Khâu tài chính là gì

Tài chính là phạm trù kinh tế mang tính lịch sử, hoạt động sử dụng tài chính gắn với các hoạt động kinh tế xã hội chính vì vậy nên hoạt động tài chính trong thực tiễn rất phong phú và đa dạng gắn với việc sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong mỗi lĩnh vực của hoạt động tài chính hình thành một khâu tài chính có những đặc trưng nhất định và có mối quan hệ với các khâu tài chính khác. Trong quá trình phát triển của đất nước, những thay đổi của điều kiện kinh tế xã hội kéo theo sự thay đổi của hệ thống tài chính.

Như vậy, hệ thống tài chính có thể hiểu là hệ thống thống nhất bao gồm nhiều khâu. Mỗi khâu là một nhóm các quan hệ tài chính có cùng đặc điểm, tính chất, nội dung kinh tế có cơ chế hình thành và sử dụng đặc trưng để phân biệt với các khâu khác, các khâu trong hệ thống tài chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong nền kinh tế bao cấp, hệ thống tài chính do Nhà nước điều hành, mọi hoạt động kinh tế chủ yếu bằng các chỉ tiêu pháp lệnh, xí nghiệp nào làm ăn thua lỗ thì được bù lỗ nên các quan hệ tài chính chỉ tồn tại trong mối quan hệ với chủ thể là nhà nước còn gọi là tài chính nhà nước bao gồm các khâu: Ngân sách Nhà nước, tài chính tín dụng, bảo hiểm.

Trong nền kinh tế thị trường, với sự thay đổi của quan hệ kinh tế, các hình thức sở hữu mới xuất hiện và được thừa nhận, hệ thống tài chính cũng thay đổi, xuất hiện các quan hệ tài chính mới phù hợp với nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện quốc tế hoá đời sống kinh tế, hệ thống tài chính nước ta cũng có những nét tương đồng và hoà nhập vào hệ thống tài chính quốc tế.

Hình minh họa. Hệ thống tài chính trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Hệ thống tài chính hiện hành có 5 khâu: Ngân sách Nhà nước, Tín dụng, Bảo hiểm, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính hộ gia đình và các tổ chức phi kinh doanh. Quỹ Ngân sách nhà nước: được xem là khâu tài chính quan trọng thể hiện bằng các quan hệ tài chính phát sinh trong quá trình nhà nước lập, phân phối và sử dụng quỹ Ngân sách Nhà nước, đặc trưng bằng quỹ tiền tệ của hệ thống chính quyền nhà nước ở các cấp, gắn liền với việc thực hiện chức năng của nhà nước. Đặc trưng của khâu tài chính này là luôn có sự tham gia của nhà nước trong quan hệ. Ngân sách Nhà nước tác động đến sự hoạt động và phát triển của toàn bộ nền kinh tế – xã hội. Qua kênh thu Ngân sách Nhà nước huy động và tập trung một bộ phận các nguồn tài chính của các khâu tài chính khác nhau dưới hình thức: thuế, các khoản thu mang tính chất thuế… Qua kênh chi Ngân sách Nhà nước để cấp phát vốn, kinh phí tài trợ về vốn cho các tổ chức kinh tế…

Tài chính tín dụng: thể hiện thông qua các quan hệ tài chính phát sinh trong quá trình tạo lập và sử dụng các nguồn vốn tiền tệ của các chủ thể khác nhau trong xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, khâu tài chính này phong phú đa dạng hơn, bên cạnh sự tham gia của nhà nước dưới hình thức tín dụng nhà nước như phát hành trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ đầu tư…góp phần hình thành quỹ Ngân sách Nhà nước thì còn có sự tham gia của các chủ thể trung gian là các tổ chức tín dụng hình thành nên các quỹ tiền tệ trung gian cung ứng vốn cho nền kinh tế với các mục đích khác nhau của các chủ thể tham gia.

