.

Ở đền Đa Hoà và đền Dạ Trạch [Hà Tây] là nơi thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, trước đây có lễ hội diễn ra vào ngày 14/2 âm lịch hằng năm. Những nghi thức độc đáo trong lễ hội là lễ rước nước, rước gậy và nón thần. Hàng chục chiếc thuyền cắm cờ ngũ sắc bơi ra dòng sông làm nghi lễ rước nước. Sau nghi lễ trang trọng này, điệu múa Tiên do các thôn nữ trong tuổi cập kê, trẻ đẹp, được chọn lựa kỹ càng trình diễn với những dải lụa hồng. Đây là lễ hội thể hiện tín ngưỡng phồn thực. Và phải chăng biểu hiện sinh thực khí con người là cái gậy/ biểu tượng cho sinh thực khí của đàn ông và nón/ là biểu tượng cho sinh thực khí nữ[?]

Ở làng Miêng Hạ [Hà Tây] có lễ hằng năm được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng giêng người dân gọi là hội Pháo. Trong các nghi lễ có nghi rước kiệu là cây bông [Cây bông bằng tre kết cấu hai tầng hình nón cụt, xung quanh ken đều 36 thanh tre vót tròn. Tâm hình nón cụt là một ống tre trong đó có cái nõ]. Tối rã hội có trò cướp nõ xé bông. Các trai tráng mặc quần cụt, đóng khố đua nhau cướp cây bông, miệng hô ội ại. ội ại. Nếu ai giật được cây bông thì cướp lấy cái nõ phía trong. Từ Ội ại được cho là từ hèm rất cổ chưa rõ nghĩa nhưng về mặt ngữ âm phát ra cửa miệng trai đinh nó phản ánh động tác khi mạnh, khi nhẹ, tiến tới [ội], lùi ra [ại] và Hình cây bông thực chất là hình ảnh tượng trưng của hai vật âm-dương [12].

Làng Ngà là tên nôm của làng Nga Hoàng [Bắc Ninh] vào ngày 6 tháng giêng hằng năm trước đây có lễ rước thần. Đám rước bắt đầu từ miếu thờ nữ thần Linh Sơn Mỵ nương. Trong quá trình lễ có những khoảng thời gian diễn ra trò chen nhau giữa nam và nữ [dân gian quen gọi là Hội Chen]. Trong khoảng thời gian tắt đèn, khi thì cánh đàn ông không phân biệt tuổi tác đổ xô đến chỗ phụ nữ để chen vào và lúc thì phụ nữ chen vào đám đàn ông tạo nên một không khí xô đẩy, giằng co, lẫn lộn náo nhiệt, hào hứng với những tiếng cười thoải mái: Trong những giây phút tắt đèn ấy, dài ngắn chẳng biết bao lâu, tất cả những gì diễn ra giữa hai người khác giới được nghiễm nhiên chấp nhận như một lẽ tự nhiên của âm dương hoà hợp, xuân khí giao hoàNó là dấu vết sâu đậm của tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở để duy trì và phát huy nòi giống [13]

Làng Trám [Phong Châu, Phú Thọ] có hội Trám cổ truyền nổi tiếng được nhắc đến trong ca dao: Trò Trám vào đêm mười hai. Chẳng xem trò Trám cũng hoài mất xuân. Bà ẵm cháu, mẹ bồng con. Không xem trò Trám cũng buồn cả năm. Hội Trám được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng. Lễ hội cúng vật linh được thờ trong miếu của làng là nõ nường. Lễ hội có hai phần: lễ mật và lễ rước lúa thần. Lễ mật còn gọi là lễ linh tinh tình phộc. Đúng giờ Tý, ông Từ dẫn một đôi nam nữ ra trước miếu [nam đóng khố giữ nõ, nữ mặc yếm đào giữ nường]. Sau khi khấn vái thần linh, đèn tắt, ông Từ hô to linh tình tình phộc thì cô gái và chàng trai giơ cao nõ nường và làm động tác phộc sao cho cái nõ lọt vào lỗ của cái nường đúng ba lần. Sau tiếng tháo khoán của ông Từ, nam nữ thanh niên dự hội thoả sức tranh thủ ôm nhau reo hò và đưa nhau đi nơi nào họ muốn.

Một số tư liệu khác cho thấy tục lễ, trò hội phản ảnh việc thờ sinh thực khí hay hành vi tính giao liên quan còn có ở một số nơi như: hội làng Đồng Kị [Bắc Ninh] có tục rước sinh thực khí [làm bằng gỗ] vào ngày 6 tháng giêng. Khi tan hội, hai sinh thực khí được đốt đi và tro được đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng. Vào những thời khắc rã hội, một số hội làng ở La Khê [Hà Tây] có tục tắt đèn để trai gái tự do đùa nghịch hoặc trò cướp nõ nường ở các hội Dị Nậu, Khúc Lạc, Gia Thanh, Hà Thanh, Thanh Uyên [Phú Thọ]Một số trò hội được xem là mô phỏng hành vi tính giao có yếu tố phồn thực như trò bắt chạch [hoặc lươn] trong chum ở Vĩnh Phúc. Những người thi nhau bắt gồm từng cặp: một nam và một nữ. Họ phải vừa vòng tay ôm nhau phần ngang ngực vừa thò tay vào chum để bắt chạch. Người con trai không nào thẹn không chạm vào ngực cô gái thì sẽ bị nhắc nhở. Thường thì họ chỉ bắt được tay nhau trong chum vì chạch rất trơn, dễ tuột. Trò hội vui cuốn hút nhiều người tham gia.

Tục thờ sinh thực khí biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực bắt nguồn từ trong cơ tầng văn hóa của con người cổ xưa và hầu như nhiều dân tộc trên thế giới đều trải qua. Những yếu tố của tục thờ này còn để lại những dấu tích, tục lệ, trò hội trong đời sống văn hóa của con người trong di sản văn hóa nhân loại.

Tài liệu tham khảo:

[1-2-6]. Dẫn theo Nguyễn Văn Hậu. Biểu tượng phồn thực trong lễ hội nông nghiệp cổ truyền ở ViệtNamvà các nước ĐôngNamá. Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 183/1999.

[3&7]. Trần Ngọc Thêm. Cơ sở văn hóa ViệtNam. Nxb Giáo dục. Hà Nội, 1997.

[4]. Theo Cao Huy Đỉnh, trong một nguồn tài liệu đã công bố.

[5-11]. Đỗ Lai Thúy. Tín ngưỡng phồn thực nhìn từ góc độ văn hóa lịch sử. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 116/1994.

[8]. Nguyễn Duy Hinh. Thần làng và Thanh hoàng. Tạp chí Di sản văn hoá.

[9]. Trần Quốc Vượng. Cơ sở Văn hoá ViệtNam. Nhà xuất bản Giáo dục, HN.1997

[10]. Cung Đình Thanh. Hội làng một đặc trưng của ngày Tết nguyên đán ViệtNam. Tập san TT.

[12]. Nguyễn Hữu Thức. Tín ngưỡng trong Lễ hội làng Miêng Hạ. Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 116/1994.

[13]. Phương Anh. Ba lễ hội tình yêu và phồn thực cổ truyền. Tạp chí Văn hiến ViệtNam, số 1 [57]/2006.

Video liên quan

Chủ Đề