Tài chính bảo hiểm: gắn liền với việc hình thành và sử dụng các quỹ bảo hiểm phát sinh trong quan hệ với các chủ thể tham gia là bên mua bảo hiểm thông qua hình thức đóng phí bảo hiểm và bên bảo hiểm thông qua hoạt động thu phí bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm như quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm của các tổ chức kinh doanh bảo hiểm.

Tài chính hộ gia đình và các tổ chức phi kinh doanh: là một tụ điểm vốn quan trọng, các quỹ tiền tệ này chủ yếu cho mục đích tiêu dùng, đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình hoặc là nguồn thu từ phí đóng góp của các hội viên, của các tầng lớp dân cư trong và ngoài nước, của các tổ chức phi Chính phủ sử dụng vào mục đích tiêu dùng hoặc đầu tư vào kinh tế thông qua hoạt động của thị trường tài chính.

Tài chính doanh nghiệp: là tài chính của các tổ chức kinh doanh hàng hoá và dịch vụ thuộc các thành phần kinh tế, thể hiện các quan hệ tài chính vận hành theo cơ chế kinh doanh hướng tới mục đích lợi nhuận. Nhờ quá trình huy động, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ cho mục đích kinh doanh trong các doanh nghiệp mà nguồn tài chính của xã hội được tạo lập.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, các khâu trong hệ thống tài chính có thể thiết lập mối quan hệ trực tiếp với nhau hoặc cũng có thể liên hệ thông qua thị trường tài chính.

Thị trường tài chính không phải là một khâu trong hệ thống tài chính, song nó là môi trường mà hệ thống tài chính vận động. Thị trường tài chính cũng là một khái niệm để làm rõ phạm trù tài chính.

Thị trường tài chính là một khái niệm tổng hợp, nơi diễn ra các hoạt động “mua – bán” trong lĩnh vực tài chính bao gồm cả những chủ thể tham gia hoạt động và nơi diễn ra hoạt động đó. Đối tượng “mua bán” ở thị trường tài chính là quyền sử dụng các nguồn tài chính ngắn hạn hay dài hạn [tín phiếu, cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư….] trên thị trường tài chính, người mua và người bán đều có thể là tất cả các chủ thể đại diện cho từng khâu của hệ thống tài chính.

Thị trường tài chính là cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và người bán quyền sử dụng các nguồn lực tài chính, cho phép huy động tối đa mọi nguồn lực tài chính trong nền kinh tế cũng như các nguồn lực tài chính ở nước ngoài. Trên cơ sở điều kiện, tính chất, thời gian sử dụng và hình thức vận động của các nguồn tài chính nãy sinh sự chuyên môn hoá và sự phân biệt: thị trường tiền tệ: nơi trao đổi sử dụng các nguồn tài chính ngắn hạn; thị trường vốn: nơi trao đổi sử dụng các nguồn vốn dài hạn, chủ yếu nhằm mục đích đầu tư dài hạn vào mục đích kinh doanh như vốn cố định, vốn lưu động của các doanh nghiệp; thị trường chứng khoán: nơi trao đổi mua bán các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng các nguồn tài chính và quyền nhận lợi tức trên các chứng từ đó. Chứng khoán được mua bán ở đây bao gồm tất cả các giấy chứng nhận quyền sử dụng các nguồn tài chính dài hạn cổ phiếu, trái phiếu và cả các chứng từ có giá ngắn hạn như tín phiếu, giấy nhận nợ các loại. Hoạt động “mua – bán” trên thị trường vốn thường đi kèm với việc lưu hành khá phổ biến các giấy chứng nhận: cổ phiếu, trái phiếu. Sự lưu hành các giấy chứng nhận đó làm nảy sinh thị trường chứng khoán, các chủ thể tài chính có thể trao đổi các nguồn vốn tiền tệ của mình thông qua thị trường chứng khoán.

Xem thêm:Khái niệm tài chính là gì?

Chủ Đề